NHỮNG MẢNH VỠ (22)

Cúng cô hồn
Tháng bảy, cô hồn đi đến đâu cũng được ăn uống no nê, chay mặn đủ cả.
Đến một nhà kia mâm cao cổ đầy sơn hào hải vị, quần áo nhà xe tiền vàng mã cao cấp. Cô hồn sung sướng nhào vô. Bỗng qủy sứ hiện lên xua đuổi: “Nhà quan lớn chỉ cúng cho cô hồn quan lớn!”

Nhang đèn
Trên bàn thờ. Đèn chê nhang:
- Cái gì mà lập lòe như ma trơi!
Nhang đáp:
- Tui lập lòe nhưng tui tự cháy, lại còn có hương thơm.
- Thơm thì tí cũng hết. Ta đây sáng cả ngày.
Vừa nói xong mất điện, đèn tắt. Bình bông trề môi:
- Sáng nhờ điện mà cũng bày đặt chảnh!

Vu lan
Từ sáng sớm anh chị đã rối rít chuẩn bị nhang đèn hoa trái lên cúng chúa cùng món tiền công đức khá lớn. Mẹ anh hỏi: Chiều mấy giờ về để mẹ nấu cơm?
- Mẹ đừng chờ. Tụi con ăn cơm chay nhà chùa đãi.
Xe chạy. Mẹ đứng đó tần ngần. Lễ Vu lan mà mẹ vẫn một mình cơm nước như mọi ngày.

NHỮNG MẢNH VỠ (21)

Cầu Ô thước
Trước khi anh đi công tác xa họ tổ chức đám cưới đúng vào tháng bảy âm lịch. Cha mẹ hai bên lo lắng vợ chồng họ sẽ như “Ngưu lang Chức nữ”. Họ cười, bây giờ có internet, email, chát chit, điện thọai, webcam… có xa xôi gì đâu khi hàng ngày gặp nhau trên mạng?
Vài năm qua. Anh trở về. Sống chung dưới một mái nhà mà bỗng nghe xa ngái…
Chẳng ai muốn bắc Cầu Ô thước dù đã nhiều tháng bảy mưa ngâu…

Ăn chay
Tháng bảy, quán ăn chay đông nườm nượp. Người đến đây như chứng tỏ mình cũng chay tịnh như ai, dù các món ăn chay đều phỏng theo món mặn.
Giữa quán hàng rực rỡ nhiều màu áo bỗng xuất hiện một bóng áo nâu sồng. Nhiều ánh mắt nhìn theo có vẻ… lạ lùng: “Thầy chùa mà cũng ăn chay?”.
Đạo đời bây giờ như không phân biệt, khi nhiều người có câu hỏi ngớ ngẩn như thế!

Xá tội vong nhân
Tháng bảy lễ Vu lan, mùa xá tội vong nhân. Những ngôi chùa lớn nhỏ sáng tối đông người lui tới đèn nhang.
Tháng bảy mưa Ngâu… Sài Gòn áp thấp nhiệt đới, phố xá khuất trong mưa, nhà cửa mờ sau màn nước.
Từ trong ngôi chùa lớn một chiếc xe hơi sang trọng chạy ra. Qua vũng nước đọng ở cửa chùa làm nước bắn tung tóe lên quần áo ông già bán vé số đang nép dưới mái hiên.
Mô Phật. Ông già khẽ nói.
Mô Phật. Giọng trầm bổng mấy Thầy ngồi trên xe cũng nói.

Saigon Times phỏng vấn về sách "KCH bình dân Nam bộ..."

* Cuốn sách của chị đề cập đến một xu hướng khảo cổ học đương đại, đó là hướng đến cộng đồng. Theo chị, câu chuyện về xu hướng khảo cổ cộng đồng này có ý nghĩa gì trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, khi cái mà người ta gọi là “tốc độ xây dựng hiện đại hóa” đang can thiệp rất thô thiển vào những di chỉ ký ức, văn hóa của tiền nhân?

Tháng 8 năm 2009, sau hội thảo “100 năm nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh”, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức tại Hà Nội một cuộc hội thảo “Khảo cổ học cộng đồng”, trong đó nhiều nhà khảo cổ học đã nêu lên kinh nghiệm của nhiều nước ĐNA về việc nhấn mạnh tầm quan trọng của vai trò cộng đồng tại địa phương trong việc bảo vệ các di tích, thông qua tìm hiểu giá trị, ý nghĩa di tích và có thể tham gia quá trình nghiên cứu khai quật, trùng tu di tích.
Ở Việt Nam, theo tôi công việc khảo cổ học chưa bao giờ tách khỏi cộng đồng. Những cuộc khai quật khảo cổ học không thể thiếu sự tham gia của nhân dân địa phương. Một trong những nguyên tắc quan trọng của khảo cổ là thông qua cuộc khai quật phải giới thiệu, tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa và giá trị những di tích di vật, để trong quá trình lao động sản xuất nếu có phát hiện di tích di vật thì người dân kịp thời bảo vệ và thông báo cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên việc này chưa thực sự trở thành “khảo cổ học cộng đồng” vì khi kết thúc đợt khai quật hay trùng tu di tích thì người dân không có điều kiện để tìm hiểu nhiều hơn và tham gia vào việc bảo vệ di tích giai đoạn “hậu khảo cổ”.
Hiện nay “tốc độ xây dựng hiện đại hóa” quả thật đang diễn ra khá nhanh, từ nông thôn đến thành phố đều chịu ảnh hưởng, tác động của quá trình này: nhiều di chỉ khảo cổ không kịp khai quật nghiên cứu, các di tích đình chùa, nhà cổ có xu hướng “hiện đại hóa”… Nếu những công trình ngay từ khâu khảo sát thiết kế mà nhận được thông tin từ người dân địa phương về những di tích khảo cổ hay di tích kiến trúc nghệ thuật có nguy cơ biến mất, cảnh quan tự nhiên bị phá hủy trong quá trình xây dựng thì sẽ có những giải pháp tốt hơn, bởi vì những di tích cảnh quan không phải là vật vô tri mà chính là “ký ức cộng đồng” của cư dân địa phương. Bên cạnh đó vẫn có những di tích hư hỏng do sự vô thức, do thiếu hiểu biết của người dân. Vì vậy, tôi nghĩ rằng để “khảo cổ học cộng đồng” ở VN phát triển mạnh hơn thì người dân cần có những kiến thức về giá trị và việc bảo vệ di sản văn hóa như thế nào, một cách khoa học nhưng đơn giản và dễ hiểu. Những kiến thức này mang lại sự “đồng cảm văn hóa” cho cộng đồng không chỉ ở sự tiếc nuối những di sản văn hóa đã biến mất, mà còn là việc chung tay bảo vệ những di sản văn hóa còn lại.

* Cuốn sách đề cập đến “Khảo cổ học bình dân Nam bộ - Việt Nam từ thực nghiệm đến lý thuyết”. Xin chị cho biết dự cảm câu chuyện từ khảo cổ học lý thuyết đến khảo cổ học ứng dụng trong trường hợp này sẽ như thế nào, sẽ gặp những vướng mắc và thuận lợi nào? Những nhà khảo cổ học như chị liệu có là những người trực tiếp xắn tay vào cuộc, có tiếng nói hay không, hay chỉ là những người đưa ra lý thuyết và giới hạn phạm vị hướng đến nhiệm vụ “giảng dạy cho sinh viên dễ hiểu” như chị đã viết trong lời giới thiệu?
Khảo cổ học đã ứng dụng vào nhiều lĩnh vực. Nhiều công trình nghiên cứu lịch sử - văn hóa, nhiều dự án kinh tế - xã hội cũng đã có đóng góp của khảo cổ học. Tuy nhiên sự ứng dụng này còn đơn lẻ do nhiều nguyên nhân, có lẽ khó khăn nhất là sự phối hợp về cơ chế chưa chặt chẽ, chưa đồng lòng vì chưa thực sự đồng cảm trước “số phận” của di sản văn hóa.
Vài năm nay tôi không có điều kiện tham gia trực tiếp vào các dự án khai quật và nghiên cứu khảo cổ. Tuy nhiên những gì tôi có được từ kiến thức khảo cổ học đã giúp tôi làm tốt công việc được phân công hiện nay về văn hóa – xã hội, trong đó có việc giảng dạy và phổ biến kiến thức lịch sử văn hóa. Các nhà khảo cổ trực tiếp nghiên cứu các công trình vẫn đang tiến hành cả lý thuyết và thực tiễn. Họ luôn có tiếng khi cần thiết. Chỉ là họ chưa có thời gian để ngồi viết lại những gì họ làm.
Công việc của thế hệ chúng tôi cũng sẽ có lúc dừng lại nhưng nếu biết chuyển giao cho cộng đồng, cho thế hệ thì sau công việc ấy, bất luận là “lý thuyết” hay “ứng dụng” sẽ được tiếp nối và phát triển.

* Trong thời gian qua, giới khảo cổ, trong đó có chị, đã có những thái độ rất quyết liệt trên diễn đàn báo chí để bảo vệ một số điểm khảo cổ trước nguy cơ bị san phẳng. Trong đó, gần nhất, đáng chú ý nhất là khu di tích trung tâm hoàng thành Thăng long đã kịp thời được ghi vào địa danh thứ 900 trong danh sách di sản thế giới. Theo chị thành công nhất trong sự kiện này là gì?
Từ kết quả khai quật và nghiên cứu di tích di vật của các cơ quan và các nhà khoa học, từ việc nghiên cứu kinh nghiệm các nước và thực tế tiến hành công tác bảo tồn, khu di tích HTTL đã ngày càng thể hiện giá trị tuyệt vời của nó. Giá trị đó đã được thế giới công nhận. Thành công này, theo tôi, đó là ý thức tự hào dân tộc trước di sản văn hóa của cha ông để lại, dẫn đến sự đồng lòng chung tay của các cơ quan chức năng để vượt qua nhiều khó khăn trong việc khai quật, bảo tồn và xây dựng hồ sơ DSVHTG cho khu di tích. Bên cạnh đó tình cảm và tiếng nói của xã hội đối với khu di tích này cũng là sức mạnh tinh thần rất lớn. Tất nhiên, điều thuận lợi đầu tiên là chúng ta có Luật Di sản văn hóa thực thi từ đầu năm 2002, đây là cơ sở pháp lý để tiến hành những công việc liên quan đến khu di tích này.

* Như vậy có vẻ như ở Việt Nam cần một cái gọi là “khảo cổ học dành cho nhà chức trách” hơn là khảo cổ học cộng đồng chứ, thưa chị?
Không, theo tôi không có cái gọi là “khảo cổ học dành cho các nhà chức trách” mà chính là các nhà chức trách cần phải lắng nghe tiếng nói của di sản văn hóa, của cộng đồng để có thể hành xử và đề ra quyết sách phù hợp. Trường hợp Khu trung tâm di tích Hòang Thành Thăng Long là một ví dụ điển hình.

Nguyễn Độc Thư (Thời báo kinh tế Sài Gòn số ra ngày 26/8/2010)

Về sách mới


Quay qua quay lại
TT - Những tản văn ngăn ngắn của Nguyễn Thị Hậu vừa sinh động vừa mang một sắc thái cảm xúc pha kịch tính rất đương đại.
Nó như từng góc cuộc sống của chị được chủ ý ngắt ra trong nhiều tâm trạng, rồi hồn nhiên xếp lại thành tập, để khi đến tay mọi người tất cả sẽ là một chuỗi cuộc sống bình thường thôi nhưng thú vị do bởi người viết đã toàn tâm toàn ý với nó - tức là với cả cuộc sống bề bộn của mình.
Cho nên chuyện bếp núc, chuyện đi chợ, chuyện kẹt xe, thăm thú các vùng miền, kiến thức khảo cổ nằm trong các tầng văn hóa... đan quyện vào nhau khiến mọi người tặc lưỡi: Nguyễn Thị Hậu quay qua quay lại mà viết thành khối chuyện.
Sách do Nhà xuất bản Tổng hợp ấn hành 8/2010
L.ÐIỀN

Nguồn: http://tusach.tuoitre.vn/ArticleView.aspx?ArticleID=395099&ComponentID=172

Những mảnh vỡ (20)

Phong bì
Trước những cuộc họp người ta thường phát phong bì, bên trong có ít thì vài chục nhiều thì vài trăm ngàn. Người nhận khi thì nhẹ nhàng cất vào túi xách, khi vội vàng nhét túi áo, lại có người hé ra xem, hớn hở hay thất vọng ra mặt… Nhưng có người moi hết tiền ra rồi vo lại vứt tọet xuống đất.
Dù nhàu nát nhưng phong bì không buồn vì nó đã làm tròn nhiệm vụ. Đôi khi nó còn thấy mình tử tế hơn nhiều người nhận tiền từ nó.

Mở hàng
Tính tình nhẹ nhõm xởi lởi nên mỗi lần đi chợ, chị mua mở hàng cho ai là người ấy cả ngày đắt khách. Thậm chí có lần chị “mở hàng” cho một đại lý vé máy bay thì hôm ấy họ bán hết sạch các lọai vé!
Gặp lại “mối tình đầu”, nghe anh than thở “Cái số anh vất vả, 2,3 đời vợ mà vẫn chưa yên…”, chị nghĩ “may quá, ổng chưa nói tại mình là người yêu… mở hàng của ổng???”.

Điếc
Ông lão nghễnh ngãng. Nói chuyện ai cũng như cãi nhau. Thích thì lão trả lời, không thích thì dù có nghe thấy lão vẫn hả với hử… làm mọi người phát mệt.
Một lần đến nhà người quen, thấy con chó lao ra sủa, lão nói “nhà giàu có khác, chó thức đêm canh trộm hay sao mà ban ngày ngáp lắm thế?!” Con chó nghe lão nói như quát, bèn lao đến đớp cho một phát.
Từ đó lão không còn nghễnh ngãng nhưng lại… ngọng!

Ngắn & rất ngắn: "Nốt trầm" dài của người phụ nữ

HNM) - Một tập truyện nhỏ xinh vừa ra mắt đã lập tức gây sự chú ý của độc giả. Tác giả của cuốn sách không phải là những người viết văn chuyên nghiệp. Họ là tiến sĩ các ngành khoa học, nghệ thuật mang những xúc cảm, suy tư miên man của mình vào từng câu chuyện của "Ngắn & rất ngắn".

Ngay khi phát hành, nhiều người đã đoán tên cuốn sách "Ngắn & rất ngắn" sẽ trở thành câu cửa miệng của mọi người trong đời sống, hoặc có thể sẽ được dùng để chỉ một trào lưu hay chí ít là những câu chuyện ngắn, rất ngắn đang thịnh hành trong đời sống văn học. Chỉ với 150 trang nhưng "Ngắn & rất ngắn" (NXB Thanh Niên và Phương Nam Book ấn hành) chứa đựng những lát cắt tinh tế của cuộc sống.

Tác giả cuốn sách không phải là người viết văn chuyên nghiệp, kẻ Nam người Bắc, họ là PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái và TS khảo cổ Nguyễn Thị Hậu.TS nghệ thuật Nguyễn Thị Minh Thái nổi tiếng với những bài báo, phê bình sân khấu sắc sảo, hay những bài viết chân dung nghệ sĩ… là người đã quen viết lách, quen với con chữ. Còn nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, là Phó tổng Hội Sử học Việt Nam, thường viết những câu chuyện ngắn và rất ngắn trên facebook của mình, nhiều truyện đã đăng trên Báo Tuổi Trẻ cuối tuần.

Nói về việc tại sao lại viết ngắn và rất ngắn như vậy, TS Nguyễn Thị Hậu cho biết, chị viết ngắn vì không thể viết dài: "Công việc của nhà khảo cổ học tạo cho tôi thói quen viết ngắn và chính xác". Còn Nguyễn Thị Minh Thái bảo chị cố tình và vô tình viết ngắn. Cố tình là cố tình viết, còn vô tình mà viết ngắn, chứ không chủ đích làm truyện mình ngắn và rất ngắn đi.

Nguyễn Thị Minh Thái mang tới tập truyện 10 truyện ngắn còn Nguyễn Thị Hậu có loạt rất ngắn thành từng chùm "Những mảnh vỡ 1", "Những mảnh vỡ 2"… đan xen vào nhau, khiến độc giả lúc thắt lòng với một câu chuyện của Nguyễn Thị Hậu, khi lại trải lòng, suy tư miên man cùng Nguyễn Thị Minh Thái.Những câu chuyện trong "Ngắn & rất ngắn" đều là những chuyện vợ chồng thân thương mà chua xót, ngọt ngào xen lẫn đắng cay. Do công việc, đam mê, quan hệ đồng nghiệp, xã hội… tạo ra những mảnh vỡ trong gia đình khiến vợ chồng bất đồng, con cái chia lìa. Tất cả đều là những chuyện xảy ra trong đời sống người phụ nữ hiện đại. Không giống với những cô nàng váy ngắn chân dài, shoping, đồ hiệu, fast food của dòng văn học chick flick đang lên ngôi, người phụ nữ trong "Ngắn & rất ngắn" đầy trải nghiệm với cuộc sống.
Sự trải nghiệm, chín chắn không khiến họ mất đi những khát khao đi tới cùng cảm xúc như trong "Chạy nắng", hay sống hết mình cho tình yêu bất chấp mọi rào cản ở "Phiêu lưu". Người phụ nữ trong "Ngắn & rất ngắn" đều mang dáng dấp của nữ trí thức, họ trải qua những "nốt trầm" dài của người phụ nữ trong đời sống hiện đại, đó là chuyện "Tình ảo" của những người quen nhau trên mạng, là chuyện được và mất giữa hai người bạn trong "Bạn gái", là cái sự "em vẫn mãi ở bên anh" dù phải chứng kiến cảnh người yêu mình cưới một cô gái khác trong "Rượt đuổi"…

Tuy không phải là những nhà văn chuyên nghiệp, song cả hai nữ tác giả đều tạo được phong cách riêng. Nguyễn Thị Minh Thái với những câu văn dài vừa phải, miêu tả cảm xúc, thói quen, tình huống của những nhân vật khiến người đọc bâng khuâng nhớ về những con người, quang cảnh Hà Nội thanh lịch. Những "mẩu" rất ngắn của Nguyễn Thị Hậu thoạt tiên tưởng là truyện cười nhưng đọc câu kết lại thấy nặng trĩu, đắng ngắt những suy tư…

Tần Tần
Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/newsdetail/giai_tri/364004/ngan--rat-ngan-not-tram-dai-cua-nguoi-phu-nu.htm

Nam bộ hoàn toàn không “mới” như vẫn nghĩ

(TT&VH) - Khảo cổ học lâu nay vẫn được xem là chuyện khô khan vì nó thuộc chuyên ngành hẹp, chỉ dành riêng cho giới chuyên gia, giới nghiên cứu. Thế nhưng, 1, 2 năm gần đây, khảo cổ học ở Việt Nam lại khá sôi động trên các báo, với rất nhiều phát hiện mà chúng ta hay dùng các cụm từ “gây chấn động”, “kích thích trí tò mò”…
Từ thực tế đó, tiến sĩ (TS) khảo cổ Nguyễn Thị Hậu và thạc sĩ Lê Thanh Hải (hiện làm việc ở Luân Đôn, Anh) vừa ấn hành một cuốn sách có thể “gây sốc” cho nhiều người ngay với tựa đề: Khảo cổ học bình dân Nam bộ - Việt Nam, từ thực nghiệm đến lý thuyết. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Nguyễn Thị Hậu về cuốn sách này.

* Trong cuốn sách mới nhất về khảo cổ, tại sao chị lại đặt một cái tên nghe rất nôm na: Khảo cổ học bình dân Nam bộ... phải chăng vấn đề khảo cổ học ở Nam bộ “rất bình dân”, không có gì đáng nói?
- Do những đặc thù về đối tượng và phương pháp nghiên cứu nên khảo cổ học là ngành ít người biết và ít người quan tâm, thường thì chỉ trong giới khảo cổ, rộng hơn là giới nghiên cứu lịch sử... mới biết đến những công việc của các nhà khảo cổ. Còn xã hội nói chung chú ý đến khảo cổ học khi nào có “phát hiện chấn động” như tìm được mộ táng xác ướp hay vàng bạc quý giá...
Thật ra công việc của các nhà khảo cổ tuy mang tính đặc thù nhưng cũng rất đa dạng, tỉ mỉ, đồng thời cũng bình thường như mọi nghề nghiệp khác. Vì vậy để có thể giới thiệu ngành khảo cổ và kết quả nghiên cứu về khảo cổ học vùng Nam bộ những năm gần đây, tôi đã viết một số bài có tính phổ biến kiến thức để nhiều người hiểu về khảo cổ học và hiểu hơn về lịch sử vùng đất Nam bộ.

* Nói như chị thì việc đặt ra lý thuyết “khảo cổ học bình dân” sẽ giúp ích cụ thể điều gì cho giới nghiên cứu và cả giới quần chúng, khi bản thân cuộc sống của họ đang gắn liền, thậm chí đang quyết định tới sự sống còn của các di chỉ khảo cổ?
- Khi viết những bài này tôi không hề nghĩ mình làm theo một lý thuyết nào cả, mà thực sự do nhu cầu thấy cần phải viết như vậy. Những bài viết này tôi đăng trên blog cá nhân, sau đó một số website đăng lại, được nhiều sinh viên, bạn bè và người đọc trên mạng thích thú. Thạc sĩ Lê Thanh Hải đã đọc, tiếp cận những tạp bút, tản văn về một vùng đất, về con người... đến những bài bút ký hay nghiên cứu khảo cổ của tôi trong cách nhìn mới, cách nhìn của một người được trang bị lý thuyết của nhiều ngành khoa học xã hội. Anh đã “link” những lý thuyết này với các bài viết tản mạn, đơn lẻ và có phần đơn giản của tôi, để tìm ra “sợi dây” xuyên suốt một cách vô thức trong tôi mà anh gọi đó là xu hướng “khảo cổ học bình dân” (popular archeology), là một phần của “khảo cổ học cộng đồng” - hiện đang trở thành một hướng phát triển mới của khảo cổ học trên thế giới. “Khảo cổ học cộng đồng (community archeology) là khái niệm chỉ cách thức để cộng đồng cùng tham gia làm khảo cổ và thu lợi từ việc giữ gìn những giá trị khảo cổ. Đây là cách thức quan trọng để nâng cao ý thức người dân trong bảo tồn di sản văn hóa”. Tuy nhiên, trước khi tham gia, hay là cùng với việc tham gia làm khảo cổ (nói rộng hơn là tham gia vào việc bảo tồn di sản văn hóa), cộng đồng cần được biết những kiến thức khoa học cơ bản về nơi mình sống.

* Thưa chị, vùng Nam bộ dưới góc nhìn khảo cổ học có đặc thù gì đặc biệt?
- Đây là vùng đất hoàn toàn không “mới” như chúng ta vẫn nói, vẫn nghĩ. Ở đây có một hệ thống di tích khảo cổ niên đại từ 3.000 năm trước đến ngày nay. Đặc biệt những di tích tiền sử phân bố trong hệ sinh thái ngập mặn ở ven biển Đông Nam bộ, những di tích kiến trúc thuộc văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam bộ những thế kỷ đầu công nguyên... rất tiêu biểu cho tiến trình lịch sử vùng đất này.

* Nhìn từ góc độ đời sống của người dân, có thể nhận thấy những ứng dụng của khảo cổ học như thế nào?
- Khảo cổ học – với những di tích di vật mà nó phát hiện, nghiên cứu, thực chất đã phản ánh đời sống của con người trong quá khứ. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã góp phần quan trọng làm rõ hơn về môi trường sống, về lối sống, về các mặt văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của cư dân qua các thời kỳ. Do đó, khảo cổ học như “một chiếc chìa khóa nhỏ”, cùng với những chiếc chìa khóa khác – những ngành khoa học khác, liên ngành lại để cùng mở những cánh cửa của “tòa lâu đài” lịch sử - văn hóa Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.


Văn Bảy (thực hiện)
Nguồn: http://thethaovanhoa.vn/133N20100816083616683T0/tien-si-nguyen-thi-hau-nam-bo-hoan-toan-khong-moi-nhu-van-nghi.htm

KHẢO CỔ HỌC BÌNH DÂN NAM BỘ - VN: từ thực nghiệm đến lý thuyết


Lời nói đầu
MỘT CHIẾC CHÌA KHÓA NHỎ.

Tập sách này là một phần những bài viết của tôi từ năm 2006 đến nay, đầu năm 2010. Xuất phát từ việc một lần tình cờ tôi đọc bản ghi chép của một bạn sinh viên nào đó đã ghi âm bài giảng của tôi về văn hóa khảo cổ, tôi nhận thấy nếu trong giờ lên lớp mình cố gắng diễn đạt cho đơn giản, dễ hiểu mà vẫn bảo đảm nội dung khoa học của vấn đề thì môn Khảo cổ học sẽ bớt khô khan, nhàm chán, thậm chí còn trở nên hấp dẫn vì những điều mới lạ của nó, và nhờ đó sinh viên tiếp thu hào hứng và kết quả giờ học tốt hơn. Vậy là tôi nghĩ, tại sao mình không viết lại một số vấn đề khảo cổ học như cách mình đã "nói" với sinh viên, để giới thiệu về những kiến thức khảo cổ học cơ bản, cũng như về nghề nghiệp của mình với mọi người, một cái nghề mà bạn bè vẫn đùa vui là "hổng giống ai"!

Nơi trình diện những bài viết này trước tiên là trên blog của tác giả với nickname "Hậu khảo cổ", sau đó là trên website http://vanchuongviet.org/ rồi được một số website khác đăng lại. Năm 2008 Nhà Sách Đất Việt – TP HCM và Nhà xuất bản Thanh Niên đã xuất bản tập Ký và Tạp bút mang tựa đề "Đi và Tìm trong Đất", một vài bài trong tập sách ấy được in lại trong công trình này.
Từ các website và blog cá nhân trên các mạng xã hội, từ cuốn sách nhỏ được xuất bản, tôi đã quen với nhiều người có cùng sở thích, cùng chung sự quan tâm. Có người tôi quen biết ngòai đời nhưng cũng có nhiều người chỉ là bạn bè trên "thế giới ảo". Tuy nhiên chúng tôi đã thường xuyên trao đổi với nhau về khảo cổ học, từ khảo cổ học đến những vấn đề lịch sử - văn hóa – xã hội... Lê Thanh Hải là một trong số những người bạn đó.

Là một nhà khoa học trẻ hiện đang sống và làm việc trong một môi trường "đầy ắp" thông tin khoa học, từ những phát hiện mới, nghiên cứu mới xuất hiện hàng ngày đến những công trình lý thuyết mỗi khi ra đời tạo nên một bước tiến dài cho khoa học, Lê Thanh Hải đã đọc/ tiếp cận những tạp bút, tản văn về một vùng đất, về con người... đến những bài bút ký hay nghiên cứu khảo cổ của tôi trong cách nhìn mới, cách nhìn của một người được trang bị lý thuyết của nhiều ngành khoa học xã hội: Triết học, nhân học xã hội, sử học, xã hội học... Anh đã link những lý thuyết này với các bài viết tản mạn, đơn lẻ và có phần đơn giản của tôi, để tìm ra "sợi dây" xuyên suốt một cách vô thức trong tôi mà anh gọi đó là xu hướng "khảo cổ học bình dân", là một phần của "khảo cổ học cộng đồng" - hiện đang trở thành một hướng phát triển mới của khảo cổ học trên thế giới: "Khảo cổ học cộng đồng (community archeology) là khái niệm chỉ cách thức để cộng đồng cùng tham gia làm khảo cổ và thu lợi từ việc giữ gìn những giá trị khảo cổ. Đây là cách thức quan trọng để nâng cao ý thức người dân trong bảo tồn di sản văn hóa". Tuy nhiên, trước khi tham gia, hay là cùng với việc tham gia làm khảo cổ (nói rộng hơn là tham gia vào việc bảo tồn di sản văn hóa), cộng đồng cần được biết những kiến thức khoa học cơ bản về nơi mình sống. Những trang viết bày tỏ cám xúc, suy nghĩ hay chia sẻ những thông tin khoa học từ hệ thống các bài nghiên cứu của tôi, theo lý thuyết mới (trình bày trong phần 1 của tập sách) được coi là có tính chất cung cấp sự hiểu biết như thế.

Qua nhiều lần trao đổi qua Email, thảo luận bằng chat, Lê Thanh Hải và tôi quyết định cùng biên soạn tập sách này, với mong muốn giới thiệu cho sinh viên các ngành Khảo cổ, Lịch sử, Nhân học, Văn hóa học và những người quan tâm, một cách ứng dụng lý thuyết mới vào lĩnh vực cụ thể là "khảo cổ học Nam bộ". Cách ứng dụng này như chiếc chìa khóa để mở một (trong nhiều) cánh cửa đi vào ngôi nhà "lịch sử - văn hóa Nam bộ -Việt nam". Chỉ là chiếc chìa khóa nhỏ của một cánh cửa nhỏ đi vào ngôi nhà lớn, vì vậy chắc chắn tập sách chưa phải là cái nhìn đầy đủ, toàn diện, sẽ còn nhiều thiếu sót cũng như có thể có điều chưa thật sự thỏa đáng, nhưng chúng tôi cho rằng, quan trọng là hãy cố gắng bước đi, bởi vì chỉ trên đường đi mới có thể nhận biết mình đang ở đâu trong thế giới "mạng" kiến thức khổng lồ chằng chịt và luôn luôn biến đổi từng giờ.

Các tác giả chân thành cám ơn sự phản hồi, góp ý, trao đổi của bạn đọc, cũng như mong muốn có thêm nhiều công trình mới nghiên cứu lịch sử - văn hóa Nam bộ theo hướng tiếp cận này.

TS. Nguyễn Thị Hậu, Th.s Lê Thanh Hải

MỤC LỤC:
Phần 1: Dẫn nhập
Phần 2: Kinh nghiệm điền dã
2.1 Ghi chép dọc đường
2.2 Mô tả khảo cổ
Phần 3: Phân lọai và quy chiếu
3.1 Hê tọa độ
3.2 Hệ thống hóa
3.3 Nam bộ nhìn từ khảo cổ
Phần 4: Khảo cổ học ứng dụng
- Tóm tắt tiếng Anh
- Tài liệu tham khảo

NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành tháng 8/ 2010, 420 trang.

Tháng tám có thể gọi mùa thu chưa bạn?



Ngày qua, ngày lại đến...

Buổi sáng trời mát vì cơn mưa dai dẳng suốt đêm. Dạo này SG hay mưa “lai rai”, hơi lạ, mình vẫn quen với mưa Sài Gòn đến bất chợt rồi đi bất ngờ, đôi khi chưa kịp cảm nhận không khí mát mẻ dễ chịu của mưa thì đã nắng vàng rực rỡ. Sáng nay bầu trời như mới hơn, sạch hơn và đẹp hơn… Mùa mưa sắp hết. Mùa mưa năm trước Sài Gòn thế nào, bạn còn nhớ không…

Dường như Sài Gòn cũng đang vào thu… Bạn à, muốn gửi cho bạn một chút thu Sài Gòn. Chỉ là chút se sẽ của gió sớm, chút man mát của tiết trời, thêm một chút dịu vàng của nắng và một chút bâng khuâng của ngày tháng cũ... Bạn hãy nhận nhé, dù nơi bạn ở đất trời cũng đã vào thu...

Đã nhiều năm rồi sống ở SG đầy nắng gió và những cơn mưa ào ạt. Vào thành phố ở cái tuổi đẹp nhất của thời niên thiếu, đem theo hoài niệm những ngày thu Hà Nội… Sau này mỗi năm vẫn trở về Hà Nội vào mùa thu, nhưng chẳng thu nào giống như mùa thu năm ấy, vì chẳng bao giờ quay lại tuổi 17 được nữa…

"Tuổi thơ đã đi qua không trở lại, cháy hết mình cánh phượng nhẹ nhàng rơi…"

Những mảnh vỡ (19)



55. Phía sau

Người ta thường bảo “phía sau thành công của người đàn ông thường có một người phụ nữ”
- Còn phía sau thành công của một người phụ nữ thì sao?
- Nếu không có người đàn ông nào?
- Thì người phụ nữ ấy mới chỉ thành công một nửa.
- Nếu có một số người đàn ông?
- Ô, người phụ nữ ấy còn hơn cả thành công!!!
- Còn nếu thất bại thì sao?
- Một người đàn ông thật sự sẽ không để người phụ nữ của mình thất bại.


56. Nghề của nàng

Thấy người láng giềng giàu có, nghe nói anh ta làm cái nghề liên quan đến đất đá gì đó, nó cũng theo học một ngành cũng đào đất bới đá.
Ra trường, đi làm cực khổ mãi vẫn thấy nghèo, bèn âm thầm tìm hiểu về người láng giềng. Thì ra anh ta làm nghề địa chất, có lần đào được một mỏ đá qúy.
Ra thế! Còn nó suốt đời đào bới chỉ tòan gặp xương cốt với gốm vỡ, vì nó làm nghề khảo cổ, hic!


57. Làm vua

Nhận điện thọai: Hậu đấy à, trẫm đây! Nó ngơ ngác: trẫm nào ạ?
- Trời ơi, đến trẫm mà cũng không nhớ ra ai à?
- Vì nhiều ngừơi tự xưng là trẫm lắm.
Bạn cười xòa: - mỗi lần gọi tên bà tui thấy phê phê, cứ như mình là vua!
Nó “đay nghiến”: đàn ông các ông ai cũng thích làm vua, nhưng chả bao giờ coi vợ mình là Hòang hậu!

Lý Đợi - Vài ghi chú với Ngắn & rất ngắn

1. Điều đầu tiên, dễ nhận ra nhất, là Ngắn & rất ngắn không phải là thứ văn phong thuận tay của Thái & Hậu – một nghệ thuật học, một khảo cổ học – vốn thuận hơn với lý luận, phân tích, điều nghiên. Mà vì không thuận tay, nên họ đã vẽ lại chính mình trong một diện mạo khác, mềm mại, nữ tính và lãng mạn hơn. Đọc Ngắn & rất ngắn rất dễ để nhận ra hai tâm hồn như mềm yếu, đa cảm và tìm kiếm sự chia sẻ. Trong khi đó, văn phong nghiên cứu của họ thì lại chặt chẽ, đầy quyết đoán và chủ kiến. Làm được hai điều trái ngược như vậy, cùng trong một người, quả là một thử thách thú vị.

2. Đọc xong quyển sách mỏng này, thấy khái niệm “ngắn” thuộc về Thái – với những câu chuyện có dung lượng 4-7 trang in, khổ 21x13cm. Rất dễ dàng để nhận ra ở 10 truyện ngắn của Thái một điểm nhìn xuyên suốt: đó là người đàn bà đang nhớ, nghĩ, tưởng và mơ về thời thơ ấu, hoặc các câu chuyện ấu thời của mình. Các cung bậc truyện và tình tiết có thể khác nhau, nhưng tựu trung lại vẫn là cảm giác cô đơn, bơ vơ, xót xa, luyến tiếc và đầy lo lắng. Người đàn bà trung niên Hà Nội (vừa là tác giả, vừa là nhân vật) chọn bối cảnh cho gần như tất cả các truyện ở Sài Gòn, với niềm hoài nhớ về Hà Nội, và các hình ảnh thoáng qua là nước Nga thời nhân vật còn thanh niên. Tuy viết dài hơn Hậu về dung lượng đến khoảng 8-12 lần, nhưng các câu chuyện của Thái lại là những lát cát mỏng, lạnh và buồn – ngắn như không thể ngắn hơn nữa. Một mất mát được cô đúc lại.

3. Hậu thì ngược lại. 43 cái “rất ngắn” chỉ dưới 100 chữ, 2 cái “rất ngắn” kia, dài hơn chút, cũng chỉ dưới 1.200 chữ. Thế nhưng, thế giới rất ngắn của Hậu lại đa mang, đa đoan và bao quát nhiều chuyện, từ chính trị, văn chương, nhân tình thế thái, cho đến chuyện chó mèo, cá cảnh... Nó không “duy tình” như Thái, mà “duy ý” hơn. Nó ngắn đến thèm thuồng, đọc chưa kịp nghĩ, chưa kịp nhận ra đã hết. Văn phong tối giản đến khô khốc, hài trộn vào bi, cho người đọc “cảm giác rách” như không chắp nối được. Vậy mà, khi chắp nối tất cả “những mảnh vỡ” này lại, chỉ khoảng 6.000 chữ thôi, người đọc lại nhìn ra cả một bối cảnh rộng, một nỗi đau dài… của người phụ nữ miền Nam, sống ở Sài Gòn, nhưng nhìn về Hà Nội.

La Hán phòng, 1/8/2010

Hai nữ tiến sĩ ra mắt tập truyện ngắn

http://evan.vnexpress.net/News/Tin-tuc/trong-nuoc/2010/08/3B9AEBDE/
B.T.

NXB Thanh Niên và Phương Nam Book vừa phát hành tập truyện “Ngắn & rất ngắn” của Tiến sĩ Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái và Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu.

10 truyện ngắn của Nguyễn Thị Minh Thái thể hiện 10 mảng đời sống của các số phận yêu và đau vì tình yêu. Những mất mát gắn liền với yêu thương không thể nguôi ngoai, những mật ngọt khát khao tự do trong tù túng của kiếp người. Với ngòi bút lạnh lùng mà truyền cảm, 10 truyện ngắn của chị khiến độc giả sẻ chia sâu đậm nỗi lo của người phụ nữ trong gia đình hiện nay. Các truyện như Bồ côi bồ cút, Dậy sớm, Chạy nắng, Lệ già, Sương mờ trên cao... gợi liên tưởng đến những nốt trầm trong cuộc đời một thiếu phụ.

Bút lực của Nguyễn Thị Hậu thì rải ở Những mảnh vỡ, những truyện rất ngắn của chị xâu chuỗi bằng tư tưởng và sự tài hoa. Với khả năng quan sát của người làm “xã hội học” và sức liên tưởng của một người phụ nữ từng trải, chị viết Cà phê không đường, Gãy chân, Bước hụt, Say bờ, Tu, Bong bóng… khiến người đọc phải “cười ra nước mắt”. Những mảnh vỡ như những mảnh cảm xúc sau phút “sực tỉnh” của đời người dám sống và dám dấn thân.

Nhận xét về tập truyện, nhà thơ Lý Đợi viết: "Đọc Ngắn & rất ngắn rất dễ để nhận ra hai tâm hồn như mềm yếu, đa cảm và tìm kiếm sự chia sẻ. Trong khi đó, văn phong nghiên cứu của họ thì lại chặt chẽ, đầy quyết đoán và chủ kiến. Làm được hai điều trái ngược như vậy, cùng trong một người, quả là một thử thách thú vị".

Buổi giới thiệu tập truyện với sự tham gia của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên sẽ diễn ra sáng 7/8 tại Trung tâm Văn hóa Đông Tây, 11 A Trần Quý Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội.

MỜI CÁC BẠN ĐẾN THAM DỰ CHO VUI NHÉ :)

Đưa Hoàng thành vào “công nghệ di sản”


(LĐ) - Một tin vui đến với chúng ta đúng vào thời điểm đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đang cận kề: Vào lúc 6h30 giờ VN sáng ngày 1.8, khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được Đại hội đồng phiên 34 của Ủy ban Di sản thế giới ghi vào Danh sách di sản thế giới với 18/21 quốc gia thành viên ủng hộ. Đây là di sản thứ 900 trong danh sách này.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội không chỉ tiêu biểu cho các giá trị văn hoá của dân tộc VN, mà còn kết tinh các giá trị văn hoá của khu vực. Chính vì thế, việc quy hoạch, bảo tồn và phát huy các giá trị lâu dài của di tích đã được nhiều nhà khảo cổ, các học giả trong nước và quốc tế quan tâm từ khi bắt đầu khai quật khu di tích này. Cho đến nay, đây là cuộc khai quật “khảo cổ học đô thị” đầu tiên, lớn nhất và khó khăn, phức tạp nhất ở VN. Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long nằm trong hệ thống di tích lịch sử văn hóa của vùng đất Thăng Long – Hà Nội.

Do đó việc khảo sát, điều tra tổng thể, lập bản đồ và lập hồ sơ hệ thống di tích này, lưu trữ bằng những phương tiện kỹ thuật hiện đại là việc vô cùng cấp thiết. Toàn bộ “ngân hàng dữ liệu” này được sử dụng trong nghiên cứu quy hoạch kiến trúc và phát triển đô thị nhằm giảm thiểu tối đa sự thiệt hại đối với các di tích lịch sử - văn hóa của Hà Nội.

Theo Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - thì cùng với việc nghiên cứu “vấn đề đặt ra là quy hoạch về bảo tồn toàn bộ khu di tích trong tổng thể của Trung tâm chính trị Ba Đình và Trung tâm chính trị Hà Nội. Hiện nay, chúng ta đang nghiên cứu và tham khảo các cách bảo tồn của các nước và tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Không thể một khu di tích chỉ đóng cửa để nghiên cứu, mà phải cho người dân được vào xem, được thụ hưởng di sản của ông cha để lại, rồi khách quốc tế cũng được tới tham quan. Việc phát huy giá trị của di tích cần có một kế hoạch rõ ràng”.

Để phát huy giá trị của khu di tích này, “Bảo tàng Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long” nếu được thực hiện sẽ là một dự án điển hình của khảo cổ học đô thị. Bảo tồn và khai thác giá trị di tích chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn, giáo dục và du lịch. Du lịch được coi là ngành “công nghiệp không khói” ở nhiều nước và hiện nay người ta còn quan niệm du lịch là “công nghệ di sản” (heritage industry) vì di tích lịch sử văn hóa là sản phẩm có sức hấp dẫn lớn đối với du khách.

Mặc dù có hiện tượng một số di tích đang biến thành một phần của công nghệ giải trí (entertainment industry) hay bị thương mại hóa, nhưng di tích Hoàng thành Thăng Long với vị trí đặc biệt của nó chắc chắn sẽ tránh được những hoạt động kiểu như vậy. Tuy nhiên để sự cảm nhận và thưởng thức của du khách được trọn vẹn thì việc “phục dựng” khu di tích bằng những kỹ thuật mới như kỹ thuật 3D là rất hữu ích, nhằm tái hiện những công trình kiến trúc gốc dựa trên kết quả nghiên cứu so sánh, trước khi có điều kiện tốt nhất để phục dựng di tích.

Việc bảo vệ tốt các di tích, di vật dưới lòng đất, phục vụ công tác nghiên cứu, đồng thời tổ chức tốt việc trưng bày những hiện vật tiêu biểu, sẽ giúp cho công chúng trong và ngoài nước hình dung đầy đủ hơn về diện mạo của Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Đây là những việc làm có ý nghĩa đúng dịp nhân dân Hà Nội và cả nước có nhiều hoạt động kỷ niệm thủ đô tròn 1.000 năm tuổi.

Do đó việc khảo sát, điều tra tổng thể, lập bản đồ và lập hồ sơ hệ thống di tích này, lưu trữ bằng những phương tiện kỹ thuật hiện đại là việc vô cùng cấp thiết. Toàn bộ “ngân hàng dữ liệu” này được sử dụng trong nghiên cứu quy hoạch kiến trúc và phát triển đô thị nhằm giảm thiểu tối đa sự thiệt hại đối với các di tích lịch sử - văn hóa của Hà Nội.

Theo Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - thì cùng với việc nghiên cứu "vấn đề đặt ra là quy hoạch về bảo tồn toàn bộ khu di tích trong tổng thể của trung tâm chính trị Ba Đình và trung tâm chính trị Hà Nội. Hiện nay, chúng ta đang nghiên cứu và tham khảo các cách bảo tồn của các nước và tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Không thể một khu di tích chỉ đóng cửa để nghiên cứu, mà phải cho người dân được vào xem, được thụ hưởng di sản của ông cha để lại, rồi khách quốc tế cũng được tới tham quan. Việc phát huy giá trị của di tích cần có một kế hoạch rõ ràng".

Để phát huy giá trị của khu di tích này, “Bảo tàng khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long” nếu được thực hiện sẽ là một dự án điển hình của khảo cổ học đô thị. Bảo tồn và khai thác giá trị di tích chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn, giáo dục và du lịch. Du lịch được coi là ngành “công nghiệp không khói” ở nhiều nước và hiện nay người ta còn quan niệm du lịch là “công nghệ di sản” (heritage industry) vì di tích lịch sử văn hóa là sản phẩm có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Mặc dù có hiện tượng một số di tích đang biến thành một phần của công nghệ giải trí (entertainment industry) hay bị thương mại hóa, nhưng di tích Hoàng thành Thăng Long với vị trí đặc biệt của nó chắc chắn sẽ tránh được những hoạt động kiểu như vậy. Tuy nhiên để sự cảm nhận và thưởng thức của du khách được trọn vẹn thì việc “phục dựng” khu di tích bằng những kỹ thuật mới như kỹ thuật 3D là rất hữu ích, nhằm tái hiện những công trình kiến trúc gốc dựa trên kết quả nghiên cứu so sánh, trước khi có điều kiện tốt nhất để phục dựng di tích.

Việc bảo vệ tốt các di tích, di vật dưới lòng đất, phục vụ công tác nghiên cứu, đồng thời tổ chức tốt việc trưng bày những hiện vật tiêu biểu, sẽ giúp cho công chúng trong và ngoài nước hình dung đầy đủ hơn về diện mạo của Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Đây là những việc làm có ý nghĩa đúng dịp nhân dân Hà Nội và cả nước có nhiều hoạt động kỷ niệm thủ đô tròn 1.000 năm tuổi.

NTH
(Tựa do Tòa sọan đặt)

Nguồn: Đưa Hoàng thành vào “công nghệ di sản” - Lao Động

Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)

  TS Nguyễn Thị Hậu Tuần qua , tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc l...