LƯU GIỮ KÝ ỨC NHỮNG NGÀY ĐẦU TẬP KẾT


Nguyễn Thị Hậu
Từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 7 năm 1955 là thời kỳ chuyển quân tập kết theo qui định của Hiệp định Genève về Việt Nam. Trong khoảng 300 ngày đó, có một sự kiện nổi bật diễn ra trong phạm vi cả nước là cuộc di dân, chuyển quân tập kết diễn ra sôi động. Đã có khoảng 150.000 người chuyển cư từ vùng phía Nam ra miền Bắc, bao gồm cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, cán bộ chính quyền, Đảng các cấp và một số nhân sĩ trong mặt trận… từng chiến đấu, công tác trong các chiến trường phía Nam, được lệnh rút quân ra Bắc. Họ ra đi từ các vùng chiến khu và vùng giải phóng.
Trong hiệp định Genève đã quy định thời hạn tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam vào tháng 7.1956 nên toàn thể nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc đều tin rằng sau hai năm ra Bắc tập kết sẽ trở về, trước khi lên tàu các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam vẫy tay tạm biệt người thân, bạn bè, chiến hữu nhau bằng cách giơ hai ngón tay lên hàm ý hai năm sẽ gặp lại; nhưng không ngờ cuộc chuyển cư đó kéo dài đến 20 năm sau.
Ba má tôi tham gia kháng chiến ở miền Tây Nam bộ. Từ Chắc Băng - Cà Mau, cuối năm 1954 ba tôi đi chuyến tàu đầu tiên tập kết cùng khối văn nghệ - lúc ấy ba tôi phụ trách Đoàn ca kịch Cửu Long Giang ở miền Tây Nam bộ. Trong đoàn lúc đó có các cô chú sau này là những văn nghệ sĩ nổi tiếng như Quốc Hương, Hoàng Việt, Phan Nhân, Phan Vũ, Xuân Mai, Hoàng Mãnh, Kim Nhụy, Phi Điểu, Hoàng Hiệp, Đắc Nhẫn... và rất nhiều các cô chú là những nghệ sĩ sau này thành danh trên đất Bắc.
Má tôi ra đến Sầm Sơn vào tháng 2.1955 trên chuyến tàu tập kết cuối cùng cũng từ Chắc Băng, Cà Mau. Khi ấy má tôi là nhân viên Sở Y tế Nam bộ dưới quyền bác tôi là Giám đốc Sở: Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng – sau này là Bộ trưởng Bộ Y tế nước VNDCCH.
Có thể nói gia đình tôi là một trong số ít các gia đình may mắn vì được đi tập kết cả hai vợ chồng. Đi theo má tôi trong chuyến tàu cuối cùng đó còn có anh Hai, chị Ba của tôi lúc đó mới 9 tuổi và 4 tuổi. Còn tôi thì được sinh ra ở Hà Nội và được cùng gia đình trở về quê vào tháng 5.1975. Câu chuyện về chuyến tàu tập kết và những ngày đầu tiên ra Bắc sống với đồng bào Thanh Hóa, ba má tôi hay kể lại trong những năm tháng xa quê dài đằng đẵng. Mỗi khi nhắc lại kỷ niệm này dường như ba má tôi cảm thấy ngày về quê gần gũi hơn một chút...
Trong hồi ký ba tôi có vài đoạn viết về những ngày mới tập kết ở Thanh Hóa:
Cho đến một ngày, cuối năm 1954, giữa một rừng cờ đỏ vàng sao, gia đình và đồng bào tiễn đội ngũ chúng tôi lên đường tập kết… Lần đầu tiên có chuyến đi xa, nhưng không một ai thiết nhìn phong cảnh. Chúng tôi vừa để lại phía sau những gì thân thương nhất, vừa lo âu không hiểu rồi đây tương lai của mảnh đất quê hương yêu mến rồi sẽ ra sao, vừa băn khoăn cố gắng hình dung những nhiệm vụ nặng nề sắp đến, tự hỏi mình có gánh vác nổi hay không?
Tàu Xta-vơ-rô-pôn cập bến Sầm Sơn vào một buổi sáng mùa đông, gió lạnh chạy dài trên biển. Đồng bào đông đảo nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi. Trống ếch rập rùng, nhưng lòng chúng tôi đau quặn vì thấy bà con ăn bữa cháo bữa rau, nhưng vẫn dành cho những đứa con miền Nam cơm đầy thịt đủ.
Kế tiếp là những năm dài “ngày Bắc đêm Nam”, là những chuyến lưu diễn liên miên: Rừng núi Việt Bắc, đồng ruộng khu Ba, khu mỏ Quảng Ninh, giới tuyến Hiền Lương… Tới đâu chúng tôi cũng ráng đem lời ca tiếng hát góp phần cho than, lúa thêm nhiều, đem chút ít tình cảm ấm áp cho anh em đồng hương, ráng làm hết sức mình vì miền Nam ruột thịt.
Trong năm 1955 (300 ngày chuyển quân) ba tôi cùng đoàn văn công nhiều lần quay lại Liên khu 5 để biểu diễn phục vụ đồng bào trước khi giới tuyến đóng cửa. Những chuyến đi cũng trên những con tàu đưa người tập kết ra, nhưng lần này từ Sầm Sơn, Thanh Hóa vào Nam. Mỗi lần như vậy “cảnh tiếp đón đồng bào chiến sĩ miền Nam tập kết cách đây mấy tháng lại diễn ra”.
Má tôi quê ở Cao Lãnh – một trong ba nơi xuất phát các chuyến tập kết. Tuy nhiên má tôi lại đi tập kết tại Cà Mau. Tháng 2.1955 ra đến Thanh Hóa vào những ngày lạnh lẽo, do lần đầu tiên đi biển nên vừa bước lên tàu là bà bị say sóng suốt hành trình, khi tàu cập bờ ở Sầm Sơn thì đến một tuần sau bà vẫn chưa hết bệnh. Hai anh chị tôi còn nhỏ nhưng không sao, trên tàu thì chơi với các cô chú, vào bờ thì được bà con chăm sóc “vì mẹ các cháu đang ốm”.
Má tôi còn nhớ hoài những chia sẻ ấm áp nghĩa tình của đồng bào Sầm Sơn trong những ngày lưu trú tại đây. Lúc ấy, má tôi một mình với hai con nhỏ, ở nơi “lạ nước lạ cái” nhưng được bà con Sầm Sơn coi như người nhà, giúp đỡ từ việc nhỏ đến việc lớn. Từ việc đi chợ mua thức ăn – nhiều loại rau, thực phẩm má tôi không biết gọi là gì, “ngôn ngữ bất đồng” nên nói gì người bán người mua cũng không hiểu nhau, vậy là người bán cứ bán người mua cứ mua, không nói thách cũng không trả giá... Về sau mỗi khi thấy “các bác miền Nam” đi chợ, người bán lại nhắc nhau là các bác ấy hay mua thức ăn gì, rồi tự mang đến đưa cho. Đến việc lo người miền Nam không quen với cái lạnh miền Bắc nên đồng bào mang nhiều rơm đến những gian lán trại mới xây dựng tạm đón người tập kết, kết thành các ổ rơm để có nơi nằm ấm áp... Nhiều sinh hoạt ở nông thôn miền Bắc thì cán bộ miền Nam tập kết chưa quen nên cũng gây ra một số hiểu nhầm, nhưng đồng bào luôn bỏ qua, dần dần hai bên thông hiểu nhau hơn.
Cùng chuyến đi với má tôi có nhiều cô đang mang thai, rồi sinh con trên đất Thanh Hóa. Tôi có vài người bạn là những đứa trẻ như vậy và cho đến nay họ vẫn nhận là “đồng hương” với người Thanh Hóa.
Sau hơn hai tháng ở Sầm Sơn má tôi nhận được quyết định công tác nên về Hà Nội. Từ đó cho đến ngày về quê hình như bà không có dịp trở lại Thanh Hóa, nhưng ký ức về tình cảm của bà con ở đây thì má tôi không bao giờ quên, luôn kể lại cho con cháu nghe...
Tôi thuộc thế hệ được sinh ra và lớn lên ở miền Bắc. Từ 1975 tôi theo gia đình trở về TP. Hồ Chí Minh, về quê hương ở miền Tây Nam bộ. Làm nghề nghiên cứu và giảng dạy lịch sử chuyên ngành khảo cổ học nên tôi có nhiều “duyên nợ” với Thanh Hóa – nơi mà ba má tôi lần đầu tiên đặt chân lên đất Bắc, bắt đầu của thời kỳ “ngày Bắc đêm Nam” dài đến 21 năm.
Nhờ công việc nên tôi được đến Thanh Hóa nhiều lần, làm việc với bảo tàng tỉnh, các di tích khảo cổ học như Núi Đọ, Đông Sơn và nhiều di tích lịch sử - văn hóa, một số nhà sưu tập tư nhân. Đặc biệt khu di tích Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) và khu di tích thời Chúa Nguyễn (Gia Miêu, huyện Hà Trung) là nơi mà mỗi lần trở lại tôi đều có thật nhiều cảm xúc...
Mỗi lần về quê ngoại là thành phố Cao Lãnh, có hai nơi tôi thường ghé lại. Đó là khu mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc – nơi có sự góp sức của gia đình bên ngoại tôi trong việc gìn giữ và chăm sóc suốt những năm chiến tranh. Nơi thứ hai là Di tích Quốc gia Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh.
Công trình được xây dựng bên bờ sông Tiền, ngay tại địa điểm diễn ra sự kiện Tập kết năm 1954. Tượng đài tại đây được chọn từ cuộc thi sáng tác với chủ đề “Con ra thưa với cụ Hồ, Việt Nam chung một ngọn cờ mà thôi.” Đó là hình tượng người mẹ lưu luyến tiễn con đi tập kết, đứng trên đài sen cách điệu; hai bên là hai bức phù điêu thể hiện hình dáng con tàu cách điệu ghi lại sự kiện 100 ngày tập kết tại Cao Lãnh với những hoạt động thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa quân và dân. Đây là hai khu vực được người dân Cao Lãnh và nhiều nơi khác thường đến thăm viếng, học sinh đến đây học về truyền thống lịch sử và nghĩa tình Bắc – Nam.
Trong thời kỳ chiến tranh, đất nước tạm thời chia cắt hai miền, suốt những năm sống ở Hà Nội, ở miền Bắc, gia đình tôi thấm thía sự đùm bọc chia sẻ của đồng bào miền Bắc “cho người miền Nam”. Thời kỳ này vô cùng khó khăn thiếu thốn nhưng sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, tinh thần “lá lành đùm lá rách”... trước hết là từ tình cảm đồng bào miền Bắc thương những người miền Nam phải xa quê nhà xa gia đình...
Nhân kỷ niệm 70 năm tập kết xin được kể lại vài câu chuyện của gia đình tôi trong bối cảnh chung của đất nước trong thời kỳ chiến tranh, góp phần lưu giữ và bảo tồn ký ức một sự kiện lịch sử của đất nước, thể hiện nghĩa tình của đồng bào “người cùng một nước”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ký ức lũ lụt

Hồi gia đình tôi mới tập kết ra miền Bắc, ở Hà Nội nhà tôi ở khu tập thể bờ sông phía ngoài đê. Dãy nhà cấp 4 vách tre đan trát vữa chia làm...