Vài ý kiến về lễ hội

(Tuổi trẻ 31/1/2012)

Lướt qua lịch tháng Giêng ta thấy lễ hội dân gian dày đặc. Ý nghĩa của Lễ chủ yếu là tưởng nhớ người có công với làng xóm, với đất nước, nhắc nhớ những phong tục tốt đẹp; phần Hội là vui chơi giải trí nhưng cũng lồng vào đó sự “truyền đạt kinh nghiệm” về làm ăn, thi sự khéo léo giỏi giang, sức khỏe, ẩm thực… Xưa kia lễ hội thường mang đặc trưng riêng của từng làng/ liên làng (hội làng), do đó nó được gìn giữ bảo tồn bởi chính cộng đồng “làng” do nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, do nhu cầu vui chơi, do cộng đồng tổ chức và thực hiện, tham gia từ Lễ đến Hội, vai trò của chính quyền “xã, huyện, tỉnh” rất mờ nhạt.

Từ khoảng mươi năm nay “nở rộ” việc phục hồi và khuếch trương cả về quy mô và ý nghĩa nhiều lễ hội xưa. Sự phục hồi và khuếch trương này làm tăng thêm số lượng lễ hội, phần nào đáp ứng “nhu cầu” của các địa phương về tăng số lượng di sản văn hóa (tương ứng là phong trào công nhận di tích Lịch sử – Văn hóa các cấp từ địa phương đến quốc gia), có thể thỏa mãn “thành tích bảo tồn Di sản văn hóa” nhưng thật sự đã làm mất đi sự độc đáo, đa dạng và nhất là làm biến dạng ý nghĩa đích thực của lễ hội khi những yếu tố thực dụng “hiện đại” xuất hiện trong cả phần Lễ và phần Hội. Lễ hội Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) và lễ Khai ấn Đền Trần là hai ví dụ điển hình.

Phải chăng, thay vì “nhà nước tạo điều kiện duy trì và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống; bài trừ các hủ tục và chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức và hoạt động lễ hội” như Điều 25 của Luật Di sản văn hóa quy định, thì hầu như lễ hội nào cũng do chính quyền xã, huyện, tỉnh tổ chức từ nghi lễ đến dịch vụ của hội. Thậm chí, dưới danh nghĩa “xã hội hóa các hoạt đồng văn hóa”, “phục vụ du lịch”… đã có xu hướng mỗi năm tổ chức hoành tráng, phô trương hơn để có thể nâng cấp lễ hội địa phương thành lễ hội quốc gia, để theo đó quy mô và kinh phí ngày càng lớn hơn, trong đó kinh phí nhà nước là không hề nhỏ.

Tư duy “thành tích” trong việc bảo tồn di sản văn hóa, mục đích tổ chức lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu danh, lợi không chính đáng và cách thức khai thác giá trị kinh tế của lễ hội… Chỉ khi nào khắc phục được những điều đó thì lễ hội mới thực sự là của cộng đồng, mới thực sự bảo tồn được những giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa.

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/475378/Cung-cong-dong-nhin-lai-le-hoi.html

BỎ LẠI…



Buổi sáng trôi qua, bỏ lại sương mai trong trẻo tan dần

Buổi chiều trôi qua, bỏ lại tia nắng dịu dàng đang tắt

Buổi tối trôi qua, bỏ lại thành phố lặng im tiếng động

Cơn mưa đi qua, bỏ lại đường ngõ thành sông thành suối

Ngọn gió đi qua, bỏ lại lá vàng lang thang

Cuộc trò chuyện đi qua, bỏ lại trong ta nỗi nhớ…

Một người đi qua, mang theo giọt sương mang theo lá vàng mang theo tia nắng

Bỏ lại nơi này không ngừng cuộn sóng một dòng sông…

Với hai con gái :)

Mùng Một Tết Nhâm Thìn 2012

CẦN GIỜ: CẢNG THỊ XƯA, ĐÔ THỊ BIỂN TƯƠNG LAI

SGTT Xuân 2012 - Cần Giờ 2.000 năm trước là một cảng thị, nơi tiếp thu và chuyển hoá nhiều yếu tố văn hoá - kỹ thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn hoá bản địa.

Cần Giờ – cảng thị cổ xưa

Một thuyền đánh cá ở Cần Giờ vào năm 1920. Ảnh: CAOM

Các nền văn hoá khảo cổ thời kỳ tiền sơ sử ở Đông Nam Á cho thấy Biển Đông không phải là yếu tố ngăn cách và cô lập các tộc người ở khu vực này, mà trái lại, đã là một “chiếc cầu” nối liền các tộc người ven biển, liên kết giữa Đông Nam Á hải đảo và Đông Nam Á lục địa, giữa Đông Nam Á với những vùng xa hơn trong Thái Bình Dương bao la. Những lớp cư dân cổ đầu tiên đến sinh sống tại Cần Giờ đã biết tận dụng ưu thế của vị trí địa lý là khu vực cửa sông – vịnh biển và con đường giao thông chủ yếu là đường sông, đường biển.

Nhìn trên bản đồ tự nhiên, vị trí địa lý của Cần Giờ khá đặc biệt, đó là vùng cửa sông – vịnh biển mang tính chất “mặt tiền” của lưu vực sông Đồng Nai rộng lớn, lại là “trạm trung chuyển” giữa hai miền lưu vực sông Vàm Cỏ – Đồng Nai hay là Tây – Đông Nam bộ.

Cách đây khoảng 2.000 năm, lưu vực Đồng Nai đã là một trung tâm quy tụ lượng tài vật khá lớn của cả phần nam bán đảo Đông Dương. Hàng chục di tích khảo cổ học phân bố dày đặc dọc đôi bờ sông Đồng Nai, trên cả các cù lao và kéo dài đến ven biển. Dựa lưng vào một hậu phương rộng lớn và trù phú như vậy, việc trao đổi thương mại giữa cửa biển Cần Giờ và lưu vực Đồng Nai diễn ra hai chiều: chủ nhân các di tích ở Cần Giờ không hoàn toàn phụ thuộc vào hậu phương mà tự thân họ đã tạo dựng nơi đây thành một trung tâm thủ công nghiệp với các nghề làm gốm, làm đồ trang sức bằng đá, vỏ nhuyễn thể, nghề làm thuỷ tinh… Sản phẩm của họ đã mang tính chất hàng hoá, thậm chí còn là những mặt hàng quý giá, được trao đổi rộng rãi với nhiều nơi ở Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

Dựa vào các loại hình di vật như đồ gốm, đồ trang sức, công cụ, có thể tìm ra mối liên hệ nguồn gốc cũng như
sự giao lưu văn hoá – kỹ thuật ở Đông Nam Á thời tiền sử. Nghiên cứu sưu tập gốm ở hang Kalanay miền Trung Philippines và các di tích văn hoá Sa Huỳnh ở miền Trung Việt Nam đã thấy những nét tương đồng về hoa văn, loại hình, kỹ thuật chế tác, v.v.

Mô hình cà ràng sản xuất cách đây gần 2.500 năm Ảnh: NTH

Đồ trang sức tìm được trong các di tích mộ chum ở Cần Giờ khá đồng nhất về loại hình và chất liệu với các di tích mộ chum khác ở Đông Nam Á hải đảo và lục địa: đó là sự phong phú các kiểu hạt chuỗi, vòng đeo, khuyên tai bằng đá quý nephrite, jade hay mã não, thuỷ tinh. Đặc biệt, là loại khuyên tai có mấu và khuyên tai hai đầu thú (đầu trâu?) mà đã có nhiều bằng chứng cho thấy được chế tạo tại Đại Lãnh, Quảng Nam và Cần Giờ.

Một số loại hình trang sức như những hạt chuỗi vàng hình đốt trúc, hình quả bí, mảnh vàng chạm hoa văn rõ ràng được trao đổi từ những vùng xa hơn như Ấn Độ. Các công cụ bằng đồng, sắt, bằng xương, vỏ loài nhuyễn thể biển… cho thấy mối liên hệ giữa các trung tâm của kỹ nghệ luyện kim như Đông Bắc Thái Lan – Đông Nam bộ – Sa Huỳnh – Đông Sơn và vươn ra nhiều khu vực Đông Nam Á hải đảo. Đó là bằng chứng của sự giao lưu tiếp nhận kỹ thuật chế tác và trao đổi nguyên liệu qua đường biển.

Mối quan hệ giao lưu rộng rãi của cảng thị Cần Giờ là một trong những yếu tố kích thích sự phát triển của lưu vực Đồng Nai thời tiền sử và là yếu tố quan trọng của văn hoá bản địa góp phần vào sự phát triển rực rỡ của
nền văn minh Óc Eo – Phù Nam đầu Công nguyên.

Một đô thị biển hiện đại với những di sản văn hoá truyền thống

Tháng 3.2011, UBND huyện Cần Giờ TP.HCM đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án khu đô thị biển tại ấp Long Thạnh (xã Long Hoà) với diện tích 600ha, trong đó diện tích lấn biển khoảng 200ha, ba mặt giáp Biển Đông.

Đô thị biển được quy hoạch thành các khu vực có chức năng hoạt động thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch gồm các căn hộ hiện đại, biệt thự, resort cao cấp với không gian yên tĩnh. Công trình có quy mô dân số hơn 31.500 người, trong đó lượng du khách lưu trú chiếm hơn 75%.

Một phần quan trọng của dự án là diện tích lấn biển khá lớn – vươn ra biển chứ không cố thủ hay lùi vào đất liền đang là xu hướng của nhiều quốc gia biển (như Hàn Quốc, Singapore). Cách làm này ở Cần Giờ có ưu điểm là hạn chế được sự phá huỷ môi trường sinh thái rừng ngập mặn – trong đó có những di tích khảo cổ học.

mô hình tháp tìm được ở Cần Giờ, sản xuất cách đây gần 2.500 năm. Ảnh: NTH

Tuy nhiên Cần Giờ là vùng biển bồi, môi trường thích hợp cho các loại thuỷ hải sản cũng như thuận tiện cho việc nuôi thuỷ sản ven bờ. Do đó khi lấn biển cần chú ý bảo vệ hệ sinh thái ven biển. Mặt khác, việc xây dựng đô thị tại vùng cửa sông vịnh biển trong điều kiện biến đổi khí hậu nhanh chóng và phức tạp như hiện nay, cần tính đến hiện tượng biển dâng sẽ làm biến đổi cảnh quan và môi trường. Bởi một khi môi trường đã bị huỷ hoại thì không thể gìn giữ giá trị của di sản văn hoá, bởi cảnh quan di tích nơi đây cho biết kinh nghiệm sống của cư dân cổ là sự thích nghi với môi trường biển và ven biển, điều đó tạo ra “không gian cộng cảm” giữa hiện tại với quá khứ. Khi phát triển đô thị biển Cần Giờ, loại hình du lịch sinh thái – văn hoá ở đây sẽ trở nên quan trọng và hấp dẫn hơn.

Điều đáng lo ngại nhất là sự phát triển không đúng quy hoạch tổng thể sẽ kéo theo nhiều nhu cầu khác, khó quản lý quá trình đô thị hoá ở Cần Giờ khi giá trị đất đai tăng lên nhiều lần. Các giồng đất chứa di tích khảo cổ có thể sẽ bị tận dụng xây dựng công trình dân dụng hay phục vụ du lịch…

Trong một chừng mực nhất định có những tác động không thuận lợi của cơ chế thị trường đến việc bảo tồn các di sản văn hoá, nếu không có giải pháp kịp thời thì hậu quả thật khó lường, bởi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến không gian lịch sử, văn hoá, cảnh quan truyền thống của một di tích lịch sử – văn hoá, thậm chí cả một quần thể di tích. Đây là một thực trạng đã diễn ra ở nhiều địa phương, và huyện Cần Giờ không là ngoại lệ.

Việc nghiên cứu khảo cổ học nói riêng và di sản văn hoá nói chung, do đó, cần được đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương để xác định chiến lược bảo tồn di sản văn hoá – điều kiện và mục đích quan trọng của phát triển bền vững.

nguyễn thị hậu

Bản đồ vệ tinh khảo cổ học huyện Cần Giờ.

http://sgtt.vn/Thoi-su/158088/Can-Gio-do-thi-bien-tuong-lai.html

"KHAI QUẬT" TRẦM TÍCH VĂN HÓA BIỂN

Tuổi Trẻ Cuối tuần
Thứ Sáu, 27/01/2012, 06:30 (GMT+7)

“Khai quật” trầm tích văn hóa biển

TTCT - Tôi cứ băn khoăn tự hỏi mãi, vì sao khi những bản tin thời tiết lại dùng từ “khẩn cấp” chỉ khi bão đổ vào đất liền và dùng từ “bão xa” khi ngay lúc ấy, cả ngàn ngư dân Việt Nam trên biển đã phải đối mặt và chịu thiệt hại về người và của?

Nơi biển cả mà từ đất liền, ta thấy là mênh mông khôn cùng, từ ngàn đời nay những ngư dân đã để lại một bề dày trầm tích văn hóa...

Thuyền bè trên sông Fai Fô (Hội An). Tranh phụ bản trong cuốn Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793) của J.Barrow

Dọc dài hơn 3.000km bờ biển từ Móng Cái đến Kiên Giang là hàng trăm ngàn kilômet vuông thềm lục địa, hàng trăm đảo, quần đảo lớn nhỏ. Vùng duyên hải Việt Nam là nơi làm ra loại gia vị độc đáo từ cá là nước mắm - gia vị chủ đạo để chế biến những thức ăn đặc biệt Việt Nam, theo một cách nấu cũng không nơi nào có: món kho!

Những cá kho, thịt kho, đậu kho, trứng kho, rau củ (trám, củ cải, măng...) cũng kho - loại thức ăn mặn mòi vị muối từ biển, có thể để dành bữa sau, ngày mai... cũng không bị thiu hỏng trong tiết nhiệt đới nóng nực. Và đấy chỉ là một trong vô vàn yếu tố văn hóa biển hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của người dân ta.

Những dấu tích nguyên vẹn

Từ thời xa xưa, những tộc người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay đã biết khai thác nguồn lợi từ biển, thông thạo buôn bán, trao đổi bằng đường biển, phát triển nghề đi biển và tiến ra khai thác các đảo và quần đảo. Các đô thị ven biển cũng hình thành tính chất đa văn hóa, pha trộn, giao lưu và cởi mở...

Ta còn có thể nhận biết nhiều dấu tích văn hóa vật thể và phi vật thể trong “trầm tích” văn hóa biển - một phần quan trọng trong di sản văn hóa Việt Nam.

Tài liệu khảo cổ học cho biết đã có những di tích người nguyên thủy sinh sống ở các miền ven biển cách đây 6.000-3.000 năm, hình thành các văn hóa khảo cổ như văn hóa Hạ Long (Quảng Ninh), Cái Bèo (Hải Phòng), Đa Bút, Hoa Lộc (Thanh Hóa), văn hóa Quỳnh Văn (Nghệ An), Thạch Lạc (Hà Tĩnh), Bàu Tró (Quảng Bình)...

Các nền văn hóa ven biển này có nhiều yếu tố gần gũi với văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn ở miền núi và thung lũng, có niên đại 12.000-8.000 năm cách ngày nay. Dấu tích thức ăn của con người để lại là lớp vỏ ốc dày hàng mét trong các hang động miền núi, vỏ sò điệp tạo thành cồn dài hàng chục mét ven biển, trong đó còn có mộ táng, công cụ đá mài, mảnh gốm, bếp và than tro lẫn xương thú, xương cá...

Động vật thủy sinh là nguồn thức ăn đạm động vật phổ biến của những lớp cư dân cổ. Những nhóm cư dân miền núi và ven biển này là những cộng đồng cư dân sinh sống bằng nghề trồng trọt sơ khai và khai thác sản phẩm tự nhiên từ rừng núi, từ sông, từ biển. Phải chăng sự thật lịch sử này đã được huyền thoại hóa thành truyền thuyết khởi nguyên của người Việt “con rồng cháu tiên”, con cháu nửa lên núi, nửa xuống biển khai phá mở mang đất - nước?

Bếp gốm dùng trên ghe xuồng (đồ tùy táng tìm được trong mộ chum ở Cần Giờ, TP.HCM). Ngày nay cư dân Đông Nam Á vẫn dùng loại bếp này

Vào khoảng nửa sau thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, hoạt động giao thông đường biển đã phát triển ở Việt Nam, tạo điều kiện cho việc đi lại, tiếp xúc, trao đổi giữa các nhóm cư dân ven biển nước ta với khu vực hải đảo Đông Nam Á. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trên mặt trống đồng Đông Sơn có khắc hình chiếc thuyền lớn với hình người cùng những nghi lễ, đầy đủ lương thực, vũ khí... chính là hình dáng của những con thuyền của tổ tiên ta vươn ra khai thác sông biển từ rất sớm.

Ở phía Nam, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và văn hóa Đồng Nai ở vùng cửa biển Cần Giờ đã để lại nhiều dấu ấn của những đoàn thương thuyền đến từ Ấn Độ, như đồ trang sức bằng ngọc, bằng thủy tinh, bằng vàng... Dấu tích thương mại Trung Hoa là những đồng tiền Ngũ Thù, gương đồng, bình gốm thời Hán tìm thấy khá nhiều ở một số di tích khảo cổ ven biển.

Quan hệ buôn bán với Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra ở vùng ven biển từ rất sớm, khoảng 1-2 thế kỷ trước Công nguyên. Đặc biệt đồ gốm trong mộ táng chum vò của văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đồng Nai rất giống đồ gốm trong các di tích mộ táng ở Philippines, mà các nhà khảo cổ cho rằng đó là bằng chứng của sự trao đổi sản phẩm và kỹ thuật sản xuất giữa cư dân vùng ven biển và hải đảo.

Hiện vật gốm thương mại của Việt Nam trên tàu đắm tại Cù Lao Chàm

Một nền văn hóa biển cởi mở

Đến đầu Công nguyên, các vương quốc cổ Phù Nam, Champa ở phía Nam hình thành và phát triển thành những vương quốc giàu mạnh nhờ khai thác thủy hải sản, lâm sản, nông nghiệp và nhất là nhờ có hệ thống cảng thị ven biển để buôn bán và làm dịch vụ cho con đường thương mại trên biển nối liền lục địa Ấn Độ đến lục địa Trung Hoa.

Ở phía Bắc, từ đầu thế kỷ thứ 10, quốc gia Đại Việt giành được nền độc lập tự chủ. Các triều đại Lý - Trần bắt đầu mở cảng Vân Đồn tiếp nhận thương thuyền nước ngoài. Đến thời Lê, Dư địa chí của Nguyễn Trãi còn nhắc đến các cửa biển Càn Hải, Hội Thống (Nghệ An), Hồi Triều (Thanh Hóa)... Từ thế kỷ 17, chính quyền Chúa Nguyễn Đàng Trong tiếp tục phát triển Đại Chiêm hải khẩu thành cảng thị Fai Fô - Hội An, xây dựng cảng Bến Nghé mở đường ra biển cho vùng Gia Định - Đồng Nai.

Từ khoảng thế kỷ 8-12, 13 và sau đó, biển Đông của Việt Nam không chỉ là nơi trung chuyển mà còn tích cực tham gia con đường thương nghiệp biển. Con đường tơ lụa, con đường gốm sứ trên biển nhộn nhịp quanh năm. Ven biển Đông Nam Á, khảo cổ học đã khai quật được nhiều tàu đắm chở hàng hóa xuất xứ từ nhiều nước.

Thương nghiệp đường biển mang đến Đông Nam Á sự du nhập tôn giáo và ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, hình thành các đô thị thương nghiệp (cửa biển, bến cảng) - những đô thị phát triển nhanh mà lụi tàn cũng nhanh một khi mất chức năng cảng thị; phát triển dịch vụ thương nghiệp, nghề đóng và sửa chữa tàu. Các đô thị ven biển cũng hình thành tính chất đa văn hóa, pha trộn, giao lưu và cởi mở.

Bình gốm tứ giác ven biển Quảng Ninh (văn hóa Phùng Nguyên 4.000-3.000 năm cách ngày nay) khắc vạch hoa văn sóng nước - Ảnh tư liệu

Tất cả những điều trên cho thấy từ thời xa xưa những tộc người sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay đã biết khai thác nguồn lợi từ biển, thông thạo buôn bán, trao đổi bằng đường biển, phát triển nghề đi biển và tiến ra khai thác các đảo và quần đảo. Đường bờ biển dài chính là một lợi thế của Việt Nam: đây là “mặt tiền” nhìn, hướng ra biển Đông, một vùng giàu tài nguyên và là đường giao thông quan trọng của khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Khai thác lòng biển, thềm lục địa không chỉ có tài nguyên thiên nhiên, mà còn có tài nguyên văn hóa chứa đựng nhiều giá trị. Đó là việc ngành khảo cổ học phát hiện và khai quật di tích tàu đắm trong vùng biển nước ta, những con tàu chở đồ gốm xuất khẩu của Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, mà nay những cổ vật gốm này có giá trị không chỉ về lịch sử - văn hóa mà còn về kinh tế.

Ta còn thấy những di sản văn hóa phi vật thể như lễ cầu ngư và nhiều lễ hội khác, những phong tục tập quán lối sống của cư dân vùng ven biển chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa Đông Nam Á ... Tất cả đều góp phần tạo nên lớp trầm tích quý giá của truyền thống văn hóa - lịch sử nước Việt Nam đa dạng và thống nhất.

Bởi vậy nói đến văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á không chỉ là “văn hóa, văn minh lúa nước” mà còn là văn hóa biển: thương nghiệp, cảng thị, giao lưu. Do những hoàn cảnh lịch sử, nhiều quốc gia Đông Nam Á phát triển nông nghiệp trồng lúa với tộc người chiếm đa số cư trú ở trung du, đồng bằng. Văn hóa nông nghiệp trồng trọt dần trở thành chủ đạo, “văn hóa biển” còn lưu lại dấu ấn trong nhiều yếu tố truyền thống.

Truyền thống văn hóa biển của khu vực Đông Nam Á cũng cần được coi là cơ sở dữ liệu để nghiên cứu vấn đề lịch sử và pháp lý liên quan biển Đông. Cái nhìn từ góc độ lịch sử có thể coi là một “sự nhắc nhớ” về việc khai thác nguồn lợi của biển Đông không chỉ trong lòng biển, dưới thềm lục địa mà còn ngay trên mặt biển. Sự có mặt của những đội thương thuyền cũng như tàu đánh bắt cá xa, gần bờ thể hiện một cách cụ thể chủ quyền của mình ở vùng biển này.

Nên không thể không “đứng trước biển” với tâm thức của người sống nhờ biển, sống vì biển như đã sống nhờ đất, vì đất.

TS NGUYỄN THỊ HẬU
(Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)

BẢN ĐỔ VIỆT NAM: ĐẤT LIỀN, BIỂN, ĐẢO


Ngay đầu đường sách Nguyễn Huệ - Mạc Thị Bưởi (Sài Gòn) có tấm bản đồ Việt Nam: Đất liền, Biển, Đảo. Mong sao trong mỗi lớp học mỗi công sở mỗi gia đình đều có một tấm bản đồ VN như thế này.

QUÊ HƯƠNG VÀ KÝ ỨC DI TRUYỀN


(1).

Nhiều người, quen biết tôi hơi lâu lâu, rất ngạc nhiên khi biết tôi là “người Nam bộ” bởi tôi vẫn nói giọng Hà Nội dù đã 36 năm sống ở Sài Gòn. Có người đã hỏi: vậy quê bạn ở đâu? Tôi hỏi lại, vui vui: Quê theo nghĩa nào? Là An Giang quê cha Đồng Tháp quê mẹ (theo kiểu ghi lý lịch hiện nay), là Hà Nội nơi mình sinh ra, sống thời thơ ấu và bị dứt ra khỏi vùng ký ức nghèo khó và êm đềm vào tuổi thiếu nữ? Hay Sài Gòn - nơi mình đã trưởng thành và có lẽ sẽ sống cho đến hết đời?

Không phải tự dưng mà tôi hỏi lại bạn như vậy, bởi vì đã nhiều lần tôi cũng tự hỏi mình: Thế nào là quê hương?

Một cách truyền thống, giữa những người Việt Nam, khi được hỏi quê bạn ở đâu, nhiều người thường nói đến quê cha, dù họ đang sống ở Hà Nội, Sài Gòn hay thậm chí, ở nước ngoài. Có thể lý giải điều này: trước kia khi mà con người ít được/ phải đi đâu ra khỏi mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên thì quê hương cụ thể là nơi ông bà cha mẹ và mình đã sống, rồi con cháu mình đang và sẽ sống ở đó. Nó vừa là khái niệm trìu tượng vừa cụ thể bởi những quan hệ huyết thống và quan hệ “cư trú” láng giềng chằng chịt với nhau, bởi hình ảnh “vật chất” quen thuộc hàng ngày vẫn nhìn thấy như cây đa bến nước con đò dòng sông, (nhân tiện, tôi nhận thấy hình ảnh quê hương trong văn thơ Việt Nam thường là làng quê đồng bằng, ít được nhắc đến vùng địa lý khác như hàng dương bãi biển cồn cát hòn đảo, hay ngọn núi, nương rẫy, cao nguyên… làm như là ký ức quê hương Việt Nam chỉ là đồng bằng và của người Kinh-Việt?!). Nếu bị buộc phải dứt ra khỏi quê hương là đã bị mang một định kiến nặng nề như “dân lưu tán”, “tha phương cầu thực”, “dân ngụ cư”… càng làm cho người ta ngại đi xa… Cứ thế, “quê hương” ngày càng buộc chặt người ta vào với nó.

Thời thế thay đổi, xã hội cũng thay đổi… Việc rời quê hương đến sinh sống ở một vùng đất khác không còn là cá biệt, thậm chí giờ đây còn khá phổ biến, không chỉ đến những vùng miền khác trong nước mà còn đi đến nhiều nước khác… Khi ấy truyền thống “quê hương” được củng cố thêm bởi các Hội Đồng hương (tất nhiên, Hội đồng hương chỉ có ở nơi xa, chứ có ai lập hội này ngay nơi quê mình đâu?). Ở một nơi khác, những người cùng quê thấy gần gũi nhau hơn không chỉ vì cùng “quê quán” mà còn vì họ có chung nhiều yếu tố thuộc về văn hóa: ngôn ngữ, ẩm thực, lối sống… họ có nhiều ký ức chung về “văn hóa vật thể” hay “phi vật thể” của quê hương: đình chùa đền miếu nhà thờ, con đê giếng làng hay các lễ hội, đặc sản vùng miền… Các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn có vô số những Hội đồng hương, không chỉ cùng Tỉnh mà còn có đến cùng huyện, thậm chí là cùng xã… Hình như ở một số nước mà có nhiều người Việt Nam sinh sống cũng có các “hội đồng hương” như vậy thì phải?

Truyền thống xem quê hương là quê cha ngày càng được củng cố bởi thủ tục hành chính về mặt “lý lịch” theo kiểu “huyết thống phụ quyền”: nguyên quán là quê cha (thậm chí đến cả quê của ông nội), dù có khi đời cha và con đã không còn sống ở đó. Đọc tiểu sử của nhiều nhân vật nổi tiếng hay thấy ghi thế này: quê cha của ông ở X. nhưng ông sinh ra và lớn lên ở Y.… Cái chữ NHƯNG này bây giờ phổ biến đến mức, nó chính là nguyên nhân làm nhiều người như tôi phải băn khoăn tự hỏi “thế nào là quê hương”? Vì nó mà bây giờ nhiều người hỏi nhau “người ở đâu” thay vì hỏi “quê ở đâu”, và câu trả lời người Hà Nội, Thái Bình, người Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, người Quảng Nam, người Đồng Nai… có khi vừa là “quê hương” nhưng có khi/ nhiều khi đấy là nơi mình đã sinh ra và sống một khoảng thời gian ngắn dài nào đó. Rồi nếu sống ở nước ngoài, khi ra nước ngoài, quốc tịch có phải là một yếu tố để nhìn nhận về quê hương không? Hay như trường hợp của chính tôi chẳng hạn: Người Hà Nội nhưng quê An Giang, và sống ở Sài Gòn. Bạn bè quen thân lâu ngày thường nói: bà/chị/cô này là đúng là người Nam bộ! Có sao đâu nhỉ?

Loanh quanh, vẫn chưa minh định được “thế nào là quê hương” ngoài cái ý nghĩa “truyền thống” thường mặc định trong nhiều người và ý nghĩa “hành chánh” mà nhiều người bị quy định. Trong bối cảnh xã hội “mở” và “xáo trộn” phức tạp như ngày nay có lẽ phải nhờ đến “ký ức” chăng?

(2).

Ký ức của riêng mình được tích lũy bởi những gì mình đã sống và trải nghiệm. Điều này phụ thuộc nhiều vào (những) thời gian không gian cụ thể, hay nói theo lý thuyết Einstein, đó là Thời – Không gian đã qua.

Với ba má tôi, quê hương cụ thể là cái làng nhỏ Mỹ Hiệp trên Cù Lao Giêng bên bờ sông Tiền, nơi mà sau này nhạc sĩ Hoàng Hiệp – cũng là một người bà con gần với nhà tôi – đã ghi lại ký ức về nó qua bài hát “Trở về dòng sông tuổi thơ”. Làng Mỹ Hiệp hiền lành với vườn trái cây, những nếp nhà sàn khuất sau hàng dừa, cánh đồng lúa chín trong mênh mông mùa nước nổi… Cù lao Giêng là cái nôi của Đạo Hòa hảo, lại là nơi có nhà thờ Công giáo được xây dựng vào loại sớm nhất ở Đông dương (hoàn thành vào năm 1889). Vào đầu năm 1945 một cô gái quê Hòa An Cao Lãnh bên kia sông Tiền đã theo chồng về làm dâu, dù chỉ ở đó vài năm thôi nhưng trong tâm thức của má tôi, quê chồng cũng là quê mình. Thậm chí, má tôi còn có nhiều ký ức về quê nội của tôi hơn là ba tôi – phải chăng vì “làm dâu xứ người” nên má tôi lưu giữ nhiều hơn những ấn tượng về quê mới? Và cũng như vậy, quê ngoại của tôi, làng Hòa An kế bên thị tứ Cao Lãnh cũng trở nên gần gũi hơn với hình ảnh cây mận xanh bên chái bếp (loại mận xanh Hòa An nổi tiếng thường được hấp với cá lóc, vị chua ngọt thanh thanh thấm vào miếng cá, nhậu quên say…), vườn thuốc lá Cao Lãnh thơm đậm đà vì được bón phân ủ bằng cá, làn khói thơm mùi lúa mới từ nhà máy xay của ông ngoại lan trên sông…

Những tháng năm sống ở Hà Nội, ký ức về quê hương thường được ba má tôi nhắc đến, bất kỳ lúc nào có gì gợi nhớ. “Ngày Bắc đêm Nam” suốt hai mươi năm không làm nguôi nỗi nhớ mà chỉ làm dầy thêm ký ức về quê hương. Tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng trong những ký ức của cha mẹ. Tôi biết về Nam bộ qua những tấm áo bà ba của má mà bà tự may và chỉ mặc kiểu áo này suốt hai mươi năm, cho đến khi về quê và đến tận bây giờ, biết về bà nội bà ngọai qua mái tóc dài bới gọn ghẽ phía sau của má; biết về quê hương Cù lao Giêng và Cao Lãnh từ ấy, biết yêu sông Tiền yêu mùa nước nổi từ ấy, biết thèm ăn mắm lóc, thèm cá rô kho tộ, thèm canh chua cá linh bông điên điển… Lớn hơn một chút, từ những cuốn sách qua những câu chuyện, hiểu biết của tôi về quê hương cụ thể hơn nhiều hơn nhưng không thể thay thế sự lung linh run rẩy mà ký ức cha mẹ truyền cho.

Một cách tự phát, mỗi khi ghi lý lịch quê quán: Mỹ Hiệp – Chợ Mới – An Giang tôi không hề có cảm giác nơi ấy là xa lạ, chỉ mơ hồ một nỗi buồn có lẽ mình sẽ chẳng được về quê… Cho đến ngày lần đầu về quê nội ngoại, bỗng thấy rưng rưng như thể trở lại nơi mình đã sống tự lúc nào. Đấy, quê hương trong tôi là những ký ức được di truyền, tôi đã có nó từ trong huyết thống, và may thay, khi tiếp cận nó bằng trải nghiệm của chính mình, quê hương càng trở nên gần gũi thân thương.

Nhưng (lại nhưng), với thế hệ các con tôi thì trong tâm thức của chúng, có lẽ Hà Nội – qua những ký ức sống động của tôi - gần gũi hơn là quê ngoại quê nội, phần vì ít được về quê mà “ký ức di truyền” đến đời F2 đã bắt đầu nhạt nhòa cảm xúc – yếu tố quan trọng để nuôi dưỡng ký ức. Và nếu các con tôi có coi Sài Gòn là quê hương chứ không phải một địa danh nào đó ghi trong chứng minh thư, thì điều đó với tôi cũng không có gì quá ghê gớm. Sài Gòn là nơi chúng sinh ra và lớn lên, tạo nên tính cách của chúng. Nhưng tôi tin rằng, chắc chắn chúng sẽ không quên mình còn có một quê hương nữa, nơi ông bà đã sinh ra và nuôi dưỡng cha mẹ để rồi có mình ngày hôm nay.

Văn hóa được di truyền qua lối sống trong gia đình, qua giáo dục, qua sự duy trì của xã hội. Ký ức của mỗi người, mỗi vùng đất là một phần của sự di truyền văn hóa… Tổng hòa tất cả những yếu tố đó tạo nên căn cước văn hóa của mỗi con người, mỗi cộng đồng người. Căn cước văn hóa nơi nào tạo nên tính cách cơ bản của con người mình, quê hương của mình ở đó. Và như vậy, trong thế giới ngày càng “phẳng” này, quê hương của mỗi người có thể không phải là xã huyện tỉnh cụ thể, mà có khi là cả một vùng miền, thậm chí, một vài vùng miền. Được chăng?

http://www.diendan.org/sang-tac/que-huong-va-ky-uc-di-truyen/

CHÚC MỪNG NĂM MỚI :)

Tác phẩm của Blogger Gốc Sậy Nguyễn Hồng Kiên: Trang trí trên nắp hộp gốm thời Lý, tìm thấy ở di tích Hòang Thành Thăng Long.

Cây mai nhà mình nở từ hôm qua, nhưng vẫn còn rất nhiều nụ, sẽ nở đều đến qua mùng 3 Tết :)

Sài Gòn 1/1992 :)

TIẾC NUỐI CUỐI NĂM...

Những ngày cuối năm công việc bề bộn không dứt. Sài Gòn chợt có những ngày mát mẻ như chớm đông miền Bắc làm lòng người thêm bâng khuâng… ai cũng có chút tiếc nuối khi một năm lại qua một năm sắp tới, dẫu thành công hay còn chưa đạt được những gì mong muốn.

Chiều đi ngang bến Bạch Đằng thấy trống trải thiêu thiếu một cái gì đó… A phải rồi, phà Thủ Thiêm đã ngừng hoạt động hơn nửa tháng nay. Còn nhớ ngày thứ bảy 31 tháng 12 năm 2011 đi làm về thấy hai con gái có gì buồn buồn. Gặng hỏi, con gái nói: tụi con ra bến Thủ Thiêm, hôm nay là chuyến phà cuối cùng mẹ ạ… Rồi chúng cho tôi xem những bức hình chụp con phà đang rời bến phía Sài Gòn, ra giữa sông rồi cặp bến phía Thủ Thiêm. Gương mặt hành khách, gương mặt những người làm việc trên phà đều lặng lẽ… Nhiều người dân Sài Gòn cũng đến bến Thủ Thiêm để chia tay với quá khứ gần trăm năm của những chuyến phà cũng như trước đây đã từng chia tay với những “con đò Thủ Thiêm” qua lại trên sông này hàng trăm năm.

Bây giờ nối đôi bờ sông Sài Gòn từ quận Nhất qua bán đảo Thủ Thiêm đã có đường hầm dưới lòng sông, mai mốt còn có thêm những chiếc cầu hiện đại bắc qua sông Sài Gòn. Từ “con đò Thủ Thiêm” đến chuyến phà Thủ Thiêm, rồi đường hầm rồi cầu… thành phố lớn lên rộng ra từng ngày. Thành phố càng hiện đại ký ức quá khứ bằng vật chất ngày càng nhạt nhòa… may chăng chỉ còn những tên gọi, địa danh gợi nhớ một thủa có những chuyến đò, chuyến phà qua sông. Những chiếc cầu mới qua sông Tiền sông Hậu như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu… ai đi qua đó mà không nhớ những bến phà nổi tiếng một thời ở miền Tây Nam bộ?

Trên sông Sài Gòn giờ đây bến phà Thủ Thiêm không còn, đường hầm thay thế cũng không mang tên hầm Thủ Thiêm như vẫn quen gọi từ khi khởi công đến ngày hoàn thành.[1] Nhắc đến hầm Thủ Thiêm thì ai ai cũng hiểu đó là công trình kết nối khu nội thành hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm, biểu tượng của tương lai thành phố. “Thủ Thiêm” không chỉ là một địa danh mà còn có ý nghĩa như thế.

“Bắp non mà nướng lửa lò

Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”

Câu ca dao quen thuộc giờ còn ai nhớ đến khi vùng Thủ Thiêm với làng quê dọc ngang kinh rạch giờ đã giải tỏa gần hết. Bên bờ phía sài Gòn mấy ai còn nhớ đến Cột cờ Thủ Ngữ ngay gần bến phà Thủ Thiêm? Mai này thành phố sẽ có cầu qua sông Nhà Bè thay cho phà Bình Khánh, sẽ còn nhiều cây cầu thay thế những chuyến phà, những bến đò qua những con sông, rạch, tắt… Đừng xóa bỏ tên những bến đò, bến phà, tên những dòng sông con rạch mà thay bằng những tên gọi ra đời từ văn bản “hành chính”. Dấu tích vật chất có thể bị phá bỏ, làm mất đi nhưng địa danh dân gian không dễ biến mất, đơn giản vì nó đã được lưu giữ và di truyền qua nhiều thế hệ cư dân thành phố, trở thành di sản văn hóa phi vật thể. Hệ thống địa danh giúp ta nhận ra lịch sử, đặc trưng văn hóa một vùng đất, thể hiện tâm thức lối sống cư dân và có khi là sự ghi nhận dấu ấn một con người của vùng đất đó… Địa danh tồn tại trong ký ức của từng người dân, góp phần làm nên lịch sử văn hóa của thành phố.

Sài Gòn giờ đã mất nhiều tên chợ, tên hẻm, tên khu vực, tên bến phà cây cầu cổ xưa… Có khi nào sau này muốn tìm hiểu về Sài Gòn xưa qua địa danh lại phải tìm đến những người Sài Gòn xa xứ…?!


[1] UBND TP HCM vừa có quyết định đặt tên cho hầm Thủ Thiêm là Đường hầm sông Sài Gòn từ ngày 12/1 theo sự nhất trí của kỳ họp lần thứ ba HĐND thành phố khóa 8 (ngày 7/12/2011).

http://viet-studies.info/NguyenThiHau_TiecNuoiCuoiNam.htm

SỨC SỐNG MỚI ở VTV3 tết 2012


Với Nhà tạo mẫu Hoàng Ngân

Với MC Bình Minh, Minh Vy

Chương trình phát vào 18g chiều 29 tết (chủ nhật 22/2/2012) trên VTV 3 :)

CỎ SẼ LÊN XANH...


Văn phòng của tôi trên lầu cao nhìn ra con đường có hai hàng cây dầu cao vút lúc nào cũng tấp nập xe cộ, trên vòm cao thi thỏang vút lên một bóng chim nhỏ nhoi… Ngày nắng gắt mà gió vẫn rạo rực. Có những buổi lu bu công việc ngồi lỳ trong phòng, đến trưa hay chiều mới bước chân ra ngòai. Ở đầu hành lang có kê một chiếc bàn với hai băng ghế dài màu trắng nổi bật trên nền lá xanh ngăn ngắt. Ngồi đây nhìn ra ngòai kia khi thì thấy bóng nắng lốm đốm trên những chiếc lá, lúc chợt nhận ra một vệt nắng vàng rực trên bãi cỏ nho nhỏ ở góc sân vườn.

Góc nhỏ này vô cùng thân thuộc với tôi. Mỗi sáng ngồi đây với ly cà phê cho sự tỉnh táo một ngày mới, mỗi chiều ngồi đây với bình trà đậm tôi có thể tạm quên đi mệt mỏi, đôi khi là sự bức bối, là tâm trạng không mấy tích cực nảy sinh trong công việc. Chỉ cần nhìn bầu trời xanh qua từng kẽ lá, ngắm những cánh hoa dầu xoay xoay trong gió như đang bay bổng điệu luân vũ, lòng bỗng bình yên nhẹ nhõm lạ thường.

Mấy bữa nay đường phố dưới kia đông hơn, xe hơi xe máy nối đuôi nhau từ sáng đến tối. Những giỏ quà nhiều màu sắc trên xe máy, trong xe hơi báo hiệu tết đang đến gần. Qua rằm tháng chạp, chị tạp vụ trong cơ quan chăm chú tỉa tót mấy chậu bông rồi lặt lá cây mai lão trong vườn… mỗi sáng se lạnh hơi gió chướng đang về…

Cuối năm họp hành liên miên. Sáng nay nhìn xuống sân vườn dường như thấy thiếu vắng gì đó…A, cỏ, vạt cỏ xanh bên hồ nước đâu rồi sao còn trơ đất? Hỏi chị tạp vụ, chị hồn nhiên kể, mấy bữa trước công nhân tới cắt cành mé nhánh hàng cây ngòai đường, sẵn nhờ họ cắt tỉa cây đa trong sân cho gọn gàng, bỏ những rễ khô cành chết để cây đa ra mầm lá mới, họ tới lui cưa kéo cành cây làm sao mà đám cỏ giập nát héo queo, em phải xới đất nhổ đi hết...

Bần thần. Người ta biết chăm sóc gìn giữ một cây lớn mà sao lại dẫm đạp lên đám cỏ nhỏ nhoi. Có ai biết cỏ cũng đau không… Chưa kịp nói gì thì chị tạp vụ xởi lởi, em tính chiều đi mua mấy vạt cỏ về trồng lại, đất em xới kỹ rồi, mùa này mát chắc cỏ sẽ lên nhanh lắm. Qua Tết chị vô làm là cỏ lại xanh thôi mà.

Ừ. Xuân đang về. Cỏ sẽ lên xanh …

("Góc nhỏ bình yên" SàiGòn tiếp thị 18/1/2012)

“CÃI LẠI SỐ PHẬN”

(Trò chuyện với Lê Ngọc Sơn)

- Theo chị, đâu là nét tính cách nổi bật của một dân tộc trường tồn được cho đến nay?

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã nhận xét: tính cách nổi bật của người Việt - tôi xin nhấn mạnh là ta đang nói về người Việt, dân tộc chiếm đa số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam - là linh hoạt, biểu tượng của tính linh hoạt này là NƯỚC. Không phải ngẫu nhiên mà trong tiếng Việt từ NƯỚC còn mang nghĩa là QUỐC GIA. Tính linh hoạt này được hình thành từ sự ứng phó với điều kiện tự nhiên nhiều thuận lợi và cũng đầy bất trắc, từ hoàn cảnh lịch sử luôn phải đối phó với những đe dọa xâm lược và đồng hóa từ bên ngoài.

- Nếu xét ở khía cạnh đấu tranh để sinh tồn, theo chị, người Việt thích ứng thế nào với bất trắc của thời cuộc (thiên tai, địch họa, kể cả sự mục ruỗng của các triều đại phong kiến…) để tồn tại?

Theo tôi, đã có nhiều thành ngữ đã cho biết về nhiều khía cạnh của “cuộc đấu tranh sinh tồn” này (tuy nhiên tôi muốn dùng từ “thích nghi/ thích ứng” hơn). Ví như: “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, “nước đến chân/ trôn mới nhảy”… Ta hay cho rằng những câu thành ngữ này mang nghĩa tiêu cực, nhưng nghĩ kỹ có lẽ đó chính là cách ứng xử của người Việt trước những bất trắc: cố gắng thích ứng, và khi không thể thích ứng/ thích nghi được nữa thì (bắt buộc phải/ sẽ) thay đổi.

- Trong xã hội phong kiến, việc “cãi lại thời vận” cũng là việc mà người dân không cam chịu sự đè đầu cưỡi cổ bởi các bạo chúa, và họ thay đổi cường quyền. Chị có ý kiến gì về vấn đề này?

Đọc trong sử cũ ta thấy đã ghi nhận nhiều cuộc “khởi loạn” của nhân dân chống lại sự áp bức của các bạo chúa, vì “con giun xéo lắm cũng phải quằn”. Cuộc đấu tranh có thể mang đến thắng lợi là lật đổ triều đại bạo chúa đó, tuy nhiên, trong xã hội phong kiến, những cuộc khởi nghĩa này không mang lại “thời vận mới” thực sự lâu dài cho người dân, mà cuối cùng cũng chỉ là “cuộc đổi đời” từ sự thống trị của dòng họ này sang dòng họ khác mà thôi.

(Mà ngay cách đặt vấn đề của các bạn là “cãi lại thời vận” đã cho thấy hàm ý rằng, cái sự cãi qua cãi lại này… thường chẳng đi đến đâu!)

- Chúng ta đã từng có những oan sai trong cải cách ruộng đất, đấu tố, cải tạo công thương… thế nhưng sau đó nhiều người bị oan sai vẫn quyết chí để vươn lên. Chị có chia sẻ gì?

Như đã nói ở trên, việc tự vượt qua khó khăn để tồn tại là một đặc điểm dân tộc nhưng cũng là tính cách của từng người Việt. Cái cần tìm hiểu là họ – những người bị hàm oan - đã vượt qua sự cùng cực bằng cách nào? Hoàn cảnh xã hội thế nào sẽ tạo ra cách thức vượt qua khó khăn của mỗi người như thế, và điều đó đã để lại nhiều dấu ấn về tâm lý, về tình cảm, về nhận thức… cho thế hệ sau.

- Trong thời điểm hiện nay, khi mà các chuyên gia kinh tế đánh giá là nền kinh tế của chúng ta khó khăn nhất trong 20 năm qua. Là một người nghiên cứư lịch sử - văn hóa, chị có lời khuyên gì cho các bạn sinh viên?

Có lẽ lời chia sẻ của tôi với các bạn là: cần có ý chí tự lập và biến ý chí ấy thành hiện thực, không nên quá trông chờ vào hoàn cảnh (gia đình, xã hội…). Xã hội thay đổi khi mỗi chúng ta thay đổi – đấy là kinh nghiệm thật sự từ lịch sử của nhiều quốc gia.


Chương trình Tết "Thành phố hôm nay" của HTV

Với MC Yến Nhi và Trung Dũng


Chương trình về văn hóa Tết. Quen miệng nói "Sài Gòn" là bị nhắc phải sửa lại là TPHCM :)

ĂN TẾT KHÔNG CHỈ LÀ... ĂN

Tạp chí MẸ YÊU BÉ phòng vấn

1. Cách đây không lâu, nhà phê bình Nguyễn Hòa có chia sẻ một khái niệm mới “sự chuyển dịch của Tết”. Dường như Tết bây giờ mọi sự đã khác đi rất nhiều. Theo chị, Tết bây giờ có gì đáng yêu? Và có gì đáng buồn?

Tôi cũng nghĩ rằng đã có nhiều thay đổi sinh họat trong dịp Tết, đang có “sự chuyển dịch” từ “truyền thống, hướng nội” sang “hiện đại, hướng ngọai”. Nếu trước đây ngày Tết mang ý nghĩa đón chào năm mới và sum họp gia đình thì giờ đây, ý nghĩa đón chào năm mới đã “dịch chuyển” đến sớm hơn, vào dịp Noel đến Tết dương lịch. Đó là vì nhịp sống đô thị và công nghiệp đã khá phổ biến ở các thành phố lớn, nơi mà có rất nhiều người nhập cư vào thành phố lao động, học tập, làm việc… Quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa giữa nước ta và thế giới cũng mang đến những sinh họat mang tính quốc tế như Tết dương lịch là dịp có nhiều sinh họat văn hóa giải trí từ lễ hội đến những chương trình trên các phương tiện truyền thông… Bài hát Happy New Year của ABBA vang lên khắp nơi từ Noel tới Tết Âm lịch… Do đó, có lẽ ý nghĩa ngày Tết giờ đây chủ yếu là lưu giữ truyền thống sum họp gia đình và mừng thọ ông bà cha mẹ.

Ngày trước lo cho ba ngày Tết phải từ cả tháng trước, chủ yếu lo Ăn Tết: mua trữ nhiều lọai thực phẩm gạo nếp bánh kẹo măng miến đậu xanh bánh tráng, rồi mua rau làm các lọai dưa muối… Từ ngày Ông Táo 23 tháng Chạp đã lo mua thịt làm thức ăn sẵn như giò chả, rồi mấy ngày Tết loay hoay nấu ăn cúng kiếng, có đi đâu cũng quanh quanh bà con, láng giềng, ít đi chơi xa…

Ăn Tết, chơi Tết bây giờ có nhiều dịch vụ, từ các lọai thực phẩm đến các tour du lịch. Nhất là ở thành phố thì hầu như không cần phải quá lo lắng đến việc ăn uống, vì chỉ cần có tiền đi siêu thị một buổi là có đầy đủ. Bây giờ lo Chơi Tết hơn, từ tháng 9 tháng 10 đã tìm tour du lịch Tết mua sớm vì sợ hết chỗ. Sài Gòn, Hà Nội ngày Tết vắng hoe, dân tình về quê, đi du lịch trong ngòai nước… thành phố yên tĩnh lạ lùng…

Câu ca dao “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” thì đã mất cây nêu tràng pháo, còn câu đối thì gần đây được phục hồi lại với nhiều ông đồ trẻ viết thư pháp chữ Việt nhiều hơn chữ Nho… Hương vị ngày Tết có lẽ không ngon như xưa, khi mà chỉ đến Tết mới được ăn bánh chưng giò chả bánh mứt, còn bây giờ thịt mỡ dưa hành bánh chưng thì ngày thường muốn ăn lúc nào cũng có. Hoa đào hoa mai thì nhiều hoa giả nở quanh năm… đẹp mà vô hồn.

Tất cả những điều đó vẫn làm cho Tết đáng yêu vì cái vẻ “truyền thống mà hiện đại” của nó, mà cũng có một chút ngậm ngùi, dường như cái bận rộn của sự lo lắng, cái tình nghĩa của sự thiếu thốn, cái ấm áp của sự sum họp… đang mất đi đã mang theo ký ức của nhiều thế hệ…

2. Cái Tết với người Việt mình là kỳ sum họp gia đình, là lúc để ông bà nói chuyện đạo lý với cháu con, là lúc con cái báo hiếu cha mẹ. Hơn hết cả là một dịp để gia đình gắn bó hơn. Nhưng xem ra, khái niệm này đã ít nhiều phôi phai, nhất là ở thành thị. Chị có nghĩ vậy?

Không chỉ dịp Tết mà ở thành phố ý nghĩa này trong những ngày giỗ cũng bị phôi phai ít nhiều. Thật ra nhịp sống công nghiệp ảnh hưởng khá nhiều đến lối sống đô thị. Tuy nhiên, theo tôi phần lớn những gia đình Việt Nam vẫn còn giữ được tập tục này ở những mức độ khác nhau, bởi vì không phải gia đình nào cũng có ông bà cha mẹ ở cùng, không phải lúc nào cũng có điều kiện về thăm ông bà vào dịp Tết, nhất là tàu xe dịp Tết khó khăn như hiện nay…Bù lại bây giờ có điện thọai, có internet, không chỉ trong nước mà ở nước ngòai cũng có thể thăm hỏi ông bà cha mẹ bất cứ lúc nào. Vì vậy, cũng có nhiều điều kiện để thể hiện sự hiếu đễ với cha mẹ ông bà. Qua đó tình cảm gia đình cũng gắn bó hơn.

3. Một nhà nghiên cứu nói, những phong tục, thói quen được coi là truyền thống đẹp của người Việt mỗi dịp Tết dường như chỉ còn trong báo Tết và tờ… Heritage thôi, chứ đời thường chúng ta đón Tết vội vàng, cái gì cũng ồn ã. Quan niệm của chị về vấn đề này?

Nhiều phong tục tập quán xưa nay chỉ còn trong ký ức thế hệ trước, và cũng may là có báo chí, sách vở ghi lại, lưu truyền cho đời sau. Không thể bắt cuộc sống hiện nay giữ nguyên tất cả phong tục cũ vì có những điều không phù hợp, không thuận tiện cho cuộc sống hiện đại. Bảo tồn truyền thống không phải là luôn luôn giữ nguyên mọi truyền thống. Cái gì không phù hợp thì tự cuộc sống sẽ thay thế, và “truyền thống” cũ sẽ còn lại ở sách vở, báo chí, phim ảnh… Phương tiện kỹ thuật tạo điều kiện cho ta “vật thể hóa” di sản văn hóa phi vật thể để bảo tồn truyền thống cho thế hệ sau biết về quá khứ.

4. Gia đình chị thường chuẩn bị và đón Tết như thế nào?

Cả nhà tôi đều đi làm nên thường từ ngày Hai mươi ba Ông Táo mới bắt đầu mua sắm, chủ yếu là đặt mua trước một số đặc sản hay thực phẩm ngon để biếu ông bà và vài người thân. Nhiều năm rồi nhà tôi không gói bánh tét bánh ít, má tôi thích tự gói bánh nấu bánh vì thói quen, vì muốn cho các cháu gái tập làm, nhưng con cháu đi làm sát Tết mới nghỉ nên không ai làm phụ bà và không muốn ảnh hưởng sức khỏe của bà. Bù lại gia đình hay nấu các món truyền thống, vừa để cúng theo đúng phong tục ông bà, vừa để tập cho con cái biết và làm. Và đi chợ Tết thì bao giờ cũng đi cùng con gái, như khi xưa tôi đi cùng má tôi vậy. Hình ảnh mẹ và con gái đi chợ có lẽ là ký ức đẹp của nhiều phụ nữ ở bất cứ thời đại nào…

5. Chắc chắn chị là người theo dõi sự chuyển biến của nhịp sống mỗi khi Tết đến. Chị thấy Tết Sài Gòn xưa và Tết Sài Gòn bây giờ có giống nhau không?

Tết Sài Gòn xưa và nay giống nhau là… cái nắng nóng có khi gay gắt, khác cái Tết giá lạnh của Hà Nội. Xưa nay người Sài Gòn đều thích chơi Tết, đi ra ngòai ăn tiệm, có bạn bè thường rủ nhau ra hàng quán, ít khi bày vẽ nấu nướng ở nhà. Và cũng hay mua thực phẩm làm sẵn: việc đặt giò chả, bánh chưng bánh tét ở Sài Gòn phổ biến từ rất lâu rồi, có lẽ do lối sống đô thị các dịch vụ phát triển sớm. Người Sài Gòn trọng lễ nghĩa nhưng không quá câu nệ chuyện phải đi thăm viếng họ hàng vào dịp Tết, họ có thể đến thăm vào trước hay sau Tết miễn là thuận tiện cho cả hai bên.

Còn nay, Sài Gòn ngày càng có nhiều người từ nơi khác đến làm ăn, vì vậy Sài Gòn ngày càng nhiều quán ăn, đặc sản của các vùng miền. Ngày Tết ở Sài Gòn bạn có thể thưởng thức nhiều món ăn khác nhau chứ không chỉ có những món truyền thống. Rất nhiều người nhập cư về quê ăn Tết nên thường khỏang mùng Hai mùng Ba họ lại lên Sài Gòn chuẩn bị đi làm, lúc đó bạn bè mới gặp nhau… kéo ra quán nhậu. Tết cũng là dịp Sài Gòn còn đón nhiều người Việt sống ở nước ngòai về ăn Tết cùng gia đình. Ngày Tết ở Sài Gòn các khu vui chơi giải trí, rạp phim rạp hát, hàng quán bán như ngày thường, nhiều quán bán ngay từ sáng Mùng Một, “ăn theo” là dịch vụ giữ xe và những hàng rong khác… Tất nhiên, giá cả cũng là giá Tết! Tết còn là dịp “kiếm thêm” của nhiều người, một khía cạnh nào đó có thể coi là sự “phân phối lại thu nhập” (một cách tự phát) trong dịp Tết của những tầng lớp khác nhau trong xã hội.

6. Con gái chị cũng đã trưởng thành, hẳn là những quan niệm và phong cách sống của hai thế hệ sẽ khác nhau. Có khi nào có sự “xung đột” trong việc chuẩn bị đón Tết giữa hai mẹ con?

May mắn là trong gia đình tôi không có sự xung đột đó, có lẽ do hòan cảnh công việc bận rộn nên trong nhà cũng gia giảm ít nhiều những tục lệ cũ, đồng thời những việc như đi chợ Tết, bữa cơm cúng Ông Táo, cúng trưa Ba Mươi đón ông bà ở nhà mình và về nhà ngọai vào chiều Ba Mươi (nhà nội thì ở xa, vài năm mới có thể về ăn Tết), cúng Giao thừa, Mùng Một, Mùng Ba đưa ông bà… thì vẫn giữ, không quá bày vẽ thức ăn cầu kỳ nhưng nếu không còn những tục lệ này có lẽ không còn là Tết Việt Nam nữa. Nói chung ngày Tết cả nhà cùng lo bếp núc rất vui.

7. Bây giờ có rất nhiều gia đình trẻ thích đi du lịch mỗi khi Tết đến, một phong cách nghỉ lễ điển hình được du nhập từ phương Tây. Chị có nghĩ, đó là hệ quả tất yêu của đời sống công nghiệp, quá bận rộn mưu sinh và phải biến ngày lễ Tết ông bà thành ngày riêng tư ngơi nghỉ?

Giới trẻ có thu nhập trung bình khá trở lên bây giờ mưu sinh cũng khó khăn vì không chỉ là kiếm tiền mà còn là làm việc sao cho xứng với đồng tiền được nhận. Vì vậy nếu dịp Tết mà có điều kiện đi du lịch nghỉ ngơi, mở mang kiến thức thì theo tôi cũng không nên khắt khe bắt phải ở nhà. Tuy nhiên, Tết nào cũng đi xa nhà thì lại không hay, cũng như các gia đình trẻ chỉ thích ăn tiệm mà để bếp nhà lạnh tanh thì… dễ ‘có chuyện” lắm, vì văn hóa Việt Nam mình, bữa ăn không chỉ là ăn, mà còn là sinh họat gia đình, duy trì văn hóa gia đình. Ngày Tết lại càng nên như vậy.

8. Theo chị, giới trẻ nên đón nhận Tết hôm nay như thế nào là vừa đủ (trong mắt nhìn của những người trung niên như thế hệ chị)?

“Vừa đủ” là khi cái gì cũng… vừa đủ: mua sắm thực phẩm, quần áo, đồ dùng, phân bố thời gian cho việc nghỉ ngơi, thăm viếng cha mẹ, đi chơi, giải trí… Tùy vào hòan cảnh điều kiện của từng người mà nhu cầu “vừa đủ” cũng khác nhau. Cần có và rèn luyện “kỹ năng” sử dụng thời gian và tiền bạc thì mới biết thế nào là “vừa đủ”. Mặt khác, các bạn trẻ nên biết dung hòa nhu cầu của mình và nhu cầu của cha mẹ - nhất là khi sống chung - để tránh xung khắc, mất vui trong mấy ngày Tết.

Sài Gòn 8/12/2011

Người thực hiện: DƯƠNG BÌNH NGUYÊN

NHỮNG CUỐN SÁCH CỦA TÔI

Tác giả và tác phẩm yêu thích của mình. Mới mua lại.


Mới mua ở nhà sách hà Nội, giảm 20% :)







Cả ngày dọn dẹp kệ sách, gọn gàng hơn mà không trống thêm chỗ nào... Còn 1 tủ và 2 kệ lớn chưa dọn được, lại còn bao nhiêu sách để trên cơ quan...
Mà nhà ko có chỗ nào kê thêm được tủ kệ nữa, thật là nan giải, haizzz.... ;))

Kinh nghiệm đi nhà sách của tui: vô khu giảm giá trước, tìm sách cần trước, sách mới thì xem mục lục trước và xem lướt phần nào thấy có vẻ cần cho mình... Thấy có ích thì nên mua dù biết là chưa cần ngay. Và quan trọng là... đừng mang nhiều tiền, sẽ lập tức hết sạch :)))

Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)

  TS Nguyễn Thị Hậu Tuần qua , tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc l...