KHƠI THÔNG DÒNG DI SẢN TỪ BẢO TÀNG

 https://nguoidothi.net.vn/ve-can-tho-xem-cam-thi-46872.html 

Từ khi Luật Di sản Việt Nam ra đời (2001) đến nay hệ thống bảo tàng ngoài công lập với nhiều loại hình khác nhau đã dần dần hình thành. Hệ thống này có các loại hình bảo tàng về khảo cổ học (cổ vật...), dân tộc học, thiên nhiên, nghệ thuật, kỹ thuật, lịch sử (lịch sử chiến tranh…), con người, nhân vật và gia đình… Có một số bảo tàng mang tính chất tổng hợp, ở đó trưng bày về nhiều đối tượng/loại hình di sản khác nhau, tùy theo mối quan tâm riêng của nhà sưu tập.

Tuy nhiên từ nhiều năm nay, trong những chuyến khảo sát của tôi ở các tỉnh thành trong cả nước, tôi luôn nhận thấy một thực tế. Đó là,  số lượng bảo tàng ngoài công lập vẫn còn quá ít ỏi so với tiềm năng, trữ lượng những di sản văn hóa đang được nhiều cá nhân, cộng đồng lưu giữ hoặc sở hữu. Mỗi địa phương đều có các nhà sưu tập còn chưa “xuất đầu lộ diện”, mặc dù trong giới sưu tầm cũn

g như giới bảo tàng có thể đã rất “rành nhau”.

Gần đây nhất tôi có dịp đến thăm nhà sưu tập Nguyễn An Hà và Bảo tàng Cầm Thi tại thành phố Cần Thơ. Nhà sưu tập Nguyễn An Hà – tính về tuổi tác là thuộc thế hệ thứ ba những nhà sưu tập cổ vật ở Nam bộ - mà thế hệ đầu tiêu biểu là nhà văn hóa Vương Hồng Sển. Đây là thế hệ lớn lên sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, có nhiều cơ hội tiếp cận nhiều nguồn tài liệu, hiện vật kể cả những tài liệu quân sự, chính trị mà do trong một thời gian dài, loại tư liệu hiện vật này chưa được đánh giá đúng giá trị lịch sử - văn hóa và khoa học. Điều này có thể nhìn thấy ở khối lượng lớn hiện vật đa dạng về loại hình và chất liệu, tính chất và niên đại... mà nhà sưu tầm Nguyễn An Hà đang lưu giữ.

Ngôi nhà anh ở có khuôn viên rộng rãi nên anh đã sử dụng một phần thành nơi trưng bày di vật thời chiến tranh: những lô cốt, công sự của lính Mỹ được phục dựng lại tỷ lệ 1/1 bằng vật liệu và hiện vật gốc như súng, đồ dùng sinh hoạt, các loại quân phục và trang thiết bị khác... Ngoài ra còn có ba chiếc xe tải lớn đã sử dụng trong chiến tranh cũng được anh đưa về trưng bày và bảo quản tại đây. Cũng trong khuôn viên này còn có những chiếc cổng xưa đúc bằng gang có chi tiết hoa văn độc đáo với phong cách trang trí thời Pháp. Đó là những chiếc cổng của các công trình nhà xưa, dinh thự nổi tiếng quanh vùng được anh sưu tầm từ rất sớm.

Trong ngôi nhà của anh Nguyễn An Hà nơi nào cũng như “kho hiện vật” mới tạm sắp xếp còn chưa kịp phân loại một cách có hệ thống theo chất liệu hay loại hình, niên đại. Anh giới thiệu với chúng tôi bộ sưu tập tranh của họa sĩ Thái Đắc Phong đã được trưng bày tại TP. Hồ Chí Minh trong không gian triển lãm De La Sot của nghệ sĩ Xuân Phượng – người được mệnh danh là “bà đỡ mát tay” đưa hội họa Việt Nam ra thế giới. Họa sĩ Thái Đắc Phong sinh sống ở miền Tây, ông từng hoạt động qua hai cuộc kháng chiến. Cơ may đưa anh Nguyễn An Hà gặp gỡ ông và từ đó, những bức tranh của ông nằm im nhiều năm nay được “sống dậy”, bước ra với người thưởng lãm, nhận được rất nhiều lời đánh giá cao từ các họa sĩ, các nhà sưu tập và công chúng. Qua cuộc triển lãm này Nguyễn An Hà cũng được nhìn nhận “là người gìn giữ ký ức và thời gian, qua công lao bảo tồn những di sản văn hóa nghệ thuật của một vùng đất”, vì anh không chỉ có trong tay sưu tập tranh của họa sĩ Thái Đắc Phong mà còn có tranh của một số họa sĩ nổi tiếng khác.

Cũng như một số nhà sưu tập phía Nam, anh Nguyễn An Hà cũng có những sưu tập hiện vật thời kỳ trước 1975 kéo dài đến thời bao cấp thập niên 1989 – 1990. Mấy chục két nước ngọt còn đóng nguyên chai nhãn hiệu phổ biến như Chương Dương, bia Con Cọp, những vật dụng xưa cũ khác như máy hát, xe honda, xe xích lô máy, máy may... Một “kho” áo dài xưa cùng hình chụp chủ nhân trong bộ quần áo đó... Một thời đã qua với những sinh hoạt đời thường bỗng “sống dậy” trong ký ức của bất cứ ai nhìn thấy những đồ vật quen thuộc này. Đặc biệt với người nghiên cứu văn hóa xã hội thì những tập báo và tạp chí cũ, trong đó có chồng Báo Xuân có hình bìa được các họa sĩ nổi tiếng ở Sài Gòn thể hiện, sưu tập các tờ rơi giới thiệu của các rạp chiếu phim... vô cùng hữu ích. Đó là các bộ báo quý hiếm như An Hà báo (của hai tỉnh An Giang – Hà Tiên thời chống Pháp), Gia Định báo, Nông cổ mín đàm... Từ sưu tập báo chí này, vào năm 2023 anh Nguyễn An Hà đã được Bảo tàng Báo chí Việt Nam mời dự Tọa đàm trưng bày “Chuyên đề báo Tết 1865 – 2000”.

Trong “kho mở” của nhà sưu tập Nguyễn An Hà còn có rất nhiều loại hình hiện vật khác: những bức hình chân dung cá nhân, gia đình, nhiều loại hồ sơ giấy tờ như các bản vẽ công trình trường học, nhà máy, dinh thự, kể cả bản vẽ thiết một đoạn đường xe lửa hay một dòng kinh xáng... Tất cả được anh Hà sưu tầm từ những chồng giấy tờ, hồ sơ bị bỏ đi, nhặt nhạnh từ dưới tầng hầm các tòa nhà bị đập bỏ để xây mới... cho thấy sự tinh tường của nhà sưu tập, sớm nhận biết giá trị độc đáo của những thứ “ve chai” và kiên trì lưu giữ. Nay những hiện vật đó đã trở thành một phần của lịch sử đời sống của thành phố Cần Thơ nói riêng và Nam bộ nói chung. Đó là chưa kể đến loại hình cổ vật. Nhìn một số “gốm Cây Mai” ở đây tôi đã phải hỏi ngay xem anh còn lưu giữ những gì nữa? Tiếc là phần lớn sưu tập này anh đã trao đổi để có kinh phí sưu tầm loại hiện vật khác. Đặc biệt anh còn có sưu tập tài liệu hiện vật của một số nhân vật thuộc lĩnh vực lịch sử quân sự. Gần đây anh cũng đã cung cấp cho một số nhà nghiên cứu về lĩnh vực này.

Có thể nói, hiện vật của nhà sưu tập Nguyễn An Hà mang tính tổng hợp nhưng đều được sưu tầm có chủ đích, vì vậy tuy chưa trưng bày “ra tấm ra món” nhưng anh đã có sự hiểu biết sâu sắc về từng sưu tập, thể hiện qua cách anh giới thiệu và trao đổi với chúng tôi. Dù Bảo tàng Cầm Thi chỉ mới phục vụ chủ yếu là khách tại khu du lịch sinh thái này, nhưng nội dung của bảo tàng – nếu được thể hiện bằng một hệ thống trưng bày có thể không lớn nhưng khoa học và chọn lọc – thì hoàn toàn có khả năng tiếp đón một lượng khách lớn hơn và đa dạng hơn.

Theo sự hiểu biết của tôi thì thực trạng sưu tầm, bảo quản và giới thiệu các sưu tập hiện vật tại Bảo tàng Cầm Thi của nhà sưu tập Nguyễn An Hà không phải là cá biệt. Tôi từng được tiếp xúc với những nhà sưu tập cũng có số lượng hiện vật rất lớn, theo nhiều chủ đề khác nhau, bằng nhiều chất liệu nhiều loại hình... Nhưng hiện nay vẫn chưa giới thiệu rộng rãi với công chúng.

Qua trao đổi với các anh chị chủ nhân sưu tập, điều đầu tiên có thể nhận biết là các nhà sưu tập có thể có nhiều loại hiện vật khác nhau. Sự phong phú của các loại hiện vật “thời đã qua” tôi tạm chia làm bốn chủ đề chính: 1/cổ vật, 2/hiện vật dân tộc học, 3/hiện vật thời chiến tranh, 4/hiện vật thời bao cấp. Mỗi chủ đề có nhiều nội dung khác nhau dựa vào việc phân chia chất liệu, loại hình... Có những hiện vật có thể nằm ở nhiều nội dung, hoặc thuộc về các chủ đề khác nhau. Sự đa dạng của hiện vật phản ánh sự đa dạng của đời sống xã hội ở mỗi một địa phương, vùng miền, thậm chí phản ánh cả những hiện tượng mà lịch sử chưa ghi chép.

Đây là điểm khác biệt đầu tiên so với các bảo tàng công lập – nơi thường có một chủ đề cơ bản là “truyền thống lịch sử” từ thời nguyên thủy đến hiện đại, mang tính khái quát. Vì vậy có sự trùng lắp về nội dung giữa nhiều bảo tàng địa phương. Còn ở các sưu tập cá nhân có thể trưng bày theo nhiều “câu chuyện” khác nhau, mang đến sự gần gũi và thân thiện hơn với người xem.

Thứ hai, đó là sự đam mê của các nhà sưu tập, đến mức có thể “hy sinh, đánh đổi” nhiều thứ khác để có bằng được những hiện vật quý hiếm hoặc yêu thích. Cơ chế tài chính cá nhân tạo điều kiện cho các nhà sưu tập linh hoạt trao đổi hay mua bán hiện vật, ngoài ra họ còn có không gian để lưu giữ, tạm thời bảo quản hiện vật ở mức tối thiểu. Nhiều nhà sưu tập dành phần lớn không gian sắp xếp hiện vật như “kho mở” theo từng chủ đề, đây là cách thức phù hợp nhất hiện nay để có thể giới thiệu các sưu tập hiện vật. Đồng thời cũng giúp các nhà sưu tập “kiểm kê” biết còn thiếu hay đã dư loại hiện vật nào có thể trao đi đổi lại. Từ đó khi xây dựng bảo tàng có thể lựa chọn trưng bày trước nội dung độc đáo, “không đụng hàng”.

Thứ ba. Để hình thành một bảo tàng thì ngoài số lượng hiện vật, chủ đề các sưu tập hiện vật thì nguồn gốc và niên đại hiện vật là những tiêu chí quan trọng. Không chỉ các cổ vật mới cần định tuổi mà các hiện vật khác cũng cần có một (khung) niên đại cụ thể (sản xuất vào thời gian nào), nguồn gốc rõ ràng (sản xuất, làm ra ở đâu), xuất xứ (tìm thấy, hoặc mua từ đâu). Tuy nhiên, có thể nói khá nhiều hiện vật trong các sưu tập chưa có thông tin này, hoặc có thể chủ nhân các sưu tập không tiết lộ. Tuy nhiên, hồ sơ hiện vật bảo tàng nếu thiếu nội dung này thì việc xác định giá trị hiện vật sẽ thiếu tính khoa học.

Thứ tư. Nhiều nhà sưu tập chỉ muốn trưng bày hiện vật như “kho mở” mà chưa mặn mà với việc thành lập bảo tàng tư nhân, thậm chí chưa muốn công khai sưu tập của mình. Có thể nhận thấy điều làm cho họ ngần ngại khi muốn thành lập bảo tàng là ở thủ tục hành chính, cùng với thái độ “không nhiệt tình” của cán bộ văn hóa địa phương. Nhiều nhà sưu tập và nhà nghiên cứu cho rằng, các điều khoản về điều kiện cho phép thành lập bảo tàng ngoài công lập như trong Luật Di sản văn hóa hiện nay quy định là chung chung, nhiều điều không thiết thực, bất cập, nặng về “quản lý” mà không thuận tiện cho cá nhân, cộng đồng tham gia hoạt động bảo tàng.

Gần đây ở nước ta đã có một số bảo tàng ngoài công lập gây được sự chú ý của cộng đồng bởi nội dung phong phú và hình thức trưng bày hiện đại, hấp dẫn. Khi một tư nhân hoặc tổ chức quyết định thành lập bảo tàng thì họ đã có số vốn lớn bằng hiện vật, cơ sở vật chất và sẵn sàng đầu tư xây dựng bảo tàng hiện đại, theo xu hướng phát triển kinh tế di sản. Làm thế nào để “khơi thông” nguồn vốn xã hội rất lớn này là một câu hỏi quan trọng mà các cấp quản lý ngành văn hóa cần phải tìm ra câu trả lời nhanh chóng.


 Nguyễn Thị Hậu. 


Một số bìa báo Xuân xưa trong bộ sưu tập của Nguyễn An Hà.



 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

KHƠI THÔNG DÒNG DI SẢN TỪ BẢO TÀNG

  https://nguoidothi.net.vn/ve-can-tho-xem-cam-thi-46872.html   Từ khi Luật Di sản Việt Nam ra đời (2001) đến nay hệ thống bảo tàng ngoài ...