Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt tình tiếp nhận những tài liệu, hiện vật của ba tôi – cố Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Bạch.
Ba tôi tham gia
cách mạng tại quê nhà An Giang từ ngày Nam bộ Kháng chiến 23.9.1945. Từ đó cho
đến ngày ông mất tại TP. HCM (1.10.1985) ông chỉ làm một nghề là đạo diễn sân
khấu và luôn gánh vác trách nhiệm quản lý các đoàn nghệ thuật. Cuộc đời của ông
gắn bó với các đoàn nghệ thuật ở Nam bộ, từ kháng chiến chống Pháp đến khi tập
kết ra Bắc và trở về TP. HCM. Những tài liệu hiện vật mà gia đình tôi trao gửi
lại cho Sở VH-TT TP. HCM phản ánh phần nào cuộc đời hoạt động sân khấu của ông,
đặc biệt nhiều tài liệu liên quan đến hai đoàn nghệ thuật Nam bộ trên đất Bắc
là Đoàn cải lương Nam bộ và Đoàn kịch nói Nam bộ.
Theo tài liệu ba tôi để lại, Đoàn Văn công Nam Bộ thành lập ngày 22-11-1954 tại miền
Tây. Đây là đơn vị duy nhất, đông đảo nhất tập hợp hầu hết văn nghệ sĩ của “Nam
Bộ thành đồng”, sau 9 năm kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Cuối năm 1954, Đoàn
Văn công Nam Bộ được lệnh tập kết ra Bắc từ Chắc Băng, Cà Mau. Tại Hà Nội, sau
Đại hội Văn công toàn quốc năm 1956, bộ phận Kịch nói và Cải lương tách ra,
thành lập Đoàn Kịch nói Nam Bộ và Đoàn cải lương Nam Bộ. Chính là tiền thân của
Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát Kịch TP. HCM ngày nay.
Việc gửi tặng những tài liệu hiện vật này cho Sở VH-TT
TP. HCM và nơi tiếp nhận là Bảo tàng TP. HCM, gia đình tôi – và cá nhân tôi là
người công tác trong ngành di sản văn hóa - mong muốn được góp phần vào việc Xây
dựng Bảo tàng Nghệ thuật Cải lương Nam bộ và thành lập Viện Nghiên cứu sân khấu
Nam bộ (gồm nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn). Hai thiết chế văn
hóa này sẽ có đóng góp quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu, đào tạo,
truyền dạy một cách khoa học để có thể bảo tồn các giá trị, gìn giữ các loại
hình và phát triển bền vững những di sản nghệ thuật quý báu của vùng đất và con
người Nam bộ. Đây cũng là ý tưởng mà ba tôi đã bắt đầu thực hiện vào những năm 1980
– 1985.
Nhân dịp Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, tôi xin thay mặt
gia đình trao tặng Sở VH-TT TP. HCM những tài liệu, kỷ vật về cuộc đời hoạt động
sân khấu của ba tôi, cũng là một chặng đường của sân khấu Nam bộ, sân khấu TP. HCM.
Gia đình tôi mong muốn những tài liệu hiện vật này được bảo quản tốt, sớm được
nghiên cứu giá trị và ý nghĩa, để có thể tham gia vào các nội dung trưng bày
phù hợp tại Bảo tàng TP. HCM. Nhân đây xin cám ơn Bảo tàng TP. HCM đã giúp tôi
bước đầu bảo quản, sắp xếp các tài liệu hiện vật theo từng nội dung.
Đặc biệt, qua đây gia đình tôi cũng mong muốn thế hệ con
cháu của các nghệ sĩ, các gia đình, dòng họ nghệ sĩ tại TP. HCM có thể cùng trao
tặng hiện vật, kỷ vật cho Sở VH-TT, tạo cơ sở cho việc hình thành Bảo tàng nghệ
thuật cải lương nói riêng và sân khấu Nam bộ nói chung. Bởi vì càng để lâu sẽ
càng thất thoát, mai một... Như vậy cũng không thể lưu giữ được lịch sử của nền
nghệ thuật Nam bộ/Sài Gòn – TP. HCM.
Nhân Ngày Di sản Văn hóa VN, kính chúc các anh chị quản
lý, hoạt động trong lĩnh vực Di sản văn hóa nói riêng và ngành văn hóa nói
chung đạt được nhiều thành công trong công việc!
Một lần nữa thay mặt gia đình tôi xin chân thành cám ơn Sở
VH-TT TP. HCM, Hội Di sản Văn hóa TP. HCM! Xin kính chúc toàn thể quý vị mạnh khỏe,
hạnh phúc!
Trân trọng!
TS. Nguyễn Thị Hậu
Tổng Thư ký Hội Sử học TP. HCM
https://nguoidothi.net.vn/tp-hcm-cong-bo-xep-hang-them-5-di-tich-kien-truc-nghe-thuat-46189.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét