“THIÊN ĐƯỜNG” KHÔNG TỪ CÁI TÚI BA GANG



Nguyễn Thị Hậu

Người dân nước Anh tưởng niệm 39 người Việt chết trong xe container đông lạnh khi nhập cư lậu, cảnh sát Anh dành một phút mặc niệm những người xấu số chết xa quê hương, những hành xử ấy là lòng nhân ái trước cái chết của con người - bất kể quốc tịch và nguyên do; hành xử ấy vì - như biểu ngữ của họ chỉ ra – đừng lên án người nhập lậu mà hãy nhìn thấy căn nguyên của việc này! Tức là phải thấy nguyên nhân là từ quốc gia đã để xảy ra tình trạng nhiều người phải ra đi tìm cách nhập cư lậu vào nước khác. Chính vì quan niệm như vậy nên những người đã chết vì chính sự phạm pháp của mình vẫn được nơi mà lẽ ra phải trừng phạt họ - đối xử tử tế và thương xót. Có lẽ đó cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến nhiều người tìm đến vùng đất – nơi họ dù thế nào đi nữa - vẫn nhận được lòng trắc ẩn từ đồng loại.

Mọi người đều có quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Đúng thôi, nếu có quyền lựa chọn những khả năng ngang nhau. Còn giữa một bên là đói nghèo và bên kia “có khả năng giàu có”, chắc chắn nhiều người sẽ chọn tia sáng dù mong manh còn hơn chịu sống mòn trong đêm tối. Một vài người “tham, liều” thì còn nói là do bản thân họ, nhưng hiện tượng này phổ biến ở nhiều làng quê, công khai, đến mức coi cái chết thảm chỉ là “không may”, thì rõ ràng nó không còn là chuyện của vài gia đình mà đó là chuyện của xã hội, của quốc gia. Trách nhiệm của nhà nước chính là ở đấy!

Trách người dân tham, liều thì cứ nhìn quan chức các cấp xem có tham có liều không? Quan chức luôn tìm cơ hội đục khoét tham nhũng hối lộ để giàu có mà “đi nhờ” và trốn ra nước ngoài, cho con cái du học, đầu tư rồi làm thẻ xanh cho cả nhà. Quan chức bất chấp luật pháp coi tài sản tiền bạc tài nguyên quốc gia như “của chùa” để tha hồ “của chung ai đã vẫy vùng thành riêng”. Những người dân khi buộc phải phạm pháp thì họ đã đánh đổi nhân phẩm nhưng quan chức tham nhũng thì đã đánh mất nhân phẩm.

Tôi chẳng hy vọng nhà nước VN có hình thức nào để tưởng niệm 39 người chết xa quê hương, vì bao tai nạn thảm khốc trong nước, như hồi sập cầu Cần Thơ hàng trăm ngươi chết còn không có tưởng niêm quốc tang gì nữa là... Một lời xin lỗi với nhân dân vì đã để xảy ra những thảm cảnh có lẽ là quá xa xỉ đối với những người, những cơ quan có trách nhiệm.

Trước những cái chết còn quá trẻ, chỉ mong các bậc cha mẹ và gia đình khác, sau thảm cảnh này xin đừng vì giấc mơ giàu có nhanh chóng, đừng buộc cho con cái chữ hiếu phải trả bằng tiền bạc vật chất... mà để con cái vượt biên mạo hiểm sống chết cận kề, chưa kể bao hiểm nguy trong cuộc sống chui lủi, phạm pháp nơi đất khách. Xưa có chuyện “Ăn khế trả vàng” trong đó cây khế là một cơ hội để đổi đời. Nhưng xin đừng ảo tưởng việc đó dễ dàng mà bay ra đảo xa lấy vàng bạc. Cái chết của người anh trong chuyện cổ tích này mới là điều mà ông bà xưa muốn nhắn gửi lại, nhưng tiếc thay người đời sau chỉ thấy “túi ba gang” đầy vàng của người em mà quên rằng cũng như người anh, mấy ai bằng lòng với túi ba gang để rồi chết thảm.

Thiên đường không thể bắt đầu từ cái túi ba gang đầy may rủi mà “may mắn” chỉ là cuộc sống khốn khó nơi đất khách còn sự rủi ro là tính mạng con người và số phận cả gia đình.

“Quê hương là chùm khế ngọt”, cây khế phải được tươi tốt nhờ đất đai màu mỡ, nhờ sự vun trồng của con người. Giữ gìn và chăm lo cho mảnh đất ấy ngày càng màu mỡ, không cho lũ diều quạ đến phá hoại cây trồng trước hết là trách nhiệm của nhà nước, sau mới là của mỗi người dân có công vun xới bắt sâu... Khi những cây khế trĩu nặng những chùm quả vàng trái ngọc thì không còn ai phải liều mình theo lũ quạ diều vượt biển đến nơi xa mưu cầumột “thiên đường mong manh”.

Sài Gòn 4.11.2019




1 nhận xét:

  1. Bạn giỏi nhỉ! Tôi quên hết các cách đăng bài lên trên này rồi! Hic!

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...