Lâu lâu rồi tui có đọc (nhiều) bài báo của GS Hà Đình Đức, người Thanh Hóa, ông đã chứng minh một cách rất thuyết phục rằng Rùa Hồ Gươm có nguồn gốc từ lòai (giải) rùa cổ ở Thanh Hóa. Uh, thì rùa ở trong 1 cái hồ giữa lòng Hà Nội nghìn năm chắc chắn cũng phải có gốc gác từ đâu chứ, như người Hà Nội nào cũng có một nhà quê, ngay cả những gia đình đã 3, 4 đời là “người Hà Nội”. Nhưng sự chứng minh của GS “rùa học” là về sinh học, còn sự “chứng minh” của tui về nguồn gốc Thanh Hóa của cụ Rùa Hồ Gươm lại là từ lịch sử cơ. Đây nhé:
- Truyền thuyết kể rằng Lê Thái Tổ thủa hàn vi ở quê nhà, một lần chạy trốn sự truy lung của giặc đã được “trời” cho gươm báu để hộ thân và cứu nước. Nhưng ông chỉ được cho mượn gươm, còn vỏ gươm thì Lê Thận, một người đánh cá trên sông đánh lưới được. Chắc là cũng do Trời thả xuống cho. Ông Giời cẩn thận ra phết: cho 1 người mượn gươm lại cho một người khác mượn vỏ, thế là ai cũng có “vật chứng” và “nhân chứng” cho cái sự mượn vật quý của Giời, chả thể nào mà lờ lơ lơ đi nhé.
Đất nước thanh bình, Lê Thái Tổ về Thăng Long mở đầu triều đại/ thời đại mới. Một ngày đẹp giời nhà vua dạo chơi trên hồ Lục Thủy (lúc í chưa gọi là hồ Hòan Kiếm), Rùa thần nổi lên… tiếp sau thế nào cả nhà đã biết. Thế, ông rùa này không ở Thanh Hóa thì làm sao biết được việc Giời cho vua Lê mượn gươm báu mà đòi nào??? Mà kể cũng khiếp, từ Thanh Hóa ổng đi bằng cách nào ra Thăng Long để mà đòi lại vật qúy nhỉ? Có khi ngay từ khi cho mượn gươm báu Giời đã sai rùa thần đi (bơi) ra Thăng Long ngay để canh me “đòi nợ” chăng? Mà rõ ràng Giời cho mượn “Gươm” sao về sau lại là “Hòan Kiếm”? Gươm và Kiếm khác nhau chứ nhỉ? Hay gươm thần vẫn còn được lưu truyền đâu đó phòng khi quốc gia “cơ nhỡ”? Trong truyền thuyết cụ Rùa đã ban lẫy nỏ cho An Dương Vương và gươm báu cho Lê Thái Tổ. Sao cụ rùa chỉ ban vũ khí cho vua thôi nhỉ...?
Nghĩ đến đây thì hết mấy vòng Hồ Gươm. Lạy Đức Thái Tổ, lạy Cụ Rùa con không dám phạm thượng, dưng mà con nghĩ nếu còn Gươm thần thì có ai là người được Giời ban cho quyền “tiền trảm hậu tấu” để trừ gian trong dẹp họa ngòai? Ôi, “Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu”…
Ngàn năm Thăng Long, thời Lê kéo dài nhất trong lịch sử và gắn bó lâu dài nhất với Thăng Long nhưng “quanh Hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê”… Đức Lê Thái Tổ đứng bên kia Hồ Gươm chắc cũng độ lượng với đám con cháu chỉ xúm xít bên này với Đức Lý Thái Tổ…