Chẳng biết từ bao giờ tôi có thói quen café một mình, có khi buổi sáng nhưng thường thì vào buổi chiều khi đi làm về. Chiều nay cũng vậy, lại một mình với ly café không đường. Quán nhỏ thì thầm một bài hát thật buồn Lên xe tiễn em đi… chưa bao giờ buồn thế…trời mùa đông Paris…suốt đời làm chia ly… Những bài hát chia ly bao giờ cũng làm người ta xao xuyến và day dứt… dường như mình là người có lỗi trong sự chia ly ngày trước. Chia tay nhau, đôi khi chẳng vì ai cả, chỉ vì thế thôi… Đọc ở đâu đó về “sự/trạng thái lưỡng lự”… Chia tay, có khi là chấm dứt một sự lưỡng lự có thời hạn để bước vào một cuộc lưỡng lự khác, kéo dài suốt cả cuộc đời. Nhưng cuối cùng thì vẫn phải có một quyết định gì đó chứ…
Cổ tích thường có một câu chuyện, đại khái có nàng công chúa xinh đẹp dịu hiền, được làm vợ một chàng hoàng tử đẹp trai, giàu có, tài giỏi. Nàng luôn được chồng yêu thương chiều chuộng… nói chung là nàng có một cuộc sống vô cùng hạnh phúc. Chàng hoàng tử còn đưa nàng giữ chùm chìa khóa của tất cả các căn phòng trong lâu đài to lớn họ đang sống. Và chàng dặn rằng, nàng có thể mở cửa mọi căn phòng, những căn phòng chứa toàn vàng bạc châu báu, hoa thơm cỏ lạ, là niềm vui, là sự hài lòng, là những điều tốt đẹp… Duy chỉ có một căn phòng ở cuối lâu đài là nàng không được phép mở, nhưng chàng cũng không bao giờ nói với nàng trong căn phòng đó có gì… Rồi một lần, tình cờ đứng trước căn phòng đó, lại có chìa khóa trong tay, lại không bao giờ nghĩ rằng chồng mình có điều gì bí mật, lại không thắng được sự tò mò rất đỗi đàn bà, nàng công chúa bèn mở cửa căn phòng bí mật… và tất nhiên, nàng nhìn thấy đầu lâu của những nàng công chúa khác…Kết thúc câu chuyện thế nào mọi người đều đã biết…
Kết luận sau khi nghe câu chuyện này là gì? Đem hỏi những người phụ nữ tuổi từ U.30 đến U.60 (theo kiểu Game Show Chung sức của HTV: câu hỏi này chúng tôi đã khảo sát trong 100 người, và…) đáp án được nhiều người lựa chọn nhất là: Đàn bà - nếu “may mắn” được làm công chúa thì hãy cứ là một nàng công chúa, hãy chỉ nhìn những gì chồng cho/ cho phép nhìn thấy (những gì tốt đẹp – hay là có vẻ tốt đẹp). Đừng mong/ muốn/ đòi/ hỏi được nhìn/ thấy/ biết/ hiểu điều gì khác… Cứ thế thì sẽ chẳng có gì xảy ra… Thế nhưng nếu đã lỡ nhìn/ thấy/ biết/ hiểu thì sao? Thì hãy giả vờ như chưa/ không có gì xảy ra, dù có thể với một số (không ít) phụ nữ cái sự giả vờ này “hơi bị khó”!
Đấy là cái kết luận “thuần túy lý thuyết” mà những người phụ nữ trên rút ra. Tuy nhiên trong cuộc sống bây giờ “cổ tích” này thường có một/ vài kết thúc như sau:
1) Hoặc nàng công chúa không bao giờ muốn/ dám tò mò tìm hiểu căn phòng bí mật của chồng (hỏi làm gì, nếu anh ấy/ ông ấy/ lão ấy… bảo rằng trong đó có… thì sao. Làm gì được anh/ ông/ lão ấy nào, có khi còn bị thế này, thế khác…);
2) Hoặc nếu do tình cờ/ cố ý biết được sự thật, đau đớn vì bị tổn thương nhưng đầy lòng tự trọng, nàng công chúa bèn ra đi (tất nhiên, nếu chồng nàng tử tế để cho nàng ra đi, hoặc sau khi đã hành hạ nàng chán chê …);
3) Nhưng cũng có thể, sau khi đau đớn vật vã kể lể khóc lóc hay là nổi “cơn tam bành” lên… nhưng khi được/ bị chàng dỗ dành/ dọa nạt/ đánh đập, nàng quá chán nản/ sợ hãi… bèn tặc lưỡi “bỏ qua”… vẫn tiếp tục sống như thế, như thế, trở nên dửng dưng, với tất cả…
Và 4) Cứ thế cho đến một lúc nào đó, có thể chính nàng công chúa lại có một căn phòng bí mật…Và khi ấy cổ tích sẽ bắt đầu với hướng ngược lại. Nhưng có lẽ chỉ có một kết thúc mà thôi… (!).
Mà thôi… chiều đẹp thế kia mà cứ ngồi “triết lý” vụn làm gì nhỉ… Hãy cứ cà phê một mình mà ngắm chiều tím loang vỉa hè, mà mơ màng chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những chuyến xe… Rồi sau đó thì về nhà thôi, để tiếp tục cái cuộc lưỡng lự đã bắt đầu từ hơn hai chục năm qua… Lưỡng lự vì nó chẳng giống hẳn một phương án nào trong ba (à, bốn) phương án kể trên…
Tôi thì như thế, còn bạn thì sao…?
Nói thêm.
Có bạn bảo rằng tôi “quá cực đoan!”. Có lẽ vậy, vì tôi chẳng đưa ra được một kết thúc nào “có hậu” cả, mà đã là Cổ tích thì thường là/ cần phải kết thúc có hậu (bây giờ những chuyện gì kết thúc tốt đẹp người ta cũng hay bảo: như cổ tích!). Vậy thì, tôi sẽ nêu ra cái kết thúc thứ nhất – có hậu như những câu chuyện cổ tích khác. Đó là:
1) Sau khi bí mật bị bật mí, chàng hoàng tử bèn ăn năn hối lỗi, thề sống thề chết sẽ không bao giờ tái phạm lỗi lầm… và nàng công chúa lòng đầy bao dung, tha thứ cho chồng. Từ đó họ sống yên ổn bên nhau cho tới khi đầu bạc răng long… Còn căn phòng chứa đầy di tích của “lỗi lầm” được khóa cửa vĩnh viễn, chìa khóa bị bẻ ra, nghiền nát vụn thành bột, gửi gió cho mây ngàn bay…
Đến đây có thể coi như hết chuyện. Nhưng, sự đời cứ hay rắc rối thế, cái thứ bột nghiền từ chiếc chìa khóa ấy bay khắp bốn phương trời, các chị em phụ nữ hít phải, và từ đó câu chuyện xuất hiện các kết thúc như trên… Tất nhiên thứ tự tiếp theo với mức độ “bi quan” tăng dần là 2, 3, 4, và 5.
Hy vọng khi có thêm một kết thúc có hậu, bạn sẽ không phải lưỡng lự khi chọn lựa đoạn kết cho câu chuyện cổ tích của mình.
Nhưng mà biết đâu đấy…
Thực ra nói cổ tích kết thúc có hậu là theo hướng khác: đó là cái ác phải bị trừng trị và cái thiện sẽ chiến thắng. Chứ không hề có ác thiện dung hòa. Nếu có sự dung hòa có chăng chỉ do sự cải tâm tà ác thành tâm chính thiện.
Trả lờiXóaĐể có sự cải tạo ấy bản thân kẻ ác trong một góc tâm hồn nào đó phải còn sót lại một mảy tính thiện.
Than ôi! Liệu điều đó có không khi những kẻ đã làm ác thành quen để đến nỗi đầu lâu các công chúa chất đầy buồng.
Phải diệt ác!
vậy đừng nên bắt đầu một câu chuyện cổ tích làm gì, cô nhỉ? :)
Trả lờiXóa