Những đứa trẻ thời chiến


Bây giờ chiếc ba lô đã trở thành vật dụng quen thuộc khắp nơi của mọi người, cả người lớn và trẻ nhỏ. Nhưng với thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trước năm 1975, chiếc ba lô là dấu hiệu đầu tiên của chiến tranh trong mỗi gia đình: ba lô xanh màu lá của cha của anh chuẩn bị ra chiến trường, chiếc ba lô bé xíu cho những đứa trẻ xa rời thành phố về vùng nông thôn tránh bom đạn.

Gia đình tôi cũng từng như thế. Khi má tôi mang về nhà mấy chiếc ba lô cũng là lúc gia đình bước vào những năm dài chia ly không biết bao giờ mới đến ngày đoàn tụ.

Một đêm Hà Nội cuối thu, gió mùa đông bắc sớm tràn về, lũ trẻ bốn năm tuổi chúng tôi lần đầu tiên đi sơ tán. Đêm lạnh, ngồi chờ xe đến đón, bọn trẻ ngủ gà ngủ gật trong lòng cha mẹ, người lớn thì thầm trò chuyện lo lắng vì phải xa các con... Bỗng tiếng còi xe vang lên, mọi người giật mình hoảng hốt… Đến giờ tôi vẫn rất ghét tiếng còi xe hơi, bởi vì nó gợi lại hình ảnh một con bé nhỏ xíu tay ôm chiếc ba lô cũng nhỏ xíu ngồi trên xe hơi, xe chạy xa dần, bỏ lại tuổi thơ của tôi.

Những đứa bé bước vào năm tháng sơ tán theo trại trẻ, tự lớn lên mà không có gia đình bên cạnh. Nhiều năm dài xa nhà, bọn trẻ dần không còn khóc vì nhớ cha mẹ nữa, nhưng cứ ngày cuối tuần là chúng lại ra bờ đê đầu làng đứng ngóng... Hễ thấy bóng ai từ xa đeo ba lô đi lại là cả bọn hò reo chạy ra đón... Rồi cả bọn lại im lặng buồn hiu vì không phải là cha mẹ mình lên thăm.

Lớn lên, cũng những chiếc ba lô ấy trên lưng bạn bè tôi ngày rời giảng đường đại học để ra chiến trường. Và sau đó nhiều gia đình đón những chiếc ba lô mang kỷ vật của người con đã hy sinh về với mẹ, của người cha về với những đứa con...

Cho đến bây giờ chúng tôi đã là cha mẹ ông bà, nhưng thời chiến tranh không bao giờ phai mờ trong ký ức. Đó là câu chuyện của những năm nghèo khó, là hình ảnh bom rơi đạn lạc, là cái chết của bạn bè người thân, là lớp học dưới hầm sâu mà mũ rơm vẫn đội trên đầu, sẵn sàng chạy khi tiếng kẻng báo động vang lên... Những câu chuyện mà đôi khi chỉ nhớ lại một chi tiết thôi cũng khiến chúng tôi rưng rưng. Những năm tháng chiến tranh, nỗi chia ly như dứt da dứt thịt, những kinh hoàng bom đạn dội xuống từ bầu trời, sự đói khát, thiếu thốn mọi bề... mà cho đến nay chưa một tác phẩm nghệ thuật nào có thể tái hiện đầy đủ và thấu cảm.

Những ngày chiến tranh bọn trẻ đã lớn lên rất nhanh, không phải chỉ thể chất mà là tinh thần, tự lập sớm hơn, học và biết được nhiều điều từ cuộc sống. Thế nhưng cái cảm giác cô đơn khi xa nhà, nỗi đau khi mất người thân, khi ốm đau khi nhớ cha mẹ của những ngày ấy dường như không phai mờ… Dấu ấn chiến tranh có thể không hiện diện trực tiếp nhưng đã gây ra bất hạnh cho không ít người. Một thế hệ ấu thơ trong chiến tranh tuy được rèn luyện để có sức chịu đựng mà sống tiếp những tháng năm sóng gió sau đó, nhưng cũng đầy tổn thương đi theo suốt cuộc đời.

Mấy chục năm đã qua tưởng như tất cả chỉ còn là ký ức. Nhưng mỗi khi nơi nào đó xảy ra chiến tranh, khủng bố, tỵ nạn..., tôi lại nhớ những ngày thơ ấu sơ tán từ gần 60 năm trước. Chiến tranh ư? Là ông bà cha mẹ sao nỡ để cho những đứa trẻ phải rơi vào hoàn cảnh xa mái nhà ấm êm, xa trường học bạn bè, xa cha mẹ người thân, cắt đứt những đứa trẻ ra khỏi tuổi thơ hạnh phúc, như thế hệ chúng tôi ngày ấy từng trải qua. Những ngày này, nhìn những tấm ảnh những đứa bé Ukraine cùng cha mẹ di tản tránh làn tên mũi đạn, đọc tin tức về chiến sự từ Ukraine lan đi khắp thế giới, ký ức chiến tranh trong tôi và “thế hệ hậu chiến” lại ùa về, nguyên vẹn, buồn bã.

Trẻ thơ là tương lai của đất nước! Người lớn hôm nay cần phải bảo vệ và nuôi dưỡng tương lai bằng hòa bình chứ không phải bằng chiến tranh. Bởi vì gây chiến hay đình chiến đều không khó, nhưng khi tiếng súng đã im thì rất lâu về sau chiến tranh vẫn chưa chấm dứt, nhất là trong những đứa trẻ bị buộc phải trải qua thời chiến!

Nguyễn Thị Hậu

https://tuoitre.vn/nhung-dua-tre-thoi-chien-20220226232105527.htm 



Nato và Ukraina

 Nga là 1 trong 5 "ông lớn" của Hội đồng Bảo an, là một cường quốc và Chí Phèo trong LHQ, ko lẽ chúng ta nghĩ rằng Phương Tây sẽ đem quân sang đánh nhau với Nga giúp Ukraine? Ko ai làm được điều đó, cũng đi ngược lại công pháp quốc tế và người dân trong nước (NATO, EU), điều mà Nga có thể làm được dễ dàng vì họ là xứ độc tài, nhưng Phương Tây thì ko làm được.

Bù lại, trong một thời gian ngắn, Ukraine đã nhận được số lượng khí tài khổng lồ từ Phương Tây. Gói "cấm vận" mà Phương Tây thông qua để áp lên Nga - và xét về trung và dài hạn Nga sẽ cảm nhận được đòn này - cũng là sự thắt lưng buộc bụng của mấy trăm triệu cư dân Phương Tây, vì nó ảnh hưởng đến Phương Tây rất nhiều, mà thật ra nhiều nước còn do dự, chưa muốn.
Nhưng rồi, 27 nước đã thông qua cả điều mà hiến họ cũng vật vã ấy, và chắc chắn là trong tương lai sẽ còn nhiều biện pháp hơn thế nữa. Đó chính là sự chia sẻ, đồng cảm và khích lệ: ko lẽ chúng ta ngồi ngoài chê bai Ukraine có tổng thống là "thằng hề" (có lẽ trình độ còn gấp mấy lãnh đạo ta đấy), và chê bai cả những nỗ lực lớn lao của người khác, trong cảnh rất khó khăn này?
Hãy bỏ qua suy nghĩ trách móc nạn nhân, mà nhằm vào thủ phạm, lên án chính kẻ dã tâm đã gây ra tất cả những điều này, với tất cả sự dối trá và đểu giả kinh tởm thì hợp lý hơn!
FB Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh từ Budapest.
Pháo đài Ngư phủ (Halászbástya), một biểu tượng của thủ đô Budapest được khoác lên mình màu cờ Ukraine để bày tỏ tình đoàn kết, cảm thông và chia sẻ với người dân nước này trong cuộc kháng chiến vệ quốc chống quân xâm lược Nga.



NHỮNG NGƯỜI CÔ - DẮC (Cossack)

 "Những người Cô-dắc hài hước và can trường sẽ không mỉa mai một xã hội chưa từng dám châm biếm chính trị, chưa từng dám quật người cha uy nghiêm của mình xuống đất như chàng Ostap. Họ chỉ cười nhạt rồi cho qua. "

Ai còn nhớ ông già Taras Bulba kiêu hãnh mà đầy châm biếm của những người Codac?
NHỮNG NGƯỜI CÔ - DẮC (Cossack) - từ FB Nguyễn Lương Hải Khôi

1) Các anh hùng Cô-dắc trong "Taras Bulba" (xưa rồi, 1835) của văn hào Nga Nikolai Gogol yêu hào sảng, chiến đấu ngẫu hứng, can trường và rất hài hước.
Ostap trở về từ Kyiv, bị người cha Taras Bulba châm chọc về trang phục, đù má, chàng trợn mắt, hai ba con mình lâu rồi không gặp nhau, đù má đánh nhau cái nào.
Hai cha con lao vào nhau một trận tưng bừng. Người mẹ Cô-dắc ôm cột nhà oà khóc, cha con chúng mày điên à.
Hồi bé đọc "Taras Bulba", rất thích thế giới của những người Cô-dắc ở phương trời xa lạ đó nhưng không có kinh nghiệm để hiểu họ.
2) Và hôm qua, trên hòn đảo nhỏ xíu ngoài khơi Odessa của Ucraina, 13 lính Cô-dắc (12 nam, 1 nữ) đang canh gác.
- Đây là chiến hạm Nga. Hãy đầu hàng.
- Đù má tụi bây. Đầu hàng cái con c... Cút đi.
Các chiến binh Ucraina ấy tử trận, nhưng làm cho người ta hiểu tinh thần Cô-dắc trong "Taras Bulba" 200 năm trước không phải là hư cấu.
3) Một vài anh chị em thành Đại La mỉa mai gốc gác diễn viên hài của Tổng thống Zelenskyy. Tinh thần của những bạn này thật đáng thương.
Zelenskyy là không diễn hài nhảm nhí. Ông đến với chính trị vì trước đó ông diễn hài chính trị, vai một thầy giáo trung thực, chẳng may bị bầu làm tổng thống, xoay sở một cách khôi hài giữa thế giới chính trị đầy xảo quyệt.
Người Ucraina bầu cho ông một phần vì đã hiểu quan điểm qua những pha châm biếm chính trị của ông trong nhiều năm.
4) Những người Cô-dắc hài hước và can trường sẽ không mỉa mai một xã hội chưa từng dám châm biếm chính trị, chưa từng dám quật người cha uy nghiêm của mình xuống đất như chàng Ostap. Họ chỉ cười nhạt rồi cho qua.
Những kẻ có đời sống tinh thần tầm thường rất thích dùng những từ cao sang như "tổ quốc". Lãnh tụ Cô-dắc Taras Bulba trong truyện của Gogol mà nghe mấy người này nói, ông sẽ cười nhạt, đù má, đám này hiểu cái con c... gì về "tổ quốc" để mà yêu? Rồi không quan tâm nữa.
5) Mất hai ngày đại quân Nga mới tới ngoại ô Kyev. Họ chậm hơn tôi hình dung ban đầu. Tôi đã tưởng hoả lực Nga sẽ quét sạch toàn quân Ucraina trong vài giờ, giống như hoả lực Mỹ đã quét sạch các sư đoàn Iraq trên sa mạc 1991.
Ucraina đã dùng chiến thuật phân tán lực lượng thành từng đơn vị nhỏ, không tập trung quân lực vì sẽ bị hoả lực Nga tiêu diệt sạch sẽ trong vài giờ.
Khi phân tán lực lượng, các chiến binh Cô-dắc đã tự do chiến đấu mà không cần chỉ huy thống nhất.
Chỉ huy chỉ cần nói một câu "Hãy gây thương vong tối đa cho kẻ thù".
Và những chiến binh đầy ngẫu hứng trong "Taras Bulba" đã gây cho Nga thương vong lớn đến bất ngờ.
Facebook của Bộ Tổng Tham mưu Ucraina vẫn rất hài hước khi kể về các chiến công mấy ngày qua. Bạn thấy họ hài hước dù chỉ đọc qua bản dịch tự động.
Đã thêm một ngày nữa trôi qua nhưng đại quân Nga vẫn chưa thể vào Kyev. Những chiến binh Cô-dắc rồi đây sẽ bại trận, tổng thống của họ sẽ bị bắt vì ông từ chối di tản.
"Diễn viên hài" không bỏ chạy mà mặc áo giáp xuống chiến hào động viên tướng sỹ. Ác mộng của Putin chưa thực sự bắt đầu.
Cơn ác mộng cho kẻ diễn vai anh hùng trên bàn giấy trong cung điện ở Moscow chỉ thực sự bắt đầu khi nó giết "Tổng chỉ huy" của những người Cô-dắc.
6) Biểu tình chống cuộc xâm lăng của Putin đã nổ ra ngay lập tức, đồng loạt trên 53 thành phố của nước Nga. Đến nay, gần 2000 người bị bắt.
Xem những lương tâm của nước Nga trên đường phố Saint Peterburg, tôi chỉ mất vài giây là nhận ra những cô gái Nga nào có mái tóc màu hạt dẻ. Tôi sẽ không giải thích vì sao.
7) Điều đáng thương nhất của các anh chị thành Đại La là họ cuồng Nga nhưng chưa từng cảm nhận được tâm hồn Nga, mỉa mai Ucraina nhưng chưa từng chạm vào tinh thần Cô-dắc, dù chỉ là qua văn chương.
Họ chỉ nói ngôn từ của người khác, yêu ghét bằng cảm xúc của người khác.
Người Cô-dắc không quan tâm đến họ nhưng tôi vẫn phải viết vài dòng về họ. Bởi vì chúng ta là một. Dù sinh ra bên bờ sông Đà, Thừa Thiên, hay Ngũ Quảng, Trấn Tây Thành, chúng ta đều ra đi từ Thăng Long thành cũ. Vẻ đẹp của Tràng An đã mất sẽ trở về trong tương lai.
😎 Tâm lý cuồng Nga của một số người ở thành Đại La bắt nguồn từ tinh thần của họ: Họ chỉ có một bên, đó là Bên thắng cuộc.
Mang tinh thần đó vì chưa tách mình khỏi tự nhiên, như Darwin mô tả trong "Nguồn gốc của các loài", thế giới tự nhiên chỉ chọn những cá thể có tiềm năng sống sót.
Ngô Phù Sai thắng thì Tây Thi theo Phù Sai, Phù Sai bị giết thì theo Phạm Lãi. Suốt nhiều thiên niên kỉ, phụ nữ bị ngăn cản tiếp cận giáo dục và tài sản thừa kế, không còn khả năng tự lập và tạo thêm tài sản cho riêng mình, chỉ có một cách là chọn Bên thắng cuộc.
Đời sống đô thị thế kỉ 20 lần đầu tiên cho người phụ nữ được đi theo hệ giá trị mà tinh thần của mình ấp ủ. Họ chọn giá trị chứ không chọn con người.
Người phụ nữ hiện đại nhìn thắng và thua ở góc độ hệ giá trị chứ không còn thô sơ như "lựa chọn" của Tây Thi. (Nàng không được chọn)
Taliban là Bên thắng cuộc nhưng rất nhiều phụ nữ chạy khỏi Kabul. Họ không cần phải yêu những kẻ mình sợ hãi để sống sót. Họ có thể thích ứng những không gian mới.
Chúng ta gặp rất nhiều người phụ nữ như thế ở các đại đô thị châu Á.
Ở Việt Nam, thành Đại La chỉ là một đại đô thị gần đây thôi.
Hãy kiên nhẫn. Cần có thời gian.
Vẻ đẹp của Thăng Long thành cũ sẽ phục sinh một ngày nào đó.
Dù bạn ở Đà giang tả ngạn, Thừa Thiên, Ngũ Quảng hay Trấn Tây Thành, mỗi chúng ta đều yêu vẻ đẹp của thành Tràng An đã mất.
Cuộc phục sinh của dân tộc Việt Nam (nếu có) cần đến vẻ đẹp của Tràng An đã mất, như xứ Phù Tang phục sinh vẻ đẹp Heian của Kyoto cho cuộc Duy tân thuở nào.
Đù má, mất 20 phút đánh máy rồi. (Cho em chửi thề tí, cho giống các chiến binh Cô-dắc)

Ảnh: Phim "Taras Bulba" năm 1962 của J. Lee Thompson (UK).



VALENTINE

1.

Một ngày mới đang đến... Trên tờ lịch ghi con số 14 – 2. Như mọi năm, tờ lịch ngày này không có gì đặc biệt. Nhưng cũng như nhiều năm gần đây, ngày 14 -2 sẽ là một ngày không như mọi ngày. Có rất nhiều hoa hồng tung tăng trên phố, có rất nhiều những trái tim bằng bông, bằng bong bóng, bằng giấy trang kim màu hồng màu đỏ rực rỡ mọi ngả đường, và hương vị Socola ngọt ngào quấn quýt bên mỗi đôi lứa đang yêu...
Là một ngày đặc biệt với những đôi lứa dù đang ở độ tuổi nào. Hôm nay có lẽ ai đang yêu cũng cầu mong cho chuyện tình của mình sẽ luôn tốt đẹp như những câu chuyện cổ tích... Ai đang yêu cũng mong ba tiếng diệu kỳ mà người ấy nói với mình không bao giờ trở thành quá khứ…
Anh yêu em! Em yêu anh!
Hãy mang đến cho người mình yêu niềm tin từ những điều tốt lành mà giản dị – như cổ tích giữa đời thường, trước khi nghĩ đến việc sẽ làm điều gì cao siêu vĩ đại. Và nếu phải dừng bước không thể đi tiếp cùng nhau được nữa, hãy cám ơn nhau vì những năm tháng bên nhau đã qua dù ngọt ngào hay cay đắng.
Cuộc đời ngắn lắm nhưng rất công bằng... cho đi là nhận lại, mọi điều.
2.
Có một bài hát nhiều năm trước đã luôn bên tôi trong những khoảnh khắc không thể chia sẻ cùng ai…
Đó là khoảng thời gian một người bạn thân thiết lẳng lặng biến mất sau một lý do nào đó… Nhiều lúc lo lắng tự hỏi, không biết bạn có chuyện gì nhưng tôi không tìm bạn, vì hiểu, bạn đã không muốn liên lạc có nghĩa là không nên tìm kiếm. Dù lúc chông chênh nhất là lúc cần nhất bạn bè bên cạnh.
Thời gian lại trôi qua, tôi đã bớt thảng thốt khi có gì đó gợi nhớ đến bạn, không còn day dứt tự hỏi, mình sai hay đúng khi cũng im lặng rời khỏi con đường đi chung… “Và nếu thuộc về nhau ta sẽ trở lại”, tôi luôn tin như thế, vì còn đó những ký ức chung…
Rồi thời gian mải miết trôi, lớp da non dần phủ lên vết thương sẽ thành sẹo. Nhưng mỗi khi có gì gợi nhớ đến bạn thì trái tim vẫn nhói đau... tôi đã luôn cẩn thận mà vẫn không tránh được…
Chỉ có điều, bạn biết không, dù chưa thể cạn kiệt cảm xúc nhưng tôi đã không sai lầm khi buông tay, mọi việc đã qua... “Và rồi ta hứa sẽ quay trở lại, vào một ngày mai như hai người bạn...”. Có thể, nhưng tôi sợ sự vô tâm của bạn sẽ lại gây ra tổn thương mới...
“Cuộc đời này dù ngắn nỗi nhớ quá dài…”. Bạn và tôi, chúng ta đã từng trải vậy mà lòng vẫn rưng rưng, như là những lời này được viết ra dành cho ngày Valentine của những người tuổi không còn trẻ nữa…
3.
Cửa hàng bán những chiếc bình đẹp bằng pha lê và thủy tinh. Bình thủy tinh bán chạy hơn vì nhìn cũng giống pha lê, nhưng giá rẻ, vỡ cũng không tiếc.
Ít người mua bình pha lê, nhưng đã mua thì giữ gìn cẩn thận, không chỉ vì đắt tiền mà vì hiểu giá trị hoàn mỹ của bình pha lê như một tác phẩm nghệ thuật.
Tình yêu như pha lê còn những gì giống như tình yêu chỉ là thủy tinh.

ÁO DÀI - "BẢO TỒN" TRONG XÃ HỘI NHƯ THẾ NÀO?


Áo dài – nhất là áo ngũ thân của nam giới, như nhiều sản phẩm văn hóa truyền thống khác, được coi là chứa đựng nhiều ý nghĩa về đạo đức, triết lý... Nhưng từ góc độ kỹ thuật sản xuất thì hình thức hay các chi tiết của sản phẩm văn hóa ấy trước khi mang ý nghĩa hay triết lý thì đều bắt đầu từ tính chất của nguyên liệu chính, phụ, tính chất hay những thuộc tính của nguyên liệu sẽ “quy định” kỹ thuật làm ra sản phẩm.
Như áo dài của phụ nữ Việt đã trải qua nhiều lần cách tân và chắc sẽ còn tiếp tục thay đổi. Sự “cải tiến” của áo dài không thể tách rời sự phát triển của kỹ thuật dệt vải, may mặc và những phụ kiện, chất liệu mới. Từ khổ vải hẹp dệt tay khung “ngang người” đến khung rời, rồi dệt máy... Chất liệu phong phú đa dạng phù hợp thời tiết, vệ sinh... Nhiều phụ kiện “kỹ thuật” khác... Vì vậy đã có những “biến tấu” ở cổ áo, tay áo, hiện nay là dây kéo sau thay hàng nút bấm… đó là những thay đổi theo chiều hướng tích cực mang lại vẻ hiện đại cho áo dài. Tuy nhiên, những yếu tố chính tạo nên sự đặc sắc của áo dài của nữ giới như độ dài vạt áo khoảng trên/ngang gấu quần, độ ôm ở vai, eo, kết hợp với quần lụa mềm mại… cần phải bảo tồn và đến nay được bảo tồn khá tốt.
Áo ngũ thân của Nam giới không được bảo tồn và phổ biến đến nay như áo dài nữ, theo tôi vì một vài lý do, trong đó có việc nam giới tham gia cộng việc và giao tiếp xã hội nhiều hơn trong thời gian Pháp xâm lược VN, vì vậy chịu ảnh hưởng về trang phục và nhiều yếu tố văn hóa khác nhiều qua tiếp xúc xã hội. Trang phục nữ bao giờ cũng được bảo tồn tốt hơn theo nguyên lý “văn hóa mẹ”. Nếu coi áo dài truyền thống của nữ là một loại “quốc phục” thì áo dài ngũ thân cài khuy của nam giới cũng có giá trị như vậy. Tuy nhiên, phục cổ nhưng nếu đừng quá nệ cổ thì chiếc áo ngũ thân có lẽ vẫn cần sự cải tiến – trên cơ sở bảo tồn một số yếu tố cơ bản như hình dáng, đơn sắc, khuy áo - cho phù hợp với thời này.
Chiếc áo dài của phụ nữ Việt nhờ sự cải tiến vậy mà đã tồn tại qua nhiều thời kỳ lịch sử. Hay nói cách khác, chiếc áo dài phụ nữ không phải gánh vác tránh nhiệm nặng nề về “ý nghĩa, triết lý” nên nó tự “giải phóng” để thích nghi với thời gian mà vẫn giữ được tính chất “biểu tượng văn hóa” của phụ nữ Việt. Áo dài nữ xưa hay áo ngũ thân là lớp trầm thích văn hóa sẽ được gìn giữ "nguyên bản" cho đời sau chiêm ngưỡng bằng các phương thức bảo tồn như bảo tàng và phương tiện kỹ thuật, truyền thông đa phương tiện khác.
Muốn gìn giữ “tâm hồn Việt”, dung hòa giữa truyền thống và hiện đại thì cần có sự hiểu biết đến nơi đến chốn về văn hóa nói chung và từng thành tố nói riêng, như trường hợp chiếc áo dài của phụ nữ Việt Nam. Đồng thời tránh tâm lý “so sánh” với những trang phục cổ các quốc gia khác, so sánh với xu hướng thời trang của thế giới rồi mặc cảm tự ti hoặc tự tôn quá đáng. Ung dung tự tại khi hiểu rõ “ta là ai, ta như thế nào” thì sẽ vừa giữ gìn vừa phát triển văn hóa truyền thống phù hợp thời đại mới.
@ Note nhân #midnighttakls 26 về Cổ phục việt qua áo ngũ thân truyền thống.
Hình: trình diễn áo dài ngũ thân truyền thống.



MAI VÀNG ĐƯỜNG QUÊ


Đường về miền Tây từ TP. Hồ Chí Minh khoảng chục năm gần đây có đoạn cao tốc từ Bình Chánh đến Trung Lương, nay mới thêm đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận băng giữa cánh đồng. Còn lại gần như toàn tuyến vẫn chật hẹp dù đã giải tỏa mở rộng thêm nhưng mỗi bên cũng chỉ có 2 làn xe hơi. Xe máy nhiều quá đành đi vào làn đường xe hơi, nguy hiểm vô cùng. Có vài đoạn đường tránh nhưng lưu lượng xe ở quốc lộ Một vẫn không giải tỏa được bao nhiêu. Đã bao nhiêu năm mà đường miền Tây vẫn “kiên trì độc đạo” dù chắp vá thêm vài tuyến tránh hay cao tốc ngắn ngủi.
Ngày nào cũng vậy, từ sáng tới khuya đường miền Tây lúc nào cũng nườm nượp xe cộ. Trạm dừng chân sáng đèn suốt đêm, hàng quán nơi thị tứ luôn thức khuya dậy sớm. Dưới những con sông, kinh rạch cắt ngang đường lộ có lúc nào im tiếng ghe máy ngược xuôi… Những ngày trước và sau tết trên tuyến đường này thường xuyên kẹt xe tắc đường, hàng chục ngàn xe máy chồng vợ con cái chở nhau cùng lỉnh kỉnh túi xách ba lô...
Từ Sài Gòn về các tỉnh miền Tây có bao nhiêu cây cầu? Chắc không ai biết hết. Cũng mới vài năm nay nhiều cây cầu đã được xây mới, xây thêm cầu đôi để ngày thường tránh nạn kẹt xe nhưng vào dịp lễ tết thì vẫn ùn ứ ở những “|nút thắt cổ chai” hai bên đầu cầu, như cây cầu Rạch Miễu lừng danh vì cứ cuối tuần hay lễ tết là kẹt xe dài hàng cây số. Chỉ riêng con đường vô thành phố Cao Lãnh từ quốc lộ Một rẽ ngã ba An Hữu khoảng 30km đâu đã hơn 20 cây cầu, hồi “thế kỷ trước” toàn cầu sắt lót ván gập ghình, xe “bò” qua cầu và hành khách phải xuống đi bộ, chú lơ xe còn phải vác theo tấm ván lót những đoạn ván cầu bị mục. Nay cầu đã được xây bằng bê tông, đường trải nhựa ngon lành, thời gian qua đoạn đường này rút lại chỉ hơn một tiếng đồng hồ thay vì hơn nửa ngày như trước.
Đường miền Tây vào mùa Tết đẹp nhất vì nhà nào cũng có vài cây mai, có khi cả một vườn mai nở vàng rực. Cây mai như người bạn của mỗi gia đình miền Tây, rằm tháng Chạp lặt lá để Tết nở hoa, nhìn mai nở biết người thân sắp về ăn tết. Qua Tết nhìn mai rụng biết người thân sắp rời nhà đi thành phố… Cây mai trồng trước sân trong vườn, người miền Tây ít khi chặt cành mai vô chưng trong nhà mà để mai nở tự nhiên, mang lại vẻ đẹp cho cả con đường, nét rực rỡ mùa xuân cho cả làng quê, tự nhiên giữa trời nắng tươi gió mát cho mọi người cùng thưởng thức. Đoàn người rồng rắn về quê trên chiếc xe máy cảm thấy bớt đi bao mệt nhọc, thấy nhà mình gần hơn khi đi giữa những cội mai vàng rực bên đường.
Những cây mai ở miền Tây cũng giống như ở vùng núi phía miền Bắc, đào, mận trồng trước nhà, mùa xuân nở hoa hồng hoa trắng đẹp vô cùng. Làng quê Bắc bộ ít thấy trồng đào phổ biến như nông thôn Nam bộ trồng mai.
Mỗi lần về quê thấy con sông Cao Lãnh ngày càng cạn hẹp dù đã được kè bờ (má vẫn kể ngày xưa sông rộng tàu lớn còn đi về tận Nam Vang), thấy khu đất nền nhà ông cố bây giờ thành những dãy nhà phố đông đúc, nhớ hồi đó nhà máy xay gạo của ông ngoại với đống trấu đống tro cao ngang mái nhà sàn của ngoại. Trong nhà sàn gian giữa có dãy bàn thờ mà ngày giỗ ngày tết, bà ngoại, má và mấy dì mấy mợ chỉ lo cúng cơm ở đó cũng hết ngày. Nét xưa nay không còn nữa…
May mà còn những cội mai vàng khoe sắc rực rỡ trong mọi ngôi nhà của làng Hòa An xưa, hàng mai thanh mảnh mà hoa dày đặc trên cành trước sân nhà cậu Út để mỗi lần về lại nhận ra, dù sống ở đâu thì trong mỗi người vẫn luôn còn đó một quê hương…




TẾT TRUYỀN THỐNG TRONG THỜI 4.0

  

Từ khi bước sang thế kỷ 21 nước ta đã có nhiều thay đổi trong sinh họat dịp Tết, đó là “sự chuyển dịch” ngày càng nhanh từ tính chất truyền thống - hướng nội sang hiện đại - hướng ngọai. Nếu trước đây ngày Tết mang ý nghĩa đón chào năm mới và sum họp gia đình thì giờ đây, ý nghĩa đón chào năm mới đã “dịch chuyển” đến sớm hơn, từ dịp Noel đến Tết dương lịch.

Quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa giữa nước ta và thế giới đã mang đến những sinh họat mang tính quốc tế, như từ cuối tháng mười một đến Giáng sinh và Tết dương lịch có nhiều sinh họat văn hóa giải trí, từ lễ hội đến những dịp hàng hóa được bán giá rẻ khuyến mãi... Nhịp sống đô thị và công nghiệp đã phổ biến ở các thành phố lớn, nơi hàng triệu người nhập cư, nhiều công ty nước ngoài đến sinh sống và làm việc.

Do đó, ý nghĩa ngày Tết giờ đây chủ yếu là lưu giữ truyền thống sum họp gia đình và mừng thọ ông bà cha mẹ. Dịp Tết với người Việt là lúc ông bà cha mẹ được gần gũi con cháu, con cái thể hiện sự chăm sóc ân cần với cha mẹ ông bà. Hơn hết cả là một dịp để gia đình gắn bó tình cảm với nhau hơn. Tuy nhiên, không nhiều gia đình Việt Nam còn giữ được tập tục này vì con cháu thường sống riêng, có khi ở xa không có điều kiện về thăm gia đình, nhất là vào dịp Tết tàu xe khó khăn… Bù lại bây giờ có điện thọai, có internet, không chỉ trong nước mà ở nước ngòai cũng có thể thăm hỏi ông bà cha mẹ bất cứ lúc nào. Nhờ đó những ngày tết vẫn có thể “gặp mặt” nhau để thể hiện tình cảm gia đình.

Ngày trước chuẩn bị cho ba ngày Tết phải từ đầu tháng chạp, chủ yếu lo cái ăn: mua trữ nhiều lọai thực phẩm gạo nếp bánh kẹo măng miến đậu xanh bánh tráng, rồi mua rau làm các lọai dưa muối… Từ ngày 23 Ông Táo về Trời lo tìm mua thịt mua giò chả, chuẩn bị gói bánh và những món ăn truyền thống. Rồi mấy ngày Tết loay hoay nấu ăn cúng kiếng, có đi đâu cũng quanh quanh bà con, láng giềng, ít đi chơi xa…

Bây giờ, ăn Tết, chơi Tết đã có dịch vụ “từ A đến Z”, có tất cả các lọai thực phẩm đến các tour du lịch theo mọi nhu cầu. Ở các thành phố lớn hầu như không cần lo lắng đến việc ăn uống, vì chỉ cần đi siêu thị một buổi là có đầy đủ. Bàn thờ ông bà, mâm cơm cúng chiều ba mươi đêm giao thừa vẫn đầy đủ những món ăn truyền thống nhưng không cần vất vả như xưa, muốn chưng hoa đào hoa mai ở Sài Gòn hay Hà Nội đều có.

Bây giờ người đô thị lo chơi Tết hơn, từ tháng 9 tháng 10 đã tìm mua tour du lịch Tết, mua sớm vì sợ hết chỗ. Sài Gòn, Hà Nội ngày Tết lại vắng hoe, người về quê, người đi du lịch trong ngòai nước… thành phố bỗng yên tĩnh lạ lùng. Tuy vậy Tết vẫn đáng yêu vì cái vẻ “truyền thống mà hiện đại”, nhưng cũng đôi có chút ngậm ngùi. Dường như cái bận rộn của sự lo lắng, cái tình nghĩa của sự thiếu thốn, cái ấm áp của sự sum họp… giờ chỉ còn là ký ức của nhiều thế hệ.

***

Xưa nay người Sài Gòn đều thích đi chơi Tết, ngày lễ Tết thường ra ngòai ăn tiệm, có bạn bè thì rủ nhau ra hàng quán, ít khi bày vẽ nấu nướng ở nhà. Các bà các cô nội trợ cũng hay mua thực phẩm làm sẵn: việc đặt giò chả, bánh chưng bánh tét ở Sài Gòn phổ biến từ rất lâu rồi, có lẽ do lối sống đô thị các dịch vụ phát triển sớm. Người Sài Gòn trọng lễ nghĩa nhưng không quá câu nệ chuyện phải đi thăm viếng họ hàng vào dịp Tết, họ có thể đến thăm vào trước hay sau Tết miễn là thuận tiện cho cả hai bên.

Sài Gòn ngày càng có nhiều người từ nơi khác đến làm ăn, vì vậy Sài Gòn luôn có nhiều đặc sản của các vùng miền. Ngày Tết ở Sài Gòn có thể thưởng thức nhiều món ăn khác nhau chứ không chỉ có những món truyền thống. Tết cũng là dịp Sài Gòn đón nhiều người Việt sống ở nước ngòai về thăm gia đình. Ngày Tết ở Sài Gòn các khu vui chơi giải trí, rạp phim rạp hát, hàng quán bán như ngày thường, nhiều quán bán ngay từ sáng Mùng Một, giá cả đắt hơn nhưng mọi người đều vui vẻ chấp nhận vì “tết mà!”. Các hoạt động biểu diễn văn nghệ, mở cửa công trình văn hóa như bảo tàng, rạp phim... Được “ăn theo” dịch vụ giữ xe, bán hàng rong. Ở các thành phố với nhu cầu dịch vụ cao, Tết còn là dịp “kiếm thêm” của nhiều người, một khía cạnh nào đó có thể coi là sự “phân phối lại thu nhập” (một cách tự phát) giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Mươi năm gần đây có nhiều gia đình trẻ thích đi du lịch mỗi khi Tết đến, một phong cách nghỉ lễ được du nhập từ phương Tây. Cũng có thể coi đó là hệ quả tất yếu của lối sống công nghiệp, hàng ngày quá bận rộn mưu sinh và lễ Tết trở thành thời gian riêng tư ngơi nghỉ. Bên cạnh đó, người có thu nhập khá trở lên cũng biết bù đắp cho sức lao động của mình một cách xứng đáng. Vì vậy Tết là dịp họ cùng gia đình đi du lịch, nghỉ ngơi, mở mang kiến thức. Tuy nhiên, không phải Tết nào họ cũng đi như vậy, vì còn những mối quan hệ với gia đình cha mẹ hai bên cần phải chu toàn. Hơn nữa, với gia đình trẻ mà hàng ngày chỉ thích ăn tiệm, Tết nhất cũng để bếp nhà lạnh tanh thì… dễ “sinh chuyện” lắm, vì với người Việt Nam bữa ăn không chỉ là ăn, mà còn là sinh họat gia đình, duy trì quan hệ gia đình. Ngày Tết lại càng có giá trị như vậy.

Một điều thú vị hiện nay, trong nhiều gia đình sinh hoạt dịp tết đã có sự thay đổi theo xu hướng “vừa đủ” cho việc mua sắm thực phẩm, quần áo, đồ dùng, phân bố thời gian cho việc nghỉ ngơi, thăm viếng cha mẹ, đi chơi, giải trí… Tùy vào hoàn cảnh điều kiện của từng người mà mức độ “vừa đủ” cũng khác nhau, nhìn chung nhu cầu cá nhân – nhất là thời gian nghỉ ngơi – được nhiều người ưu tiên. Đồng thời nhiều bạn trẻ cũng biết dung hòa nhu cầu “tự do” của mình và nhu cầu “đoàn viên” của cha mẹ để tránh xung khắc mất vui trong những ngày nghỉ Tết.

Cũng như những món ăn ngày Tết, nhiều sinh hoạt Tết xưa không còn nữa. Cũng may là có báo chí, sách vở, phương tiện kỹ thuật mới lưu giữ và truyền lại cho đời sau. Không thể bắt cuộc sống hiện đại phải theo tất cả phong tục cũ vì có những điều không còn phù hợp. Mặt khác, bảo tồn không phải là giữ nguyên truyền thống, mà chỉ nên giữ phần tinh túy nhất, phần làm nên bản sắc văn hóa và con người Việt Nam. 

Sau một kỳ đại dịch khắc nghiệt vì những tháng “lockdown” căng thẳng, phần lớn người nhập cư đã trở về quê nhà, chưa thể quay lên thành phố. Người thành phố cũng bị cắt đứt khỏi những sinh hoạt và quan hệ giao tiếp bình thường với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... Những ngày Tết này là dịp để mọi người mở lòng bày tỏ và đón nhận sự quan tâm, tình cảm của  gia đình, bè bạn. Khi đã trải qua giây phút sống còn chúng ta càng biết trân quý hơn sự hiện diện mỗi ngày bên nhau.

Sài Gòn 2.12.2021

Nguyễn Thị Hậu




 

Trải nghiệm tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên

  Hôm qua mình được NAG Minh Hòa rủ đi trải nghiệm Metro tuyến Bến Thành – Suối Tiên. Từ năm 2021 mình đến khảo sát khu vực đang xây dựng nh...