1. Hơn bảy mươi năm trước, vào năm 1942, ba tôi tốt nghiệp trường sư phạm Lasan Taberd ở Sài Gòn và được phân về dạy tại Cái Răng, Cần Thơ. Sau đó ông xin về dạy trường tiểu học huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) - quê nhà - để tiện chăm sóc ông bà nội tôi.
Ông dạy lớp Nhứt nhưng được nhiều học trò các lớp khác biết và quý mến, vì là thầy giáo nhưng ông “có máu đờn ca hát xướng” – như một người học trò của ông là nhà văn Nguyễn Quang Sáng sau này nhớ lại. Thầy giáo mà biết đờn ca là một điều rất lạ đối với đám học trò ở một trường huyện xa xôi. Sau giờ học vào buổi chiều, ba tôi dạy hát cho học trò bằng cây đờn Banjo tiếng nghe giòn tan, vui tươi. Rồi ông thành lập nhóm “văn nghệ” vào ngày hè đi biểu diễn gây quỹ giúp học sinh nghèo trong trường. Tiếng hát của học trò đã mang lại sức sống cho phố huyện, ban hát của thầy trò đi đến đâu cũng được bà con ủng hộ.
Từ cách mạng tháng Tám 1945 ba tôi đi kháng chiến, ông từ giã bục giảng để “đi hát”: lập đoàn hát biểu diễn suốt chín năm rồi tập kết ra miền Bắc năm 1954. Thời gian chiến tranh ông thường dẫn Đoàn cải lương Nam bộ, Kịch nói Nam bộ đi chiến trường phục vụ bộ đội. Trong chuyến đi, có lần ông đến biểu diễn tại một binh trạm trên cung đường Trường Sơn. Ở đó trong cuộc trò chuyện một bác sĩ đã nhận ra ông là thầy giáo của mình hồi lớp Nhứt. Thầy trò gặp nhau mừng rỡ, bác sĩ quân y vẫn cung kính gọi ông là thầy xưng con như thủa ấu thơ.
Sau này nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã viết về ông qua nhân vật thầy giáo trong tiểu thuyết Dòng sông thơ ấu. Ông và nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng là hai người bạn thân thiết.
2. Ba tôi là người Thầy đầu tiên của tôi, không chỉ dạy chữ mà Ba dạy tôi làm Người. Một đoạn tôi viết về Ba vào ngày giỗ lần thứ 10 của ông (1995):
Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết. Trong không khí náo nức chung tôi có một niềm vui nhỏ dành tặng ba nhân ngày đầu năm. Đó là việc tôi thi đậu vào trường Nghệ thuật Sân khấu. Khi tôi hồi hộp báo tin, không như tôi nghĩ, ba ngồi lặng với vẻ băn khoăn lo lắng. Cuối cùng ba nói với tôi, trang nghiêm mà trìu mến:
- Ba rất vui khi có một đứa con muốn nối nghiệp ba. Trước khi con tự quyết định tương lai của mình, ba muốn nói với con điều này. Mọi nghề nghiệp đều đẹp và đều sẽ thành công nếu ta lao động kiên nhẫn và trung thực. Nhưng trong nghệ thuật thì còn phải có một điều kiện quan trọng, đó là tài năng. Không có tài thì không có vai diễn hay, mà đã là diễn viên phải là một diễn viên giỏi. Đây không phải là chuyện danh tiếng mà là chuyện làm gì để có ích nhiều hơn cho mọi người, cho xã hội, và cho bản thân mình.
Với ba tôi, danh hiệu “nghệ sĩ” thật là cao quý… Lần đầu tiên ba tâm sự với tôi về nghề nghiệp cùng những buồn vui thăng trầm của cuộc đời nghệ sĩ, khi hiểu được điều đó tôi mới thực sự trở thành “người bạn” nhỏ của ba.
Khi tôi tốt nghiệp đại học và được trường giữ lại làm giảng viên, ba tôi rất vui vì trước đây ông cũng là một thầy giáo. Ông hay nói với tôi: “Người thầy giáo cũng như người nghệ sĩ. Phải yêu nghề, yêu người, yêu đời sâu sắc thì mới có thể đứng trên bục giảng hay trên sân khấu để mang đến cho mọi người những điều tốt đẹp của cuộc sống. Thầy giáo hay nghệ sĩ đều là những “kỹ sư tâm hồn”, nhưng tiếc rằng giữa hai nghề này luôn có một khoảng cách khá xa… Người thầy giáo thì thiếu tâm hồn nghệ sĩ, còn người nghệ sĩ lại thiếu đạo đức của người thầy!”
3. Gần như cả cuộc đời ba tôi đi theo “nghiệp hát”, là người nghệ sĩ nhưng ông giữ được nhiều thói quen sinh hoạt của nghề giáo. Đó là sự ngăn nắp, sạch sẽ; thói quen ghi chép những điều nhìn thấy, cảm nhận, đặc biệt là tình yêu sách vở. Anh chị em tôi thừa hưởng được tình yêu với văn học nghệ thuật và thói quen đọc sách từ ba, biết dành dụm tiền mua sách, biết chọn sách để đọc, và biết chia sẻ cảm xúc sau khi đọc một cuốn sách, xem một bộ phim hay vở kịch... cũng là nhờ ba tôi!
Là thầy giáo của một thời còn phong kiến nhưng ông rất dân chủ trong nuôi dạy con cái: không áp đặt trong mọi suy nghĩ, hành xử, chỉ phân tích đúng sai; luôn trao đổi và lắng nghe nhất là khi con cái có khuyết điểm, và ông cũng thường xuyên nói chuyện về công việc của mình cho con nghe, hỏi nhận xét của các con về những “chuyện đời” mà ông chứng kiến, ông còn nói với các con những lỗi lầm của mình để các con biết mà tránh... Ba tôi luôn nói rằng, điều này ông được thừa hưởng từ người Cha, tức là ông nội của tôi, chứ không phải từ giáo dục trong trường học, vì thời đó thầy giáo Việt thì còn phong kiến lắm, thầy giáo Pháp thì rất coi thường người Việt.
Sự dân chủ, công bằng này còn là phương châm hành xử của ông trong nhiều cương vị lãnh đạo, trong đối nhân xử thế với bạn bè, đồng nghiệp, người thân. Sau này đọc những gì ông nội tôi viết để lại cho con cháu tôi càng thấy rõ "truyền thống" này của gia đình tôi.
Và như một điều tất yếu, giữa ba tôi và thầy Trần Quốc Vượng đã có một tình bạn đặc biệt. Dù hai người ít có dịp găp nhau nhưng cả hai rất quý trọng nhau, vì/và đều truyền dạy cho tôi những điều cơ bản về một con người tự do!
Đấy là những điều tôi học được từ Ba tôi - người Thầy đầu tiên của tôi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét