HẺM PHỐ SÀI GÒN


“Một ngõ vắng xôn xao, nằm trong lòng phố lớn…”

(Trần Quang Huy)

Sài Gòn có hàng trăm con đường mặt tiền sôi động suốt ngày đêm, thể hiện nhịp sống khẩn trương không một phút giây ngừng lặng của đô thị lớn nhất nước. Và cũng như tất cả những thành phố khác trên thế giới, phía sau những con đường là hàng ngàn ngõ hẻm, đan nhau như mạng nhện, cài nhau như chân rết…tạo thành những không gian sống tương đối tĩnh lặng của hàng triệu cư dân. Hẻm Sài Gòn cũng có nhiều lọai khác nhau, nhưng chỉ cần một lần bạn bước chân vào đó là có thể nhận thấy dường như ngõ hẻm Sài Gòn không giống ở bất cứ nơi đâu.

Hẻm ở các quận trung tâm thành phố là khu vực đô thị đã hình thành hàng trăm năm. Đó là những hẻm tráng xi măng bằng phẳng sạch sẽ, tương đối thẳng, thường là hẻm cụt. Dân cư đa phần là công chức, nhà cửa xây dựng khá ổn định, kiến trúc hài hòa. Những ngôi biệt thự nhỏ, vài căn nhà phố, một hai ngôi nhà cao tầng nhưng tất cả đều mang vẻ trầm lặng sau những bức tường cũ loang lổ vôi và những cánh cổng sắt tróc sơn mỗi lần đóng mở kêu kin kít. Nhiều hẻm yên tĩnh đến mức hầu như không có ai đến đó dán các tờ quảng cáo, các số điện thọai dạy kèm học thêm khoan cắt bê tông… Trong hẻm rợp mát giàn bông giấy, bông hòang anh… những cành hoa rực rỡ trên nền lá xanh mướt vươn ra từ sau song sắt trên cao. Có lần nào đó bạn hãy rẽ vào một hẻm nhỏ để tránh con đường ầm ào như cơn lũ ngòai kia. Đi xe chầm chậm trong hẻm bạn sẽ thấy lòng chợt bình yên lạ lùng.

Hẻm ở các khu vực khác dân cư đông đúc đến từ nhiều tỉnh thành, có gia đình đã vài đời ở Sài Gòn nhưng cũng có người chỉ ở nhà thuê. Trong hẻm nhà cửa lô xô ra vào, nhà trệt nhà lầu chen nhau. Gác gỗ mái hiên mạnh nhà nào nhà nấy chìa ra che mát hẻm nhỏ. Giống như đường làng quanh co, hẻm cũng có nhiều ngõ ngách rộng hẹp bất ngờ, có khi chỉ đủ cho một xe máy đi cũng có khi phình rộng tạo thành một khỏang sân cho lũ trẻ chơi đùa. Có hẻm vẫn còn có ngôi chùa nhỏ, ngày rằm mùng một tiếng mõ nhẹ nhàng mùi nhang thơm vẫn len vào từng ngôi nhà. Mỗi sáng đầu hẻm có xe bán hủ tiếu, bánh mì, cà phê quán cóc vài chiếc ghế nhựa…Cha mẹ đưa con đi học, đi làm hay ghé ăn sáng uống cà phê. Dù vội đến đâu họ cũng dành thời gian đọc qua vài tờ báo rồi chuyền nhau những tin quan trọng. Bàn tán trao đổi sôi nổi mươi phút rồi ai nấy vội vã bước vào một ngày mưu sinh. Ban ngày thỉnh thỏang có vài gánh hàng rong tiếng rao len lỏi trong ngoằn nghèo hẻm vắng. Chiều tối hẻm lại tấp nập người về. Tiếng xe máy, tiếng trẻ con í ới, tíếng thăm hỏi nhau, tiếng động bếp núc quen thuộc…Hẻm như một tổ ong khổng lồ mà mỗi nhà là một ngăn nhỏ, gắn bó với nhau, ấm áp tình người…

Hẻm chợ thì có ở khắp nơi. Thường chợ trong hẻm chỉ đông vào buổi sáng đến trưa thì tan. Hàng thịt cá hàng rau hàng trái cây đủ cả, cũng không thể thiếu vài sạp quần áo giày dép. Chợ cho dân cư trong những hẻm quanh đấy, người bán người mua quen thuộc nên xưng hô dì cháu thân tình, bán mua dễ dàng nhanh chóng, hiếm khi thấy cãi cọ qua lại. Những hẻm chợ này may mắn còn giữ lại ít nhiều “văn hóa chợ xưa”, nơi mà quan hệ bán mua không chỉ là tiền hàng mà còn là tình nghĩa giữa những con người. Có những hẻm chợ nổi tiếng lâu đời vì tập trung bán các món ăn hay các quán nhậu bình dân, đồ ăn ngon, giá rẻ, người mới đến Sài Gòn, người xa Sài Gòn trở về thường hay tới đó, cám giác là lạ quen quen níu giữ nỗi nhớ của nhiều người…

Dọc nhiều con đường ở khu vực Chợ Lớn thỉnh thỏang ta vẫn gặp vài chữ Hán đắp nổi “Vĩnh An lý”, “Nghĩa An hạng”…Đó là những hẻm cổ của người Hoa, “lý, hạng” chỉ một đơn vị cư trú như một làng, một xóm. Nhà cửa thường hẹp bề ngang mà sâu hun hút, chật và tối, ngay cửa ra vào dán mảnh giấy đỏ có hàng chữ Hán cầu mong sự bình an sung túc… Trong mỗi ngôi nhà là “tam, tứ đại đồng đường”. Dân cư trong “lý, hạng” phần lớn có họ hàng với nhau do cùng nguồn gốc từ một bang, tỉnh Trung Hoa di cư sang từ thủa xa xưa. Hẻm của người Hoa thường là các xóm nghề thủ công. Cũng có khi cư dân làm cùng một nghề nào đó vì người Hoa thường giúp đồng hương việc làm như mình.

Được hình thành ngẫu nhiên từ đường mòn của làng cổ, hay từ vịệc san lấp ruộng hay kinh rạch trong quá trình cư trú tự phát của cư dân – phần lớn là người nhập cư, hay được quy họach theo từng ô phố bàn cờ mang nét đặc trưng của đô thị… mỗi con hẻm Sài Gòn đều có một “đời sống” riêng, là một “tiểu không gian văn hóa” riêng biệt kết tinh bởi sự đa dạng của nguồn gốc, lối sống, nếp sinh họat của dân cư trong hẻm. Tuy nhiên, cũng có những nét chung, đó là đường hẻm mặc nhiên là không gian công cộng. Nơi ấy mọi người có thể sử dụng khi cần thiết nhưng cũng là nơi sinh họat chung, liên kết mọi thành viên trong hẻm với nhau. Hẻm cũng có thể là cái sân của nhà biệt thự trong hẻm phố, là hàng hiên của nhà nhỏ trong hẻm xóm ngoằn nghèo. Hẻm – như không gian mở rộng của từng ngôi nhà riêng biệt. Không gian văn hóa riêng – chung trong hẻm không bị cắt rời mà linh họat kết nối với nhau, như người Sài Gòn phóng khóang cởi mở trong giao tiếp mà vẫn tôn trọng khỏang riêng tư của mỗi con người.

Hẻm ở Sài Gòn là một phần quan trọng của “cơ thể” thành phố sống động, cả về không gian địa lý và không gian văn hóa. Từ những mạch máu lớn nhỏ này ngày lại ngày hàng triệu con người hòa mình vào thành phố, như dòng máu đỏ mang lại sinh khí trẻ trung, năng động và tạo nên bản sắc văn hóa Sài Gòn.

(viết cho em Huy Bom)

Nhà báo và nhà khảo cổ (tái bản có bổ sung ))))

Không biết sao mà hoàn cảnh đẩy đưa, số phận run rủi thế nào để tui được quen /biết/ thân (tình) với nhiều nhà báo đến thế! Bình thường thì những mối quan hệ như thế cũng… bình thường thôi. Nhưng cứ gần đến Ngày báo chí hay trao giải Hội báo Xuân, giải báo chí hàng năm… tự dưng tui cũng phải nghĩ ngợi chút chút. Nghề của tui thì chả có ngày nào cả, vì vậy với những bạn bè mà nghề của họ có một NGÀY riêng, như nghề Báo, nghề Giáo, nghề Y… thì tui vô cùng ghen tỵ!

Hừm, để tỏ rõ cái sự đố kỵ, và cũng vì “thấy người sang bắt quàng… một cái” tui bèn cố gắng suy nghĩ xem nghề khảo cổ của mình có gì giống nghề báo của các bạn ấy hay không? Có thể hình thành một đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước: “Nghề báo, nhà báo nhìn từ khảo cổ học”. Đề cương khái quát như sau.

- Mục đích: Bước đầu tìm hiểu những nét tương đồng của nghề báo và nghề khảo cổ.

- Ý nghĩa: Góp phần làm rõ mối thân, tình giữa nhiều nhà báo/ phóng viên và những người chuyên đi đào bới. Đồng thời lý giải hiện tượng nhiều bài báo hiện nay giống báo cáo khai quật khảo cổ học, và ngược lại!

- Đối tượng nghiên cứu: một vài đặc điểm và tính cách nghề nghiệp

- Chủ thể nghiên cứu: những người bạn của tui đang làm nghề báo (quản lý, nhà báo, phóng viên.) Tỷ lệ giới nghiên cứu: Nam khoảng 90%, nữ khoảng 10%, chưa có điều kiện nghiên cứu người lưỡng tính hay giới tính chập chờn.

- Giới hạn đề tài: không gian: Chủ yếu tại địa bàn tác nghiệp và quán xá. Trừ trong tòa soạn.

Thời gian: từ khi tui quen biết chủ thể nghiên cứu đến trước nay. Cả người quen thật ngoài đời, cả người chỉ biết trong thế giới mạng như blog (dù chỉ biết nhau qua nick name).

  • Nội dung nghiên cứu: Sự tương đồng giữa Nghề báo và nghề Khảo cổ:

1. Đây là 2 nghề nghiệp đều có thể dùng một câu hát của Trịnh làm slogan : “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt.” Nhà báo và nhà khảo cổ thường xuyên là những kẻ lang thang cơ nhỡ nên quán xá trở thành “mái ấm tình thương” để họ tụ tập, chia sẻ những kinh nghiệm khi bị sếp/ vợ/ bồ… và một số đối tượng khác bạo hành về mặt tinh thần. Và khi ngồi ở đó, họ lại bạo hành lẫn nhau.

2. Các nhà báo và nhà khảo cổ đều là những người “ham của lạ”, thích khám phá, phát hiện cái mới, lạ, dù có khi là “cũ người” nhưng vẫn là “mới ta”… Đối với họ cái mới lạ càng nhiều… càng ít, không bao giờ thỏa mãn sự tò mò và trí tưởng tượng phong phú của họ.

3. Khi phát hiện điều mới lạ họ thường theo đuổi đến cùng sự việc, “khai quật” bằng hết những thông tin ở bất cứ chỗ nào họ phát hiện. Thông tin khi còn là của riêng họ- giống như di vật còn trong lòng đất – thì còn bảo đảm “bí mật”. Nhưng khi đã được công bố, như khi cổ vật đã được phát hiện trong di tích thì thông tin về di tích, về cổ vật không còn là của riêng họ. Ai cũng có quyền khai thác “tư liệu” ấy để phục vụ cho nhu cầu của mình. Vì vậy, họ phải tiếp tục công việc bằng phương pháp của riêng mình để cho ra những kết quả đúng mà không “đụng hàng” với ai cả. Có nghĩa là phải tìm ra cách tiếp cận mới để tìm ra một giá trị mới của thông tin. Điều quan trọng là họ phải luôn khách quan trong khi thu thập và đánh giá thông tin. Nếu không những gì họ đưa ra sẽ không phải/ không còn là sự thật.

4. Hầu hết các nhà báo và nhà khảo cổ đều rất lãng mạn, phóng khoáng – có lẽ vì họ đi nhiều, trải nghiệm nhiều. Họ đều rất tình cảm, tình nghĩa với bạn bè– có lẽ do nghề nghiệp quá nhiều cực nhọc mà một kết quả thường có sự đóng góp của nhiều đồng nghiệp. Họ đều rất hài hước, hay nói chuyện tiếu lâm mặn nhạt đủ kiểu (cái này có lẽ vì họ thường xuyên là thành viên của “tổ công tác xa vợ”?).

5. Họ thường là những người nói chuyện có duyên, karaoke hay hát nhạc Trịnh, nhạc sến và nhiều bài hát cải biên . Họ luôn tiềm ẩn và cố tình bộc lộ sức quyến rũ của họ đối với các em gái trẻ trung (cả em xinh và cả em chưa biết làm cho mình xinh). Nhưng nếu đã có vợ thì họ cũng đều là thành viên (bắt buộc?) của SOVOCLUP

6. Họ thường là những người nhậu từ khá đến giỏi, nhậu đa hệ (có thể uống cùng lúc hay lần lượt nhiều loại rượu bia…), nhậu hết mình, vì vậy họ cũng là những người quảng giao và có rất nhiều bạn bè… Nếu chả may họ “về vui thú điền viên” thì được bạn bè “vô cùng thương tiếc” [ai ko biết nhậu thì được “thành kính phân ưu”, còn ko biết nhậu mà ko chơi với ai thì chỉ được “kính viếng” mà thôi J]

7. Riêng chủ thể nghiên cứu là Phụ nữ có thêm một đặc điểm: phần nhiều đường tình duyên gia đạo thường trắc trở, dù họ duyên dáng, thông minh, đầy nữ tính - hay chính vì thế? Đây là giả thuyết sẽ tiếp tục được nghiên cứu.

8. Một số hạn chế của chủ thể nghiên cứu: ai mà chả có khuyết này nhược kia. Đề tài không đề cập đến hạn chế của nhà báo và nhà khảo cổ vì không thể lộ bí mật của đồng đội.

Yên tâm đi, tui không khảo gì của các bạn đâu, cũng chả định khai quật gì nghề của các bạn cả. Chỉ là, tui thử nhìn nghề báo, nhà báo bằng con mắt khảo cổ của tui xem sao.

Các bạn nhà báo thấy thế nào?


NHỮNG ÔNG BỐ TRẺ


Đó là những chú em, cậu em – những người bạn mà phần nhiều tôi quen biết từ/ trên blog.

Các bạn này đều có một gia đình yên ổn với cô vợ giòi, đẹp (và hình như cũng hiền), có 1, 2 cô bé cậu bé ngoan ngoãn, xinh xăn… Họ – như tôi thấy - đều yêu thương gia đình nhỏ của mình, đặc biệt là rất yêu con, thường nói về con với giọng yêu quý và tự hào “khoe con” không hề dấu diếm J Trong khả năng của mình họ đều làm hết sức để kiếm tiền lo cho gia đình, lo cho con một cuộc sống tốt nhất: nhà cửa đàng hòang, con học trường tốt, quan tâm đến con từ sức khỏe đến vui chơi, đưa đón con đi học, thay vợ làm việc nhà… Có thể nói đó là những ông bố tuyệt vời! Thế hệ các bà chị (như bọn tôi và lớn hơn) dù vẫn phải đi làm kiếm tiền nhưng khó có thể chia sẻ việc nhà và chuyện nuôi dạy con cái với chồng, do chồng đi xa, do thường đi làm dâu, do quan niệm của gia đình, của xã hội và của mỗi người còn chưa “thông thoáng”.

Cũng có vài ông bố không còn sống chung với mẹ của con mình, nhưng họ vẫn rất chăm lo con cái, ngày nghỉ đưa đón con đi chơi, thường điện thọai nói chuyện với con, cùng mẹ của con bàn bạc chuyện học hành, cư xử biết điều với gia đình hai bên … Những ông bố bà mẹ này không còn là vợ chồng nữa thì trở thành những người bạn tốt cùng một mục đích nuôi dạy con nên người, cư xử rất tôn trọng, vui vẻ với nhau – điều mà thế hệ tôi ít người làm được J

Trong mắt tôi những ông bố trẻ là những người đàn ông có trách nhiệm, hiểu biết, phóng khóang và khá là lãng mạn – dù luôn luôn “chê” các bà chị các cô em “sến không chịu được”. Thế giới của họ rộng lớn mà cũng nhỏ bé: Họ ở trên Mạng và họ trong gia đình – dường như không có sự phân thân, chỉ là như mặt trăng dưới ánh sáng của mặt trời, từng lúc bên này sáng bên kia tối theo mức độ khác nhau mà thôi.

Đàn ông như mặt trăng… có lẽ không lạ, bởi vì trong người đàn ông nào mà chả có đến một nửa là “đàn bà”, phải không J

VỀ BẢO TÀNG LÚA GẠO VIỆT NAM (nhân một cuộc chuyện trò với bạn)

1. VN nằm trong vùng đông nam á là một trong những cái nôi của nghề nông sớm nhất thế giới. Dấu tích của nghề trồng trọt đã được tìm thấy trong các di tích thuộc nền Văn hóa Hòa Bình cách này khoảng 10.000 năm cách nay. Từ thời kỳ này cư dân cổ đã biết thuần hóa rồi tiến tới trồng trọt các loại cây có củ và một số loại thực vật như bầu bí. Đông nam á cũng là nơi có giống lúa hoang Oryza Sativa sau này được thuần hóa và trồng trọt nhiều ở đây. Từ khoảng 4000 năm cách ngày nay vùng trung du và đồng bằng sông Hồng trở thành địa bàn chính của nghề nông trồng lúa. Từ đó nông nghiệp lúa nước trở thành ngành kinh tế chủ đạo, góp phần quan trọng cho việc hình thành và phát triển nền văn minh nông nghiệp của người Việt cổ.

2. Việc đặt ra vấn đề thành lập “Bảo tàng nông nghiệp VN” là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Với một bề dày lịch sử 4000 năm, văn minh nông nghiệp trồng lúa VN xứng đáng và cần phải có một bảo tàng riêng để có thể phản ánh một cách toàn diện và đa dạng các giống lúa và cây trồng từ xưa đến nay, các phương thức trồng lúa ở những vùng miền trên đất nước ta: từ đồng bằng sông Hồng đến đồng bằng sông Cửu long hay dọc dải đồng bằng nhỏ hẹp ven biển miền Trung. Từ miền núi, trung du phía bắc đến Tây nguyên… Mỗi vùng tùy theo điều kiện tự nhiên có những phương thức canh tác truyền thống khác nhau. Trong quá trình người Việt đi về phía Nam cũng đã sáng tạo ra những phương thức kỹ thuật mới, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm cư dân tại chỗ và cải tiến những kỹ thuật mang theo từ quê nhà. Từ những phương thức canh tác khác nhau sẽ có những phức hệ kỹ thuật khác nhau: các loại nông cụ, cách thức sử dụng nông cụ ở mổi vùng miền, những kỹ thuật hỗ trợ như giống má, thủy lợi, phân bón… của nghề trồng lúa hay các cây trồng khác…
Ngoài trồng lúa VN còn là xứ sở của nhiều cây trồng khác nữa, vì vậy cũng cần được thể hiện trong bảo tàng nông nghiệp VN. Từ khoảng cuối thế kỷ 19 chúng ta còn có nghề trồng các cây công nghiệp do người Pháp du nhập vào (cao su, cà phê…) và từ nửa sau thế kỷ 20 phát triển các trang trại trồng cây ăn trái. Ở Nam bộ “văn minh miệt vườn” xuất hiện sớm, sản phẩm trồng trọt trở thành hàng hóa lưu thông rộng rãi trong nước, thậm chí ra nước ngoài chứ không còn mang tính chất tự cung tự cấp nữa.

3. Về ý tưởng thành lập “Bảo tàng lúa gạo VN”: Có thể là một phần của bảo tàng Nông nghiệp VN nhưng cũng có thể là một bảo tàng riêng trưng bày về “sản phẩm sau thu hoạch” của nghề trồng lúa: LÚA --- GẠO / NẾP---- CÁC SẢN PHẨM ẨM THỰC như cơm (nấu trong nồi, nướng trong ống tre, đồ xôi…), các loại bánh, bún, phở, nấu rượu… Gạo, nếp chế biến được rất nhiều món ăn vì vậy cách thức chế biến, vật dụng chế biến… cũng vô cùng phong phú, đa dạng theo vùng miền và theo thời gian. Có nhiều loại thức ăn trước đây chỉ dành cho những dịp đặc biệt nay phổ biến hàng ngày, nhưng cũng có nhiều món ăn cổ truyền đang có nguy cơ “biến mất” trong xã hội công nghiệp, do đó giá trị văn hóa “phi vật thể” như kỹ thuật chế biến, ý nghĩa của nó cũng mai một, thậm chí biến dạng…
Liên quan đến lúa gạo là công cụ chế biến lúa gạo và các nghề thủ công như nghề làm các loại cốm, bún, phở, bánh hỏi, các loại bánh… Rồi cách ăn các loại bánh (ví dụ cách làm bánh xèo miền Trung và Nam bộ khác nhau thế nào, những thứ rau ăn kèm, các loại nước chấm… các “biến thể” của bánh xèo là bánh khọt, bánh khoái chẳng hạn…). Hay về cách làm bánh chưng, bánh tét cũng đã là một nội dung vô cùng hay của bảo tàng này.
Nói đến lúa gạo là nói đến văn hóa ẩm thực VN: có thể trưng bày về đồ gốm dùng trong nấu nướng, ăn uống… hoặc các vật dụng bằng các chất liệu khác nhau… Rồi “cơ cấu” bữa ăn hàng ngày, bữa ăn có tính chất nghi lễ (đám giỗ, đám cưới, lễ hội…). Các nghi lễ, lễ hội đều có liên quan mật thiết với văn hóa ẩm thực.

4. Tại Seoul (Hàn quốc) có một bảo tàng tư nhân, nhỏ thôi, trưng bày sản phẩm từ rơm rạ: các loại dép, áo, những đồ chơi của trẻ em, các vật dụng khác… thu hút khá nhiều khách tham quan. Nhiều du khách đến xem đã mua các sản phẩm “lưu niệm” bán tại bảo tàng. Hay Bảo tàng về Kim chi cũng vậy: trưng bày quy trình trồng các loại rau, cách thu hoạch, cách làm các loại kim chi, cách chế biến món ăn từ kim chi, các loại đồ gốm liên quan… Tại đó còn có nhà hàng cho du khách thưởng thức các món kim chi.
Tại các bảo tàng này trưng bày sản phẩm đồng thời chiếu phim về cách thức làm ra và sử dụng những sản phẩm ấy. Rất sinh động, hấp dẫn và làm cho khách tham quan nhớ lâu. Một cách thức giới thiệu, quảng bá về văn hóa Hàn Quốc rất có hiệu quả.
Ở VN có thể thành lập rất nhiều bảo tàng như thế, nhỏ thôi nhưng chuyên sâu vào một chủ đề nhất định. Các doanh nghiệp mà sản phẩm của mình đã có thương hiệu “hàng hóa” nếu làm bảo tàng về ngành nghề của mình thì sẽ tạo dựng được cả thương hiệu về văn hóa. Ví dụ bảo tàng cà phê , bảo tàng gốm sứ, hay bảo tàng về một (hoặc nhiều) món ăn nổi tiếng của VN…
Ở Trung quốc, gần như những nơi bán các sản phẩm “đặc sản” đều kết hợp trưng bày (một mức độ nhất định) về cách chế biến và các loại sản phẩm. Điều này góp phần tạo được sự tin tưởng cho khách đến tham quan và mua sản phẩm của họ, cũng đồng nghĩa với việc gìn giữ thương hiệu (chất lượng hàng hóa, thái độ phục vụ, chế độ hậu mãi…)
Luật di sản văn hóa VN từ năm 2002 đã quy định về loại hình bảo tàng tư nhân và điều kiện thành lập, tuy nhiên đến nay vẫn phổ biến trưng bày các sưu tập cổ vật. Nếu các doanh nghiệp đều chú ý đến việc “lập bảo tàng” sản phẩm của mình thì sẽ làm tăng thêm giá trị văn hóa của sản phẩm, góp phần tích cực gìn giữ và quảng bá văn hóa VN, đồng thời làm cho “văn hóa bảo tàng” trở nên quen thuộc và phổ biến hơn trong đời sống người dân.

LINH TINH LANG TANG

Gần
Anh em cãi lộn. Vô tình em vung tay trúng người anh. Nghĩ em hỗn anh tức giận thẳng tay tát em nảy đom đóm. Từ đó anh em không nhìn mặt nhau.
Người có thể đánh ta đau nhất chính là người gần ta nhất. Vì vậy đừng quá gần ai, nhỡ có lúc nào đó "vô tình gây thương tích" cho... chính mình!

Khỏang riêng
Giữa hai người rất - thân - yêu liệu có một tồn tại một khỏang riêng nào không?
Có chứ, thậm chí khỏang riêng ấy luôn hiện hữu một cách rất… riêng là khác.
Nó tạo ra sự cách biệt nhất định để mỗi người giữ được bản ngã, không bị “đồng hóa” trở thành người khác – chứ không phải là - trở - thành - nhau.
Nếu không có khoảng riêng ấy đến một lúc nào đó họ sẽ cảm thấy giữa hai người là một bầu trời nặng đầy mây xám và gió lạnh, không còn là bầu trời xanh với mây trắng bình yên niềm vui dịu ngọt nhẹ nhàng.
Khỏang riêng ấy có thể gây ra cảm giác một khỏang xa cách. Nhưng mỗi lần vượt qua được cảm giác ấy họ sẽ đến gần nhau hơn.
Khoảng riêng ấy có khi làm tình trạng “vụng chèo” xảy ra . Nhưng cũng khỏang riêng ấy mang lại sự bình tĩnh “khéo chống” vượt qua những điều thái quá.
Trong cuộc đời ai cũng có lúc “vụng chèo”, nhưng “khéo chống” thì hình như không phải ai cũng biết.

TRẺ SƠ TÁN


Sau sự kiện Vịnh Bắc bộ ngày 5 tháng 8 năm 1964, chiến tranh bùng nổ ở miền Bắc. Nhận biết đầu tiên về chiến tranh là khi má mang về nhà 5 cái ba-lô may bằng vạt bạt màu ghi.
- Má ơi cái này là cái gì?
- Ba lô con ạ.
- Để làm gì má?
- Để mang quần áo đi sơ tán.
- Đi sơ tán là đi đâu má, có đu quay, có kẹo bông không, má?
- …
Má lặng thing, mắt đỏ hoe. Tôi đã không biết rằng cái ba lô là dấu hiệu sự chia ly rất lâu của gia đình. Sau đó ít ngày anh tôi, ba tôi lên đường ra chiến trường.

Một đêm Hà Nội tháng 10 cuối thu, gió mùa đông bắc sớm tràn về. Má đưa tôi lên nhà trẻ ở đầu Hàng Bông Thợ Nhuộm (bây giờ nhà trẻ này vẫn còn). Ở đó đã có mấy chục bà mẹ ông bố đưa con đi sơ tán. Bọn trẻ ngủ gà ngủ gật, bố mẹ thì thầm trò chuyện lo lắng vì để các con đi theo nhà trẻ, còn mình phải ở lại Hà Nội làm việc… Bỗng một tiếng còi huýt lên, bọn trẻ giật mình ngơ ngác, bố mẹ giật mình hoảng hốt… Đến giờ tôi vẫn ghét kinh khủng tiếng còi huýt, bởi vì nó đã cắt lìa tuổi thơ của tôi với ba má, nó ném tôi – con bé mới hơn 5 tuổi vào những năm dài sơ tán một mình không có gia đình bên cạnh.

Má đưa tôi lên xe, chọn một chỗ ngồi cạnh cửa sổ vì biết tôi hay bị ói khi đi xe. Nhìn má đi xuống xe tôi bỗng hốt hoảng mếu máo: má ơi ngồi đây, má đi đâu rồi? Một tiếng nói gắt gỏng: con bé kia lớn rồi không được khóc, các bạn khóc theo bây giờ! Sợ quá, tôi nín bặt. Má tôi nắm chặt tay tôi, nước mắt lã chã… Nhưng rồi trong bọn trẻ cũng có đứa khóc òa… Đứa nào cũng biết từ đây mình phải xa cha mẹ… Xe chạy rồi tôi vẫn thấy má đứng đó với đôi môi mím chặt và những giọt nước mắt tuôn rơi…

Đình Chu Quyến (Sơn Tây). Mấy năm trời ở đó xa ba má. Tôi và vài đứa nữa là lớp lớn nhất của trại trẻ. Mỗi tối các cô bảo mẫu đều đi về nhà với gia đình của họ, tất cả bọn trẻ nằm trên sạp trong ánh đèn dầu leo lét. Mấy đứa lớn nhất thành “bảo mẫu bất đắc dĩ”, dỗ đứa nào khóc, thay quần áo cho đứa nào đái dầm, đắp chăn cho đứa nào lạnh co ro… Bây giờ gặp lại, nhiều người đã thành ông bà nội ngoại, vẫn nhớ: bà này ngày xưa thay quần cho tui nè.
Thời gian trôi qua. Những ngày sơ tán bọn trẻ đã lớn lên rất nhanh, không phải là thể chất mà là tinh thần, tự lập sớm hơn, học và biết được nhiều điều từ cuộc sống ở nông thôn. Thế nhưng cái cảm giác “bị bỏ rơi”, cô đơn, tủi thân khi ốm đau khi nhớ cha mẹ của những ngày sơ tán ấy dường như không phai mờ… Rất lâu sau này trong cuộc sống, mỗi khi có gì khó khăn bế tắc, nhiều người chúng tôi vẫn không thể chia sẻ với người thân, luôn co mình lại trước bạn bè… Sự tổn thương (không ai muốn) từ ngày thơ ấu đã để lại dấu ấn này, gây ra sự bất hạnh cho không ít người. Sau này trong bất cứ hoàn cảnh nào không bao giờ tôi để các con tôi phải một mình như tôi lúc ấy!

Mấy chục năm đã qua, tất cả chỉ còn là ký ức. Không hiểu sao mấy bữa nay tôi lại nhớ những ngày sơ tán từ hơn 40 năm trước. Chiến tranh ư? Chắc không ai muốn những đứa trẻ bây giờ rơi vào hoàn cảnh phải xa cha mẹ ông bà như những đứa trẻ sơ tán năm ấy! Nếu có thể, , hãy bằng mọi cách để tránh chiến tranh, bởi vì gây chiến hay đình chiến đều không khó, nhưng khi tiếng súng đã im thì rất lâu về sau chiến tranh vẫn chưa chấm dứt!

hình: Cả nhà ở HN, 1964.

CỐC CÀ PHÊ KHÔNG ĐƯỜNG

Cô vẫn thường thường nhớ lại những ngày quen anh...

Xưa kia cô không biết uống cafe, cho đó là thứ nước đắng nghét vô bổ. Song, khi quen anh rồi, hầu như tuần nào cũng theo anh đến quán, dĩ nhiên sau đó cafe thành bạn của cô.

Anh là chàng trai ưu tú. Đẹp trai, có chí tiến thủ... khi 2 người học Đại học, anh đã chú ý đến cô, một cô gái hiền lành có mái tóc đen dài. Cô thường thường không gây sự chú ý nhưng lại khiến mọi người quan tâm đến mình. Anh bảo: "Vì em mà anh được sinh ra!". Lời nói của anh quả khiến cô rung động.

Thế nhưng quen cô rồi, anh vẫn luôn không chỉ quan tâm đến mình cô. Bạn gái vây quanh anh đếm được hơn tá, anh đều đối xử tốt với họ. 12h đêm, nếu một cô nào đó khóc lóc than buồn chán, anh cũng sẽ lập tức đi ngay. Hoặc như, đang ngồi với cô, và nếu có ai đó gọi điện thoại bảo cần anh, thì anh cũng sẽ không từ chối. Giây đầu anh còn lưỡng lự, phút sau anh đã biến mất.

Cô lẳng lặng đón nhận mọi thứ, không nói năng gì.

Một ngày kia, cô đột nhiên nói: "Em muốn chia tay!".

Anh sững sờ, hỏi: "Anh làm gì sai? Bạn bè cần anh, không thể không đến!"

Cô bình thản khuấy cốc cafe "Không có đường, đúng không? Uống đi!"

Anh không hiểu ý cô muốn nói, nhưng vẫn hớp 1 ngụm.

"Đắng quá! Không ngon! Anh thích có đường!" , anh nhăn mặt.

Cô trầm tư, vẽ vẽ ngón tay trên mặt bàn "Cafe đắng nhưng có dư vị. Anh chỉ thấy đắng. Giống như tình yêu của em và anh, anh sẽ chỉ thấy đắng. Em cũng không thấy ngọt ngào. Cũng chẳng có ấn tượng mạnh mẽ. Vì thế... chia tay thôi!"

Cô bỏ đi. Cốc cafe đặc quánh lại.

Không quen anh nữa, nhưng cô đã có thói quen đến quán uống cafe không đường. Thỉnh thoảng nhớ lại chuyện cũ, cô không khỏi cảm thấy đau lòng. Giá như anh biết, cô ghét cafe đến đâu, mà vì anh, đến cafe không đường cô cũng đã quen thuộc. Anh vĩnh viễn không quan tâm đến chuyện đó. Mà nếu có, thì một thoáng chốc cũng sẽ quên hết. Con trai thường vô tâm như vậy.

Điện thoại rung lên "Cafe không đường đắng nhưng có dư vị. Anh đã lỡ bỏ mất dư vị của nó. Hãy cho anh nếm vị đắng cafe không đường, được không?"

Cô nhìn sang. Anh đang ngồi bàn bên kia, gương mặt trầm tĩnh, có vẻ chững chạc hơn trước nhiều. Cô gửi tin nhắn lại "Cốc cafe đã đổ rồi. Anh còn muốn uống lại?"

"Vậy thì," anh dịu dàng đến bên cô, "anh pha cho em cốc khác. Đắng ngọt, chúng ta cùng nếm!"

Mắt cô ướt nước.

Có lẽ cafe không đường bắt đầu ngọt rồi.

Bạn cũng nếm thử xem. Cafe không đường ngọt hay đắng?

Dennis Q
[viết từ cái hồi xửa hồi xưa lúc còn sến ơi là sến =))]===>Mama HKC nói: bây giờ con gái vẫn sến :))

VIẾT CHO NGÀY 5/6/2011

HÀ NỘI (ành Mai Kỳ)
VÀ SÀI GÒN (ảnh Viễn Sự)

Một ngày tuyệt vời, khi mà những người dân Sài Gòn, Hà Nội đã thể hiện lòng yêu nước một cách đẹp tuyệt vời!

Blog của tôi tràn ngập hình ảnh bạn bè, những gương mặt trẻ già dễ thương rạng ngời tình yêu Tổ quốc, những gương mặt trong sáng đầy vẻ cương quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia. Họ bày tỏ lòng yêu nước một cách hồn nhiên, không vụ lợi, không suy tính, không đao to búa lớn. Họ là những người bạn của tôi, là những người tôi không quen bíêt, nhưng tất cả đều là những con người chân chính, là đồng bào của tôi! Nâng thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân - Lời người xưa dặn đó!

Tình yêu Tổ quốc là tình cảm thiêng liêng của mỗi con người, của mỗi dân tộc. Tình yêu đó thiêng liêng bởi vì nó xuất phát từ trái tim trong sáng, tình yêu Tổ quốc không có chỗ cho những gì giả trá. Ngày hôm nay nhân dân đã làm nên một “Hội nghị Diên Hồng” ở Hà Nội , ở Sài Gòn và kết nối hàng triệu trái tim.

Hôm nay tôi đã được chứng kiến những giờ phút giao hòa của mỗi con người với Hồn thiêng sông núi!

TÍNH CHUYÊN NGHIỆP (2)

Cách đây hai năm, trong chương trình bồi dưỡng kiến thức về an ninh quốc phòng, những bài giảng về “nền quốc phòng toàn dân” lại làm tôi phải suy nghĩ về “tính chuyên nghiệp”. Đại thể quan điểm “quốc phòng toàn dân” vẫn là những khái niệm: chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, kháng chiến toàn diện, kháng chiến trường kỳ, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, ai có súng dùng súng có giáo mác gậy gộc thì dùng… (lại nhà thơ Bùi Chát: có gì dùng gì có nấy dùng nấy)… Nói chung nói về sự chuẩn bị cho tình huống chiến tranh (nếu xảy ra) trong thế kỷ 21 mà như là (kể) chuyện chiến tranh của thế kỷ 19, 20!

Tất nhiên, sau đây chỉ là suy nghĩ của một người dân bình thường, “ngoại đạo” khoa học quân sự.

Huy động sức mạnh toàn dân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quôc là điều tất nhiên, lịch sử nước ta đã chứng minh rằng mỗi khi đất nước bị ngoại xâm là toàn dân đánh giặc! Nghệ thuật quân sự Việt Nam “chiến tranh nhân dân” là một đặc trưng quan trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế kỷ 21 cách thức tiến hành chiến tranh, các loại vũ khí từ xa, vũ khí hủy diệt hàng loạt mang tính quyết định, không còn như trước là các loại vũ khí “giáp lá cà”, vũ khí phòng ngự hay tấn công trực diện. Vì vậy, có thể nào trong chiến tranh ở thế kỷ 21 nhân dân vẫn chỉ có tầm vông vạt nhọn, giáo mác gậy gộc hay súng trường, AK… được không?! Chiến đấu chống trả các loại vũ khí hiện đại và quân đội chuyên nghiệp của giặc ngoại xâm cũng phải bằng bằng vũ khí và quân đội chuyên nghiệp: vũ khí hiện đại, tư duy chiến tranh hiện đại và kỹ thuật kỹ năng hiện đại từ tướng đến lính. Có lẽ đấy phải là điều tiên quyết?

Còn nhân dân? Trong bối cảnh tự nhiên có những biến đổi khó lường, chiến tranh cũng không còn như trước, có lẽ đầu tiên là phải rèn luyện cho từng người dân những kỹ năng cần thiết, đồng thời cung cấp cho họ những phương tiện tốt nhất để ứng phó với thảm họa của thiên tai và chiến tranh. Khi những người dân sử dụng những kỹ năng này một cách thành thục, chuyên nghiệp… thì sẽ giảm thiểu tối đa hậu quả của thảm họa, của chiến tranh, bảo toàn nhân lực. “Người còn thì của còn” ông bà mình đã dạy. Con người là vốn quý nhất, để dân cứ chết oan “anh dũng hy sinh vì lớ ngớ” là điều không thể chấp nhận được. Không thể đối phó với phương thức giết người hiện đại bằng những cách thức thô sơ lạc hậu. Người dân tự bảo vệ mình một cách chuyên nghiệp cũng là cách giúp cho quân đội thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.

Khi chiến tranh xảy ra, trong những hoàn cảnh cụ thể thì chắc chắn “toàn dân là lính”, nhưng dù có vậy cũng không thể thay thế vai trò của quân đội chuyên nghiệp. Để bảo vệ đất nước “quân đội nhân dân” phải được chuyên nghiệp hóa và thể hiện tính chuyên nghiệp ngay cả trong thời bình. Khi cần thiết quân đội sẽ bảo vệ nhân dân một cách chuyên nghiệp, nếu chiến tranh xảy ra quân đội sẽ đối phó một cách chuyên nghiệp.

Dân quân biển hoặc ngư dân và những người làm việc trên biển được trang bị vũ khí cũng chỉ để tự vệ trong trường hợp cần thiết. Quân đội (hải quân, tàu ngầm, không quân…) là lực lượng chính bảo vệ ngư dân, bảo vệ từng tấc biển đảo, bảo vệ chủ quyền của chúng ta ở biển Đông.

TÍNH CHUYÊN NGHIỆP (1)

Năm 2005 trong chuyến đưa hiện vật Văn hóa Champa qua Pháp trưng bày tại bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Guimer tại Paris, lần đầu tiên tôi có một nhận thức rõ ràng về “tính chuyên nghiệp” trong công việc.

Từ trước vẫn hiểu đơn giản, sự chuyên nghiệp là được học hành bài bản về một nghề nào đó, một công việc nào đấy, được làm đúng nghề đào tạo (có một thời gian dài ta có Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp – tức là các trường dạy nghề). Nhưng còn tính chuyên nghiệp trong công việc là như thế nào… thì tôi vẫn hiểu mù mờ, không thể phân định rạch ròi. Có lẽ vì chưa biết hay không quan tâm đến điều này chăng?

Ngay từ lúc mới đặt chân đến Paris tôi đã nhận thức được ngay “tính chuyên nghiệp” trong quy trình công việc và trong tác phong làm việc của những người đồng nghiệp. Đây là một vài ghi chép của tôi lúc ấy.

“…anh bạn đồng nghiệp làm việc ở bảo tàng Guimet đã đón tôi ngay khi tôi ra khỏi máy bay và đưa tôi ra ngoài bằng cửa an ninh, không phải qua khu vực làm thủ tục. Lý do: vì tôi đi “áp tải” những cổ vật đưa sang Pháp trưng bày nên cần phải nhanh chóng đến khu vực hàng hóa để nhận những kiện hàng đặc biệt này.

Thủ tục nhận lô hàng quan trọng như vậy không ngờ rất đơn giản và nhanh chóng, nhanh chóng và đơn giản hơn khi chúng tôi làm thủ tục gửi hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất (có lẽ vì đây là nhận chứ không phải xuất cổ vật chăng?). Cùng với anh bạn đồng nghiệp người Pháp và một số công nhân của một hãng chuyên đóng gói và vận chuyển hàng hóa, chỉ trong khoảng 30 phút chúng tôi đã hoàn tất mọi giấy tờ, đưa 30 thùng hàng rất nặng lên 4 chiếc xe tải “chuyên dụng” rồi về thẳng Paris.” (Paris, mùa thu tím)

“Cùng làm việc với chúng tôi là những nhân viên các bộ phận nghiệp vụ bảo tàng, công nhân của một công ty chuyên vận chuyển và đóng gói cổ vật. Họ có phong cách làm việc hết sức chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ, mỗi người đều thành thạo công việc của mình, thực hiện đúng chức trách đồng thời tự giác về kỷ luật lao động. Dù công việc phải tiến hành khẩn trương, hầu như không ai nói chuyện phiếm trong giờ làm việc mà chỉ có vài trao đổi ngắn gọn, nhưng không khí làm việc vẫn khá thoải mái vì mọi người đều có trách nhiệm, quan hệ giữa những người đồng nghiệp hầu như không vướng bận điều gì. Do đó mọi việc nhỏ hay lớn luôn được tiến hành một cách suôn sẻ, hoàn thành đúng thời hạn, kết quả tốt và hiệu quả lâu dài.” (Tản mạn về người Paris)

Đơn giản hơn, như mình vẫn nói: người nào việc nấy (nhà thơ Bùi Chát sửa lại “người nào việc nào, người nấy việc nấy” – cho chính xác hơn!). Ngay cả khi tôi ngỏ ý muốn tham quan kho hiện vật thì người phụ trách trưng bày nhã nhặn nói: Xin lỗi bà việc ấy thuộc một bộ phận khác, còn tôi chỉ làm việc với bà về cuộc trưng bày sắp tới. Nghe vậy tôi hiểu ngay giới hạn công việc của mình trong chuyến công tác này, và nếu cần thì đề nghị việc này với ai.

Như vậy, có lẽ “tính chuyên nghiệp” – theo cách hiểu của tôi – là:

- Làm đúng việc của mình 1 cách có trách nhiệm. Muốn vậy phải nắm vững chuyên môn. Không can thiệp vào việc của người khác khi không có chức trách, không có yêu cầu, và khi mình không biết, không vững về việc ấy.

- Quy trình kế hoạch làm việc phải hợp lý, chặt chẽ, rõ ràng. Có thể thảo luận với nhau trước khi tiến hành, nhưng khi đã làm thì tuân thủ cấp trên và các quy trình, kỷ luật lao động. Tôn trọng đồng nghiệp. Sẵn sàng hỗ trợ nhau trong công việc khi có yêu cầu để công việc chung hoàn thành tốt nhất, tức là vì mục đích chung nên không coi đó là việc làm ơn hay chịu ơn.

- Một công việc khi vạch ra kế hoạch đầu tiên người ta đã phải biết ngay ai là người thực thi và cuối cùng, ai là người chịu trách nhiệm! Không ai “nhảy” vào việc của người khác nên không có việc phê bình và quy trách nhiệm lòng vòng, người này ngành này chỉ phê người khác ngành khác mà không nghiêm túc tự phê.

Dông dài về “tính chuyên nghiệp” cũng vì câu chuyện sau.

CHUYỆN NGHE TỪ NGƯỜI KHÔNG QUEN

Chiều nay mình có việc đến một chỗ kia, trong khi chờ đợi, tình cờ mình nghe một phần câu chuyện của 2 bạn ngồi bên:

- Thế em vẫn cứ nhẫn nhịn thế à?

- Em chán lắm, chỉ muốn bỏ đi…

- Em có là Phật không mà phải nhẫn nhịn trước những kẻ xấu? Em có phải là Chúa đâu mà phải chìa má trái ra cho họ đánh khi họ đã thẳng tay đánh vào má phải của em?

- ….

- Em có nhẫn nhịn như thế, em có chịu đau như thế cả đời… có thể thành Phật thành Chúa được không? Tất nhiên, không!

- Thôi ạ, em mệt mỏi lắm, chả muốn làm gì nữa, tránh voi……

- Sao em cứ nhẫn nhịn trước sự gây hấn thậm chí bị xúc phạm như thế?! Đừng cho rằng “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, voi lành voi hiền thì đã chả húc mình và… đường mình mình đi đường voi voi bước, có gì mà phải đối đầu với tránh né? Chỉ có voi điên mới đuổi húc người… lúc đó liệu có tránh, tránh mãi được ko?

- Phải đối phó với họ em thấy mình cũng bẩn thỉu như thế…

- Đừng nghĩ không dây vào bọn xấu cho bẩn người. Cái xấu cái ác cứ / còn tồn tại cũng vì ai cũng tránh né không đấu tranh! Đứng trước cái ác cái xấu chỉ có một chọn lựa, đó là đòan kết chống lại nó. Một người chống lại cái xấu cần nhiều người ủng hộ và làm theo. Ít nhất là ngăn chặn cái xấu tác oai tác quái, rồi lọai trừ và tiêu diệt nó.

- Nhưng có ai bênh vực mình đâu hả chị?

- Em không tự bênh vực em thì ai giúp?! Nếu cái tốt lui bước thì cái xấu dần dần sẽ được coi là bình thường! Đáng sợ nhất là khi tốt xấu không còn phân biệt, mọi giá trị đảo lộn, lúc đó con người trở nên thờ ơ với cái xấu, thờ ơ lẽ phải, với sự thật!

Bất giác mình nghĩ: Chuyện một người là thế. Chuyện một dân tộc, một quốc gia cũng thế!

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...