SÀI GÒN 50 MÙA QUA...

 https://doanhnhansaigon.vn/ky-su-sai-gon-50-mua-tet-qua-315818.html

Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu      

Kể từ mùa hè 1975 tôi theo gia đình từ Hà Nội trở về Sài Gòn - Nam bộ, quê hương tôi được nghe ba má tôi nhắc suốt những năm dài “ngày Bắc đêm Nam”, đến nay tôi đã sống ở TP. HCM 50 năm rồi!

Năm mươi năm, thời gian đó gần hết một đời người. Nhưng với một thành phố có trên 300 năm tuổi, hay hơn 3000 năm của một vùng đất.... thì khoảng thời gian đó chưa thể gọi là dài! Nhìn lại, Sài Gòn – TP. HCM để lại những gì trong tâm tưởng của thế hệ trưởng thành vào thời hậu chiến, như tôi?

Một lần tôi ngồi quán cà phê với bạn. Hai đứa cùng được sinh ra ở Hà Nội cùng sống ở Sài Gòn từ mấy chục năm nay... qua thời đại học rồi cùng lập gia đình, cùng vượt qua thời bao cấp cực nhọc, chúng tôi vẫn gắn bó với nhau dù có khi đến vài năm không gặp mặt. Ngày cuối năm ngoài đường xe cộ như nêm, mọi người tất bật. Trong quán vắng miên man nhạc Trịnh, bạn chợt thốt lên, nhớ Sài Gòn quá... Câu nói của bạn giúp tôi hiểu rõ hơn cảm giác bồi hồi không lý giải được: đúng rồi, tôi cũng nhớ Sài Gòn dù đang ở giữa Sài Gòn, lạ không?

Không chỉ một lần như vậy, mà mỗi khi nhắc đến Sài Gòn, nhiều người luôn bắt gặp cảm giác bồi hồi như thế, dù bạn từ đâu đến thành phố này...

***

Sài Gòn là địa danh mang tính lịch sử - văn hóa, từ khoảng cuối thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 20 địa giới mở rộng dần theo chính nhu cầu phát triển của thành phố. Quá trình khai sinh Sài Gòn là sự hội tụ của những người “nhập cư” từ nhiều vùng miền, trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Quá trình tụ cư cho thấy vùng đất lành Sài Gòn đã là điểm đến, nơi dừng chân, nơi sinh cơ lập nghiệp của biết bao “đàn chim” từ nhiều vùng đất và nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Chỉ kế đến những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, Sài Gòn đã dung chứa trong nó hàng triệu con người, cũng chia sẻ hàng triệu cơ hội kiếm sống trong đó có hàng ngàn cơ may thành đạt, giàu có. Hiện nay Sài Gòn là thành phố đông dân nhất nước và cũng là nơi người nhập cư nhiều nhất.

Ở Sài Gòn có rất nhiều “hội đồng hương”, gần như có đủ tất cả các tỉnh thành thậm chí có cả hội đồng hương cấp huyện. Người các tỉnh thành vào đây giữ được “cá tính văn hóa” riêng của quê hương mình, nhất là ngôn ngữ và ẩm thực là hai yếu tố được nhận biết rõ ràng nhất. Ở Sài Gòn tiếng nói các vùng miền hòa lẫn vào nhau, không phân biệt “quê” hay “thành”, không kỳ thị “Sài Gòn” hay “tỉnh”. Chỉ cần buổi sáng ngồi ở các quán cà phê bạn có thể nghe thấy giọng nói cả ba miền Nam Trung Bắc, có thể nhận ra tiếng miền Tây, tiếng Hà Nội, tiếng Quảng, tiếng Huế, chưa kể bây giờ còn có nhiều người Hàn, người Nhật, người các xứ Âu Mỹ đến làm ăn tại Sài Gòn.

Các món ăn ở Sài Gòn thì chẳng thiếu  đặc sản của nơi nào: Bánh Huế, cơm hến, mì Quảng, bùn bò Huế, phở Hà Nội, bánh đa cua, nem vuông Hải Phòng, bún đậu mắm tôm “đặc Bắc”, bún mắm, bún nước lèo miền Tây, hủ tíu Sa Đéc, Mỹ Tho, Nam Vang, bún riêu bắc, bún riêu nam, bánh xèo “Bà Mười Xiềm” Cần Thơ, bánh khọt Cô Ba Vũng Tàu, cơm lam thịt trâu gác bếp Tây Bắc… Quán ăn Tây, Nhật, Hàn, Thái, tiệm Fast Food khắp nơi…  Ẩm thực và ngôn ngữ ở Sài Gòn như một “liên hiệp quốc” chung sống hòa bình, thân ái, chẳng ai muốn loại trừ ai, mà có muốn thì cũng không được, miễn là phong cách làm ăn “như người Sài Gòn” thì sẽ tồn tại.

Trong quá trình hình thành và phát triển, Sài Gòn đã dung nạp, tiếp nhận nhiều các yếu tố văn hóa như phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, tiếng nói, ẩm thực, trang phục… của các cộng đồng dân cư khác nhau. Nhưng quan trọng là Sài Gòn không làm thay đổi những nét văn hóa riêng của từng cộng đồng nuôi dưỡng tất cả để tạo nên sự phong phú đa dạng của văn hóa Sài Gòn. Tôn trọng sự đa dạng, Sài Gòn có sự bao dung làm nên “cái nôi cho những tài năng đến đây và tỏa sáng. Như nhiều nhạc sĩ, ca sĩ người Hà Nội vào sinh sống ở Sài Gòn giữ được “chất Hà Nội” qua tác phẩm, qua giọng hát, qua phong cách sống. Có lẽ nhờ đó mà có rất nhiều bài hát hay về Hà Nội đã được sáng tác tại đây, nhiều nhạc sĩ, ca sĩ thành danh từ đô thị này. Đó là còn chưa kể đến những nhân tài, trí thức của các lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật khác, các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, kinh tế... bên cạnh hàng triệu con người bình dị đến đây “kiếm sống”, nhưng rồi dần đần đã trở thành “người Sài Gòn”.

Nhiều lần tôi thử lý giải về sự bao dung nâng đỡ của Sài Gòn đối với những gì còn yếu thế, mới mẻ, thậm chí còn chưa kịp định hình. Không thể không bắt đầu từ lịch sử. Là vùng đất chưa kịp có ký ức lâu dài nếu ta coi yếu tố thời gian lịch sử là quan trọng nhất trong việc hình thành ký ức và truyền thống: Sài Gòn 300 năm lại là vùng đất “làm ăn”, trung tâm kinh tế, khác tính chất trung tâm chính trị của Thăng Long hay Huế. Do không chịu sự níu kéo của truyền thống quá sâu nặng nên dễ tiếp nhận cái mới, đồng thời chấp nhận và thích nghi để không “đồng hóa” cái mới, cái khác. Người Sài Gòn có tính thực tế cao nhưng không bị chuyển thành sự tư lợi mà ngược lại tính cộng đồng cũng cao, việc xã hội, Làm “việc nghĩa” được coi là chuyện bình thường. Lấy hiệu quả việc “làm ăn” là quan trọng nhất, mọi cái khác coi là “chuyện nhỏ”, “làm ăn được” còn để mình “sống được” và có thể chia sẻ, đùm bọc người khác.

Nói chuyện với nhiều người bạn Mỹ, các bạn đều nhận xét rằng, có gì đấy khá giống nhau giữa sự hình thành, phát triển của vùng đất Sài Gòn với nước Mỹ nói chung và với những thành phố lớn như NewYork chẳng hạn. Và nếu như ở nước Mỹ có một ngày Thanksgiving thì tôi luôn mong rằng, những người đã đến Sài Gòn sinh sống làm ăn, hãy có một lần thôi, nhớ đến sự rộng rãi sẻ chia và tình nghĩa của thành phố và con người vùng đất này.

***

Mùa Giáng Sinh năm nay thời tiết Sài Gòn thật tuyệt, buổi sáng không khí se se lạnh, trưa chiều vẫn nắng nhưng không nóng, dù mọi năm thời gian này Nam bộ đã vào mùa nắng gay gắt. Sáng nay đi có việc qua khu vực trung tâm thành phố, tôi ngắm nhìn cuộc sống sôi động diễn ra trên từng con đường, đắm mình trong không khí Giáng Sinh rộn rã, chợt nhận ra Sài Gòn vừa quen vừa lạ... Những nơi chốn quá quen thuộc luôn mang lại cho sự bất ngờ, nếu một ngày nào đó mình bỗng nhiên “sống chậm”. Sài Gòn luôn là một nơi như thế.

Đặc biệt những ngày này, khu vực chợ Bến Thành đến ga Metro trung tâm luôn đông đúc. Cả tháng nay tuyến metro số 1 đã chạy thử, hôm nay là ngày vận hành chính thức nên nhiều người dân thành phố náo nức “đi cho biết”. Dù tôi từng nhiều lần đi metro ở nước ngoài nhưng chứng kiến niềm vui của bà con, cũng là chứng kiến một thành quả lớn của thành phố, tôi thật vui và xúc động...

Tuyến metro số 1 hoàn thành đánh dấu sự khởi đầu mới. TP. HCM sẽ bước tiếp những bước đi thần kỳ trong 50 năm nữa! Bởi vì sức sống Sài Gòn luôn được nuôi dưỡng từ sự cởi mở, bao dung, bởi vì dù bao nhiêu thời gian qua đi thì tôi vẫn tin rằng, Sài Gòn – TP. HCM luôn là “vùng đất lành” của biết bao con tim và khối óc ở cả trong và ngoài nước.

TP. Hồ Chí Minh, 22.12.2024



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

SÀI GÒN 50 MÙA QUA...

  https://doanhnhansaigon.vn/ky-su-sai-gon-50-mua-tet-qua-315818.html T ùy bút, Nguyễn Thị Hậu       Kể từ mùa hè 1975 tôi theo gia đình ...