Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)

 TS Nguyễn Thị Hậu

Tuần qua, tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc lại lu bu...  Khi trở ra đến thị tứ, tôi lướt điện thoại đọc tin tức, đập vào mắt là trên hàng loạt tờ báo đưa tin Thảo cầm viên Sài Gòn có nguy cơ đóng cửa vì nợ khoảng 800 tỷ đồng tiền thuế đất. Tôi thật sự choáng váng!

Mới tháng 3 năm nay, Thảo Cầm Viên Sài Gòn và Trường Đại học KHXHNV TPHCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 160 năm thành lập. Tại hội thảo, bên cạnh các tham luận về chức năng khoa học, ý nghĩa, giá trị của Thảo cầm viên trong đời sống, là một “ký ức đô thị” được du khách và người dân thành phố lưu giữ lâu bền, lãnh đạo Thảo Cầm Viên vui mừng báo cáo sự thay đổi và phát triển của Thảo Cầm Viên, đồng thời cung cấp thông tin các hoạt động sôi nổi trong giai đoạn tới.

Điều đó mang lại niềm vui lớn với những người có mặt tại hội thảo, bởi vì trước đó khi có thông tin di dời đàn thú của Thảo Cầm Viên lên Củ Chi, nhiều người đã lo lắng cho số phận của hàng ngàn cây xanh cổ thụ trên “mảnh đất vàng” này, lo lắng cho sự “tồn tại hay không tồn tại” của một công viên – không gian công cộng – di sản cảnh quan đô thị ở trung tâm TP. HCM.

Đến hôm nay thông tin quanh việc nguy cơ đóng cửa vì nợ khoảng 800 tỷ đồng tiền thuế đất đã rõ ràng hơn, hướng giải quyết đã được xác định như Chủ tịch UNBD TP cho biết: Thành phố sẽ thu thuế đối với phần đất sử dụng phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, phần đất phục vụ mục đích công cộng cần tính toán lại cho phù hợp. 

Việc thu thuế đúng và đủ là cần thiết, nhưng đối với những thiết chế văn hóa công cộng như Thảo Cầm Viên cần xác định rõ và ưu tiên chức năng “phục vụ cộng đồng” thông qua những hình thức hoạt động tại đây như vui chơi giải trí, tăng cường sức khỏe, nghiên cứu khoa học, học tập, cũng như các lợi ích khác như sự gắn kết cộng đồng, tạo sự bình đẳng thân thiện giữa các tầng lợp xã hội, nơi lưu giữ ký ức của mỗi gia đình, của nhiều thế hệ... Sự tồn tại của những thiết chế văn hóa công cộng có giá trị bền vững và lợi ích không thể đo đếm bằng tiền.

Trong các đô thị ngày càng mở rộng ngày càng đông đúc như TP.HCM, những không gian xanh như thảo cầm viên và các công viên, các cơ sở văn hóa như sân vận động, rạp phim, nhà hát, kể cả bảo tàng, thư viện... luôn phải “chật vật” để tồn tại và phát triển. Hoàn cảnh khó khăn đã hạn chế phần nào việc phục vụ cộng đồng. Thảo Cầm Viên nếu bị tính thu thuế toàn bộ diện tích thì, như có người đã nói, mỗi cái cây, mỗi con thú cũng phải gánh một phần tiền thuế, giá vé cho người vào tham quan sẽ phải tăng thêm gấp vài lần... Và như vậy, người dân bị hạn chế quyền được sử dụng các công trình công cộng – một phúc lợi xã hội mà chính quyền có trách nhiệm mang lại cho tất cả mọi người.

Trở lại thời điểm 2014 khi Thảo Cấm Viên tròn 150 tuổi, không hiểu vì sao khu vực xây dựng Thảo Cầm Viên ngay từ thời kỳ khởi lập đô thị Sài Gòn lại có quyết định cho chính Thảo Cầm Viên thuê lại với thời hạn 50 năm?! Có thể nhận thấy đó là sự cứng nhắc áp dụng quy định dẫn đến việc đánh giá khu vực này chỉ có giá trị “đất đai”. Còn những giá trị hữu hình và vô hình khác của Thảo Cầm Viên đã bị bỏ qua, dẫn đến sự “thất thoát” và thiệt hại về văn hóa hôm nay. Nói cách khác, lợi nhuận từ những không gian công cộng không thể là “tiền tươi, thóc thật, ngay lập tức” như khai thác tài sản tư nhân, mà “đi đường vòng” nhưng bền vững vì dựa trên giá trị quan trọng nhất: đó là tài sản văn hóa của toàn thể cộng đồng.

TP. HCM đang rất thiếu những công trình văn hóa và không gian công cộng. Không chỉ là nơi dành cho du lịch, mua sắm, nghỉ ngơi giải trí mà còn là nơi thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng, phản ánh trình độ văn minh của đô thị lớn nhất nước này. Giải pháp phù hợp nhất đối với việc sử dụng đất cho văn hóa là phải dựa trên lợi ích trước mắt và lâu dài của cả cộng đồng một cách khoa học và nhân văn.

Mong sao các thế hệ sau còn được “đi Sở thú Sài Gòn” như tôi từng đưa các con cháu mình đến đây, và TP.HCM vẫn có một Thảo Cầm Viên với không gian xanh bình yên hàng trăm năm tuổi giữa lòng thành phố.

https://tuoitre.vn/tai-san-vo-gia-cua-thao-cam-vien-20241215094315979.htm




 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)

  TS Nguyễn Thị Hậu Tuần qua , tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc l...