BẾN CŨ NGÀY GIÁP TẾT

Qua cầu Xóm củi (còn gọi là cầu Chà và vì khu vực này xưa có nhiều người gốc Ấn), quẹo phải sát chân cầu đi cặp theo kênh Tàu Hũ là đường bến Bình Đông. Đi mãi đi mãi… tới đường bến Mễ Cốc. Đi hòai đi hòai… đến đọan kênh Tàu Hũ gặp Rạch Cát thì hết đường. Đọan bến Bình Đông phía bên quận 5 quận 6 là đại lộ Đông Tây, còn bến Mễ Cốc phía bên kia là Phú Định – một làng cổ thuộc xóm lò gốm Sài Gòn xưa. Ngỡ ngàng khi gặp một nhà quê yên bình đến thế. Đám dừa nước rậm rạp, trên chiếc ghe nhỏ bếp cà ràng đỏ lửa chiều, khói quẩn trên ngọn dừa cao cao in bóng xuống dòng kinh… Vùng này còn mấy cây cầu sắt cũ từ thời Tây, chênh vênh mỗi cây mỗi kiểu, lót ván gập ghềnh, nay chỉ dành cho người đi bộ. Chắc không lâu nữa sẽ thay bằng những cây cầu bê tông vững chắc nhưng vô hồn bởi chúng rất giống nhau, ngang bằng, đơn điệu.

Hồi xưa, trên bến kinh này từ trước ngày rằm tháng chạp ghe chở “ông lò” (bếp lò đất) đã về. Ngày 23 cúng ông Táo nhà nào nhà nấy đốt than trong ông lò mới cầu mong cho nhà cửa luôn ấm êm, hạnh phúc. Sau ngày Ông Táo những “ông lò” cũ đem đặt ngòai vườn, dưới gốc cây hay ven hàng rào… lâu ngày ông lò hóa thổ, trở về với đất, như con người… Những chiếc ghe lớn chở than đước ngày nào cũng cặp bến, lái mua than cả cần xé chở đi khắp thành phố cũng có mà người mua lẻ vài ba ký cũng có. Mấy anh bán than mặt mày đen nhẻm, đôi mắt như biết nói, mải miết vác than chọn than tốt cho người mua. Còn ghe chiếu nữa, chất đầy chiếu bông chiếu trắng đương bằng những cọng lát tròn bóng thơm mùi gió chướng mùi đất phèn miền Tây… Trưa vắng khách văng vẳng câu vọng cổ nghe buồn chí xứ “chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp… tôi gối đầu mỗi đêm…”. Mấy năm rồi vắng bóng ghe than ghe chiếu… mà phải thôi, bây giờ ở thành phố còn mấy nhà chụm than bếp lò, mấy nhà còn trải chiếu Cà Mau…

Sau 23 tháng chạp là ghe trái cây về san sát, chuyển hàng lên bến khỏi cần bắc ván làm cầu. Nhưng độc đáo nhứt ở bến Bình Đông là chợ mai, tắc kiểng dài suốt con đường. Không hiểu sao nhìn chợ hoa Tết bao giờ cũng thấy buồn… nghĩ đến trưa 30 chợ hết, tiếc hoa, thương người trồng hoa, tội người bán hoa… Từ năm ngóai ghe kiểng về không đậu bên kia vì bến Hàm Tử đã giải tỏa làm đại lộ Đông Tây. Năm nay bến Bình Đông là bến chính. Đọan đường hẹp lổn nhộn ổ gà, dãy nhà phố một trệt một lầu mái ngói thâm đen tường vôi loang lổ. Tầng trệt còn buôn bán mà những cánh cửa gỗ xộc xệch trên lầu hình như đã lâu lắm không được mở ra…

Bạn bè ngồi lai rai trong quán nhỏ, nhìn qua bên kia nhà cao tầng đại lộ 8 làn xe vun vút chạy, nhìn lại bên này cầu cũ, kinh đen, nhà xưa, ghe nhỏ… Rồi tránh nhìn nhau. Cảm giác như thấy người thân yêu xa dần mà không có cách gì niu giữ…

4 nhận xét:

  1. Tết đến nơi rồi mà vẫn được ngồi tĩnh lặng để tiếc nuối những gì không thể níu giữ được thế này là hạnh phúc lắm đấy nhé!
    Ba cái lu trong ảnh, người ta dùng để làm gì đấy hả bạn?

    Trả lờiXóa
  2. Chiếu Cà mau trông thế nào chị nhỉ, có giống chiếu cói ngoài HN ko ạ :-)

    Trả lờiXóa
  3. @ A Thụy: Lu chứa nước anh ạ. Nam bộ mùa khô thiếu nước, nhất là vùng ngập mặn nên lu dùng chứa nước mưa hoặc mua nước ngọt, hoặc chứa nước sông lóng phèn chua cho nước trong. Nhà nào cũng có một hàng lu bên hông nhà. Lu đất nung chứa nước mát lành hơn lu nhựa.
    @ Titi: có lẽ ko khác, nhưng nổi tiếng bởi bài vọng cổ "Tình anh bán chiếu" :)

    Trả lờiXóa
  4. Đọc nhớ một dạo. Cảng Bình Đông, dãy kho bến Lê Quang Liêm, bến Bình Đông, những bao gạo bắp, những đôi vai trần trên bến... Ngày giáp Tết đủ mọi thứ hàng hóa miền Tây kín hai bên bờ...

    Trả lờiXóa

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...