DU LỊCH TRÊN SÔNG NƯỚC MIỀN TÂY

 https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/du-lich-tren-song-nuoc-mien-tay-c8a90530.html

Nguyễn thị Hậu

 

Mọi năm, tháng 11 âm lịch miền Tây Nam bộ bước vào mùa khô, trời sẽ xanh cao hơn và nắng bắt đầu gay gắt hơn. Nhưng biến đổi khí hậu đã mang lại bầu trời mây mù và những cơn mưa trái mùa… Trái đất cũng như con người, dường như tuổi tác làm tính khí thay đổi, thất thường đến khó lường, nhưng đôi khi cũng mang lại chút bất ngờ dễ thương.

Một ngày đầu tháng 12 giữa những cơn nắng cơn mưa bất chợt, chúng tôi lên một chiếc tàu du lịch nhỏ. Từ Cái Bè (Tiền Giang) theo sông Tiền rồi rạch Cái Tàu Hạ chúng tôi lên Sa Đéc. Từ Sa Đéc lại xuôi theo rạch Cái Vồn qua Vĩnh Long về sông Hậu đoạn gần Cần Thơ. Theo quy hoạch giao thông do tỉnh Đồng Tháp quản lý thì đây là trục đường thủy chữ V: rạch Cái Tàu Hạ, rạch Nha Mân Tư Tải có vai trò là cầu nối giữa sông Tiền và sông Hậu đến rạch Cái Vồn (Vĩnh Long).

Cả chuyến đi bằng tàu trên sông rạch đã mang lại cho tôi cảm xúc đặc biệt. Nhớ lại những lần ngang dọc miền Tây bằng đường bộ, hay chịu cảnh tắc đường kẹt xe, tôi tự hỏi, tai sao không sử dụng và phát triển giao thông đường thủy – một lợi thế tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long đã được cư dân tận dụng từ hàng trăm năm nay?

Sông Mê Kông chảy vào Nam bộ dài khoảng 250km theo hai nhánh lớn là Tiền Giang và Hậu Giang. Sông Tiền qua Châu Đốc, Sa Đéc, Cao Lãnh, Vĩnh Long rồi tỏa nhánh qua Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh đổ ra biển bằng 6 Cửa Tiểu, cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu. Sông Hậu cũng qua Châu Đốc rồi qua Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng và ra biển bằng 3 cửa Định An, Ba Thắc và Tranh Đề. Chín nhánh “Cửu Long” bồi đắp cả miền đồng bằng, tích tụ nên hàng trăm cù lao lớn và hàng ngàn cồn nhỏ. Bên cạnh đó còn hàng trăm kinh đào, hàng ngàn sông rạch tự nhiên tạo thành hệ thống đường thủy nối liền chứ không chia cắt miền đồng bằng rộng lớn. Cùng với đường biển, Nam bộ có cả một nền văn minh sông nước trong đó phương tiện đi lại và giao thông đường thủy là một nét văn hóa đặc sắc.


Nếu những tuyến đường bộ xuyên qua cánh đồng lúa mênh mông, qua vùng Đồng Tháp Mười ngập tràn mùa nước nổi, qua những xóm làng xanh mướt mát… thì đi đường sông mới cảm nhận rõ sức sống bền bỉ của vùng đồng bằng lớn nhất nước này. Đi trên sông lớn sông nhỏ thường xuyên nhìn thấy những chiếc ghe lớn chở lúa gạo ngược xuôi tấp nập, hai bên sông là những nhà máy xay sát lúa gạo rất lớn, có đoạn sông tới cả chục nhà máy liền kề, dưới sông ghe đậu chờ nối nhau cả một đoạn dài. Có những chiếc ghe phải che chắn cơi nới thêm bằng những khung lưới cao, để có thể chở nhiều lúa hơn. Bạn tôi chưa quen nhìn cảnh này nên tưởng đó là ghe chở cát, vì cũng một màu vàng đượm phù sa được đổ vun cao trên chiếc ghe đầy muốn khẳm, “lúa đâu mà chở nhiều dữ vậy”?

 Khúc sông khác trên bờ san sát những lò gốm lớn, đang sản xuất gạch và nhiều sản phẩm xuất khẩu. Có khu xưởng đã ngừng sản xuất nhưng có lò vẫn tấp nập chuyển hàng xuống ghe, lên xe đi đến nhiều nơi. Lại có đoạn sông qua làng ươm cây, làng hoa… Thời gian gần Tết là mùa chính, những chậu hoa tươi tắn tràn ra mé sông, ra bên đường, xe tải, ghe xuồng đang ghé lại chọn cây giao cây tấp nập mua bán... Chừng tháng nữa khách du lịch đổ về, làng hoa thành khu du lịch kéo dài qua tết đến hết tháng giêng.

Khi đi qua những ghe chở lúc gạo, chở hàng hóa, những ghe câu, nơi nuôi cá bè, đi qua làng xóm... khách trên tàu luôn nhận được những cái vẫy tay thân thiện, lời chào từ các em nhỏ đạp xe đi học trên đường... Bất cứ đoạn sông nào tàu cũng có thể ghé vào nếu nơi đó có một cái bến, chủ nhà luôn niềm nở nhận lời cho tàu cập bến, vui vẻ trả lời những câu hỏi “tò mò” về làng xóm, về đời sống của họ. Nếu đi đường bộ thì ít có cơ hội để cảm nhận sự hiếu khách giản dị gần gũi này.

Có thể nhận thấy trên những con sông là tuyến giao thông thuỷ quan trọng còn rất ít những dãy nhà sàn dày đặc như trước kia. Có những đoạn sông nhất là đoạn qua các thị tứ đã kè bờ chắc chắn, làng xóm lùi vào nhường cho con đường chạy ven sông đổ bê tông sạch sẽ, xe máy xe hơi chạy ào ào… Phần lớn cảnh quan làng xóm miền Tây bình yên nhưng nhà cửa khang trang hơn trước. Đặc biệt những cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, nhà thờ, thánh thất Cao Đài... như mới được xây dựng lại, quy mô lớn hơn và không gian rộng rãi hơn.



Đoạn gần đến cầu Mỹ Thuận, từ sông Tiền nhìn lên mới thấy hết tầm quan trọng lớn lao và vẻ đẹp choáng ngợp của cây cầu này. Còn nhớ năm nào khánh thành cầu Mỹ Thuận 1, hàng tháng sau dân miền Tây còn từ các nơi đi ghe xuồng, chạy xe máy xe hơi... về đây ngắm cây cầu hiện đại đầu tiên của miền đồng bằng. Lúc ấy ai cũng mơ có thêm những cây cầu như vậy, để miền Tây thực sự thông thương, thông thoáng, thực sự phát triển không chỉ về kinh tế mà còn cả về văn hóa – xã hội. Nay miền Tây đã có thêm nhiều cầu mới, hiện đại, nối liền và mở ra cơ hội phát triển. Tuy nhiên đường cao tốc còn ít nên tốc độ lưu thông chưa thể nhanh chóng trong cả vùng. Điều này làm ảnh hưởng đến mức độ phát triển kinh tế mà cụ thể là hạn chế phát triển du lịch – một ngành quan trọng đang được nhiều địa phương quan tâm đầu tư.

Ngày trước ghe thương hồ và chợ nổi là những “đầu mối” mang hàng hóa từ miệt vườn, miệt thứ, miệt u minh… đi ra nơi thị tứ, lên thành phố. Ngày nay đi dọc các con sông ta còn thấy nhiều “chành” lúa gạo, trái cây, gần đây có những chành gốm… là nơi tập kết thu mua và chuyên chở sản phẩm đi khắp nơi. Thế mạnh của miền Tây là nông sản: trái cây, lúa gạo, thủy hải sản, tiểu thủ công nghiệp, nay còn có thêm những khu công nghiệp, khu chế xuất… Trong khi chờ đợi có thêm những tuyến đường cao tốc như nhiều vùng miền khác đã có, chờ đợi việc phục hồi và xây mới tuyến đường sắt từ Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây, nên chăng ở đồng bằng sông Cửu Long cần sử dụng đường thủy nhiều hơn để giảm tải cho đường bộ, tận dụng lợi thế của địa hình sông nước trong phát triển giao thông. Tất nhiên, những phương tiện như ghe, tàu, xà lan… cần được hiện đại hóa, đáp ứng về tốc độ, an toàn, bảo quản hàng hóa, không làm ô nhiễm nước sông … Đường thủy cần được bảo đảm an toàn, an ninh, hạn chế nạo vét khai thác cát hay xả chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Trước hết, để góp phần lưu giữ nét độc đáo của văn hóa miền sông nước, du lịch đường sông cần trở thành sản phẩm chủ đạo của ngành du lịch các tỉnh miền Tây. Tốc độ thong dong của tàu du lịch trên sông là cơ hội mang lại nhịp “sống chậm” cho du khách, giúp họ nghỉ ngơi, khám phá, giao tiếp, cảm nhận, suy nghĩ về những điều mới mẻ. Đó thực sự là một chuyến du lịch được tận hưởng trọn vẹn và trải nghiệm hoàn hảo.

Trong chuyến đi của tôi, vào một buổi chiều khi ánh nắng dần tắt trên sông, mùi khói bếp thơm thơm lan từ những ngôi nhà, văng vẳng giọng ca vọng cổ chất phác từ chiếc ghe đậu sát bờ “chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp... tôi gối đầu mỗi đêm...”. Khoảnh khắc ấy làm lòng du khách chợt chùng lại, ngẩn ngơ...

TP. Hồ Chí Minh ngày 20.12.2024


NHỮNG ĐIỂM NHẤN VĂN HÓA ĐÔ THỊ TP. HỒ CHÍ MINH 50 NĂM QUA

 Nguyễn Thị Hậu - BÁO PHÁP LUẬT TPHCM XUÂN 2025

1.     

Đô thị ra đời và phát triển từ chức năng là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa hay kinh tế của một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ. Văn hóa đô thị là văn hóa của các thành phố và đô thị, bao gồm một hệ thống các giá trị, niềm tin, sự tự hào, hình ảnh, uy tín, lối sống và các thói quen truyền thống, qua đó tạo nên các chuẩn mực hành vi cho mỗi người dân và cộng đồng thị dân.

Văn hóa đô thị hiện diện trong không gian đô thị, bao gồm các yếu tố không gian tự nhiên (vị trí, địa hình, thiên nhiên) không gian nhân văn (quy hoạch, hạ tầng, các công trình, cảnh quan...), yếu tố thời gian là tiến trình lịch sử, yếu tố dân cư và văn hoá của họ. Đó là môi trường mà ở đó, các nhóm dân cư trở thành một tập hợp xã hội đặc biệt có văn hóa thị dân, tái tạo và phát triển các cấu trúc văn minh đô thị, phản ánh diện mạo riêng biệt của từng đô thị. Đánh giá “văn hoá của một thành phố” không thể không xét đến các yếu tố gắn bó chặt chẽ với nhau là không gian, thời gian, chủ nhân của thành phố đó.

Nếu tính từ khi con người có mặt trên vùng đất Sài Gòn, theo các bằng chứng khảo cổ học trải khắp từ Củ Chi – Hốc Môn – Thủ Đức đến nội thành rồi kéo đến Bình Chánh – Cần Giờ, thì thành phố này có tuổi đời đã trên 3000 năm. Cùng với cả Nam bộ, Sài Gòn không phải là một “vùng đất mới” như như quan niệm xưa nay. Đặc biệt nếu lấy mốc 1790 thành Gia Định được xây dựng theo kiểu phương Tây thì đô thị Sài Gòn hình thành vào loại sớm đã phát triển liên tục trên 200 năm.

Từ nửa sau thế kỷ 19, Sài Gòn được quy hoạch và xây dựng hiện đại hơn. Đó chính là “không gian đô thị” mới, là cơ sở hình thành “văn hoá đô thị” mới của thành phố, cùng với sự tồn tại của không gian cư trú và các thiết chế văn hoá cổ truyền giúp duy trì văn hoá truyền thống của cộng đồng dân cư. Có thể nói ở nước ta, văn minh đô thị Sài Gòn hình thành sớm, phát triển ở mọi khu vực, mọi nhóm dân cư.

2.

Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, trải qua những biến cố chính trị lớn, kinh tế - xã hội thành phố có những biến đổi sâu sắc. Thời kỳ “bao cấp” ở TP. Hồ Chí Minh chỉ khoảng 10 năm (1975 – 1985) nhưng để lại di hại nặng nề không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, mà còn ở cả văn hóa – xã hội. Từ 1986, cùng với quá trình xóa dần “thời bao cấp” là thời kỳ phát triển kinh tế. Từ đó nhiệm vụ xây dựng “môi trường văn hóa” là điều kiện quan trọng nhất để TP. Hồ Chí Minh lấy lại diện mạo “văn minh đô thị”, tạo nền tảng cho vai trò “đầu tàu kinh tế” cả nước, cải thiện và nâng cao chất lượng sống của mọi tầng lớp nhân dân thành phố. Đó cũng là tiền đề cho tương lai gần, khi TP. Hồ Chí Minh có thể đạt đến quy mô “đại đô thị” trên 15 triệu dân.

Sau năm 1975 dân cư TP. HCM có sự thay đổi lớn về số lượng và tính chất. Một phần dân cư lâu đời rời khỏi thành phố, thay thế vào đó là những lớp người nhập cư đến từ khắp các vùng miền cả nước. Văn hóa thành phố ngày càng đa dạng... Tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh và phức tạp làm cho việc xây dựng lối sống “thành phố văn minh hiện đại” khó khăn hơn. Kinh tế phát triển mạnh mẽ nhưng văn hóa giáo dục chưa phát triển đúng tầm đã gây ra nhiều hệ lụy về đạo đức, lối sống, làm tổn hại nhiều truyền thống tốt đẹp. Quá trình hiện đại hóa và xây dựng hạ tầng cơ sở đã làm hủy hoại, biến dạng nhiều di sản văn hóa như các di tích tôn giáo tín ngưỡng truyền thống. Đặc biệt là sự thay đổi cảnh quan và biến mất nhiều công trình di sản thuộc về “ký ức đô thị” ở khu vực trung tâm đô thị Sài Gòn.

Từ khoảng 2014 đến nay đã có sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức và hành xử của cư dân đô thị về “nếp sống văn minh đô thị”. Nhận thức về giá trị văn hóa và ý thức gìn giữ di sản của cộng đồng ngày càng nâng cao góp phần tác động đến những chính sách bảo tồn di sản của chính quyền thành phố. Chính quyền và người dân có sự quan tâm và cải thiện các quan hệ xã hội theo hướng tích cực. Đặc biệt, nét văn hóa đặc trưng nhất của Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh là sự phóng khoáng, năng động, nghĩa tình, nhân ái vẫn được duy trì và lưu truyền như một tài sản quý giá, “làm việc nghĩa” là tính cách của “Người Sài Gòn”, bất kể họ đến thành phố này từ đâu và từ khi nào.

Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh là một đô thị có những đặc trưng tự nhiên và nhân văn độc đáo. Chứng tích của quá trình lịch sử hiện diện trong hệ thống di sản văn hóa, gồm 7 bảo tàng của thành phố và một số bảo tàng ngành, bảo tàng tư nhân, cùng hệ thống di sản lịch sử - văn hóa. Hiện thành phố có 185 di tích đã được xếp hạng, trong đó 02 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử); 56 di tích quốc gia (02 di tích khảo cổ học, 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, 24 di tích lịch sử); 114 di tích cấp thành phố (66 di tích kiên trúc nghệ thuật, 48 di tích - lịch sử); Cùng với đó là hơn 130 công trình, địa điểm được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa. Ngoài ra còn có hàng chục ngàn công trình nghiên cứu, hàng trăm ngàn loại tư liệu báo chí tại các thư viện và trung tâm lưu trữ... hiện nay được xếp vào loại hình di sản tư liệu.

Di sản văn hóa phi vật thể hiện diện ở thành phố có 2 di sản được UNESCO ghi danh (hát ca trù, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ) và 3 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ, Tết Nguyên Tiêu của người Hoa ở quận 5 và Lễ hội Khai hạ - cầu an tại Lăng Ông Tả quân Lê Văn Duyệt quận Bình Thạnh). Ngoài ra còn nhiều sinh hoạt văn hóa, lễ hội truyền thống, lễ hội hiện đại như Đường hoa Nguyễn Huệ vào dịp Tết, sinh hoạt văn hóa mới như các Đường Sách trên khắp địa bàn trong Thành phố.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có 07 đơn vị nghệ thuật công lập và 01 Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh, có 01 Trung tâm Văn hóa và 07 Nhà văn hóa; 24/24 quận, huyện có Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể dục Thể thao, 24/24 Nhà văn hóa Thiếu nhi; 17/24 quận huyện có Nhà văn hóa Lao động, toàn thành phố có 5 nhà hát đáp ứng được yêu cầu của hoạt động biểu diễn và khoảng 10 sân khấu biểu diễn các thể loại kịch, tạp kỹ. Lớp trầm tích lịch sử - văn hóa tích tụ qua hàng ngàn, hàng trăm năm đã trở thành tài nguyên cung cấp chất liệu cho sự sáng tạo các lĩnh vực của văn hóa – nghệ thuật, điện ảnh. Trực tiếp “hưởng lợi” là ngành kinh tế di sản và du lịch văn hóa.

TP. Hồ Chí Minh có nhiều loại hình sản phẩm du lịch văn hóa, bao gồm: (i) Lịch sử: Bảo tàng và di tích lịch sử; (ii) Công trình và địa điểm văn hóa: Di tích, tòa nhà và địa điểm có giá trị văn hoá/khu vực có ý nghĩa giá trị văn hoá; (iii) Biểu diễn: Chương trình văn hóa và biểu diễn văn hoá và nghệ thuật; (iv) Nghệ thuật: Phòng trưng bày, bảo tàng nghệ thuật và triển lãm mỹ thuật khác (nghệ thuật không biểu diễn); (v) Con người và văn hóa: Phong tục tập quán, văn hóa và lối sống của người dân địa phương. Khu vực trung tâm thành phố, những cảnh quan đô thị Chợ Lớn, các di sản kiến trúc độc đáo bước đầu được tổ chức kết hợp với hoạt động thương mại, ẩm thực truyền thống, đồng thời bảo tồn, dần dần phục hồi những cảnh quan văn hóa – lịch sử để phát huy tiềm năng du lịch văn hóa từ lịch sử của thành phố.

Các loại hình biểu diễn nghệ thuật như cải lương, hát bội hiện nay đang bị mai một, chưa xứng đáng với vai trò là “Tiêu biểu truyền thống nghệ thuật biểu diễn Nam bộ” mà Sài Gòn là nơi tích tụ và đã phát triển đến đỉnh cao. Nhiều sản phẩm văn hóa  - nghệ thuật khác chưa được du khách trong và ngoài nước chú ý do thiếu quảng bá phù hợp và “hiện đại hóa” trong phục vụ. Trước 1975, Sài Gòn là nơi đầu tiên tiếp nhận, du nhập nhiều loại hình “công nghiệp văn hóa” trên thế giới, vì vậy phát triển công nghiệp văn hóa và văn hoá đại chúng luôn là một thế mạnh của đô thị này. Chính quyền thành phố đã xác định trong thời gian tới, bằng nhiều phương thức “xã hội hóa” sẽ xây dựng các “sản phẩm bom tấn” từ nguồn “tài nguyên văn hóa bản địa”. Vừa qua trong “Lễ hội sông nước” đã có một chương trình biểu diễn thực cảnh rất hiện đại và hấp dẫn, tạo dấu ấn và thu hút nhiều đối tượng du khách. Từ kinh nghiệm này sẽ định kỳ tổ chức những sự kiện văn hóa nghệ thuật mang tầm quốc tế như triển lãm Mỹ thuật, liên hoan Phim, Hội chợ sách, lễ hội quốc gia... để từ đó trở thành “thương hiệu văn hóa” cho thành phố.

3.

Mỗi đô thị có quá trình hình thành và phát triển theo quy luật chung nhưng cũng có những đặc điểm riêng từ nguồn gốc cộng đồng dân cư, từ tích tụ văn hóa và truyền thống lịch sử… Tất cả góp phần tạo thành vị thế và đặc trưng riêng của từng đô thị trong quốc gia, trong khu vực, được phản ánh rõ nét nhất qua các thiết chế và sinh hoạt văn hóa. Văn hóa TP. Hồ Chí Minh sau 1975 hòa nhập với văn hóa cả nước, nhưng thành phố luôn là nơi tiếp nhận và lan tỏa nhiều yếu tố văn hóa – kỹ thuật hiện đại, những phương thức kinh tế mới. Đồng thời thành phố vẫn lưu giữ được cốt cách, đặc trưng văn hóa Sài Gòn, Nam bộ: cởi mở, khoan dung, nghĩa tình, luôn lấy thực tiễn làm thước đo và giá trị của sự phát triển xã hội.

Chính quyền thành phố đang xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách về phát triển văn hóa trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trên cơ sở khai thác có hiệu quả ba nguồn lực quan trọng: thứ nhất là sự đầu tư của Nhà nước; thứ hai là nguồn lực của các tổ chức xã hội; thứ ba là nguồn lực của nhân dân thành phố.

 "TP. Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì TP. Hồ Chí Minh" không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà còn có những đóng góp quan trọng từ lĩnh vực văn hóa. Xây dựng Tp. Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại bắt đầu từ những quyết sách và sự thực thi chính sách của chính quyền trung ương và chính quyền thành phố trên quan điểm Phát triển bền vững. Đó là sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, di sản văn hóa. Bởi vậy, văn hóa chính là “tấm gương” phản ánh bản sắc và trình độ phát triển của TP. Hồ Chí Minh một cách trung thực và rõ ràng nhất.

Ngày 5.11.2024







ƯỚC MONG CỦA MỘT THẾ HỆ (báo Người Lao động Xuân 2025)

 Nguyễn Thị Hậu

Năm 2025 là năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Ngày 2.9.1945 thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, ngay sau đó nhà nước non trẻ đã phải bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Rồi sau hiệp định Geneve 7.1954, Việt Nam bị chia cắt ở vĩ tuyến 17, cả nước lại bước vào cuộc trường chinh chống đế quốc Mỹ kéo dài hơn 20 năm. Trong thời gian đó dù năm 1973 hiệp định Paris được ký kết mở ra cơ hội hoà bình nhưng phải đến ngày 30.4.1975 mới thực sự chấm dứt chiến tranh, mở ra kỷ nguyên Hoà Bình - Thống nhất đất nước!

1.

 Năm mươi năm trôi qua, dài hơn gấp đôi thời gian những gia đình tập kết trải qua “ngày Bắc đêm Nam”, những gia đình di cư không nguôi “nỗi nhớ mùa đông”… Thế hệ tôi sinh ra, lớn lên trong chiến tranh và thời bao cấp, trưởng thành trong giai đoạn đất nước “mở cửa” bắt đầu phát triển, vì vậy ký ức sâu đậm nhất của chúng tôi là ngày “non sông liền một dải”. Đó là ngày bao nhiêu người được trở về quê hương, bao nhiêu gia đình sum họp, bao nhiêu nụ cười trong những ngày đầu hoà bình ấy. Nhưng cũng có bao nhiêu nước mắt đã rơi vì những người không bao giờ trở về, vì những người sẽ ra đi vì những lý do khác nhau…

Nhưng, chiến tranh dù kéo dài đến đâu cũng chỉ là hiện tượng bất thường cần phải và buộc phải chấm dứt! Đất nước hoà bình là điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất để mọi người có cuộc sống bình an, bình thường. Những năm đầu sau ngày thống nhất dù khó khăn chồng chất, lòng người ngổn ngang, nhưng đời sống “hoà bình, thống nhất” vẫn có ý nghĩa nhất đối với mỗi người, với cả đất nước.

Thực tiễn cuộc chiến tranh Việt Nam đã cho thấy, một đất nước có chiến tranh sẽ gây tác động bất ổn đến toàn thế giới, cuộc chiến “nhỏ” có thể để lại những hậu quả lâu dài không chỉ cho những “người trong cuộc”. Thậm chí có thể tạo ra sự thay đổi lớn trên phạm vi toàn cầu. Mỗi đất nước yên ổn phát triển, không gây hại, xâm lấn đến những đất nước khác, các quốc gia tôn trọng nhau và hợp tác với nhau sẽ tạo nên nền hòa bình trên thế giới. Hòa bình là trạng thái xã hội hòa thuận, nhân ái và không có sự xung đột đối đầu. Hòa bình là sợi dây kết nối con người, các cộng động bởi vì loài người có điều kiện bình ổn để phát minh, sáng tạo, phát triển mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần, tăng cường sự hiểu biết về các nền văn hóa và sự hợp tác với tất cả quốc gia. Hòa bình để thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội và nhân văn trên phạm vi khu vực và toàn cầu.

Thế hệ những người đã trải qua năm tháng chiến tranh ác liệt thực sự cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của hai chữ "hòa bình" vang lên từ sau 1975. Hoà bình còn là tiền đề quan trọng nhất cho công cuộc thống nhất đất nước, cho hòa hợp, đoàn kết toàn dân tộc. Một đất nước từng trải qua hơn hai trăm năm lịch sử “đàng trong, đàng ngoài”, gần một trăm năm bị chia cắt ba kỳ Bắc Trung Nam, hơn hai mươi năm chia đôi Nam Bắc… càng thấm thía nhu cầu thống nhất “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn” như lời thơ Xuân 1969 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Có thể nói mục tiêu cao cả nhất của các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta là để thống nhất đất nước, hoà bình đi cùng với thống nhất mới thực sự trọn vẹn! Thống nhất không chỉ là sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải mà quan trọng nhất là sự đồng lòng của trăm triệu người Việt Nam trong và ngoài nước, cùng chung mục tiêu xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, nhân dân ấm no hạnh phúc, đất nước hùng cường “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.

2.  

Trưa ngày 30.4.1975 cả Hà Nội đổ ra đường hòa chung niềm vui “giải phóng miền Nam” trong tiếng loa vang vang bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Sau tháng 5.1975 tôi từ Hà Nội vô Sài Gòn, theo chuyến xe cơ quan má tôi đưa cán bộ vào Nam tiếp quản. Gia đình tôi về ngôi nhà của ông bà tôi ở Phú Nhuận và ở đó cho đến nay. Rất nhanh tôi quen biết các bạn đồng trang lứa ở đây. Lúc đầu hơi xa lạ vì tôi là “cô nhỏ nói tiếng Bắc kỳ”, nhưng chỉ qua một mùa hè với những hoạt động sôi nổi, chúng tôi đã trở thành bạn bè. Mùa hè, ban ngày chúng tôi theo trường học tham gia công tác xã hội như giữ trật tự giao thông đường phố, phân phát báo Sài Gòn giải phóng đến các công sở trường học, buổi tốt tập văn nghệ những bài hát cách mạng ở nhà một ai đó... Lúc ấy các bạn trẻ đều hồ hởi còn những người lớn tuổi khá dè dặt. Cuộc sống những tháng đầu sau ngày hòa bình sôi nổi nhưng cũng nhiều thấp thỏm.

Những năm sau đó, hòa bình không còn trọn vẹn vì cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Nhiều bạn tôi lên đường nhập ngũ, có bạn đã hy sinh. Chúng tôi ở lại thành phố và nhiều vùng miền khác, vừa đi làm vừa vất vả kiếm sống trong thời bao cấp. Thành phố hiện đại từng là “Hòn ngọc Viễn Đông” bỗng thành một cái làng “tự cung tự cấp” như thời kháng chiến!

 Nhiều người còn nhớ thời kỳ ấy mọi người đều làm bất cứ gì để có thể cải thiện cuộc sống, từ nuôi heo nuôi gà trong nhà, nuôi cá trê phi trong bể ngay dưới... gầm giường, may hàng gia công, bỏ mối hàng, phục vụ quán ăn, dán bao thơ cho bưu điện, làm gia công cho các cơ sở sản xuất, chạy “mánh mung” bán thước lá, thuốc tây lậu, bán hàng “ở bển gửi về”... Nhiều lề đường thảm cỏ công viên biến thành nơi trồng rau muống rau lang... Nhiều người bỏ phố về quê, nhiều gia đình phải đi “kinh tế mới”... Không ít sai lầm trong chính sách kinh tế thời hậu chiến làm cho thành phố cô lập do “ngăn sông cấm chợ”. Thành phố đã mất đi nhiều sức mạnh vốn có, mai một những tiềm năng, nhất là tiềm năng về con người!

Tuy nhiên, dù thành phố được xây dựng và phát triển theo ý chí và quan điểm của các thể chế qua các thời kỳ lịch sử, nhưng sự vận hành là theo những quy luật khách quan của đô thị. Đó là, các đô thị/thành phố là nơi tập trung các hoạt động của tiền tệ, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp/công nghiệp nhẹ. Nếu sự định hướng và vận hành của chính quyền không phù hợp quy luật cơ bản đó thì thành phố sẽ biến thành “một cái làng lớn”. Lúc đó sẽ xảy ra sự rối loạn thậm chí đình trệ mọi mặt, và người dân sẽ bằng mọi cách để “tự cứu mình” như một câu nói phổ biến thời bao cấp. Có thể nhận thấy tình trạng này tái hiện trầm trọng trong năm 2021 khi toàn thành phố bị “cô lập” vì đại dịch Covid.

Và rồi như mọi sự trái quy luật khác, “cùng tắc biến”, thành phố là nơi đầu tiên “xé rào” để đưa sự vận hành theo đúng quy luật phát triển. TP. HCM là nơi tập trung những thực tiễn đòi hỏi cả nước phải “đổi mới”. Từ đó thành phố dần lấy lại vị thế trung tâm kinh tế lớn và vai trò “đầu tàu” của cả nước.

Thế hệ thanh niên ngày ấy mỗi người mỗi hoàn cảnh, đi theo những ngả đường khác nhau... Sau này khi gặp lại chúng tôi thường nói với nhau, sao hồi đó tụi mình cực quá vậy mà ai cũng vui, ai cũng vượt qua và bây giờ cuộc sống đều ổn định. Ngẫm lại, lúc đó ai cũng tâm niệm: phải sống, phải làm sao cho con cháu không còn chịu cực như mình, và làm sao cho thành phố mình, đất nước mình ngày càng khá hơn. Hòa bình Thống nhất rồi, không thể trở lại tình trạng khốn khó như thời chiến tranh nữa! Đơn giản vậy thôi!

Bây giờ, nhờ mạng xã hội chúng tôi dần liên lạc lại được với những người ở xa. Khi gặp lại các bạn thường hỏi một câu như là lời chào: Sài Gòn bây giờ thế nào? Không chỉ những người ở xa, ngay những người thành phố đôi khi cũng giật mình ngạc nhiên khi thành phố đã mở rộng và cảnh quan thay đổi từng ngày.

Sông Bến Nghé, Tàu Hũ, Kinh Đôi, kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè “nổi tiếng” kênh đen với những ngôi nhà chênh vênh cọc gỗ che kín mặt nước đọng đầy rác rưởi, bây giờ đang được nạo vét, kè bờ, nay đã là những con kênh xanh giữa lòng thành phố, dọc hai bờ kè mát bóng cây xanh, vườn hoa. Khu quận 4 bên kia cầu Khánh Hội nổi tiếng “xã hội đen” một thời… Giờ những xóm nhà lá lụp xụp trong những con hẻm nhỏ chằng chịt hầu như biến mất. Những gương mặt con người nơi đây dường như đã bớt đi nhiều vẻ lo toan khắc khổ. Còn vùng trũng Nhà Bè mênh mông dừa nước, đất vàng phèn mặn ngày nào, giờ đã là đại lộ Đông Tây với 8 làn xe chạy giữa khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đẹp như mơ…

Những làng xóm, ruộng vườn phía Gò Vấp, Tân Bình hay Hóc Môn, Củ Chi… cũng đã thành đường, thành phố mới. Tốc độ đô thị hóa ở Sài Gòn khá nhanh, trong khi việc quy hoạch thành phố còn chưa theo kịp sự phát triển, vì vậy không tránh khỏi sự lộn xộn và có phần chưa đẹp trong cảnh quan đô thị. Thành phố vẫn là nơi “đất lành chim đậu”, hội tụ những từng con người từ mọi miền đất nước đến đây sinh sống, góp phần làm nên sự đổi thay của thành phố.

3.

Năm mươi năm hòa bình, dù thành phố đổi thay đến đâu thì vị thế địa – văn hóa, địa – kinh tế của TP. Hồ Chí Minh cũng không thay đổi. Từ Nhà Bè nơi gặp gỡ đôi dòng sông lớn Đồng Nai – Sài Gòn, là vị trí “trời cho” mà được “người chọn” để xây dựng thành Gia Định rồi đô thị sài Gòn, tạo dựng những đặc trưng và bản sắc tiêu biểu cho vùng đất Nam Bộ.

Vị thế đó nay được duy trì như thế nào? TP. Hồ Chí Minh nay là “giao lộ trung tâm” của nhiều trục đường giao thông quan trọng: ra miền Trung miền Bắc, lên miền Đông và Tây Nguyên, xuống miền Tây – đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó có thể đi sâu vào lục địa đến nhiều quốc gia châu Á và xa hơn nữa... Không chỉ ở vị trí kết nối đường bộ, tính chất sông nước của một đô thị Nam bộ còn được nâng tầm cao hơn ở TP. Hồ Chí Minh. Đây là một thành phố hướng biển thể hiện qua hệ thống cảng thị hiện đại vào loại hàng đầu ở ĐNA. Hiện nay cùng với hệ thống cảng biển hiện hữu trong khu vực Đông Nam bộ, trong tương lai cảng trung chuyển Cần Giờ sẽ là một trung tâm mới của ĐNA. Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển tính chất cởi mở, linh hoạt, luôn đổi mới và tiếp thu và phát triển những thành tựu kinh tế - văn hóa – khoa học kỹ thuật mới của thế giới.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có những dự án phát triển đôi bờ sông Sài Gòn, hướng đến mục đích cao nhất là lợi ích bền vững cho cộng đồng. Có thể coi sông Sài Gòn là biểu trưng dòng chảy của lịch sử thành phố. Từng là nơi khởi lập, xây dựng thành phố với những biểu tượng như chợ Bến Thành, Bến Bạch Đằng, những con đường Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Lê Duẩn... Xa hơn về phía biển, sông Sài Gòn còn mang trong mình chứng tích “chiến khu rừng sác” ác liệt thời chiến tranh. Hay “Khu dự trữ  sinh quyển thế giới” chính là dấu ấn một thời gian khổ trồng lại rừng ngập mặn, mở đường ra biển của huyện Duyên Hải ngày ấy.

“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, bởi vì mọi dòng sông đều không cam chịu bị biến thành “ao tù nước đọng”. Khơi thông hơn sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và những kênh rạch trong thành phố, cũng là khơi thông tư duy, ý chí, hành đồng của “người Sài Gòn” – những con người không để quá khứ níu kéo trì trệ mà dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm! Sài Gòn luôn là hợp lưu của những dòng chảy dân cư, kinh tế, văn hóa. Năm 2025 - năm mươi năm thống nhất, và chỉ còn hai mươi năm nữa – 2045 đất nước tròn một thế kỷ dân chủ cộng hòa, TP. Hồ Chí Minh phải trở thành một thành phố hiện đại – văn minh, biểu tượng của hòa bình – hòa hợp. Mong lắm thay! 

TP. Hồ Chí Minh 1.12.2024




 

 

 

 

BIÊN GIỚI THÁNG HAI - Tác giả: HUY ĐỨC

  Hôm nay 17/2/2025, đăng lại bài này của nhà báo Huy Đức (Trương Huy San), người đang trong vòng lao lý BIÊN GIỚI THÁNG HAI Tác giả: HUY ĐỨ...