Không tiết giảm từ ngữ nhưng vẫn làm nên số phận của nhân vật (Yahoo văn hóa Việt phỏng vấn)

Để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm 5 năm YHVHV đến với bạn đọc sắp tới. Chúng tôi tổ chức cuộc hội thảo với các văn nghệ sĩ đã từng cộng tác với trang Văn học của YHVHV. Vì lý do địa lý cách trở, những cuộc hội thảo nầy đã được thực hiện qua email giữa Vũ Trà My và những tác giả được mời... Chủ đề hôm nay chúng tôi bàn luận về thể loại " Truyện Thật Ngắn " với hai nhà văn Nguyễn Thị Hậu và Cổ Ngư....

Vũ Trà My: Một nhà văn thành công theo ngưới ta ví như một thượng đế định đoạt số phận nhân vật, sự việc của mình qua ngòi bút. Để kể lại chuyện định đoạt đó thật súc tích và mạch lạc, hầu sức thẩm thấu của nó đến với người đọc thật lan toả sâu sắc. Ở thể loại " Truyện thật ngắn "Anh ( Chị ) nghỉ như thế nào khi làm thượng đế uy quyền như vậy, mà vẫn bị phải khống chế sự định đoạt của mình gói gọn ở chuyện càng ngắn càng cô đọng thì càng hay?

Nguyễn Thị Hậu: Theo tôi, truyện thật ngắn như một khoảnh khắc trong cuộc sống, có khi là ánh chớp lóe lên trước cơn giông, có khi là cơn mưa bất chợt giữa ngày hè oi bức, có khi là cú vấp trên đường… Người viết luôn quan sát nắm bắt được những giây phút bất chợt ấy một cách tỉnh táo, nhưng lại cảm nhận bằng trực giác, từ trái tim, sự “đe dọa” ẩn trong ánh chớp, sự nhẹ nhõm sau cơn mưa, cả cảm giác chóang vì đau của cú vấp ngã… Tôi nghĩ, trong truyện thật ngắn người viết như bạn thân của nhân vật. Mà sự chia sẻ giữa những người bạn thân có cần gì phải nhiều lời, chỉ một ánh mắt cảm thông, một sự im lặng thấu hiểu, một cái nắm tay an ủi… vậy là đủ. Vì thế tôi không cảm thấy bị “khống chế” bởi sự tiết giảm của từ ngữ, mà tôi thường cố tìm bằng được từ nào, hình ảnh nào thể hiện cảm xúc của mình một cách chính xác nhất. Sự chính xác thì thường ngắn gọn. Trong truyện thật ngắn các chi tiết làm nên “thắt nút” còn cảm xúc là “mở nút”. Tôi rất tâm đắc một nhận xét của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc về thể lọai truyện này:

"Cái hay của truyện cực ngắn không nằm ở chỗ nó tả mà nằm ở chỗ nó gợi ra. Một truyện cực ngắn hay là truyện có sức ngân và vang thật xa và thật lâu....Đọc xong, người ta cứ bị ám ảnh mãi. Qua sự ám ảnh ấy, câu chuyện tiếp tục tỏa sáng và phát nghĩa....Cũng giống như trong THƠ, ở truyện cực ngắn,tác giả chỉ phát ra một số gợi ý để người đọc,chính người đọc mới là kẻ hoàn tất tác phẩm"

Cổ Ngư: «Truyện thật ngắn», với tôi, là sự chộp bắt một ý tưởng vụt qua trong đầu ở một thời điểm nào đó, rồi phát triển ra. Tôi không tự trói buộc ở việc đếm chữ trong các truyện đã viết, dù ngắn hay dài. Điều quan trọng, là nó có nói lên được điều gì hay không, và tiếng nói đó có được người đọc nhận biết và cảm thông hay không. Truyện cô đọng quá hay «tràng giang đại hải» quá đôi khi làm người đọc không nắm bắt được ý tưởng của người viết muốn gửi gấm. «Truyện thật ngắn» đôi khi cũng không cần phải tròn trĩnh có đầu có đũa, nó có thể kết thúc bằng một khoảng mở, với dấu ba chấm (…) để người đọc bắt tay cùng sáng tác với người viết, «điền vào chỗ trống» theo sự tưởng tuợng của riêng mình.

Vũ Trà My: Anh ( Chị )hiện nay làm việc ở lĩnh vực khoa học kỹ thuật, sự đòi hỏi chính xác và tỉ mĩ của nghề nghiệp có ảnh hưởng đến sự bay bổng trong văn phong của anh (chị ) không ?

Nguyễn Thị Hậu: Nghề khảo cổ của tôi liên quan đến di tích và cổ vật. Trong khảo cổ có nguyên tắc đồng thời cũng là kỹ năng nghề nghiệp: phải miêu tả như thế nào để cho những người chưa đến di tích, chưa nhìn thấy cổ vật cũng có thể hình dung ra đúng di tích ấy, cổ vật ấy… Ngòai ra, khảo cổ còn được coi (một cách lạc quan) là nghề mà có nhiều cơ hội “du lịch không mất tiền”. Vẻ đẹp của thiên nhiên trên mỗi đọan đường tôi qua, cái đẹp của quá khứ được nhìn thấy qua mỗi di tích mỗi cổ vật… làm cho người khảo cổ không thể “khô khan”. Có lẽ nghề nghiệp đã ảnh hưởng nhiều đến cách viết của tôi trong truyện thật ngắn và các tản văn, tạp bút.

Cổ Ngư: Học tú tài ban Toán, tôi vẫn nhớ lời thầy dạy trong giờ Giảng Văn : những người giỏi toán, khi viết, thường tạo được sự lôi cuốn, nhờ tính hợp lý và sự chính xác của bài viết. Và có phải chính nhờ sự bay bổng đi kèm cùng sự chính xác, tỉ mỉ của nhiều thế hệ khoa học gia, mà ngày nay nhân loại có được máy bay với phi thuyền ?

Vũ Trà My: Anh ( Chị ) đến với thể loại "Truyện Thật Ngắn" nầy từ lúc nào ? So với viết truyện ngắn , truyện dài , tản văn và thơ, sáng tác "Truyện thật ngắn "có dễ dàng hay khó hơn không ?

Nguyễn Thị Hậu: Tôi thường viết tản văn, tạp bút, và mới viết truyện thật ngắn từ khỏang hơn 2 năm nay. Thi thỏang có truyện ngắn cũng chỉ trên dưới 1000 chữ. Không cố ý viết ngắn hay thật ngắn, nhưng thấy đủ thì dừng, không thích viết dài dòng. Cái khó trong truyện cực ngắn là tìm ra được những chi tiết thật “đắt” trong bộn bề cuộc sống. Chi tiết làm nảy sinh ý tưởng mà truyện sẽ chuyển tải. Lấy “tiêu chí” là truyện 100 chữ nên có khi tôi cũng phải suy nghĩ gọt dũa sao cho đúng chuẩn mà vẫn đủ ý tứ.

Có lẽ vì không coi mình là “nhà văn” mà chỉ là chia sẻ với bạn bè nên tôi viết truyện thật ngắn khá thỏai mái, cũng như viết tản văn.

Cổ Ngư : Thời gian tôi viết nhiều «truyện thật ngắn» nhất là lúc website Da Màu rộ lên phong trào «truyện chớp». Phải chăng để phù hợp với cách đọc của con người ở thế kỷ 21 này, hướng về những thông tin ngắn, gọn, súc tích hơn là bỏ thì giờ quý báu vào việc đọc những trang giấy đặc nghẹt chữ ? «Thời gian đọc» của loài người ngày càng bị lấn đất, sau thời đại truyền thanh, phim ảnh, truyền hình, nay đến internet, điện thoại cầm tay, máy nghe nhạc bỏ túi, tin nhắn… Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, viết «truyện thật ngắn» cũng là sự phản ảnh cung cách sống của con người hiện đại.

CÂU HỎI RIÊNG CHO NHÀ VĂN NGUYỄN THỊ HẬU

Vũ Trà My: Nhiều truyện thật ngắn của chị được giới thiệu có tên chung là " Những mảnh vỡ " và nó đã được nhiều nhà phê bình cùng độc giả đánh giá thành công, tạo thành thương hiệu văn phong đặc sắc của Nguyễn Thị Hậu . Xin phép hỏi chị có bao nhiêu % cuộc đời thực và con người của chị trong "Những mảnh vỡ " nầy, hay tất cả đều là hư cấu ?

Nguyễn Thị Hậu: Nhiều người nhận xét, tác phẩm của các nhà văn nữ thường là chuyện về/ của chính mình, gia đình mình, giống như trong cuộc sống họ cũng thường chia sẻ, kể lể, “tám”… với bạn bè mọi chuyện, cả vui lẫn buồn…. Tất nhiên, là tác phẩm văn học thì tính khái quát cao hơn… nhưng có lẽ vẫn không khó để nhìn ra bóng dáng tác giả trong đó. Còn truyện 100 chữ của tôi thì đủ thứ chuyện “vớ vẩn” của cuộc sống: từ gia đình đến văn chương, đến quan hệ giữa những con người, cả những chuyện linh tinh trên mạng… mà bất cứ ai cũng có những khoảnh khắc như vậy. Như trên đã nói, trong truyện thật ngắn hai yếu tố “chi tiết” và “cảm xúc” quan trọng như nhau, vì vậy có thể nói tỷ lệ trên là “50 và 50” . 50% là những chi tiết quan sát, nhặt được, chắt lọc từ cuộc sống xung quanh và “giữ lại” từ cuộc sống của chính mình. Còn 50% kia là sự cảm nhận, suy nghĩ, thái độ của riêng tôi về những gì diễn ra trong cuộc sống.

Vũ Trà My: Trong văn chương, sự nhạy cảm là yếu tố rất quan trọng. Khi tạo dựng một tác phẩm mà nhân vật chính là nam, chị sắp xếp câu chuyện bằng sự nhạy cảm của người viết văn hay nhìn nhân vật chính qua giới tính của mình để phán đoán và sắp xếp câu chuyện?

Nguyễn Thị Hậu: Sự nhạy cảm để nhận ra chi tiết nào là quyết định trong tình huống truyện, còn diễn biến và kết thúc câu chuyện thì… như nó phải xảy ra, khó mà sắp xếp theo chủ quan mình. Dường như trong những va chạm cuộc sống, phụ nữ thường nhạy cảm hơn và do vậy cũng dễ bị tổn thương hơn nam giới…

CÂU HỎI RIÊNG CHO NHÀ VĂN CỔ NGƯ

Vũ Trà My:

Anh sửa soạn cho một "Truyện Thật Ngắn" như thế nào ? Có phải tuân theo trình tự phác thảo câu chuyện, sau đó cắt xén sao cho thật cô động súc tích nhưng ngắn ngủi như tên gọi của thể loại. Hay anh cứ viết liền một mạch văn. Khi chấm hết là cũng vừa vặn thật đầy đủ cho câu chuyện thật ngắn muốn kể ?

Cổ Ngư :Như đã viết ở trên, «truyện thật ngắn» đến với tôi từ một ý tưởng thoáng qua trong đầu, có thể ngay sau khi nhận được một «thông tin lạ» từ ngũ quan (nghe, nhìn, ngửi, sờ, nếm), hoặc bật ra sau nhiều ngày nghiền ngẫm, suy nghĩ về một vấn đề nào đó (eureka !), và tôi chộp, chụp, bắt ngay lấy ý tưởng còn đang nóng hổi kia để ghi vội vào giấy phác thảo đầu tiên. Sau đó, sẽ là phần cắt tỉa, thêm thắt, như đối với các thể loại sáng tác khác. Hình như chưa bao giờ tôi viết được liền một mạch rồi sau đó hài lòng ngay với sáng tác của mình mà không phải sửa chữa gì cả.

Vũ Trà My: Văn chương dù cho có hư cấu cốt truyện tình tiết, nhưng theo anh nhà văn có cần phải trung thực về tính cách và nhân thân của từng nhân vật mình muốn kể không ? Hay hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự sắp xếp định đoạt của mình.

Cổ Ngư: Trước tiên, theo tôi nghĩ, nhà văn phải trung thực với chính mình trước đã, đừng viết xuống «đúng» những điều mình nghĩ trong đầu là «sai». Sau đó, trong việc xây dựng tính cách nhân vật, chính diện hay phản diện, tốt, xấu, hay vừa tốt vừa xấu (loại nhân vật này có tính «người» hơn hai loại nhân vật «thánh / thiện» và «quỷ / ác» kia), điều quan trọng là nhân vật phải suy nghĩ, hành động, nói năng, phát triển sao cho phù hợp với tính cách ban đầu được người viết đưa ra và «ép» người đọc phải thừa nhận. Còn từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc một sáng tác (thường là truyện dài hay trường thi), đôi khi nhân vật vuột khỏi ý định khởi thuỷ của tác giả để có một hướng đi khác, vì, người viết cũng không thể nào «trước sau như một» với những ý tưởng dồn dập đến trong đầu mình được !

http://www.yahoovanhoaviet.com/news/index.php?act=view&code=post&cid=34&id=61408


Những số phận và góc khuất của một phần đời được hai tác giả tài hoa Nguyễn Thị Hậu và Cổ Ngư xếp đặt gọn ghẻ và trình bày trong tiêu đề “ Truyện Thật Ngắn “ giống ..như một bài thơ. Ngắn như vậy đó mà độc giả vẫn thấy được cả một số phận của nhân vật ... Đó mới thật là tài tình

http://www.yahoovanhoaviet.com/news/index.php?act=view&code=post&cid=28&id=61407

TRUYỆN CỦA NGUYỆN THỊ HẬU

XÁ TỘI VONG NHÂN

Tháng bảy, mùa xá tội vong nhân. Những ngôi chùa lớn nhỏ sáng tối đông người lui tới.

Tháng bảy mưa Ngâu… Sài Gòn áp thấp nhiệt đới, phố xá khuất trong mưa, nhà cửa mờ sau màn nước.

Từ trong ngôi chùa lớn một chiếc xe hơi sang trọng chạy ra. Qua vũng nước đọng ở cửa chùa làm nước bắn tung tóe lên người ông già bán vé số đứng nép dưới mái hiên.

Mô Phật. Ông già khẽ nói.

Mô Phật. Giọng trầm bổng mấy Thầy ngồi trên xe cũng nói.

KHOÁ

Anh buông lời nặng nề. Sững sờ, cô đưa con về nhà ngoại. Anh chỉ gọi điện nói chuyện với con.

Về nhà lấy vài thứ, mở cửa, cô biết anh vừa đi. Trên bàn gạt tàn còn vương khói thuốc… Cô bỗng thấy mềm lòng với mùi thuốc lá quen thuộc. Dọn dẹp qua loa rồi cô đi.

Mấy ngày nữa, lấy cớ tìm sách cho con, cô lại về, thầm mong sẽ gặp anh dù trái tim vẫn còn đau đớn.

Mở cửa mãi không được. Nhìn lại, ổ khóa đã thay.

TRUYỆN CỦA CỔ NGƯ

HẠNH PHÚC

Vào truyện

- Như đôi chim uyên tung bay ngập trời nắng ấm

- Như sương ban mai long lanh đậu cành lá thắm… (*)

Truyện

Cô có cặp mắt cắt da xẻ thịt và đôi môi hàn gắn liền lạc mọi vết thương. Anh, người trung dung, tính chậm rãi, để ý nhiều đến chóp mũi hỉnh trên gương mặt cô. Anh rạo rực mỗi lần thấy chóp mũi đỏ ửng những khi cô ra ngoài, trời lạnh.

Một hôm, anh bắt gặp cô nằm khóc, nước mắt ướt đẫm một góc khăn trải giường. Thấy anh cứ chần chừ, lúng túng, cô gắt:

- Anh đi đâu thì đi, làm gì thì làm, để cho tôi yên!

Anh đem rác đi đổ, rồi tẩn mẩn cắt tỉa lại mấy chậu cây cảnh trồng ngoài hiên, thầm nghĩ: dan díu với nhau thế này đủ rồi, chia tay là vừa, mình sắp thoát khỏi mọi ràng buộc. Lúc ấy mùa hè, chóp mũi cô không còn ửng đỏ nữa, đôi lúc lại lấm tấm mồ hôi.

Khi anh trở về, khăn trải giường loang máu. Anh chỉ nhớ đã thắt vội một nút ga-rô rồi không còn biết mình đã làm gì, nghĩ gì trên đoạn đường chở cô từ nhà đến bệnh viện nữa. Khi người ta đẩy cô đi cũng đúng khi anh ngã vật xuống. Cả hai nằm phòng hồi sức cùng lúc. May, anh gượng dậy ngay sau đó.

Anh hối hận, vội vã ngỏ lời cầu hôn. Cô ngước lên anh bằng tia nhìn gẫy nát, mỉm với anh một nụ cười rạn nứt. Gật đầu đồng ý, cô để nước mắt lăn dài. Máu đã khô nơi cổ tay, chỗ có vết cứa.

Như trong truyện cổ tích, chiếu đúng lá số tử vi, anh và cô có những đứa con kháu khỉnh, cùng sống bên nhau cho đến tận cuối đời.

Ra truyện

Hơn mười năm sau, ngẫu nhiên, anh biết được nguyên nhân của lần đổ máu và nước mắt ấy. Vì tình. Nhưng không phải vì anh.

(*) trích từ lời ca khúc «Cô đơn» của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

KÝ ỨC

Nàng có rãnh tình rất sâu.

Sau nhiều năm không gặp, anh chỉ còn nhớ được điều ấy mỗi khi nhìn thấy một người đàn bà khác cười.

2 nhận xét:

  1. Hihi tui hỗng phải là nhà văn à nghen :))

    Trả lờiXóa
  2. Hi hi...chị hong phải là nhà văn nhưng là người viết văn ròi :-d

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...