CÀ PHÊ MÙA THU

Khi đến bất cứ thành phố nào tôi cũng thường chú ý đến những quán cà phê.

Không phải là một tín đồ trung thành của lọai nước uống màu nâu thơm phức này nhưng cà phê luôn “quyến rũ” tôi, trước hết là vì nó giúp cho tôi tỉnh táo sau chặng đường dài hay chuẩn bị cho một ngày quay cuồng vì công việc. Và, điều này quan trọng hơn, quán cà phê là nơi tôi thường gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, và những người bạn mới quen. Có thể đó là một tiệm cà phê sang trọng danh tiếng khắp thế giới, có thể là một tiệm nhỏ bên đường có bán cả bánh ngọt và thức ăn nhanh, mà cũng có khi là quán hàng bàn ghế bày ngòai lề đường dưới những cây dù màu sắc nhã nhặn hay sặc sỡ. Sự khác nhau giữa nơi này và nơi khác có lẽ là ở hương và vị ly cà phê, là phong cách phục vụ, là cách trưng bày trang trí, là những người cùng ngồi với tôi ở đó. Sự khác nhau còn ở thời gian tôi đến đó ngắn hay dài ngày, vào mùa nào trong năm. Và bạn có tin không, hương vị cà phê mỗi mùa mỗi khác đấy, nhất là ở những nơi có đủ bốn tiết Xuân, Hạ, Thu, Đông như những thành phố ở châu Âu.

Một ngày thu tôi trở lại Paris. Chuyến tàu từ Rotxterdam đến Paris băng qua màn mưa, ánh nắng thi thỏang hiện ra rồi nhanh chóng trốn sau đám mây xám âm u. Giang nói với tôi: phía trời hửng sáng kia là Paris đấy, hy vọng Paris đẹp trời vì thời tiết ở Pháp không thất thường như ở Hà Lan hay Bỉ. Khi tôi đến Paris không mưa tầm tã nhưng gió lạnh đã tràn về. Trưa chủ nhật, khu trung tâm Paris tìm không ra nơi đậu xe, anh chị Tường phải chạy xe vòng vòng gần một tiếng mới tìm ra một chỗ hiếm hoi trước quán ăn đối diện Notre Dame. Thật may mắn vì đứng nơi đây có thể nhìn thấy tòan cảnh Nhà thờ Đức bà Paris. Gió hun hút đôi bờ sông Seine bứt tung những chiếc là vàng rải dọc vỉa hè. Những kiốt sách cũ vẫn thế, nhưng hình như những người chủ quán không còn nét hồn hậu như xưa. Vài năm trước tôi qua Paris cũng đến đây tìm mua sách cũ, khi ấy nhiều người bán rất say mê chính những gì họ bán, một cuốn sách bán đi, một tấm bưu thiếp có người mua, một bức tranh có ngừơi chủ mới… người bán dường như phải chia tay với người bạn thân thiết, họ gửi gắm cho người mua cả tình yêu của mình đối với Paris, với nước Pháp. Vẫn đông khách ngắm nghía những tấm bưu thiếp, bức tranh, những cuốn sách cũ. Một Paris cổ xưa hiện lên cụ thể và đa dạng trên từng quầy sách. Tôi và Giang trầm trồ trước những bức ảnh đen trắng, những bức ký họa chì chân dung những quý cô quý bà Paris duyên dáng. Cái duyên của những người phụ nữ thấm đẫm sự tinh tế và sang trọng của một Paris cổ xưa…

Quán cà phê nhỏ phía sau Notre Dame. Anh chị Tường chọn bàn ngòai vỉa hè dưới cây dù nhỏ vì biết tôi thích như thế. Ngồi cà phê ở Paris thì ngồi ngòai vỉa hè mới cảm nhận hết không khí đặc trưng của Paris : dòng người nối nhau trên đường, những cặp tình nhân thong thả tay trong tay, những cửa hàng đồ lưu niệm tấp nập người ra vào. Bạn sẽ bảo : Ừ thì nơi nào chả thế, bất cứ thành phố du lịch nào mà không có những quán cà phê như vậy ? Nhưng với tôi gió trên những con phố này, những hàng cây lá vàng xào xạc nơi đây, dòng sông Seine lăn tăn sóng dưới kia , ly cà phê nhỏ thơm thơm, những người bạn thân quý ngồi bên tôi… tất cả làm cho ly cà phê không đường càng ngọt ngào hơn, ấm áp hơn…

Một vòng đồi Montmartre, mưa như rây trên những mái nhà ngói cũ, trên những bức tường dây leo xanh lá đỏ, trên những con đường dốc lát đá nhỏ vuông vắn từng viên. Khung cửa nhỏ ấm áp, tiếng nhạc nhè nhẹ, tiệm đồ gốm xinh xắn, ngày cuối tuần du khách rất đông … Từ nhà thờ trung tâm nhìn xuống Paris lô nhô ngút mắt.. Nghỉ chân trong quán cà phê nhỏ. Mưa đã tạnh mà Paris dưới kia sao vẫn mờ như sương…

Mỗi lần cà phê ở Paris luôn mang lại cảm giác lạ mà quen. Cám xúc là lạ khi trở lại bởi tôi luôn giữ trong mình ấn tượng một Paris của những bài thơ những trang tiểu thuyết đã đọc từ thời thơ ấu. Nhưng sự thấp thỏm vì giờ chia tay đang đến gần thì quen lắm, Paris như muốn niu giữ người ra đi khi chiều nay mưa mùa thu đến sớm…

Ly cà phê chợt đắng…

HẬU KHẢO CỔ QUA MẮT ĐIỆP GIANG


Xe đạp ở Hà lan
Công viên trước trường Điệp Giang học

Chưa đến mùa Tulip mà đang mùa hướng dương

Cảng Rotxterdam
Phố cổ Hà Lan
Hai chị em bên Nhà thờ Đức bà Paris
Tặng sách cho anh chị rất thân quý.

Tạm biệt Paris...

ĐƯỜNG MÙA THU





Mỗi ngày, từ vùng Templin qua mấy chặng tàu xe mất gần 3g đến Berlin làm việc rồi cũng ngần ấy thời gian quay về khách sạn. Chiều hôm qua làm việc xong mọi người mải mê mua sắm và chụp hình ở khu trung tâm Berlin đến tối mịt mới về đến Templin. Chuyến xe bus cuối cùng đã hết từ trước đó hơn một tiếng nên từ ga xe lửa đi bộ về khách sạn, khỏang 3km. Con đường nhỏ chỉ đủ 2 làn xe chạy giữa rừng thông, một bên là lối đi nhỏ lát gạch sạch sẽ dành cho xe đạp, bên kia lề đường rộng rãi và những ngôi nhà nhỏ một trệt một lầu. Những gian phòng ấm cúng ngọn đèn vàng, cửa sổ sơn màu sáng buông rèm trắng, bệ cửa đặt những chậu hoa nho nhỏ đủ màu sắc. Bậc tam cấp bằng gỗ tay vịn thanh mảnh, cửa ra vào sơn màu sẫm… Khung cảnh gợi nhớ một truyện ngắn đầy ám ảnh của chị Minh Thái “Ngồi đợi ở bậc thềm” dù nơi đây yên bình đến mức có thể ngồi đợi một ai đó ở bậc thềm ngôi nhà xinh xắn này cho đến hết đời… (mà mình thì cũng đã cuối đời rồi còn đâu…)

Con đường mùa thu trải dài qua rừng thông những cành thấp đã rụng hết chỉ còn phần ngọn xanh lá. Mùa thu sẽ qua rất nhanh, thông rụng lá để đón gió lạnh mùa đông và những bông tuyết đầu mùa. Nếu không rụng lá cây khó mà đứng vững trước sức nặng khi tuyết phủ trắng trĩu nặng cành cây.

Con đường mùa thu vun vút qua rừng bạch dương thân trắng lốm đốm nâu đen, dáng thanh mảnh vươn cao, rừng đấy mà bạch dương trông vẫn cô đơn. Mặt đất khô ráo thảm lá vàng trông chỉ muốn ngả lưng xuống đó mà ngắm bầu trời xanh thăm thẳm trên kia, để cho ý nghĩ không đầu không cuối lang thang bất định…

Con đường mùa thu đẩy lùi về phía sau những hàng phong tán lá sum sê, ngọn chớm vàng. Nắng sớm nắng chiều làm màu lá ánh lên như dát vàng. Gió lạnh thế này chỉ vài bữa nữa thôi những cây phong sẽ nhuộm vàng rồi đỏ rực… Mùa Thu ngắn lắm, vì vậy những sắc màu rực rỡ nhất vội vã thu hết cả vào lá vào hoa, vào sắc trời vào mặt nước… Từ sáng đến tối, bất cứ lúc nào cũng có thể nhận thấy những màu sắc phô bày không dấu diếm. “Quý bà mùa thu” đang ở vào độ tuổi đẹp nhất, rực rỡ mà đằm thắm. Sắc đẹp làm người ta ngưỡng mộ và thoáng nao lòng…

Con đường mùa thu thấp thóang hồ nước mỗi sớm hơi sương bốc lên mờ mịt, từ hàng liễu rủ ven hồ bỗng một cánh chim vút bay lên. Xa xa chiếc thuyền nhỏ, chiếc cầu nhỏ… Buổi chiều mặt nước lặng lẽ trong vắt như gương in bóng hàng liểu rủ trông như những bức tranh thủy mặc.

Con đường mùa thu qua những ngôi làng nhỏ. Những ngôi nhà vút qua cũng nhỏ nằm giữa khu vườn xinh xinh trồng hoa, những luống rau, vài cây táo trong sân, hàng rào gỗ sơn nâu, mái ngói xám dốc đứng, cửa sổ tầng sát mái như đôi mắt lặng ngắm con đường thẳng tắp chạy qua chia ngôi làng làm hai nửa.

Con đường mùa thu là tuyến đường sắt trải dài mọi miền đất nước, đường ray và hàng tà vẹt như cũ mòn nhưng những đòan tàu thì hiện đại, rộng rãi, sạch sẽ, tiện nghi làm người đi không ngán ngại thời gian dài di chuyển. Đường sắt cao tốc nối liền các nước rất hiệu quả, còn trong nước thường thấy hệ thống đường sắt khổ 1,4m vận chuyển người và hàng hóa với hệ thống ga tàu có những dịch vụ tiện dụng, đầy đủ thông tin cho hành khách, chỉ tiếc là tòan bằng tiếng Đức, đọc khó vô cùng J

Từ một ga nhỏ quạnh vắng, người đàn ông trung niên bước lên tàu. Tay cầm gậy, tay kia dẫn chú chó bergiê lông loăn xoăn màu vàng nâu. Ông khiếm thị. Chú chó to lớn ngoan ngõan quanh quẩn sát chân ông, thỉnh thỏang dụi đầu vào tay ông chủ như muốn nói rằng mình vẫn ở ngay bên cạnh. Người đàn ông xoa đầu nó và nói thầm gì đấy trông rất âu yếm. Bất giác chú chó ngước nhìn tôi. Chao ôi, một đôi mắt to tròn màu nâu quá đỗi dịu dàng... Chú Vàng ơi, nếu ông chủ không bị khiếm thị thì đôi mắt chú có buốn đến thế…?

Chiều xuống chầm chậm nhưng rồi bóng đêm lướt đến. Tôi xuống ga, đòan tàu chuyển bánh. Không biết người đàn ông và chú chó có đôi mắt buồn còn đi đến tận đâu…

Ngày Thu sắp hết…

vài tấm hình ở Berlin nè :))






CẢ NHÀ XEM TẠM NHÉ, LU BU QUÁ, LÚC NÀO RẢNH SẼ UP NHIỀU HÌNH HƠN :))

MÙA THU BERLIN (2)




Khu tưởng niệm nằm giữa một công viên như khu rừng nhỏ. Trên chiếc cổng xây bằng đá còn nguyên những dòng chữ tôn vinh những người lính đã ngã xuống ở Berlin mùa hè năm 1945. Hàng rào thấp như để phân chia con đường và khu rừng phong lá còn xanh mướt, bên này là con đường lát những viên đá nhỏ dẫn vào khu tượng đài. Những thành phố châu Âu luôn mang cho tôi một cảm giác thân thuộc khi nhìn thấy lá phong vàng đã rụng gió cuốn đi rồi lặng nằm ven lề đường lát đá. Hàng trăm năm đã trôi qua, những viên đá hằn dấu thời gian vẫn được gìn giữ, trở thành những chứng nhân thầm lặng của lịch sử, trở thành ký ức của biết bao người từng sống và từng đến nơi đây.

Buổi chiều, công viên vắng, chỉ có tiếng lá kêu xào xạc. Những hàng liễu đứng thẳng tắp như hàng lính đứng nghiêm bên ngôi mộ các chiến sĩ vô danh, hàng liễu lá rủ sau tượng đài như nỗi đau của những Người Mẹ. Tượng đài chính trên một ngọn đồi thấp có những bậc thang dẫn lên, xung quanh viền những vòng nguyện quế đúc bằng đồng. Người lính Xô Viết tay bồng một bé gái, tay kia cầm thanh kiếm mũi chúc xuống đất. Gương mặt người lính và bé gái thảng thốt như vừa thóat khỏi một tai nạn khủng khiếp. Nghe kể rằng ý tưởng về tượng đài này xuất phát từ một câu chuyện có thật: một người lính Xô Viết đã lao ra cứu sống một bé gái giữa làn đạn, một phóng viên tình cờ chụp được bức hình người lính bồng em bé, vai khóac khẩu súng chúc nòng xuống đất. Tượng đài ra đời như thế. Mấy chục năm đã trôi qua, người ta tìm được cô bé ngày nào đã trở thành một phụ nữ, còn người lính vô danh ấy đã hy sinh ngay trong trận đánh.

Tượng đài của khu tưởng niệm gắn những dòng chữ tiếng Nga mà không cần dịch ra tiếng Đức. Những nỗi đau của chiến tranh, những sự hy sinh cho hòa bình có lẽ không cần phiên dịch bởi bất cứ nơi nào trên trái đất con người cũng cảm nhận và thấu hiểu về nó như nhau.

Bên dưới chân tượng đài luôn có những bông hoa tươi, bông hồng, bông cúc, có cả những nhành hoa dại. Chỉ có vài người ở đó nhưng tôi nghe thấy tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Anh… Một chú bé khỏang 2,3 tuồi lẫm chẫm từ chân đồi đi lên, mái tóc bạch kim sáng rực lên trong nắng chiều, dáng nhỏ nhoi của chú bé và bức tượng đài hòanh tráng bên nhau trông thật gần gũi và bình dị như bất cứ gì ta nhìn thấy trên đường phố, nhưng sao lòng tôi rưng rưng. Sự hy sinh to lớn của các thế hệ chính là để bảo vệ sự sống và sự hồn nhiên của trẻ thơ ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Chiến tranh rồi cũng qua đi. Những tượng đài kỷ niệm chiến tranh trở thành di sản văn hóa vì không chỉ ghi lại một sự kiện mà vì ý nghĩa nghệ thuật của tác phẩm điêu khắc đó mang gía trị nhân văn của lòai người. Tôn trọng những sự kiện của thời đã qua, bảo vệ ký ức của tiền nhân, gìn giữ di sản tinh thần cho đời sau… là sự thể hiện bản chất văn hóa của mỗi con người của mỗi thể chế.

Tôi nhớ có đọc trong một tác phẩm của Dumbatze, nhà văn Gruzia, một chuyện như sau: ông chủ tịch nông trang nọ đặt một nhà điêu khắc làm tượng đài kỷ niệm trận đánh đã diễn ra ở địa phương đó. Nhà điêu khắc phác thảo một người lính cầm súng trong tư thế lao lên phía trước. Ông chủ tịch bảo, đại khái: chiến tranh với lính tráng và vũ khí thì chúng tôi nhìn thấy nhiều rồi, anh vẽ giỏi mấy cũng ko thể đúng như chúng tôi đã thấy. Cái tôi cần là anh làm thế nào cho người ta ghê sợ chiến tranh, để sống tử tế hơn, để nuôi nhiều bò làm ra nhiều sữa, trồng nhiều lúa mì hơn, cho trẻ con được lớn lên dưới bầu trời xanh… Bạn có nhận thấy không, các tượng đài về Thế chiến II ở Liên Xô cũ và nhiều nước Đông Âu đều rất đẹp và buồn, “nỗi buồn chiến tranh”, đúng là như vậy đấy!

Chiều thu Berlin nắng nhạt dần, gió vẫn vi vút trên những hàng liễu. Vẫn biết không tượng đài nào bền vững như lòng người… nhưng sao vẫn chạnh lòng khi nhớ đến những nghĩa trang bạt ngàn tên tuổi những người đã nằm xuống trong suốt mấy chục năm chiến tranh trên đất nước ta.

MÙA THU BERLIN (1)







Sau khỏang 14 giờ bay từ HN, qua một đêm dài hơn nửa ngày, Berlin đón tôi bằng cái lạnh se se của ngày thu. Mới đầu thu mà gió đã mang theo hơi lạnh đầu đông, dù hàng cây phong hai bên đường lá mới chớm vàng. Nhưng thời tiết này thì chỉ vài ngày nữa thôi cây sẽ trút lá thành những thảm vàng rực rỡ trên đường, trong rừng, trên những bãi cỏ xanh mát ở công viên... Còn giờ đây lác đác vài cây những chiếc lá vàng in lên nền trời xanh thẳm, gợi nhớ đến những bức họa mùa thu vàng của Levintal.
Buổi chiều đầu tiên chưa phải làm việc, chị Hòa, bạn tôi dẫn đến thăm một nơi mà theo chị, rất ít các tour du lịch của người Việt đến đây, đó là khuTưởng niệm các chiến sĩ Hồng Quân trong Thế chiến thứ II. Công viên rộng lớn, vắng lặng, nhưng trang nghiêm và có lẽ, từ tình cảm và nghề nghiệp của mình, cảnh quan nơi đây mang lại cho tôi thật nhiều cảm xúc.

NHỮNG MẢNH VỠ (23)



64. Học trò cũ
Hồi đó học trò là cán bộ đi học nên lớn hơn cô giáo vài tuổi. Trong lớp ngòai đường gặp nhau vẫn xưng hô Cô – em thân tình mà trân trọng. Nhiều năm sau, tình cờ gặp lại trong một cuộc họp, học trò nói với mọi người “đây là cô giáo cũ của tôi”. Quay sang cô giáo “Em có mang danh thiếp không, cho anh…”. Cô giáo nhã nhặn “Xin lỗi, tôi không có danh thiếp”.
Học trò giờ là “người sang” nên cô giáo không muốn “bắt quàng” là quen.
65. Đồ cúng
Trên bàn thờ, nhang, đèn, bình bông, mâm ngũ quả đồng thanh chê bai đĩa xôi gà: sao lại có cái thứ “trần tục” kia ngồi chung với bọn ta nhỉ?!
Cúng xong đĩa xôi gà được mang đi. Tất cả còn lại vẫn để nguyên từ ngày này qua ngày khác… Tấm hình đen trắng trên bàn thờ trông càng lạc lõng giữa những thứ đồ cúng lòe lọet làm bằng nhựa.

66. Thuê nhà
Anh sống độc thân trong một căn hộ cao cấp. Sắp đi công tác xa nên đăng trên blog ảnh căn hộ và thông báo cho thuê.
Thiên hạ hỏi thuê thì ít mà hỏi về chủ nhân thì nhiều. Căn hộ chưa cho thuê được nhưng anh đã có nhiều lời mời đi cà phê và những cuộc vui khác, từ nhiều cô gái.
Bạn anh nói: có khi cho thuê nhà sớm thì đã lấy được vợ. Anh: uh, mà biết đâu cũng li dị rồi.

SÀI GÒN CÓ MÙA THU KHÔNG...?


Sài Gòn có mùa thu không?

Có lần bạn hỏi mình như thế. Lúc ấy mình phân vân chưa biết trả lời thế nào cho bạn hiểu… Dù Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa nắng thì với mình, Sài Gòn vẫn đủ bốn sắc Xuân Hạ Thu Đông. Như thời gian này chẳng hạn. Mỗi sớm đi làm ngang qua công viên đã thấy lá vàng ngày lại nhiều hơn, chiều tối về hơi sương đã lảng bảng mờ những ngọn đèn vàng. Và hơi lạnh se se, cảm giác cô đơn ngọt ngào không thể chia sẻ cùng ai…

Sài Gòn có mùa thu không? Tháng Chín về làm người ta xao xuyến khi đi trên những con đường nhạt nắng. Không khí vẫn oi nồng để lòng bỗng nhẹ lâng nghe những ngọn gió từ biển vào nhẹ nhàng lướt trên ngọn lá xanh mướt ngòai kia… Cây như cao hơn, trời như xanh hơn, và tiếng chuông nhà thờ như vang xa hơn…

Sài Gòn có mùa thu không…? Quán cà phê khuất nẻo, nhạc tiền chiến miên man không cần lời. Cơn mưa chiều giữ chân người ngồi quán. Ly cà phê nhạt đá dường như còn nguyên, khói thuốc mong manh. Giá mà lúc ấy giữ lại được một chút mơ hồ…

Sài Gòn có mùa thu không…? Tháng chín Sài Gòn da diết nỗi nhớ những gì đã qua những người đã xa… Thời gian làm quên mau mà thời gian cũng làm nhớ sâu. Nỗi nhớ như sợi dây thật mảnh mà thật sắc cứa vào ký ức vỡ òa kỷ niệm. Vết cứa không nhìn thấy mà sao không thể liền.

Nơi bạn ở cũng bắt đầu mùa là vàng. Rừng thưa ngút ngát trên xa lộ đi hòai chỉ một màu lá vàng, những sắc vàng nâu vàng đỏ vàng xanh phủ kín mặt đất. Trời xanh thăm thẳm… Ngắm cái màu xanh trong vắt ấy không hiểu sao người ta như thấy mùa tuyết trắng đang đến gần. Mùa thu nơi bạn ở ngắn ngủi lắm…

Ở nơi ấy bạn có biết Sài Gòn mùa thu dài mãi trong nỗi nhớ…

ĐỌC "NGẮN & RẤT NGẮN" - THANH CHUNG

(Lúc đầu, mình định đặt tên cho entry này là “Những người đàn bà viết”. Nhưng nữ văn sĩ Thiết Ngưng – chủ tịch HNV Trung Quốc đã có “Những người đàn bà tắm” nên mình không muốn bị mang tiếng “đạo văn”. )

“Ngắn & rất ngắn” là cuốn sách “mới ra lò” của hai nữ tác giả: Nguyễn Thị Minh Thái – tiến sĩ Nghệ thuật học và Nguyễn Thị Hậu – tiến sĩ khảo cổ. Chị Thái viết “ngắn”, còn phần “rất ngắn” là của chị Hậu. Có nhiều cuốn sách sau khi đọc xong mình muốn quăng bàn phím đi và “chừa” không viết nữa. “Ngắn và rất ngắn” cũng mang đến cho mình cảm giác như vậy.

Khác với những cuốn sách in chung, hai chị Thái – Hậu đã sắp xếp đan xen những câu chuyện của mình chứ không tách bạch từng phần của mỗi tác giả. Mình nghĩ, ngoài đời chắc hai chị phải là bạn bè thân thiết, có cùng một cách nhìn vào cuộc sống nên khi đem “ngắn” và “rất ngắn” đặt cạnh nhau, người đọc không có cảm giác bị bước hụt trên những bậc cầu thang xây lỗi. Chị Thái “góp gạo” bằng mười truyện ngắn, còn chị Hậu có tới mười một “Mảnh vỡ”, mỗi mảnh được ghép lại bằng ba bốn mảnh nhỏ hơn.

Mở đầu “Bồ côi bồ cút”, chị Thái viết: “Nhân vật chính trong câu chuyện này vẫn còn nguyên bố mẹ. Còn nguyên cả mà vẫn bồ côi bồ cút”. Cảm giác bị “bồ côi bồ cút” ngay trong ngôi nhà có đầy đủ cha mẹ đã làm cho con bé dừng lại không lớn được từ thuở chín mười. Nó lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống của người đàn bà ngoại tứ tuần khiến cho chị suốt đời nhầm lẫn giữa việc tìm chồng và tìm cha.

Phụ nữ khi yêu chẳng khác gì con thiêu thân. Dù cho các đấng mày râu có bất công, tàn nhẫn bao nhiêu, nhưng chỉ cần họ thả ra một lời mật ngọt (chẳng cần biết có bao nhiêu phần trăm là đường hóa học) thì người các “mụ” cũng sẵn sàng “mở lượng hải hà” cúc cung tận tụy, “nâng khăn sửa túi”. Người phụ nữ trong “Ngồi đợi ở bậc thềm” cũng yêu đến mu muội như vậy. Vượt qua mấy ngàn cây số để trở về bên người đàn ông của mình, nhưng đợi cô chỉ có căn nhà” ngổn ngang, bừa bộn, chăn đệm xô lệch, quần áo vương vãi”. Những mẫu thuốc lá “cái nào cũng dựng đứng có lẽ đã được dụi tắt một cách cương quyết”. Ngay cả khi chứng kiến chàng trở về nhà với một người đàn bà khác, cô vẫn mong được ngồi đợi chàng trên bậc thềm mà cô đã buộc phải bỏ lại phía sau lưng. (Ngồi đợi ở bậc thềm).

Viết “ngắn” của chị Minh Thái rất ám ảnh. Cái váy hồng loang màu máu của đứa con chưa kịp hình hài, mềm nhũn dưới sàn; chiếc mũ phớt bị cắm một lưỡi dao lút cán đặt trên bàn thờ; những mẩu thư tình tan như lá vụn dưới chân… hình như chị đã rất quyết liệt chở che cho nhân vật nữ của mình. Và người đàn ông trong câu chuyện, hàng ngày phải đi qua năm tầng cầu thang và một dãy hàng lang dài ẩm thấp, tối tăm sẽ phải gồng mình lên chịu trận mỗi khi “màn huỳnh quang ký ức” tự động bật lên. (Mùi hành lang)

Truyện “Trên cao mờ sương” kể về một bữa ăn tối không có đàn ông của bốn người đàn bà. (Tự nhiên mình cứ hình dung ra “Thiền viện”). “Ừ, mà không có đàn ông thì cũng đã sao?” Tưởng chừng như bốn “nàng” sẽ tha hồ tận hưởng khoảng khắc tự do hiếm hoi, lãng mạn giữa những người “phe ta”. Ai ngờ buổi tối bị vỡ vụn ra bởi những tiếng chuông điện thoại, những tín hiệu bíp bíp của tin nhắn từ những người không hiện diện quanh mâm cơm. Dẫu cuộc hạnh ngộ của bốn người đàn bà chữ nghĩa văn chương không diễn ra theo đúng như dự kiến, nhưng Tam đảo sẽ chẳng thể nào thơ mộng hơn, ấm áp hơn, nồng nàn hơn nếu không có những “kẻ đàn ông xa mặt” ấy.

***

Chị Hậu viết “rất ngắn”, nhưng “những mảnh vỡ” của chị buộc người đọc phải nghĩ rất lâu. Cuộc sống hiện đại với sự hiện diện của Internet ở khắp mọi nơi (kể cả ngay ở trên chiếc màn hình nhỏ xíu của điện thoại di động) khiến chúng ta không còn nhiều thời gian cho sách. “Rất ngắn” của chị Hậu đã lọt vào “khe” rất nhỏ của mấy phút đợi tàu buổi sáng, trên những chuyến xe buýt trở về cuối ngày. Thậm chí ngay cả khi đợi anh “Gúc” kiếm tìm một vài thông tin trên Net, ta vẫn hoàn toàn có đủ thời gian “nhón” lên một “mảnh vỡ” để “ngắm nghía”. Những câu chuyện vu vơ tưởng chừng không đầu không cuối hóa ra lại ẩn chứa những triết lý sâu xa. Để ngăn không cho kiến vào thức ăn, chủ nhà viết chữ “CỨT” rất to bên ngoài. Và rồi hình như loài kiến cũng hiểu ra – không ăn bẩn. Nhưng lại cũng chính chủ nhà không thể ăn được những thức ăn đã giành giật lại từ kiến. (Kiến – trang 61). Thắng lợi gặt hái được từ một kiểu xấu chơi hình như cũng khó nhằn.

Hai vợ chồng giận nhau, vợ chở con về nhà ngoại. Khi biết vợ “mượn cớ” trở về lấy một số đồ dùng (biết đâu lại chẳng có cơ may hàn gắn), người chồng đã thay ổ khóa. “Đàn ông nông nổi giếng khơi” là thế! (Khóa – trang 21)

Gã đàn ông nhiều lần sợ trễ hẹn với bồ đã phóng xe vượt đèn đỏ. Lần nào gặp cảnh sát giao thông gã cũng hớt hải: “thằng nào vừa chở con vợ anh, chú cho anh qua đuổi theo”. Nhưng đến lần hắn nhìn thấy vợ ngồi rất tình tứ sau xe máy của một gã đàn ông khác, gã bị giữ lại lập biên bản. (Đèn đỏ – trang 35). Các cụ bảo “Đi đêm lắm có ngày gặp ma” cấm có sai.

Có rất nhiều mẩu chuyện mình tâm đắc. Thỉnh thoảng nhớ ra cứ cười tủm tỉm một mình. Xin phép chị Hậu đưa lên đây cho mọi người cùng đọc hai mẩu chuyện (coi như thả thính, he he):

BONG BÓNG

ANH LY DỊ VỢ, còn chị một lần gãy đò. Quanh anh là những cô gái xinh đẹp, những người đàn bà sắc sảo. Cạnh chị đôi lúc cũng có một người đàn ông dung dị nào đấy.

Khi quyết định đến với nhau, anh nói: mình cùng neo nhau lại trong cuộc đời chống chếnh này, em nhé!

Từ ấy, bên chị chỉ có mình anh.

Từ ấy bên anh vẫn quẩn quanh những cô gái và những người đàn bà….

Đến một ngày, chị nhận ra cuộc đời mình đang neo vào một chùm bong bóng…

MÈO VÀ CÁ CẢNH

TRONG NHÀ ĐÃ CÓ BỂ CÁ CẢNH, lại còn nuôi một con mèo.

Suốt ngày nó quanh quẩn gần bể cá. Có lúc nó ngồi chầu hẫu bên cạnh, mắt long lanh nhìn những con cá vàng vô tư lượn lờ. Thỉnh thoảng nó thò tay khoắng trong bể làm nước bắn tung tóe, mấy con cá giật mình bơi cuống quýt.

Một lần nó đuổi bắt chuột làm bể cá đổ vỡ tan tành. Nhà thôi không nuôi cá cảnh.

Con mèo cứ tha thẩn chỗ bể cá vỡ. Vài hôm sau nó bỏ nhà đi mất.

***

Lời cảm ơn:

Mình chưa từng gặp chị Hậu ngoài đời. Thấy chị ra mắt sách thì mon men đánh tiếng nhờ Lana xin giúp. TC xin chân thành cảm ơn hai tác giả: Chị Thái và chị Hậu. Cảm ơn Lana, cảm ơn “ông bưu điện” và cảm ơn Hải Vân – những người đã giúp cho cuốn sách vượt được nửa vòng trái đất để đến với độc giả yêu quý nó.

Nhắn Kim Oanh – Hoa Lục Bình: Tui nghĩ bà Kim nên mua tặng cho hai bà kia mỗi người một cuốn sách của cô giáo mình.

DOANH NHÂN SG CUỐI TUẦN PHỎNG VẤN: Thận trọng khi “khai thác” di sản lịch sử văn hóa

Khảo cổ học bình dân Nam bộ: Từ thực tiễn đến lý thuyết là tập sách do Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh vừa ấn hành. Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh là đồng tác giả. Mặc dù được điều động sang làm quản lý từ mấy năm nay nhưng người phụ nữ quê gốc An Giang này vẫn dành nhiều sự quan tâm đối với khảo cổ, ngành khoa học mà chị đã gắn bó gần 25 năm. Nhận xét về công tác giảng dạy khảo cổ ở bậc đại học với tư cách là một người có nhiều năm làm giảng viên chuyên ngành, chị nói:
Cấu trúc chương trình trong đào tạo khảo cổ học còn nhiều bất cập. Cụ thể là dành hai năm đầu cho chương trình đại cương, dù có môn Cơ sở khảo cổ học. Từ năm thứ ba sinh viên mới bắt đầu học theo chuyên ngành. Thành ra, sinh viên sau khi tốt nghiệp thường tỏ ra hụt hẫng do không đủ kiến thức và kỹ năng đáp ứng nhu cầu công việc, chưa kể thực tế thường đi nhanh hơn lý thuyết. Để đào tạo nguồn lực khảo cổ tất nhiên vẫncần học những môn cơ bản nhưng việc phân chuyên ban nên được thực hiện ngay từ năm thứ nhất. Thời gian từng môn cần cân đối lại để tăng cường tính chất chuyên nghiệp cho nghề chính. Nhiều ngành khác cũng vậy chứ không riêng gì khảo cổ học.
Khi đi làm khảo cổ, chị có bị hụt hẫng?
Không nhiều lắm. Trước khi chuyển qua làm công tác thực tiễn, từ năm 1981 - 1994, tôi là giảng viên khảo cổ học thuộc khoa Lịch sử, Trường đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh). Thời kỳ này, sinh viên ngành khảo cổ hầu như không có nên tôi có nhiều thời gian tập trung cho công tác nghiên cứu. Với tôi, lý thuyết được trang bị và thực tiễn khá gần nhau. Có lẽ vì chúng tôi được học những giáo sư đầu ngành về khảo cổ học ở nước ta như thầy Hà Văn Tấn, thầy Trần Quốc Vượng… Mặt khác lúc đó họat động khảo cổ chưa phát triển mạnh như bây giờ. Bài học đầu tiên tôi hấp thụ được từ các thầy là “phương pháp liên ngành”. Không đơn thuần là sử dụng kết quả nghiên cứu hay phối hợp với đội ngũ chuyên gia của những ngành khoa học xã hội khác, liên ngành theo tôi hiểu là cùng nghiên cứu một vấn đề lịch sử từ nhiều ngành liên quan. Những góc tiếp cận khác nhau sẽ làm vấn đề rõ hơn, nhất là giúp cho mình có thể điều chỉnh suy nghĩ nhận thức của mình cho đúng với thực tiễn khách quan.
Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh vừa ấn hành Khảo cổ học bình dân Nam bộ: Từ thực tiễn đến lý thuyết, tập sách chị đứng tên chung với một đồng nghiệp. Tại sao lại là “bình dân”?
Những di vật khai quật được, gồm những mảnh gốm vỡ, phương tiện lao động, trang sức, mộ táng… có thể rất giá trị đối với những người làm khảo cổ. Trước hết phần lớn trong đó là sản phẩm của những người bình dân trong quá khứ. Nhưng muốn cộng đồng thấy được giá trị của những di vật, chúng cần được giải mã một cách khoa học nhưng bằng ngôn ngữ bình dân – như người làm ra nó, để mọi người đọc tiếp nhận. Đó là mục tiêu của chúng tôi khi viết tập sách này. Khảo cổ học bình dân cũng là một phần của khảo cổ học cộng đồng, được thừa nhận là xu hướng mới của thế giới hiện nay.
Xu hướng này ra đời như thế nào, thưa chị?
Từ thực tế là trên thế giới có nhiều nơi di tích bị phá hủy một cách vô thức bởi cộng đồng địa phương, chưa kể sự phá hủy cố ý do quá trình phát triển. Khảo cổ học cộng đồng nhằm giúp cư dân tìm hiểu giá trị di tích tại địa phương mình, từ đó họ trở thành những người tình nguyện bảo vệ di tích. Chẳng hạn như Thái Lan có nhiều di tích do người địa phương khai quật dưới sự hướng dẫn nghiêm nhặt của các chuyên gia khảo cổ. Sau khi công việc hoàn tất, các chuyên gia khảo cổ rút đi thì người dân địa phương trở thành người bảo vệ và hướng dẫn viên cho du khách đến tham quan di tích.
Ý chị là đầu tư khai thác di sản cũng là một hình thức bảo vệ các giá trị văn hóa?
Cái lợi lớn nhất của khảo cổ học cộng đồng là giáo dục mọi người về giá trị của di sản. Thu lợi từ di sản văn hóa là một bài toán không đơn giản. Cần biết rằng những gì ông cha mình để lại thực ra cũng không nhiều và không phải di sản nào cũng có thể đầu tư khai thác. Tôi nghĩ nên thận trọng khi “khai thác” di sản lịch sử văn hóa. Đầu tư vào di sản văn hóa rất khác với việc mở một cửa hàng buôn bán cổ vật. Nếu đòi hỏi di sản văn hóa phải cho “tiền tươi thóc thật” thì rất khó làm một cách tử tế. Tôi nghĩ đầu tư vào di sản văn hóa chính là đầu tư vào con người, cho con người, phạm vi địa phương, quốc gia hay quốc tế cũng vậy.
Khảo cổ học cộng đồng còn hướng tới đối tượng là trẻ em. Nhiều bảo tàng trên thế giới bố trí những khu vực cho trẻ em tập khai quật khảo cổ, tập làm đồ gốm hay các nghề thủ công khác theo phương pháp cổ truyền. Hoạt động này vừa giúp các em hiểu được công việc của nghề khảo cổ, giáo dục sự tôn trọng đối với các giá trị lao động, đồng thời khơi gợi niềm ham thích với khoa học này. Hình như ở nước mình cũng như thế giới, ít người hiểu về khảo cổ, những người ham thích khảo cổ lại càng ít hơn.
“Việc những người ham thích khảo cổ lại càng ít hơn” phải chăng là bởi nghề này quá cực nhọc?
Tôi nghĩ cực nhọc chỉ là một phần, có lẽ vì nghề này không kiếm được nhiều tiền chăng? Sinh viên ngành khảo cổ chủ yếu là người ở các tỉnh, dẫn đến hệ quả là những cơ quan khảo cổ ở đô thị lớn, chẳng hạn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, khi có nhu cầu tăng cường cán bộ thì gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng do cơ chế hành chính không khuyến khích người ngoại tỉnh. Cái vòng luẩn quẩn này tồn tại đã nhiều năm.
Nếu vừa làm khảo cổ, vừa chơi đồ cổ thì cũng có thể giải quyết được bài toán tài chính đối với nhà khảo cổ?
Tôi không chơi đồ cổ. Có nhiều lý do. Thứ nhất là “nguyên tắc đạo đức” đối với những người làm bảo tàng. Nếu chơi đồ cổ, tôi sẽ khó giữ được sự khách quan. Thí dụ, trong quá trình đi sưu tầm, khi gặp những món đồ quý hiếm, dễ động lòng tham. Thay vì được đưa về làm tài sản của bảo tàng thì món đồ sẽ trở thành một phần trong bộ sưu tập của mình. Nhiều bạn bè của tôi làm việc ở các bảo tàng cũng không chơi đồ cổ, mặc dù họ rất giỏi về giám định cổ vật. Thứ hai là khả năng tài chính của tôi không cho phép. Đã vào cuộc chơi thì sẽ không lường được sự ham mê sẽ dẫn dắt mình đi tới đâu. Thứ ba, tôi hay nói đùa rằng trong gia đình chỉ nên có một “đồ cổ” là mình. Với tôi, đồ cổ là công việc, không nên đem về nhà.
Công việc vất vả, lại không ra tiền. Vậy “cái được” của người làm khảo cổ là gì?
Phần nào thỏa mãn sự ham thích cá nhân là luôn biết thêm nhiều điều mới lạ. Công việc khảo cổ không bao giờ ngừng nghỉ đối với mỗi cuộc khai quật hay với những khám phá mới. Có lẽ vì vậy rất ít người làm khảo cổ bỏ nghề. Khảo cổ học góp phần dựng lại mọi mặt đời sống của con người trong tiến trình tác động vào thiên nhiên, môi trường sống… Những mảnh vở tiền nhân để lại như những “chữ cái” mà các nhà khảo cổ tìm cách gắn chắp để đọc ra các tầng văn hóa. Lịch sử là một vòng xoáy trôn ốc, những gì đang diễn ra ở hiện tại đều từng thấp thoáng trong quá khứ. Vấn đề là chúng ta có tích cực tìm kiếm hay không mà thôi.
Có ý kiến cho rằng văn hóa Việt Nam vẹn nguyên nhất là thời kỳ trước khi bị xâm lược phương Bắc đô hộ. Liệu rằng khảo cổ có giúp tìm lại được cái lõi văn hóa của tiền nhân?
Đối tượng nghiên cứu ưu tiên của khảo cổ học là những di vật trong thời kỳ con người chưa có chữ viết. Nhiệm vụ của nhà khảo cổ là sử dụng những phương pháp đặc thù để giải mã. Trước đây các học gỉa phương Tây cho rằng thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc là văn minh Hán, Việt Nam không có gì hết. Đó kết luận vội vàng và không thỏa đáng.
Bằng chứng?
Thí dụ như trống chậu, một sản phẩm phái sinh của trống đồng. Phải nói ngay rằng trống đồng không phải của riêng tộc người Việt cổ mà là sản phẩm của nền văn minh Đông Nam Á cổ. Châu thổ sông Hồng từng là một trung tâm của văn hóa trống đồng. Sau khi khởi nghĩa Hai Bà Trưng bị dập tắt, xâm lược phương Bắc kiểm soát triệt để ngành đúc đồng đề phòng cha ông chúng ta rèn đúc vũ khí để tiến hành khởi nghĩa. Trống đồng cũng bị cấm ngặt bởi đây là biểu tượng quyền lực và tinh thần của những tộc trưởng người Lạc Việt. Trong bối cảnh đó, chúng ta tìm thấy một hiện vật khá quan trọng là trống chậu. Chậu là sản phẩm của nền văn minh Hán, làm bằng đồng thau trong long có họa tiết trang trí hình con cá, hình ô trám… Tuy nhiên, khi lật úp chậu xuống thì hiện vật này có công năng như trống đồng. Phần bề mặt, tức đáy chậu, được các nghệ nhân Việt chạm khắc hình mặt trời, chim lạc, nhiều họa tiết quen thuộc khác của trống đồng. Nói một cách vui vẻ thì trống chậu là hình thức “lách luật” mà bộ máy cai trị hà khắc không thể bắt bẻ. Tư tưởng độc lập của tiền nhân thể hiện rất rõ.
Những yếu tố văn hóa truyền thống của tiền nhân liệu chúng ta có thể áp dụng vào đời sống đương đại?
Theo tôi, nên kế thừa cách ứng xử linh hoạt của tiền nhân trong những hòan cảnh thách đố ngặt nghèo. Cụ thể là tìm cách giữ gìn, bảo vệ giá trị văn hóa cốt lõi trước áp lực đồng hóa khủng khiếp hơn là “bám trụ” vào một lọai hình sản phẩm cụ thể. Thực tế, hiện chỉ còn người Mường là còn giữ một số sinh hoạt liên quan đến trống đồng. Thêm nữa, không phải truyền thống nào cũng phù hợp với cuộc sống đương đại. Bê nguyên xi “truyền thống” đặt vào hiện tại có khi làm hỏng cả truyền thống ấy.
Hiện nay, chị làm việc tại Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh. Từ một người làm công tác nghiên cứu, chuyển sang làm công tác quản lý, chị có thấy nhớ nghề?
Nhớ chứ. Mười hai năm công tác tại Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh là khoảng thời gian làm nghề thực sự và rất hứng thú. Mỗi lần đi khai quật đều học được rất nhiều điều bổ ích, nhất là HỌC từ những đồng nghiệp ở các địa phương. Tôi rất quý và trọng kiến thức của họ vì kiến thức của họ luôn “sống”. Dù giờ đây không còn trực tiếp làm khảo cổ nhưng tôi vẫn cố gắng cập nhật thông tin thường xuyên. Những tư liệu mới để giúp soi chiếu kiến thức vốn có, bản thân mình có độ lùi cần thiết để nhìn nhận thấu đáo hơn nhưng tiếc là không có điều kiện để nghiên cứu sâu. Công việc quản lý đã chiếm quá nhiều thời gian của tôi.
Kiến thức khảo cổ có giúp gì cho chị trong nhiệm vụ mới?
Hầu như không giúp ích trực tiếp. Bởi nhiệm vụ của chúng tôi là nghiên cứu giải quyết những vấn đề thành phố đặt ra cũng như tham mưu chiến lược. Phần tham mưu chiến lược còn hạn chế vì hiện có quá nhiều vấn đề bề bộn trước mắt, cần phải giải quyết ngay.
Một trong những vấn đề “cần phải giải quyết ngay” là văn minh đô thị…
Trong chiến tranh, người ngoại tỉnh đổ về Sài Gòn rất nhiều bởi ngoài Sài Gòn là vùng chiến sự. Sở dĩ ta có cảm giác văn minh đô thị thời kỳ đó không “lung tung” là bởi chỉ nhìn vào khu vực trung tâm Sài Gòn, gồm quận 1 và quận 3, có thể được xem là vùng lõi về lối sống đô thị. Thời đó dân nhập cư thường sống ở quận vùng ven và ngọai thành. Và chính quyền thời đó cũng chỉ quan tâm nhiều hơn đến bộ mặt đô thị ở khu trung tâm. Thực tế, từ 1975 đến nay, một bộ phận không nhỏ thị dân đã rời khỏi “vùng lõi”. Khoảng trống để lại được lấp đầy bằng nhiều lớp người chưa quen với nếp sinh hoạt của thị dân. Những người có lối sống thị dân lâu đời đang “nhạt” dần. Cho nên xây dựng văn minh đô thị Sài Gòn theo tôi vẫn phải hình thành được tầng lớp thị dân với hàm nghĩa là cư dân sống ở môi trường đô thị, hành xử theo những quy tắc của văn hóa đô thị.
Kiến thức về khảo cổ học đô thị chỉ hữu dụng với tôi trong những công việc đụng chạm đến di sản văn hóa. Ví dụ như chuẩn bị quy hoạch lớn khu vực Cần Giờ. Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh “đặt hàng” tôi thực hiện một báo cáo điều tra về khu vực này. Theo đó, những di tích nào cần phải giữ lại và những di tích nào có thể khai quật đưa hiện vật vào bảo tàng, để dành đất cho công trình mới.
Được biết chị là người tham gia trực tiếp khai quật một số di chỉ tại Cần Giờ. Đây cũng là đề tài luận án tiến sĩ của chị. Vai trò của Cần Giờ đối với văn hóa Nam bộ nên được nhìn nhận như thế nào?
Theo sự hiểu biết của tôi thì cần Giờ là trường hợp hiếm hoi ngành khảo cổ phát hiện di chỉ cư trú và mộ táng thời tiền sử trong khu vực rừng ngập mặn. Hơn nữa, cuộc sống của cư dân cổ nơi đây có thể nói là khá giả. Nhiều hiện vật mang dấu ấn văn hóa Ấn Độ, Trung Hoa, Đông Nam Á… chứng tỏ có sự giao thương với thế giới từ rất sớm. Chúng tôi cho rằng Cần Giờ như một “cảng thị sơ khai”. Ngoài ra, những ảnh hưởng của văn hóa Cần Giờ còn thể hiện trong văn minh Óc Eo ở miền Tây Nam bộ.
Sau này, dưới thời chúa Nguyễn, cửa Cần Giờ được xem là cảng trung chuyển, kết nối với cảng nội địa Cù Lao Phố rồi Bến Nghé, và có thể là cả “tiền cảng” là Côn Đảo.. . “Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định Đồng Nai thì về”. Câu ca dao quen thuộc này là của những dòng lưu dân đi từ cửa biển Cần Giờ vào đến ngã ba Nhà Bè thì hoặc theo sông Sài Gòn về Gia Định, hoặc theo sông Đồng Nai ngược lên Cù Lao Phố rồi tiến sâu vào nội địa miền Đông Nam bộ.
Có thể hiểu tư duy biển của tiền nhân đã hình thành từ rất xa xưa?
Một đặc điểm quan trọng không thể phủ nhận trong văn hóa Việt Nam là văn minh lúa nước. Sở dĩ tập trung vào văn minh lúa nước vì chúng ta vẫn lấy văn minh đồng bằng – nhất là đồng bằng sông Hồng làm trung tâm. Thí dụ, một thời kỳ dài khi dự báo thời tiết người ta hay dùng cụm từ “tin bão xa” dù bão đã tràn đến vịnh Bắc bộ, ngư dân mình đã phải tìm nơi trú ẩn thậm chí gặp nạn. Đó là hệ quả lối tư duy của những người ngồi ở Hà Nội, trung tâm châu thổ sông Hồng. Hàng ngàn năm “dẫm chân lên đồng bằng” nên đối với người Việt, giá trị cao nhất là đất và đất trồng trọt. Vậy nên hiện tượng các nhà đầu tư địa ốc cứ phân lô bán nền, phá hỏng quy họach và mỹ quan đô thị là cũng có căn nguyên của nó: do nhu cầu lớn – xuất phát từ tâm lý ngàn đời là ai cũng muốn có một mảnh đất của mình. Chỉ khi cùng quẫn, bế tắc thì người ta mới phải từ bỏ lối sống quanh quẩn làm ăn trên mảnh đất cha ông để lại, vượt khỏi lũy tre làng ra đi.
Còn từ miền Trung đổ vào Nam bộ, tư duy biển của tiền nhân bộc lộ mạnh mẽ. Chẳng hạn như giỏi giao thương, buôn bán, giao lưu rộng, tiếp nhận nhiều cái mới lạ… “Đứng trước biển” và theo sự rộng mở của sông nước nên lối sống cũng khoáng đạt hơn, tầm nhìn dường như cũng thóang hơn. Chưa kể tình trạng “gần lửa thì rát mặt” nên càng xa trung ương tập quyền thì tư duy của người ta càng bớt cứng nhắc mà linh họat hơn. Trung ương tập quyền của nhà nước phong kiến nhằm duy trì và củng cố quyền lực. Nhưng bên cạnh đó nếu biết mở với độ cần thiết thì sẽ tạo đà cho sự phát triển. Các Chúa Nguyễn ngày xưa đã từng như thế.
Trong bối cảnh hiện nay, thiết nghĩ cần có tư duy về biển như tư duy về đất: tấc biển cũng là tấc vàng. Chỉ có như thế mới thấy hết thấy đúng giá trị của biển, từ đó sẽ có chiến lược phù hợp để khai thác và bảo vệ biển hiệu quả.
Xin cảm ơn chị.

Số 368 ngày 10/9/2010

MÙA THU THIẾU NỮ


Mùa thu đang về…
Một chiều tháng tám (âm lịch) nhiều năm về trước có một cô bé đi chiếc xe mini thong thả dọc con đường lúc đó còn có tên 30 - 4, ghé vào công viên trưóc dinh Thống Nhất cô ngồi bệt trên bãi cỏ, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ thong thả buông từng tiếng lan xa trong gió, nhìn vạt nắng nhạt cuối đường mà nhớ quá chừng mùa thu nơi cô vừa ra đi…

Nơi ấy có lá sấu rụng vàng vỉa hè, bà cụ hàng nước chè mỗi sáng sớm gom lá quanh gốc cây, từng nhát chổi gượng nhẹ như sợ làm đau những chiếc lá. Khói bếp than vấn vít, hương chè Thái ngòn ngọt chan chát ủ trong ấm tích quyện trong hơi sương mong manh… Thoáng dịu mát mùa thu đã hiện diện. Lòng người chùng lại, ngẩn ngơ…
Nơi ấy có đầm sen cuối hè hương hoa lẫn vào hương lá. Sen tàn lá già vẫn vướng vít bên nhau. Có lần cô đã ở bên đầm sen ấy cả ngày chỉ để xem người ta câu cá, hái sen, cắt lá… mà hình như không chỉ có thế…
Nơi ấy có con đường vàng ánh đèn trong mưa hoa sữa, vành bánh xe lăn chầm chậm trong đêm, có người đưa cô về, để khi vô tình nghiêng đầu chạm nhẹ vào lưng người ấy, lần đầu tiên cô nhận ra mùa thu thiếu nữ…
Nhận ra để rồi chia tay.

Từ buổi chiều Sài Gòn bên nhà thờ Đức Bà năm ấy, và nhiều năm sau nữa, cứ tháng tám về cô lại tìm đến khoảng không gian tĩnh lặng nào đó giữa thành phố đông đúc này, một mình, để lắng nghe dường như mùa thu thiếu nữ trở về…
Từ buổi chiều Sài Gòn bên Nhà thờ Đức Bà năm ấy, và nhiều năm sau nữa, cứ mỗi thu cô lại kiếm cớ trở về nơi có những vỉa hè vàng lá sấu, nơi có đầm sen có con đường ngày nào… Nhưng đầm sen đã mất xe đạp cũng chẳng còn…

Mùa thu thiếu nữ đã quá xa xôi…

MỘT SÁNG RẢNH RỖI ;))









Em Tiểu Anh có máy mới nên lôi bà chị đi thử máy ;)

Quán café này ở Đặng Dung, Q.1 Ban ngày trên lầu thường vắng, WF thỏai mái. Khi buồn bực hay trốn ra đây thư giãn ;))




Về sách "Khảo cổ học bình dân Nam bộ..."


TT - Tập sách chuyên ngành khảo cổ được viết với phong cách bình dân dễ đọc nhưng không bỏ sót các vấn đề quan trọng của khảo cổ học đối với vùng đất Nam bộ vừa ra mắt bạn đọc với cái tên: Khảo cổ học bình dân Nam bộ - Việt Nam - từ thực nghiệm đến lý thuyết.
Công trình được thực hiện như những bài báo khoa học giản dị, do tác giả Nguyễn Thị Hậu chấp bút cùng với Lê Thanh Hải (các phần đề dẫn), nhằm “giới thiệu những kiến thức khảo cổ học cơ bản, cũng như về nghề nghiệp của mình... một cái nghề mà bạn bè vẫn đùa vui là hổng giống ai”.
Tuy giản dị nhưng tập sách chứa đựng hầu hết những kiến thức khảo cổ liên quan đến lịch sử vùng đất Nam bộ. Cả các vấn đề về nhân học, văn hóa, các nghi thức phong tục... cũng được đề cập. Điểm đặc biệt sinh động của tập sách - điều hiếm thấy trong các trước tác về khảo cổ học - là cụm bài viết của Nguyễn Thị Hậu dưới dạng bút ký dọc theo bước đường đi làm khảo cổ.
Và phần Khảo cổ học ứng dụng với những trăn trở trong các bài Di sản văn hóa không phải là vô tận, Vài suy nghĩ việc bảo tồn khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Khảo cổ học trong công tác bảo tàng... cho thấy một tấm lòng đáng quý của người làm khoa học khảo cổ với những vấn đề phát triển của đất nước.
LAM ĐIỀN

MỘT THỜI CHƯA XA

Cuối những năm 1980, khi ấy mới bắt đầu bước vào thời kỳ “mở cửa”, đời sống của phần đông cán bộ viên chức còn rất khó khăn. Nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Hội và Sài Gòn, không có đất cát ruộng vườn gì để trồng trọt cải thiện, hầu hết cán bộ nhà nước xoay xở đủ nghề làm thêm, từ may gia công đến bỏ mối hàng, từ trông xe phụ bàn ở nhà hàng đến nuôi gà nuôi heo trong những căn hộ chung cư chật hẹp… Gia đình tôi cũng như mọi nhà, cũng làm thêm đủ việc. Má tôi ngăn một góc sân nuôi mấy con heo. Nhờ làm ngân hàng nên bà mua được cám heo với giá mậu dịch. Hàng ngày đi làm về chị dâu tôi xếp hàng mua rau muống, phần tôi thì tối nấu cám heo. Ai về sớm thì cho heo ăn, có bữa cả nhà về trễ mấy con heo đói kêu ầm ĩ… Có lần heo bịnh má tôi lo đến mức muốn… bịnh theo!

Người bạn của tôi lúc ấy sống với ba đứa con trong căn nhà phố khang trang của gia đình chị. Cả nhà đã vượt biên nhiều năm không có tin tức. Chị mới lấy chồng, chồng chị không chịu đi nên chị ở lại. Chị là con út, ốm yếu từ nhỏ, lấy chồng rồi có 3 đứa con đúng lúc đời sống khó khăn nhất nên khá vất vả. Từ nhỏ không quen làm gì ngòai việc nội trợ nên hầu như chi tiêu trong nhà đều trông vào đồng lương ít ỏi của chồng chị. Được một thời gian vợ chồng bàn nhau bán ngôi nhà đang ở, nhưng lúc ấy không bán được vì là nhà của người “vượt biên” dù chị có tên trong hộ khẩu ở đó. Một thời gian sau chị nhận được tin tức gia đình. Rồi cha mẹ chị giúp tiền bạc cho chồng chị ra đi. Chị ở lại và chờ đợi chồng đến nơi ổn định sẽ đón vợ con qua sum họp, dù chưa biết đến bao giờ… Vậy nhưng chồng chị đã lấy người khác – một phụ nữ anh gặp trong chuyến vượt biển dài ngày. Có lẽ những nguy hiểm của chuyến đi đã làm họ gắn bó với nhau, và có lẽ cũng vì anh không muốn vợ con mình cũng phải chịu những gì anh chứng kiến trong chuyến đi kinh hòang ấy…
Nhận được tin anh lấy vợ, tinh thần và sức khỏe của chị suy sụp tưởng như chị đã bỏ lũ trẻ mà đi theo ông bà. Cha mẹ chị tìm mọi cách gửi tiền gửi đồ cho chị sinh sống để chờ cơ hội bảo lãnh. Nhưng chị đã gượng lại, cố gắng nhận may gia công, chiều đi nhận trả hàng, sáng và tối miệt mài đạp máy. Thấy chị vất vả cơm nước con cái nên thời gian may đồ không được bao nhiêu, bạn bè giúp tìm người phụ việc nhà. Lúc ấy tôi nuôi con bằng đồng lương đi dạy thiếu trước hụt sau nên cũng cần việc làm thêm.

Đến giúp việc cho chị, tôi chỉ biết chị đang chờ gia đình bảo lãnh đi nước ngòai. Còn chị cũng coi tôi như những người giúp việc mà trước kia gia đình chị vẫn có. Hàng ngày buổi sáng tôi lên lớp hay làm việc khác, từ 3 đến 6 giờ chiều tôi đến nhà chị, dọn dẹp giặt giũ và tắm rửa cho bọn trẻ khi chúng đi học về, nấu cho mẹ con chị mấy món ăn đơn giản. Thỉnh thỏang rảnh rỗi chị vào bếp và nấu ăn rất ngon dù chỉ là những món ăn bình thường. Chị bảo chị được mẹ dạy rất kỹ việc bếp núc. Giúp chị mà tôi cũng học được nhiều chuyện nội trợ. Tôi không tò mò chuyện nhà chị, chị cũng không hỏi tôi về hòan cảnh gia đình. Chị kỹ tính nhưng nói năng nhẹ nhàng dễ nghe, hàng tháng gửi tiền công để trong bao thơ, đưa tận tay với lời cám ơn thật lòng. Tôi làm việc nhà chị cũng như việc nhà mình, các con chị cũng rất quý tôi. Vì vậy cả hai chẳng có gì phải phiền hà. Chúng tôi dần trở thành bạn với nhau.

Được một thời gian đâu khoảng 4, 5 tháng gì đó, tình cờ chị biết tôi là giáo viên đi làm thêm. Số là gần nhà chị có mấy em sinh viên trọ học, hôm đó tôi vừa đến cửa nhà chị thì gặp các em. Các em chào tôi và hỏi cô đi đâu ạ? Chị ra mở cổng, nghe sinh viên hỏi thế thì nhanh nhẹn trả lời: à, đây là cô em của bác đấy! Hôm ấy chị và tôi nói chuyện với nhau rất lâu. Hóa ra chúng tôi có nhiều điểm giống nhau: cùng là con út được cha mẹ cưng chiều, lấy chồng rồi cũng vất vả hơn các anh chị em. Chị bảo, nếu không lập gia đình sớm thì chị đã học sư phạm và cũng sẽ là một cô giáo như tôi. Đấy là nghề chị mơ ước từ nhỏ. Với chị hình ảnh cô giáo dịu dàng trong chiếc áo dài là một điều thánh thiện nhất! Vì vậy chị rất áy náy khi phải để tôi giúp việc nhà. Tôi bảo, tôi có một người chị khỏang tuổi chị, cũng con cái bận rộn suốt ngày. Giúp chị cũng như giúp chị gái mình. Vả lại, giúp việc nhà là công việc kiếm tiền đàng hòang, không vì thế mà mình mất “tư cách”, tôi nghĩ thế. Chúng tôi vẫn giữ công việc cũ và mối quan hệ tốt với nhau nhưng chị âm thầm tìm việc khác cho tôi. Rồi một hôm chị dẫn tôi đến cơ sở may mà chị vẫn làm gia công, tôi được mượn máy may và bắt đầu nhận hàng về nhà làm.

Khỏang năm 1994 thủ tục bảo lãnh của cha mẹ chị hòan tất. Trước khi đi chị nhắn tôi đến chơi. Lúc ấy tôi vẫn đi dạy nhưng không còn may gia công nên ít gặp chị. Nghe tôi nói lúc này làm thêm là đi nấu tiệc đám cưới nên thu nhập khá hơn, chị xót xa sao giáo viên mấy em cực quá…
Từ đó tôi không nhận được tin chị…Chắc rằng cuộc sống của chị và các cháu bên ấy mọi sự tốt lành. Chiều nay đi ngang con phố nhỏ có ngôi nhà củả chị ngày nào, bỗng nhớ chuyện cũ của một thời chưa xa...

Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)

  TS Nguyễn Thị Hậu Tuần qua , tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc l...