Sự im lặng



 1. Sự im lặng quanh phóng sự điều tra của báo Phụ Nữ về việc phá hoại di sản thiên nhiên Tam Đảo, sự im lặng quanh “tai nạn” của thứ trưởng bộ BG (dù có những đồn đoán về nguyên nhân), sự im lặng trước nhiều sự việc hiện tượng bất công ngang trái... Đúng là không ai có quyền đòi hỏi người khác phải thế nào trước những sự việc đó, nhưng sự im lặng “ngoảnh mặt làm ngơ” của cơ quan chức năng thì người dân có quyền đòi hỏi sự lên tiếng của họ!
Tuy nhiên, trong một cộng đồng nghề nghiệp thì sự im lặng của đồng nghiệp thực sự là một sức ép vô cùng lớn với những ai có hành xử “khác biệt”! Đời công chức của mình ít nhất hai lần mình bị rơi vào tình trạng “cô độc” ngay trong cơ quan, nơi mà mình yêu thích và say mê với công việc.
Lần thứ nhất chỉ vì không hợp tính với sếp bà, lại can tội “được thăng chức” quá nhanh (trong 2 năm từ lính trơn lên trưởng phòng rồi phó giám đốc)... thế là mọi chuyện mình làm, mọi lời mình nói đều bị soi chiếu kinh khủng! Khi người ta đố kỵ thì cẩn thận mấy mình cũng ko thể tránh khỏi những vô tình, chưa kể sự thẳng thắng hay tích cực trong công việc đều bị nhìn bằng một con mắt khác!
Đau nhất là xung quanh đồng nghiệp đều im lặng! Có thông cảm chia sẻ cũng chỉ “kín đáo” còn công khai thì không! Họ đều là người tốt, hiểu việc đúng sai... nhưng trước quyền lực họ đành im lặng. Một số người nhân cơ hội này còn chọc ngoáy dèm pha dựng chuyện (mà đàn ông khi nhỏ nhen thì thôi rồi, hết thuốc chữa!).
Những uất ức đấy ko thể mang về nhà vì ở nhà là không gian và thời gian cho gia đình. Thỉnh thoảng mấy anh em thân thiết gặp nhau, ngồi nhậu mà mặt mũi mình trông rất chán, mấy anh em nói: thì bà cứ chửi một câu cho đỡ tức! Lúc đấy mới thấy ko biết chửi bậy là một sai lầm!
May mà còn công việc mình yêu thích... cứ vùi đầu vào công việc, và nhưng không thể quen với những nhỏ nhen – cứ chuẩn bị có cuộc họp nào đó là mình lại mất ăn mất ngủ vì ko biết sẽ có chuyện gì xảy ra. Thời gian khoảng 8 năm đó mình bị khủng hoảng trầm trọng, công việc ngày càng nặng nề (vì là PGD phụ trách chuyên môn), lỡ có gì sơ xuất thì coi như toi!
Rồi cũng qua vì sếp bà nghỉ hưu. Giờ nghĩ lại mình phục mình hết sức vì sao có thể sống sót qua thời gian đó :)
Lần thứ 2, đó là lúc mình bị chỉ định ra ứng cử ĐBQH. Lúc đó cơ quan mình mới hình thành từ việc sát nhập 3 cơ quan, trong đó có một bộ phận nhân viên có truyền thống kiện cáo soi mói hay ý kiến ý cò một cách vô lối nhưng cứ tự coi là có trách nhiệm!
Khỏi nói, dù ngay từ đầu mình đã từ chối vụ ứng cử này vì biết tính cách mình không phù hợp với chính trường, nhưng sự kiện “ứng cử ĐBQH” đã trở thành cái cớ hợp pháp cho họ soi mình như thế nào! Là lãnh đạo nữ duy nhất, phụ trách khối VHXH, lại kiêm phụ trách tài chính, văn phòng... và bao nhiêu việc linh tinh – do sếp trưởng phân công, lại còn phải ra sức chống đỡ, giải trình giải thích những đơn từ thưa gửi... Mà tệ nhất là trong ban lãnh đạo 5 người có 4 nam giới toàn đàn anh cả, vậy mà im lặng thậm chí còn xui giục và ngầm ủng hộ mấy người nhiều chuyện. Mình đã phải xin gặp lãnh đạo thành ủy để trình bày mọi chuyện và cương quyết từ chối nhiệm vụ (ứng cử ĐBQH).
Tất nhiên, khi mình được rút lui thì mọi chuyện xong ngay! Chỉ khổ mình tự dưng tai bay vạ gió và phải nhận thấy sự ti tiện ở vài người!
Mình vẫn giữ toàn bộ những đơn từ giải trình ghi chép của hai thời gian đó. Cũng không xem lại làm gì, mỗi lần nhớ lại vẫn thấy đau vì sự “im lặng” kiểu vàng mã hay kiểu dao găm của những người “đồng nghiệp” ấy!

 2. “Con người cần 6 năm học nói và 60 năm để học cách im lặng”, có nghĩa là, đến hết đời (nếu chịu khó học) mới biết cách không nói, đủ hiểu “im lặng” khó như thế nào.

“Lời nói là bạc nhưng im lặng là vàng” có nghĩa là im lặng mang lại lợi ích như “vàng” nhưng cũng có thể hiểu là lời nói dùng “tiêu xài” hàng ngày nhưng im lặng thì chỉ được mang ra sử dụng khi cần thiết, thậm chí rất cần thiết.
“Thùng rỗng kêu to”, lời nói như thế thì chẳng có giá trị gì.
          “Khởi đầu là Lời”, không có lời nói thì sự im lặng liệu có giá trị không?
Lời nói và sự im lặng như là hai cực đối lập, nhưng có vẻ như sự im lặng được đánh giá cao hơn lời nói. 
Khi nào “lời nói” chính là sự dũng cảm, dám chấp nhận, dám hành động thực sự, còn “im lặng” chính là sự lười biếng, trì trệ, trốn tránh, thậm chí là hèn nhát, thì khi ấy lời nói đáng quý gấp ngàn lần sự im lặng.
Đôi khi những lời nói độc địa nhất không mảy may làm tổn thương nhưng sự im lặng lại có thể làm chết người. Bởi vì, người ta chỉ nghĩ rằng mình đang có “vàng” chứ mấy ai nhận ra rằng “mình đang giết người”.
Bây giờ sự im lặng nhiều hơn lời nói, im lặng là vàng, nhưng là vàng mã!

(note cũ, 2012)
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, đang ngồi, bàn và trong nhà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...