Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)

 TS Nguyễn Thị Hậu

Tuần qua, tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc lại lu bu...  Khi trở ra đến thị tứ, tôi lướt điện thoại đọc tin tức, đập vào mắt là trên hàng loạt tờ báo đưa tin Thảo cầm viên Sài Gòn có nguy cơ đóng cửa vì nợ khoảng 800 tỷ đồng tiền thuế đất. Tôi thật sự choáng váng!

Mới tháng 3 năm nay, Thảo Cầm Viên Sài Gòn và Trường Đại học KHXHNV TPHCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học kỷ niệm 160 năm thành lập. Tại hội thảo, bên cạnh các tham luận về chức năng khoa học, ý nghĩa, giá trị của Thảo cầm viên trong đời sống, là một “ký ức đô thị” được du khách và người dân thành phố lưu giữ lâu bền, lãnh đạo Thảo Cầm Viên vui mừng báo cáo sự thay đổi và phát triển của Thảo Cầm Viên, đồng thời cung cấp thông tin các hoạt động sôi nổi trong giai đoạn tới.

Điều đó mang lại niềm vui lớn với những người có mặt tại hội thảo, bởi vì trước đó khi có thông tin di dời đàn thú của Thảo Cầm Viên lên Củ Chi, nhiều người đã lo lắng cho số phận của hàng ngàn cây xanh cổ thụ trên “mảnh đất vàng” này, lo lắng cho sự “tồn tại hay không tồn tại” của một công viên – không gian công cộng – di sản cảnh quan đô thị ở trung tâm TP. HCM.

Đến hôm nay thông tin quanh việc nguy cơ đóng cửa vì nợ khoảng 800 tỷ đồng tiền thuế đất đã rõ ràng hơn, hướng giải quyết đã được xác định như Chủ tịch UNBD TP cho biết: Thành phố sẽ thu thuế đối với phần đất sử dụng phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, phần đất phục vụ mục đích công cộng cần tính toán lại cho phù hợp. 

Việc thu thuế đúng và đủ là cần thiết, nhưng đối với những thiết chế văn hóa công cộng như Thảo Cầm Viên cần xác định rõ và ưu tiên chức năng “phục vụ cộng đồng” thông qua những hình thức hoạt động tại đây như vui chơi giải trí, tăng cường sức khỏe, nghiên cứu khoa học, học tập, cũng như các lợi ích khác như sự gắn kết cộng đồng, tạo sự bình đẳng thân thiện giữa các tầng lợp xã hội, nơi lưu giữ ký ức của mỗi gia đình, của nhiều thế hệ... Sự tồn tại của những thiết chế văn hóa công cộng có giá trị bền vững và lợi ích không thể đo đếm bằng tiền.

Trong các đô thị ngày càng mở rộng ngày càng đông đúc như TP.HCM, những không gian xanh như thảo cầm viên và các công viên, các cơ sở văn hóa như sân vận động, rạp phim, nhà hát, kể cả bảo tàng, thư viện... luôn phải “chật vật” để tồn tại và phát triển. Hoàn cảnh khó khăn đã hạn chế phần nào việc phục vụ cộng đồng. Thảo Cầm Viên nếu bị tính thu thuế toàn bộ diện tích thì, như có người đã nói, mỗi cái cây, mỗi con thú cũng phải gánh một phần tiền thuế, giá vé cho người vào tham quan sẽ phải tăng thêm gấp vài lần... Và như vậy, người dân bị hạn chế quyền được sử dụng các công trình công cộng – một phúc lợi xã hội mà chính quyền có trách nhiệm mang lại cho tất cả mọi người.

Trở lại thời điểm 2014 khi Thảo Cấm Viên tròn 150 tuổi, không hiểu vì sao khu vực xây dựng Thảo Cầm Viên ngay từ thời kỳ khởi lập đô thị Sài Gòn lại có quyết định cho chính Thảo Cầm Viên thuê lại với thời hạn 50 năm?! Có thể nhận thấy đó là sự cứng nhắc áp dụng quy định dẫn đến việc đánh giá khu vực này chỉ có giá trị “đất đai”. Còn những giá trị hữu hình và vô hình khác của Thảo Cầm Viên đã bị bỏ qua, dẫn đến sự “thất thoát” và thiệt hại về văn hóa hôm nay. Nói cách khác, lợi nhuận từ những không gian công cộng không thể là “tiền tươi, thóc thật, ngay lập tức” như khai thác tài sản tư nhân, mà “đi đường vòng” nhưng bền vững vì dựa trên giá trị quan trọng nhất: đó là tài sản văn hóa của toàn thể cộng đồng.

TP. HCM đang rất thiếu những công trình văn hóa và không gian công cộng. Không chỉ là nơi dành cho du lịch, mua sắm, nghỉ ngơi giải trí mà còn là nơi thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng, phản ánh trình độ văn minh của đô thị lớn nhất nước này. Giải pháp phù hợp nhất đối với việc sử dụng đất cho văn hóa là phải dựa trên lợi ích trước mắt và lâu dài của cả cộng đồng một cách khoa học và nhân văn.

Mong sao các thế hệ sau còn được “đi Sở thú Sài Gòn” như tôi từng đưa các con cháu mình đến đây, và TP.HCM vẫn có một Thảo Cầm Viên với không gian xanh bình yên hàng trăm năm tuổi giữa lòng thành phố.

https://tuoitre.vn/tai-san-vo-gia-cua-thao-cam-vien-20241215094315979.htm




 

 

HAPPY BIRTHDAY TO ME

 


Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui <3

Tháng 12 luôn mang mọi người nhích dần đến những ngày cuối năm để rồi bước sang một năm mới. Với tôi, tháng 12 mang cho tôi thêm một tuổi mới để rồi bước dần vào thế giới người cũ 😊

Năm nào tôi cũng rất vui và cảm động khi nhận được những lời chúc mừng của các anh chị, bạn bè, người thân... Sao không vui, vì ai cũng sẽ già và mình không thể là ngoại lệ 😊 Thế nhưng thời gian cứ trôi qua, tôi vẫn luôn được đón nhận bao tình cảm của mọi người, mỗi năm niềm vui lại được nhân lên bội phần!

Trong năm nay và tuổi vừa qua, tôi có hai niềm vui mới: giải ba cuộc thi viết Câu chuyện những dòng sông của báo VNN, và có mặt trong Danh sách thường niên tôn vinh những cá nhân có tầm ảnh hưởng rộng khắp châu Á – 100 người Việt Nam năm 2024 của TATLER VIET NAM. Cả hai niềm vui đều đến từ công việc tôi theo đuổi lâu nay: Bảo tồn di sản văn hóa: một công việc có sự giúp sức chung tay của bao nhiêu người!

Nhân ngày vui này tôi xin chân thành cảm ơn tất cả <3


TATLER VIETNAM 4.12.2024

 



KÍNH THƯA QUÝ VỊ,
Tôi xin trân trọng cảm ơn TATLER VIỆT NAM đã tạo điều kiện cho tôi có mặt hôm nay, được gặp gỡ với nhiều người tôi quý trọng vì những cống hiến cho xã hội.
BẢO TỒN DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM là một công việc bình thường nhưng có ý nghĩa to lớn trong thời đại toàn cầu. Giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa là bảo vệ bản sắc riêng để có thể hội nhập với thế giới một cách bình đẳng và tự tin, đóng góp những tinh hoa của quốc gia cho nền văn minh nhân loại, đồng thời cũng hiểu rõ mình đang ở đâu để học tập thế giới.
Nhiều người đã nói về trí tuệ nhân tạo đã và sẽ giúp, làm thay con người nhiều việc, nhưng có một việc không bảo giờ AI có thể thay thế con người, đó là cảm xúc về lịch sử, tình yêu đối với văn hóa dân tộc! Chúng tôi tin rằng các bạn trẻ luôn có những cảm xúc và tình cảm đó trong lòng, vì vậy việc của chúng tôi là cố gắng khơi dậy, thúc đẩy tình cảm ấy trở thành những việc làm hữu ích cho bản thân và cho đất nước.
Tôi hi vọng rằng từ sự kiện này việc bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam sẽ nhận sự quan tâm và ủng hộ của quý vị và cộng đồng một cách thiết thực hơn!
Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn TATLER VIỆT NAM. Xin chúc quý vị sức khỏe và thành công!
(note lại vài ý mình chia sẻ tối 4.12.2024)



Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu là chuyên gia trong ngành khảo cổ học tại Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu được biết đến thông qua trang blog Hậu khảo cổ, nơi bà chia sẻ các kiến thức ngành khảo cổ, những chiêm nghiệm trong cuộc sống và truyền cảm hứng nghiên cứu văn hóa cho thế hệ sau. Quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn di sản lịch sử - văn hóa Việt Nam nói chung và di sản đô thị Sài Gòn - TPHCM nói riêng, Tiến sĩ đã chia sẻ nhiều bài phản biện, phỏng vấn, công trình nghiên cứu về bảo tồn di sản văn hóa cũng như các thành tựu nghiên cứu khảo cổ học phía Nam cho cộng đồng. Từ đó làm nảy sinh sự quan tâm trong cộng đồng đối với các lĩnh vực trên. 

Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu hiện đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn. Bà hiện đang là Phó Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM và giảng dạy tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Bà cũng từng thực hiện nhiều công trình nghiên cứu về nền văn hóa Óc Eo, Sa Huỳnh và khảo cổ học đô thị TP.HCM. Ngoài ra, bà cũng xuất bản nhiều quyển sách về khảo cổ như Đô thị Sài Gòn - TP.HCM: Khảo cổ học và bảo tồn di sản, ​​Khảo cổ học bình dân Nam bộ - Việt Nam,... Bên cạnh chủ đề khảo cổ, bà còn viết về nhiều vấn đề khác dưới góc nhìn của một người nghiên cứu văn hóa, một nhà báo và một nhà văn, tiêu biểu có thể kể đến Thế giới mạng và tôi, Sài Gòn bao giờ cũng thế, Thương những miền qua,...

Thông qua công việc của mình, Tiến sĩ mong muốn có thêm nhiều người ủng hộ và cùng lên tiếng để ngăn chặn những hành vi phá hoại và làm tổn thương di sản văn hóa; bảo vệ di sản từ việc bảo tồn các công trình, bảo vệ ký ức của cộng đồng qua nhiều thế hệ. Bà cho rằng, việc lưu truyền những di sản văn hóa là góp phần bồi đắp tình cảm, trách nhiệm của cộng đồng người Việt trong và ngoài nước đối với Tổ quốc.



Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)

  TS Nguyễn Thị Hậu Tuần qua , tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc l...