KÝ ỨC NHỮNG MÙA TẾT

 https://tuoitre.vn/ky-uc-nhung-mua-tet-20250112135717024.htm


Nguyễn Thị Hậu

 

Vào khoảng thời gian cuối năm, dù bận rộn đến đâu thì mỗi người cũng dành cho mình những phút giây sống chậm, khi ký ức của những mùa tết xa xưa lần lượt quay về…

Cái tết đầu tiên tôi có mặt trên đời, năm ấy Hà Nội rét đậm. Tháng chạp mưa phùn gió bấc, những con phố ẩm ướt những cây bàng như muốn mọc rêu trên cành khẳng khiu trong chiều đông xám ngoét. Bỗng một sáng kia chồi nhu nhú lên báo hiệu hơi ấm mùa xuân đã về, rồi chỉ tuần sau lộc non xanh mướt… Trên phố hoa tết rực rỡ đầy sức sống. Tết ấy, gia đình tôi vui hơn vì sự có mặt của cô con gái út là tôi. Tết ấy, sau mấy năm tập kết ra Bắc, lần đầu trong nhà có một cành đào rực rỡ, ba má tôi phải quen cảnh “ngày Bắc đêm Nam” vì đường về quê đã trở nên xa thăm thẳm...

Từ 1954 đến năm 1975 trở về quê hương Nam bộ, gia đình tôi đã có 21 cái Tết trên đất Bắc. Ba tôi thường ăn Tết xa nhà, ông cùng các nghệ sĩ Nam bộ đi khắp đất nước biểu diễn phục vụ đồng bào, có năm ông đi dọc đường Trường Sơn biểu diễn tại các binh trạm phục vụ bộ đội, thương binh… Vì vậy ngày Tết thường chỉ có mấy mẹ con tôi cùng láng giềng trong khu tập thể, phần lớn các gia đình cũng vắng đàn ông. Nhưng Tết nào ba tôi không đi xa thì nhà tôi như “câu lạc bộ Thống nhất” vì có nhiều chú bác tập kết ghé về ăn Tết. Ngày Tết của gia đình tôi bao giờ cũng thấm đẫm hương vị Tết Nam bộ mang đặc trưng rất riêng, ấy là mùi bánh tét bánh ít gói bằng lá chuối, mùi thịt kho hột vịt nước dừa, dưa giá củ kiệu và nhiều món ăn Nam bộ khác.

Cũng như mọi gia đình ở miền Bắc lúc ấy, ngày thường có thể rất thiếu thốn nhưng ngày Tết phải đủ đầy nhất những gì có thể mua sắm được. Gần Tết là việc xếp hàng mua các loại thực phẩm bánh mứt kẹo theo tem phiếu, mỗi nhà được một túi nilon trong có hộp mứt bằng giấy bìa vẽ cành đào, phong pháo đỏ, gói kẹo bi, gói bánh, vài bao thuốc lá, miếng bóng (da lợn khô), gói miến, gói bột ngọt nhỏ xíu. Chỉ thế thôi nhưng có cái túi quà Tết trong nhà là thấy Tết đã về. Rồi chị em tôi chia nhau xếp hàng mậu dịch mua đậu xanh, gạo nếp, nước mắm… Củi để nấu bánh phải lo kiếm để dành từ vài tháng trước. Ngày nghỉ má tôi ra chợ ngoại ô Hà Nội để tìm mua lá chuối về gói bánh tét. Những năm sơ tán về nông thôn thì má tôi chỉ đi một vòng quanh xóm là có thể xin được một ôm đầy các tàu lá chuối to đẹp, không phải lo thiếu khi gói bánh tét.

Ngày Tết càng gần má tôi càng tất bật. Mỗi khi đi làm về trong cái giỏ xe có thêm bó măng khô thơm mùi nắng, gói miến dong thơm mùi đất ẩm… Có khi còn mua được ở chợ quê mấy cân gạo nếp thơm mùi rơm mới, cân đậu xanh hạt tròn đều xanh mướt. Có năm ba tôi đi công tác Tây Bắc mang về một xâu nấm hương mộc mạc mùi rừng núi. Khoảng qua rằm tháng Chạp các cửa hàng gia công bánh “quy gai quy xốp” bắt đầu đông khách từ sáng đến tối mịt. Mỗi người mang một túi nào bột nào đường với mấy quả trứng, có khi thêm cục bơ bé xíu. Sau cả ngày xếp hàng chờ đợi thì mang về một túi nilon đầy những chiếc bánh thơm phức ngọt ngào. Bọn trẻ ở nhà nóng ruột chờ đợi để được ăn thử mấy chiếc bánh vụn, chao ôi là ngon!

Những ngày sát Tết khu chợ Đồng Xuân – Bắc Qua, chợ hoa Hàng Lược đông người chen chúc mua sắm… Ngoài đường rộn ràng những chiếc xe đạp cột sau xe mấy bó lá dong, khi là cành đào sớm, trong khu tập thể nhà nhà rộn ràng gói bánh. Mùi đậu xanh chín, mùi thịt ướp tiêu hành, mùi khói bếp, hơi nước từ nồi bánh đang sôi tỏa ra một mùi thơm “tổng hợp” của Tết. Đêm tới bếp đỏ lửa, hai ba nhà chung nhau nấu một nồi bánh, trẻ con thì náo nức từ ngày nghỉ tết, mong được khoe quần áo mới còn cất trong cái rương gỗ sực mùi băng phiến… Chiều ba mươi Tết nhà nào cũng nấu nồi nước mùi già, nước bồ kết để tắm gội “tất niên”. Mưa phùn như rây lạnh buốt, trong nhà ấm áp hương thơm nhang khói, bình hoa thược dược rực rỡ cắm lẫn vài cành violet tím và lay ơn trắng đặt trên bàn nước giữa nhà… Mọi người đi chúc tết bà con, láng giềng, ít đi chơi xa…

Qua đúng ba ngày Tết sinh hoạt trở lại bình thường, dư vị ngày Tết có chăng chỉ là những cành đào nở muộn…

***

Mùa xuân Bính Thìn 1976, mùa xuân thống nhất đầu tiên tràn ngập nụ cười và nước mắt. Khắp mọi miền đất nước gia đình nào cũng mong ngày đoàn tụ sum họp. Năm đó từ dịp Giáng sinh không khí Sài Gòn bỗng nhiên se lạnh, trên đường phố Sài Gòn xuất hiện những chiếc áo gió, khăn quàng, thậm chí cả áo len áo khoác khiến tôi tưởng như mình còn ở mùa đông Hà Nội. Những ngôi nhà thờ chăng đèn kết hoa rực rỡ. Chợ Bến Thành, Chợ Bình Tây và nhiều chợ lớn nhỏ trong thành phố đèn sáng suốt đêm, hàng hoá ê hề thượng vàng hạ cám có hết… Hàng đoàn ghe hàng hoá, trái cây, ghe bông từ miền Tây lên… đậu kín bến Bình Đông và nhiều kinh rạch trong thành phố.

Gia đình tôi được ăn cái Tết đầu tiên ở quê hương sau những năm dài xa cách. Mấy ngày Tết ba má tôi đều phải trực cơ quan, vì vậy chị em tôi về Cao Lãnh ăn Tết với gia đình bên ngoại. Ngày 23 tháng Chạp chúng tôi ra “Xa cảng miền Tây” mua vé xe về quê. Trên đường quốc lộ nườm nượp xe hơi xe máy, sau bao năm chiến tranh loạn lạc, cũng như chị em tôi, hoà bình rồi nhiều người mới lần đầu về quê ăn Tết.

Khi ấy Cao Lãnh còn là một thị xã nhỏ, chỉ có dãy phố ven sông và ngôi chợ là nhộn nhịp vào buổi sáng. Nhưng từ rằm tháng Chạp thì sáng sớm đến đêm khuya trên sông Cao Lãnh ghe xuồng qua lại không ngớt, ghe trái cây, bông kiểng nhiều nhất, rồi ghe chiếu mới, ghe than ghe bếp ông lò... chiều tối đèn điện sáng rực cả một khúc sông. Các gia đình ở quê còn tự làm các loại bánh mứt ăn tết: bánh kẹp, bánh bông lan, bánh phồng, mứt dừa mứt tắc… Đường làng thơm nức mùi bánh mứt ngọt ngào.

Ngày mùng hai Tết hai chị em tôi theo xe đò lên Sài Gòn để hưởng mấy ngày Tết thành phố. Nhiều đường phố vẫn còn vắng nhưng khu trung tâm thì náo nhiệt suốt ngày. Những ngôi nhà mặt tiền treo cờ đỏ sao vàng và cờ nửa xanh nửa đỏ sao vàng. Chợ hoa Nguyễn Huệ mở từ ngày 23 Tết đã kết thúc vào chiều ba mươi, trả lại con đường rộng rãi thoáng đãng tràn gió mát từ sông Sài Gòn qua những kiot bán hoa, văn phòng phẩm, báo chí, đồ lưu niệm... Thương xá Tax, bùng binh cây liễu và đài phun nước, trước cửa Uỷ ban nhân dân… tấp nập người dạo chơi, chụp hình, rất nhiều áo dài xen lẫn quân phục bộ đội. Nhiều người chở cả gia đình trên chiếc xe gắn máy, lá cờ gài trên tay lái, chùm bong bóng nhiều màu cầm tay chạy vòng vòng qua các đường phố. Thỉnh thoảng có chiếc xe jeep cắm cờ chạy trên đường phố, trên xe là mấy anh bộ đội giải phóng quần áo tinh tươm nai nịt gọn gàng.

Thảo cầm viên Sài Gòn là nơi tụ hội náo nhiệt nhất. Những ngày Tết không chỉ có người Sài Gòn mà người các tỉnh lên thành phố đều muốn “vô sở thú” vì trong đó có nhiều loài hoa đẹp, thú lạ, đủ loại hàng quán, lại còn có xiếc mô tô bay, có thợ chụp hình dạo lấy ngay, vẽ chân dung, cắt giấy hình người... Còn trong vùng Chợ Lớn thì đường phố đỏ xác pháo, nhà nào cũng câu đối đỏ, đèn lồng và hình rồng trang trí ở cửa. Các ngôi chùa nghi ngút khói nhang suốt mấy ngày Tết, người đến lễ Phật cầu may đông đúc nhộn nhịp, ra về ai cũng cầm trên tay một cây nhang lớn lấy lộc đầu năm. Hàng quán ở Chợ Lớn từ đại lộ đến hẻm nhỏ bán suốt ngày đêm.

Những năm sau đó cả nước lâm vào tình trạng khó khăn, thiếu thốn. Tình trạng “ngăn sông cấm chợ” làm cho có lúc Sài Gòn còn thiếu đói hơn Hà Nội khi trước… Mỗi cái Tết là cả nhà phải cùng gom góp tiêu chuẩn của từng người. Ba tôi ghi trong nhật ký: Tết 1985, nhờ có “ba lợi ích” nên năm nay ăn Tết đỡ hơn mọi năm. Theo thứ tự “đóng góp” thì nhiều nhất là vợ chồng thằng Hai vì làm kinh doanh, rồi đến ba má vì có tiêu chuẩn thành phố hỗ trợ, cuối cùng là con út làm cô giáo!

***

Phải đến sau 1990 chế độ bao cấp mới dần bị xoá bỏ, đời sống xã hội hồi phục, thể hiện rõ nhất ở những dịp năm hết Tết đến. Cũng từ đó Tết cổ truyền đã có nhiều biến đổi, từ “truyền thống, hướng nội” sang “hiện đại, hướng ngoại”. Đời sống xã hội và sinh hoạt gia đình ở thành phố hay thôn quê đều thay đổi ít nhiều.

 Ở các thành phố lớn với nhịp sống đô thị và công nghiệp, tết với ý nghĩa đón chào năm mới đã đến sớm hơn từ dịp Noel và Tết dương lịch. Nhưng các đô thị cũng là nơi có rất nhiều người nhập cư nên ngày Tết còn nhắc nhở ý nghĩa sum họp gia đình. Vì vậy chuyện tàu xe “về quê ăn tết” là sự quan tâm chung từ mấy tháng trước, cao điểm trong tháng chạp. Rồi từ ngày “ông Táo về trời” trên các nẻo đường đi về các tỉnh tấp nập xe đò lớn nhỏ chạy suốt ngày đêm, xe lửa tăng chuyến mà vẫn kín hết các toa, sân bay đông nghẹt từ sáng sớm đến đêm khuya, cùng hàng đoàn người chạy xe máy trên các quốc lộ… Các thành phố ngày Tết vắng hơn, yên tĩnh lạ lùng…

Ngày càng có nhiều dịch vụ cho ăn Tết và chơi Tết, từ các loại thực phẩm đến các tour du lịch. Ở đâu các siêu thị, các chợ cũng bán những giỏ quà tết từ sớm, mẫu mã bao bì ngày càng đẹp và hiện đại, có đủ mọi giá tiền để đáp ứng nhu cầu biếu tặng, mang về quê… Đồ ăn thức uống không phải lo lắng mua sắm như trước vì chỉ cần đi siêu thị một buổi là có đầy đủ từ đồ hộp đồ khô đến hàng tươi sống... Hương vị ngày Tết dường như không còn ngon như xưa vì “thịt mỡ dưa hành bánh chưng mứt kẹo” ngày thường muốn ăn lúc nào cũng có. Dường như sự bận rộn của lo lắng, những nghĩa tình trong thời thiếu thốn, niềm vui ấm áp khi sum họp gia đình… đang mất dần theo ký ức của thế hệ tôi. Tất cả những điều đó làm cho không khí Tết nay có một chút ngậm ngùi vì cái vẻ “truyền thống mà hiện đại” của nó.

Những thay đổi của Tết thấy rất rõ ở TP. Hồ Chí Minh – một đô thị có quá trình “hiện đại hóa” nhanh chóng. Người Sài Gòn trọng lễ nghĩa nhưng không quá câu nệ chuyện phải đi thăm viếng họ hàng vào dịp Tết, họ có thể đến thăm vào trước hay sau Tết miễn là thuận tiện cho cả hai bên. Khác với Hà Nội, người Sài Gòn thường đi chơi trong những ngày nghỉ, ngày tết: đến các khu vui chơi giải trí, đi xem phim nghe ca nhạc, đi ăn hàng quán, bây giờ là đi du lịch, tham quan Đường Hoa, Đường Sách là “phong tục” văn hóa mới của người Sài Gòn... Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức, lễ hội được phục hồi thể hiện sự bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống đồng thời thu hút khách nước ngoài.

Đặc biệt ở TP.HCM vào dịp Tết có những nhóm gia đình, bạn bè rủ nhau đi đến những vùng sâu vùng xa, nơi còn nhiều người khó khăn. Họ chia sẻ với bà con những món quà Tết thiết thực, tặng người già trẻ nhỏ những bộ quần áo mới, “của ít lòng nhiều” thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Sài Gòn. 

***

Tết truyền thống đã thay đổi theo sự đổi thay của xã hội, mỗi năm nhìn lại dù ký ức níu giữ đến đâu thì cũng không ai muốn quay lại những cái Tết thời bao cấp! Tết nay là tết của năm thứ 50 đất nước hoà bình – thống nhất. Hai thế hệ đã được sinh ra và lớn lên từ ngày đất nước thoát khỏi binh đao. Nếu thế hệ ông cha có công mang lại nền hoà bình thì thế hệ sau 1975 là thế hệ xây dựng đất nước, đó là các thế hệ rường cột của hôm nay và ngày mai. Mỗi thế hệ có trọng trách riêng, làm tròn trọng trách của mình, tôn trọng vai trò của thế hệ sau, như vậy mới có thể giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp.

 

Sài Gòn, 24/10/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KÝ ỨC NHỮNG MÙA TẾT

  https://tuoitre.vn/ky-uc-nhung-mua-tet-20250112135717024.htm Nguyễn Thị Hậu   Vào khoảng thời gian cuối năm, dù bận rộn đến đâu thì ...