NHỮNG TẤM BẢN ĐỒ


Ngày đầu tiên đi học tôi được ba tặng một món quà, đó là tấm bản đồ Việt Nam.

Hồi ấy đang chiến tranh nên không có nhiều ấn phẩm văn hóa nhưng bản đồ thường được bày bán trong các hiệu sách, tuy chỉ nhỏ như giấy A 3 bây giờ. Ba dẫn tôi đi tìm mấy nơi mới mua được tấm bản đồ lớn hơn cả người tôi (khổ giấy A 0). Ba tôi còn mua thêm một tờ bìa cũng lớn như thế, về nhà hai cha con hì hục khuấy hồ dán cả tấm bản đồ lên tờ bìa cho cứng cáp, rồi tìm hai thanh tre nẹp hai đầu, cột sợi dây và treo lên bức tường hẹp đầu giường ngủ. Dải đất chữ S màu vàng nâu nổi bật trên nền biển xanh thẳm làm sáng bừng cả căn phòng nhỏ.

Mỗi trưa mỗi chiều tôi đứng trên giường kiễng chân đánh vần từng chữ. V-I-Ệ-T N-A-M, B-I-Ể-N Đ-Ô-N-G, rồi những địa danh khác từ phía Bắc vào đến miền Trung, miền Nam, từ miền núi ra đến miền biển, từ đồng bằng đến các đảo xa… dần dần in sâu vào trí nhớ của tôi. Có lần đứng đọc lẩm nhẩm trên bản đồ, tôi chợt hỏi: Má ơi, quê mình ở đâu? Má chỉ tay vào một vùng rộng lớn xanh mát màu lá mạ, hai dòng xanh chảy vắt ngang có tên Tiền Giang, Hậu Giang và dạy tôi đánh vần C-A-O L-Ã-N-H, L-O-N-G X-U-Y-Ê-N: quê mình đấy con ạ. Sao quê mình xa thế, má? Má nhìn đăm đăm một vạch đỏ cắt đôi chữ S: vĩ tuyến 17.

Mỗi sáng khi mở mắt là nhìn thấy hình dáng chữ S vươn lên kiêu hãnh, mỗi tối màu xanh êm dịu của vùng biển mênh mông, của miền đồng bằng rộng lớn lại dỗ tôi chìm vào giấc ngủ ngon… Sau này học địa lý, học lịch sử nói đến địa danh nào tôi hình dung được ngay vị trí nơi ấy trên bản đồ, thậm chí còn vẽ phác được “bản đồ Việt Nam” chỉ bằng vài nét: phía trên là hai nét thẳng nối nhau như mái nhà, một nét cong hình chữ S, một nét chéo từ đuôi chữ S, và mấy khoanh tròn cho các đảo và quần đảo ngoài Biển Đông.

Như một sự “tiền định”, lớn lên làm nghề khảo cổ, bao giờ trong ba lô của tôi cũng có những tấm bản đồ, bản đồ địa lý tự nhiên, bản đồ hành chính, bản đồ của một tỉnh, một vùng, thậm chí có cả bản đồ quân sự thể hiện rõ ràng chính xác từng ly. Đi lại nhiều mới hiểu thế nào là “sai một ly đi một dặm” nếu như không quen xem bản đồ. Những tấm bản đồ dẫn đường chỉ lối, những tấm bản đồ cho tôi biết về những vùng đất vùng biền của đất nước mình, luôn nhắc nhở tôi sự toàn vẹn của Tổ quốc mình.

… Giá mà bây giờ trong mỗi lớp học có được một tấm bản đồ Việt Nam, để hàng ngày con em chúng ta luôn nhìn thấy và nhớ rằng “Một tấc bản đồ, vạn tấc quê hương” (*)

(*) Câu thơ sưu tầm trên mạng.

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/449001/Nhu%CC%83ng-tam-ba%CC%89n-do%CC%80.html

4 nhận xét:

  1. Bài này làm em xúc động quá chị. Em cũng có một tấm bản đồ như thế của bố em mua cho. Đến thời em của em thì không có bản đồ, tình cờ thôi nhưng do vậy mà về địa lý, phong cảnh, tập quán vùng miền nó cũng không rành. Em rất hay nhớ về cái bản đồ Việt Nam ngày xưa ấy, cảm ơn chị nhiều.

    Trả lờiXóa
  2. Đúng, đúng! Bạn nói tôi mới nhớ một tình tiết, đó là ngày trước ở phòng của Ban Giám hiệu lúc nào cũng có một tấm bản đồ. Nhiều lớp học của chúng tôi cũng được treo hoặc dán trên tường tấm bản đồ. Tôi còn nhớ, cô giáo văn khi dạy "Mũi Cà Mau mầm đất tươi non. Mấy trăm đời lấn luôn ra biển. Phù sa vạn dặm tới đây tuôn. Đứng lại và chân người bước đến" còn chỉ cho chúng tôi Mũi Cà Mau ở đâu!

    Trả lờiXóa
  3. Giống như chị, công việc của em cũng luôn luôn gắn với những tấm bản đồ, và hơn thế, nó còn gắn với ranh giới vùng trời chủ quyền chị ạ.
    Nên thấy một tấc nó thiêng liêng.

    Trả lờiXóa
  4. Tí nhà em cũng mê bản đồ, đi đến đâu cũng sưu tầm bản đồ nơi đó :-D

    Trả lờiXóa

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...