tình yêu của tui :))








Đây là tình yêu của HKC tui :)) Lẽ ra nàng phải gọi tui tới bằng Bà, vì mẹ nàng chỉ bằng tuổi con gái tui thôi. Nhưng nàng luôn gọi tui là Má Hậu :)
Nàng có một vài thú vui vô cùng tao nhã, như vớ điện thọai di động của bất cứ ai và mang vào nhà tắm, vặn vòi nước vào điện thọai. Hoặc xỏ vào giày của mẹ, đi 2,3 bước và hất tung giày ra cửa, hoặc tìm bút vẽ lung tung lên bất kỳ cuốn sách nào. Nghe dọa "con gián kìa" thì nàng có vẻ sợ hãi, nhưng nhìn thấy con gián thật thì nàng cầm dép đập luôn... ... Nếu như bị ba mẹ la thì nàng leo lên giường và buông mình nằm lăn ra, mặt đầy đau khổ... trong 5 phút. Sau đó bắt đầu lại những trò quậy mà không ai có thể biết trước là gì :)) :))

Những mảnh vỡ (27)

Nhà không có đồng hồ

Một ngày nhìn quanh chị chợt phát hiện ra trong nhà không có một chiếc đồng hồ nào cả!

Đầu tiên chị ngỡ ngàng rồi hốt hoảng: không biết bây giờ là lúc nào???

Hôm qua, hôm nay, ngày mai…là bao giờ?

Nhưng rồi lòng bỗng bình yên. Có cần phải đo đếm thời gian không, khi đã, đang và sẽ sống hết mình, với cuộc đời, với con người…?

Quay lưng ra cửa

Nó có thói quen hay ngồi quay lưng ra cửa. Ít ai có một thói quen lạ lùng như thế, vì luôn sợ rằng mối nguy hiểm nào đó đang/ sẽ đến ngay sau lưng làm mình không kịp trở tay. Vì vậy họ luôn chọn cách ngồi nhìn ra cửa một cách an tòan.

Còn nó, không phải nó không bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi đó. Nhưng nó vẫn chọn cách ngồi như thế bởi vì trước mặt nó bao giờ cũng là Anh, người luôn nhìn ra cửa để giữ cho nó được bình yên!

Mơ (viết lại từ TMK)

Anh hay mơ giữa ban ngày. Trong mơ anh thấy mình được sống một khỏanh khắc khác, một không gian khác, tình huống khác. Trong cơn mơ ấy anh khám phá ra một con người khác trong mình, có một cuộc sống mới, trọn vẹn hơn, mỹ mãn hơn.

Còn em, những giấc mơ thường đứt đọan. Để rồi cứ trăn trở giữa Ảo và Thực. Em đã đánh mất nhiều cơ hội để tìm lại một bản thể khác của chính mình.

Có lúc nào đó, trong cơn mơ anh sẽ giúp em có một giấc mơ, trọn vẹn?

CHÚC MỪNG HỌC TRÒ - ĐỒNG NGHIỆP


Đây là bạn Võ Thị Ánh Tuyết, hiện là giảng viên Khoa Lịch sử trường ĐHKHXH&NVTPHCM. Bạn ấy là học trò của HKC tui, vừa bảo vệ thành công Luận văn thạc sĩ Khảo cổ học đạt lọai Xuất sắc. Hôm nay cũng là ngày Đại Hỷ của bạn ấy. Chúc học trò Hạnh phúc trong cuộc sống, thành đạt trong nghề nghiệp khảo cổ và giảng dạy.

Tiết kiệm

Ông bố triệu tập cả nhà họp khẩn cấp. Sau khi ông bố nói về mục đích ý nghĩa của buổi họp là việc tiết kiệm chi tiêu trong thời buổi lạm phát, bà mẹ liền trình bày ngay kế họach cắt giảm tiền chợ cho mỗi bữa ăn: 1 tuần chỉ có 2 bữa thịt cá còn lại là rau đậu (ông bố nghĩ ngay: sao không thấy cắt giảm tiền bún riêu bún bò hủ tiếu… mỗi sáng đi chợ của bả?). Cô Hai đề nghị tiết kiệm điện bằng cách tắt tòan bộ đèn trong nhà tắm, vì vào đó chỉ tắm và đi vệ sinh thì việc gì để điện cho phí (bà mẹ nghĩ: nó phải bớt ủi đồ mới phải, gì đâu mà mỗi ngày ủi cả chục bộ đồ đi làm đi chơi đi chợ ở nhà...). Cậu Ba nói tiết kiệm nước bằng cách ngày tắm 2 lần thôi, dạo này trời mát (cô Hai bực mình: ngày nào nó cũng liệng ra một đống quần áo bắt giặt ngay). Cậu Út hăng hái: cắt điện thọai nhà vì ai cũng có di động rồi (cậu Ba cười thầm: cắt rồi làm sao có NET cho mày vào mạng suốt ngày chat chit với bồ?)

Ông bố kết luận: các giải pháp mà các thành viên gia đình đưa ra rất tốt, có ý nghĩa thực tiễn và rất khả thi. Để mừng hội nghị thành công hôm nay cả nhà sẽ đi ăn tiệm. Hoan hô! Cả nhà ai cũng nhớ là xăng vừa tăng giá nhưng tội gì đi xe máy cho nắng nực, đi xe hơi cho mát! Ngòai đường kẹt xe hàng dài, khói bụi hơi xăng mù mịt…

Ở nhà, cô ôsin vừa xả nước ào ào tưới cây vừa vô tư “tám” với bạn qua chiếc điện thoại bàn. Phòng khách lạnh ngắt nhưng cô không thèm tắt máy lạnh, “kệ, có phải mình trả tiền điện đâu!”.

Một góc Đà Nẵng và Cù lao Chàm

Một sớm mai ở Đà Nẵng, lang thang một mình trên đường Bạch Đằng.

Và một ngày ở Cù lao Chàm với trăng 14

· · Chia sẻ · Xóa

HỘI AN


bác HT Tú dừng xe cho mềnh chụp hình. Không có mấy chữ này thì khó biết đây là Ngũ hành sơn :(

Chỉ còn thế này

tháp và thang máy cạnh nhau - tân cổ giao duyên

may mà Hội An còn như thế này

Em gái, bạn trên FB giờ mới gặp.


HKC qua mắt XUÂN BÌNH

Đi…và tìm thấy người bạn

Inrasara

Cảm nhận Đi… và tìm trong Đất,

tập kí và tạp bút của Nguyễn Thị Hậu, NXB Thanh niên, H., 2007

Nguyễn Thị Hậu là nhà khoa học, chuyện ai cũng biết rồi. Lãnh đạo một Viện nghiên cứu khoa học nữa. Thì chắc chắn con người ấy có cái gì đó nghiêm túc, trịnh trọng và cả long trọng. Ở đó có họp hành chỉ đạo, có nhăn trán ưu tư, có trừng mắt khiển trách, có cả cái cười vuốt trên ngó xuống.

Nguyễn Thị Hậu lại là nhà khoa học về món mà thiên hạ lâu nay rất ngán ngại: khảo cổ. Nghĩa là muôn năm bới tìm, soi xét, bận bịu với trùng trùng thứ đã bị vùi chôn dưới đất. Lâu và dài là thời gian. Càng dài càng lâu càng tốt, càng giá trị, càng gây thú vị.

Sống giữa nhộn nhịp phố thị sôi động nhất nước, kẻ nữ người Nam giọng Bắc ấy lại tìm đối thoại với người thiên cổ cùng đồ vật xuất hiện từ thiên cổ… lụy. Cày xới một vùng đất: Đồng Nai, Sài Gòn, Hoàng thành Thăng Long. Săm soi một vật thể: mộ chum, lò gốm, khuyên tai hai đầu thú,…

Và để lại “những bài viết giàu yếu tố sử liệu và những phát hiện khảo cổ học”.

Thành tựu đó nguy cơ đẩy nhà khoa học ấy ngày càng trịnh trọng hơn, nghĩa là càng rời xa cuộc sống, cuộc người hơn, chắc thế.

Người đời có xu hướng đánh giá một hoạt động ở thành quả của nó mà ít khi nhìn thấy con đường đi đến thành quả đó cùng những cái gì xảy ra xung quanh nó. Vùng ngoại vi của hoạt động chính lưu của con người. Nếu có, chỉ để thỏa mãn tính tò mò, tọc mạch. Trong khi chính vụ việc ngoại vi này mang đầy dấu ấn con người. Với những vui và buồn, cô đơn và chán nản, mồ hôi và nước mắt, bỏ đi và quay về,… Rất nhân tính. Bởi dẫu thế nào đi nữa, nhà khoa học vẫn là con người.

Viết Đầu xanh tuổi trẻ, chúng ta biết Dostoievski đã phải chạy trốn nợ để viết. Viết để trả món nợ đang vào những ngày đáo hạn. Biết - không phải để thoả mãn nỗi tò mò rằng mình đã biết được chuyện một vĩ nhân văn chương đã rơi vào hoàn cảnh túng bấn như thế. Mà qua đó, khuất lấp ở bề sau tác phẩm vĩ đại đó, hằn bao nhiêu là sự thất thố, nỗ lực vươn dậy, đôi lúc ngã lòng muốn bỏ cuộc, có oán thán và có giây phút vui sướng tột cùng khi dòng cuối cùng được viết ra: ông đã thoát nợ. Nó rất con người.

Hành trình đi đến thành quả cũng giá trị ngang bằng thành quả là thế.

Đằng sau “Táng tục mộ chum…”, “Vật liệu kiến trúc bằng đất…”, là Nguyễn Thị Hậu “Càfê một mình”. Không chật vật với bận bịu đào bới, kêu hô, hết còn bộn chộn lau chùi hay phục chế, vứt bỏ mọi nỗi họp hành, lương bổng với thi đua lập thành tích sau lưng. Càfê một mình, một mình thôi:

“Chiều nay trời Sài Gòn đẹp vô cùng… Nắng thật nhẹ, không khí thật dịu, và Sài Gòn thật yên bình nếu vắng tiếng ồn ã và khói bụi của những dòng xe chạy không dứt trên đường. Tiết trời làm người ta thèm đến một chốn thật riêng tư, một mình, ừ, cùng lắm là hai người, ngồi thật yên chỉ để lắng nghe từng giọt café đang rơi thật chậm, như chiều ngoài kia”.

Và bên cạnh Nguyễn Thị Hậu khảo cổ là một Nguyễn Thị Hậu nhớ cha, nhớ thầy, nhớ tuổi thơ đầy ắp kỉ niệm thơ mộng; là một Nguyễn Thị Hậu của Đà Lạt mùa vắng dã quỳ, Paris mùa thu tím,…

Không phải Nguyễn Thị Hậu phân thân mà là nhất thể. Ở đó chúng ta nhận ra một người bạn trọn vẹn hơn: Nguyễn Thị Hậu-con người.

Sài Gòn, 04.03.2008

(Bài này bạn viết lâu rồi giờ mới biết, hihi)

viết tản văn thật dễ?

Đọc tản văn “Quay qua quay lại” của Nguyễn Thị Hậu.

“Tháng Ba, ở Sài Gòn không thấy rõ cái rạo rực sinh sôi của “mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước” như tháng ba Tây Nguyên. Nhưng thoáng đâu đây sức sống bừng lên đỏ rực những chùm bông giấy trên phố, ẩn hiện đâu đó trên gương mặt người thiếu nữ rạng ngời, trên đôi vai vững chãi của chàng trai trẻ. Tháng Ba, mùa nắng đang chầm chập nhường chỗ cho mùa mưa đến sớm…” (Những khoảng lặng Sài Gòn).

“Con đường nhỏ được tráng xi măng bằng phẳng sạch sẽ. Những ngôi biệt thự nhỏ, vài căn nhà phố, một hai ngôi nhà cao tầng nhưng tất cả đều mang vẻ trầm lặng sau những bức tường cũ loang lổ vôi và những cánh cổng sắt tróc sơn mỗi lần đóng mở kêu kin kít. Ngõ yên tĩnh đến mức các số điện thoại quảng cáo dạy kèm học thêm khoan cắt bê tông… cũng buông tha không làm bẩn những bức tường, dường như không nỡ làm ngõ vắng giật mình.” (Ngõ Hoàng Anh).

“Nhớ những sớm mùa đông mù sương, giá lạnh làm ta lười biếng, chỉ muốn nằm trong chăn ấm, bật ngọn đèn nhỏ đầu giường…. Ánh sáng ấm áp soi lên trang sách của một cuốn truyện ngẫu nhiên có được trong tầm tay. …. (Đoản khúc Hà Nội)

Những đoạn văn đầy cảm xúc ấy được trích trong tập tản văn “Quay qua quay lại” của tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu. Góp mặt cùng Những khoảng lặng Sài Gòn, Ngõ Hoàng AnhĐoản khúc Hà Nội ở trên còn có Qúy bà mùa thu, Tháng Tư về, Một ngày hè Tam Đảo, Phố xưa, Hà Nội trong tôi, Những khoảng lặng của Sài Gòn, Thạch Thảo ngày xưa, Ngoại ô, Chiều phai, Gặp lại dã quỳ, Đi qua mùa đông...vv… Có thể nói đấy là những ghi chép dịu dàng, thoảng buồn và nhiều ẩn kín của người đàn bà đa cảm.

Trong tư duy người Phương Đông, thiên nhiên đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nó là người bạn thân thiết, và hơn thế, khi đánh thức trong ta những cảm giác rất con người (mà cuộc sống náo nhiệt từ lâu tước đoạt). Có thể nói, cảm nghiệm đủ đầy về thiên nhiên cho ta cảm nghiệm đủ đầy về thế giới: sự lắng đọng của tâm hồn, sự hữu hạn của kiếp người: “Hôm đứng trên đỉnh Bạch Mã nhìn xuống đèo Hải Vân uốn lượn rồi mất hút, nhìn xuống phá Tam Giang xa mờ biển lẫn vào mây, nhìn xuống rừng Bạch Mã xanh ngút ngát… chợt ước biến thành hạt bụi hay một giọt sương, tan trong không trung, nhẹ nhàng, không dấu tích. (Một đoạn đường miền Trung)…. và cả sự mất mát mà thời gian đem lại: “Bây giờ, khi cây cầu cổ xưa nối liền thành phố và thị trấn không còn là con đường huyết mạch nữa vì đã có cầu mới thay thế, đi qua thị trấn chỉ còn vài chuyến xe lửa, thị trấn cũng mất đi sự náo nhiệt ngày nào” (Ngoại ô). Vậy đó, “Cuộc sống cứ trôi đi…. Bên dưới cái mặt phẳng đơn điệu của thời gian, ký ức vẫn ẩn sâu, bé nhỏ mà sắc nhọn như gai trên thân bụi tầm xuân mọc đầy khu vườn nhà ai mà có lần đi qua đã ước ao được bước vào” (Những khoảng lặng Sài Gòn)

Ở ta, những người viết tản văn, tạp bút vv... thường chịu đựng ánh nhìn định kiến từ độc giả: “Viết thể loại này không cần dụng công mà chỉ cần có cảm xúc và… thời gian là được”! Thiết nghĩ, cảm xúc cũng có rất nhiều loại. Có loại thô sơ ngớ ngẩn khiến ta chán ghét, có loại thoảng qua tầm thường vô vị, không đọng lại chút ý nghĩa nào nhưng cũng có loại thẳm sâu day dứt….khiến ta bâng khuâng và mãi chìm đắm suy tư ấy. Có lẽ, yêu cầu mật thiết dành cho người viết thể loại này là cảm xúc phải đủ mạnh, đủ gây sự ám ảnh, đủ sức dẫn dắt độc giả vào thế giới riêng tư…. không còn cách nào khác, họ buộc phải có phong cách riêng. Mặt khác, vì cảm xúc là cái không thể sáng tạo cho nên người viết hẳn luôn tươi mới, tràn đầy và trí tuệ; cảm xúc theo đó mà sinh động hơn thay vì chai cứng, lầm lì… theo thời gian.

“Chẳng có gì là dễ dàng”, chị Hậu tâm sự. Vâng, thế nên, yêu cầu chị…. tiếp tục viết !

Hồng Ân

(Báo Văn nghệ TPHCM số 150 ngày 17/3/2011)

NGOÀI PHỐ MÙA ĐÔNG...



Bạn nhắn: đang chạy xe trên xa lộ. Đầy trời tuyết trắng. Nhớ cái nắng ấm áp của Sài Gòn quá…
Uh, Sài Gòn đã qua hết mùa xuân khi mà cái nắng tháng ba gắt gay đến thế. Nhưng chiều đến dường như chút mùa đông vẫn còn rơi rớt khi gió heo may xào xạc trên những con đường. Day dứt câu hát bên tai Con đường thật buồn một ngày cuối đông…
Ngày cuối đông… nhưng mùa xuân nơi bạn vẫn còn xa lắm…
Ngày cuối đông… vậy mà mình như chỉ thấy một ngày cuối thu…



BỖNG DƯNG MUỐN KHÓC...

Ba - qua hồi ức của nhà thơ Phan Vũ

Hôm nay là sinh nhật của Ba tròn 90 tuổi.

Gia đình thường tụ hợp đông đủ với Ba vào ngày giỗ Ba, nhưng vào ngày này ở nhà thế nào má cũng nấu mấy món Ba thích, cá lóc nấu canh chua và kho tộ, bông bí xào tỏi, nướng 1, 2 con khô cá sặc trộn gòi sầu đâu và dưa leo… Rồi như hai mươi mấy năm trước đây, con vẫn về ngồi với ba, hai cha con mình cùng ngồi lai rai vài chai bia. Uh, mà Ba lai rai chớ con thì chỉ phá mồi của Ba thôi, nhưng sẽ ngồi với ba để nghe ba nói chuyện đời, để thỉnh thỏang ra vẻ "ngây thơ" hỏi ba chuyện này chuyện kia, rồi khóai chí nghe ba giảng giải, có khi thấy Ba ngạc nhiên về chuyện này chuyện khác, về người này người kia “ủa, sao kỳ dậy?” mà con lại thấy thương ba vô hạn… Ba ơi, nếu mà ba còn sống, mấy đứa cháu của Ba chắc sẽ cười và bảo rằng: Ôi ông ngọai sao cứ mãi tuổi TIN (teen)!

Thi thỏang con vẫn gặp ba về với con trong mơ… Đó là những lúc con gặp điều không vui, những lúc con buồn lòng vì người này, vì chuyện nọ… Những lúc ấy con nhớ ba, mong có một người hiểu con như ba, thương con như ba, để con có thể dựa dẫm mà không thấy ngại ngần, để con có thể hờn giận mà biết rằng mình luôn được tha thứ…

“Con gái giống cha giàu ba họ”, người ta bảo thế. Giàu có thì nhà mình chẳng bao giờ giàu có, nhưng cũng chẳng phải quá nghèo, vì mình có một nghề tử tế để kiếm sống. Biết đủ là đủ, ba vẫn dạy con như thế mà.

Người ta còn bảo “con gái nhờ đức cha”. Con nghĩ, con cái còn là Đức của cha. Nhìn con cái người ta có thể biết cha mẹ là người thế nào. Sống thế nào để cha mẹ không bị thiên hạ “mắng vốn”, con cố gắng sống như thế, và cũng mong con cái mình như thế…

Một nén nhanh đợi Ba về...

VIẾT CHO MÌNH :)


Trong các cuộc cà phê hay bữa nhậu, bạn mình (gồm các ông anh, ông bạn, cả ông em nữa), sau khi ca ngợi vợ (bồ) mình đủ các nét hay vẻ đẹp tính tốt, thỉnh thỏang (thỉnh thỏang thôi) nhăn nhó hỏi mình vài “chuyện đàn bà”. Những chuyện mà họ hay hỏi (theo thứ tự nhiều ít) là:

1/ sao mà bà ấy (cô ấy) nói nhiều thế, có thể nói bất cứ lúc nào bất cứ chuyện gì J)

2/ sao mà bà ấy (cô ấy) hay nói… về người khác thế (hihi, ko dùng từ “nói xấu” nha), mà lại tòan chê bai, chê từ bạn gái đến đồng nghiệp, đến người hàng xóm, đến cả người qua đường J, chê từ công dung ngôn hạnh đến tài sản và cả chồng con nhà người ta…

3/ sao mà bà ấy (cô ấy) chuyện gì cũng quan trọng hóa thế nhỉ, động chút là căng thẳng gắt gỏng hở chút là than thở khóc lóc L

4/ sao mà bà ấy (cô ấy) hay nói (thẳng, bóng gió) về chuyện tiền nong (và ghen tuông) thế nhỉ?

Mình bảo: thế các ông/anh/em muốn gì nào: Vợ cả ngày ko nói một câu? Ko bao giờ nhận xét về ai? lúc nào cũng bình thản như búp bê? Ko biết tiền nong hết còn chợ búa đắt rẻ? Hay muốn tất cả?

Bọn họ đều ko trả lời… chỉ “thở dài não nuột”, dường như họ mặc nhiên cho rằng nếu không có mấy cái đó thì không là phụ nữ. Vậy nên kêu là kêu thế thôi chứ… chả thay đổi được gì J. Bởi vì sau khi than thở bèn kết luận “Vợ là chứng chỉ vua ban, có sao dùng vậy miễn bàn đúng sai”, họ lại vui vẻ uống cà phê hoặc uống bia, rượu, tào lao nhiều chuyện khác, sau đó lại vui vẻ đi về (về nhà mình hay đi đâu đó trời biết).

Nghĩ đi nghĩ lại, hình như phụ nữ bọn mình cũng hay thế thật (rất là so-di bạn nào ko như thế!). Có khi chỉ là nói cho vui miệng, nhưng quả là có lúc làm người nghe mệt mỏi thật! Có khi “tám” xong quên ngay, nhưng “những lời có cánh” ấy nó bay tứ tung, đậu xuống tai người này chui vào đầu người kia, nếu cũng là phụ nữ nữa thì… lại bắt đầu cái vòng luẩn quẩn… Có khi (mà hình như cái này hơi bị nhiều) tự cho mình cái trách nhiệm phải nhắc nhở khuyên bảo dạy dỗ từ trong nhà ra ngòai đường đến cơ quan nên... hay nhận được phản ứng bằng một câu mang tính “tổng quát”: đúng là đàn bà!!! Lại nhớ một chuyện: bạn mình mới có con dâu, mình đi công tác ko dự đám cưới được. Khi về hỏi thăm: sao, con dâu mới thế nào? – Công dung ngôn hạnh đều được, riêng Ngôn thì còn kém xa mẹ chồng :D

Có người bạn nói về cô nhân viên lâu năm của anh ấy. Anh kể ra rất nhiều ưu điểm của cô ấy, từ vẻ ngòai đến khả năng làm việc. Mình hỏi: cái gì làm ông quý cô nhân viên này nhất? Bạn suy nghĩ một lát rồi trả lời: đó là vì cô ta luôn đem lại cảm giác nhẹ nhõm cho ngừơi đối diện, dù tình huống khó khăn đến mấy cô ta cũng nhìn nhận nó một cách tích cực và làm yên lòng mọi người xung quanh. Bên cạnh một người như thế thật dễ chịu và thoải mái.

Được như thế không phải là dễ dàng, mình biết, nó vừa là khả năng bẩm sinh lại vừa cần sự mẫn cảm tinh tế có được bằng sự từng trải… Uh, thế thì mình có một nhời tự chúc nhân ngày Phụ nữ: hãy cố gắng mang lại sự nhẹ nhõm, bình an cho "những người sống quanh tôi!"

P/S: nhiều khi mình cũng rất chi là “tủi thân” khi bạn kể lể với mình những chuyện “đàn bà” như thế, vì hình như bạn ko coi mình là … phụ nữ, hic hic J)

Phát hiện mới về chuyện THỎ VÀ RÙA


Cổ tích có chuyện rùa chạy thi với thỏ, họ hàng nhà rùa “đòan kết” nên Thỏ bị thua. Nhưng đấy chưa phải là lần đầu thỏ thua rùa. Trước đó, ngày xửa ngày xưa, xưa ơi là xưa…
Khi ấy Thỏ rất thông minh nên học Y và làm bác sĩ cho cư dân cá rùa ếch nhái…trong một cái hồ nọ. Một ngày kia có con rùa nổi lên mặt hồ, ở chân có vết lóet. Bác sĩ Thỏ được ếch nhái báo bèn khám cho rùa, bôi thuốc, cho uống kháng sinh.
Vài hôm sau thấy rùa lại nổi gần bờ, vươn tay như muốn trèo lên, trên tay loang lổ vết thương. Ếch nhái lại kêu lên ầm ĩ, Thỏ lại đến thuốc men như thế… Được vài hôm nữa thấy rùa nhô lên, lần này bị thương ở đầu. Thỏ lo sợ bèn báo cáo với tắc kè là rùa bị thương khắp tòan thân, bệnh nặng lắm rồi, phải nhờ đến hội đồng bác sĩ chẩn đóan chữa ngay, nếu ko thì nguy to!
Tắc kè loan tin đi khắp nơi, chim thú nào cũng quan tâm lo lắng cho “rùa thể”. Nhân dịp ấy các lọai chim sẻ chim ri chào mào sáo sậu… tha hồ tung ra các lọai lá cải xanh vàng tươi héo… lá nào cũng đầy hình ảnh “chộp” bất cứ lúc nào nhìn thấy rùa. Tắc kè và thỏ bèn triệu tập hàng chục hội nghị hội thảo khoa học mời các lọai chim trong thú ngòai tham dự… bàn cãi chán chê túm lại vẫn chưa biết rùa bị bệnh gì mà lại lở lóet tòan thân như thế?!
Dưới hồ rùa cũng họp và tranh nhau xem con nào sẽ được lên bờ chữa bệnh trước: con đau tay hay con ghẻ chân hay con loét đầu?
Mãi sau này mới biết vì nước hồ ô nhiễm quá mà nhiều con rùa bị bệnh ngòai da. Bác sĩ Thỏ chữa mãi chữa mãi rùa vẫn không hết ghẻ… tưởng mình bất tài không chữa được bệnh cho… một con rùa, bèn bỏ nghề y đi làm vận động viên điền kinh. Về sau chạy thi thế nào mọi người đã biết.

MỘT NGÀY THÁNG BA



Một ngày bạn về, chưa hết tuần bạn lại sẽ đi… nhoáng nhoàng gặp nhau bên ly cà phê, vội vã vài tin nhắn giữa cuộc họp, cuống quýt trên đường kẹt xe đến với bạn… Lần nào cũng vậy, hình như bạn về tụi mình lại có ít thời gian “bên nhau” hơn khi bạn ở xa…
Bạn bận, mình cũng không rảnh. Cố gắng tận dụng mọi khoảng thời gian trống việc để ngồi với nhau và với bạn bè, vậy mà cũng có lúc nghe bạn nhắn qua điện thọai: uh… bận thì thôi vậy… như dấu một tiếng thở dài…
Lần nào bạn đi mình cũng tự nhủ, rồi bạn sẽ về, chỉ sang năm thôi. Vậy mà vẫn chống chếnh ghê gớm, ngay khi còn ngồi bên nhau, khi đang “tám” đủ chuyện trên đời, cả khi im lặng không cần nói gì… Rồi mình chia tay, có vẻ nhẹ nhõm như mọi lần chia tay, có vẻ thế, phải không bạn…
Mà sao bạn cứ ra đi vào tháng Ba, cái tháng trưa nắng Sài Gòn như nung mà chiều xuống đã như mang cả trời gió heo may. Cái tháng giao hòa giêng hai, bông giấy tím đỏ những con đường, người về bỗng nhớ…
Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại…
Chỉ thấy bạn mãi ra đi còn tháng ngày ở lại cùng mình.

viết cho tháng hai

(hình có tính chất minh họa)

Ở khu mộ cự thạch ở Hàng Gòn - Đồng Nai. Khắp nơi là những dải ti gôn mềm mại bò quanh phủ lên những phiến đá lớn nặng hàng chục tấn đã có hàng ngàn năm tuổi.

Thời gian...

Những công trình vĩ đại tưởng như sẽ tồn tại vĩnh cửu vậy mà rồi cũng sụp đổ

Loài dây leo nhỏ nhắn tưởng như đời sống ngắn ngủi thì mãi sinh sôi nảy nở

***

Xem trưng bày ở bảo tàng. Cổ vật nằm trong tủ kính, lặng lẽ.

Trống gươm một thời lừng lẫy, vàng son một thủa vinh hoa rồi cũng cùng nhau nằm trong hộp trong tủ, phải nhờ con người cố gắng phô bày cái lừng lẫy vàng son…

Ngày qua ngày khi vắng lúc đông, người dừng chân ngắm nghía người thờ ơ bước qua… Nếu không nhờ ánh đèn nhờ nhung lụa của hộp nhờ kính của tủ trưng bày chắc gì họ nhận ra giá trị của cổ vật.

***

Con người với con người... có như thế...?


Post theo đề nghị của học trò và một số bạn bè :)

MỤC LỤC SÁCH "KHẢO CỔ HỌC BÌNH DÂN NAM BỘ..."

- Lời nói đầu: Một chiếc chìa khóa nhỏ
- Phần 1: DẪN NHẬP: Khảo cổ học bình dân Nam bộ VN: Từ thực nghiệm đến lý thuyết
- Phần 2: KINH NGHIỆM ĐIỀN DÃ
2.1 Ghi chép dọc đường:
- Với Sài Gòn
- Đất và người Bến Tre
- Về Bình Dương thăm nhà cổ
- Hội An đêm trăng 14
- Hoài niệm xứ Đoài
- Sông gốm
- Phù Lãng làng cũ gốm mới
- Gian bếp quê ngoại
- Nhớ Huế
- Nhà thờ
- Chùa trong phố
- Nắng lạnh
- Đường đến Siemreap Angkor
- Paris mùa thu tím
2.1 Mô tả khảo cổ
- Về một loại trang sức cổ độc đáo : khuyên tai hình hai đầu thú
- Cổ vật gốm trong Văn hóa Óc Eo
- Đồ gốm cổ tìm thấy ở Sông Đồng Nai
- Vài nét về vũ khí cổ Việt Nam
- Tìm hiểu kỹ thuật sản xuất lu gốm
- Xóm làm bếp lò gốm làng Phú Định (Quận 6 – TP HCM)
Phần 3: P HÂN LỌAI VÀ QUY CHIẾU
3.1 Hệ tọa độ
- Văn hóa Óc Eo - Một nền Văn hóa cổ ở Nam Bộ
- Hệ thống di tích khảo cổ giai đoạn Tiền Óc Eo
- Văn Hóa Sa Hùynh Nhìn từ Văn Hóa Đồng Nai
- Táng tục mộ chum ở Đông Nam Á.
3.2 Hệ thống hóa
- Hệ thống di tích khảo cổ học Tp.Hồ Chí Minh
- Vùng gốm Đông Nam Bộ
- Vài nét về văn hóa khảo cổ Đồng Nai
- Khảo cổ học Nam Bộ – Việt Nam nhìn từ môi trường sinh thái
3. 3 – Nam Bộ nhìn từ Khảo cổ
- Cần Giờ hai ngàn năm trước
- Xóm Lò Gốm Sài Gòn xưa
- Đô thị Sài Gòn – Một góc nhìn
- Đô thị ở Nam bộ thời cận đại
Phần 4. KHẢO CỔ HỌC ỨNG DỤNG
- Khu di tích Ba Thê – Óc Eo (An Giang) và Vấn đề bảo tồn di tích văn hóa Óc Eo hiện nay
- Vài suy nghĩ về việc Bảo tồn khu di tích Hoàng Thành Thăng Long
- Di sản văn hóa không phải là vô tận
- Khảo cổ học trong công tác bảo tàng
- Nhớ thầy Trần Quốc Vượng
- Gặp bác Tạ Chí Đại Trường
- Nghĩ về văn hóa Xưa và Nay
- Trầm tích Văn hóa Biển

- Archaeology of Nam Bộ and the theory grounded in fieldworks
- Danh mục tài liệu tham khảo (104 tài liệu tiếng Việt và Anh)

Vì lý do bản quyền của NXB nên chưa thể post các phần Lý thuyết và phân tích các bài viết trước mỗi phần.

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...