Nói đến thể loại truyện rất ngắn trong tiếng Anh có rất nhiều tên gọi, trước tiên là Minute Long Story, nghĩa là truyện 1 phút, Postcard Fiction: truyện bưu thiếp, Skinny Fiction: truyện gầy, hay Pocket-Size Story: truyện bỏ túi hoặc Palm Size Story: truyện có kích thước bằng lòng bàn tay…Còn tiếng Việt có hai cách gọi, hoặc truyện thật ngắn hoặc truyện cực ngắn.
Riêng văn chương Trung Hoa thì gọi là "cực đoản thiên", rất sát với cách gọi của Việt Nam là truyện cực ngắn.
Dù tây hay tàu gì thì cũng dùng để chỉ độ dài của loại truyện này là phải thật ngắn, ngắn đến chỗ không thể ngắn được nữa. Càng ngắn càng cô đọng thì càng hay.
Có người thắc mắc, vậy có tiêu chí nào dành để đếm số chữ trong một truyện loại này để xem anh nào ngắn đúng bài bản hay không? Xin thưa không ai đưa ra định mức cho cách đo đếm này. Nhà phê bình văn học chưa có những thích thú đúng mức để viết những bài dài phân tích cặn kẽ thể loại này hầu đưa ra một chuẩn mực nào đó dùng để đánh giá mức độ thành công của một tác phẩm thật ngắn hay cực ngắn.
Người cổ động và gây nhiều chú ý về thể loại truyện thật ngắn trong cộng đồng văn chương Việt Nam có lẽ là Võ Phiến. Tác phẩm “Truyện Thật Ngắn” gồm 12 truyện của ông xuất bản năm 1991 cho thấy khả năng gợi cảm của những câu chuyện được cô đọng lại có sức hấp dẫn như thế nào qua văn phong đặc biệt của Võ Phiến.
Theo nghiên cứu văn học Tạ Quốc Tuấn thì “truyện thật ngắn là một câu chuyện nho nhỏ, hoặc một khía cạnh, một tình cảm, một ảo tưởng, một đoạn đối thọai của một người đều có thể làm thành đề tài của truyện cực ngắn...Truyện cực ngắn dồi dào triết lý tính. Một truyện cực ngắn có khái quát lực đối với sinh hoạt hiện thực và xuyên thấu lực đối với bản chất sinh hoạt là đã thông qua sự thực hiện lập ý”.
Còn Võ Phiến thì cho rằng “do hoàn cảnh mới,tâm lý mới. Cách đọc ngày nay khác với cách đọc ngày xưa. Cách thưởng ngoạn ngày nay khác cách thưởng ngoạn ngày xưa. Cách khác thì hậu quả cũng khác. Quan điểm khác. Thẩm mỹ cũng khác”.
Những nhận xét mà Võ Phiến đưa ra có cái lý của nó, nhất là đối với những cư dân thời a vòng, thời mà con người không đủ kiên nhẫn để thưởng thức những câu chuyện lê thê dù lời văn có gọt dũa kỹ lưỡng đến đâu cũng không hấp dẫn được người đọc hôm nay.
Ngắn, cô đọng, xúc tích là đặc điểm mà thế loại này đòi hỏi.
Mùa lá rụng
Một truyện thật ngắn của Nguyễn Bá Hòa post trên mạng có lẽ phần nào thỏa mãn được đòi hỏi này, tuy chưa thể nói là hay nhưng câu chuyện làm người đọc bâng khuâng, suy nghĩ:
Mùa lá rụng
Chị là công nhân quét rác của thành phố. Thành phố đẹp với con phố dài che mát bởi hai hàng cây thẳng tắp. Nhưng khổ nỗi cứ chiều về lá rụng đầy con phố, chị quét đến khuya, quét phía trước, lá rụng phía sau… Mồ hôi nhễ nhại.
Chồng chị có chút ít chữ nhưng lại xin không được việc làm. Anh ở nhà đọc sách làm thơ, bài nào kha khá thì gửi báo họa may có ít đồng nhuận bút.
Tối nay xong công việc chị vội vã về nhà. Đèn còn sáng, chắc có chuyện gì, bởi lẽ giờ này anh ấy đã ngủ say. Chị vừa bước vào nhà anh đã hồ hởi khoe:
- Mới làm bài thơ mới, em đọc đi!
Mệt mỏi nhưng nể chồng, chị cầm tờ giấy lên xem. Mới đọc tiêu đề bài thơ “Mùa lá rụng” chị bỗng rùng mình, một cơn lạnh chạy từ sống lưng lên đỉnh đầu. Chị ngất đi trong vòng tay của anh.
Với tổng số 174 chữ tính luôn cả tựa, truyện của Nguyễn Bá Hòa có thể nói đã đạt được yêu cầu về độ ngắn nhưng người đọc vẫn chưa thỏa mãn được điều gì đó mang một chút yếu tính văn chương. Có thể là cách chọn chữ, chọn câu chăng?
Anh tôi
Trong một truyện thật ngắn khác của Vũ Viết Hưng người đọc cảm thấy xúc cảm trước một câu chuyện đổ vỡ đã được báo trước.
Anh tôi
Anh gần 40 tuổi mà chưa có vợ, chị nhỏ hơn anh gần một giáp lại xinh đẹp. Ngày anh đưa chị về nhà, ai cũng mừng cho anh chỉ riêng mẹ bảo: "Con phải tính cho kỹ, mẹ thấy không yên tâm". Anh cười nói: "Mẹ đừng lo".
Thôi nôi con anh được một tháng thì mẹ mất, trước khi đi mẹ chỉ dặn anh: "Giữ cháu lại cho bà". Anh cầm tay mẹ bảo: "Mẹ yên tâm".
Anh chị ly dị, con anh theo mẹ, anh đứng trước bàn thờ mẹ khóc chỉ nói được câu: "Con xin lỗi".
Truyện này thậm chí ngắn hơn cả truyện của Nguyễn Bá Hòa, chỉ vỏn vẹn 103 chữ!
Thế nhưng truyện thật ngắn của Vũ Viết Hưng cũng chưa thể xem là một tác phẩm hoàn chỉnh, dù nó hoàn toàn thỏa mãn những đòi hỏi của kỹ thuật viết.
Ở một truyện khác của Trương Hoa người đọc hụt hẫng với hình ảnh một bà mẹ một mình ngồi dưới bếp ăn món ăn quê mùa trong ngày sinh nhật của mình:
Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học.
Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: "Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?"
Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: "Sao má chẳng ăn gì?" Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến…
Câu chuyện làm người đọc suy nghĩ. Hình ảnh tiếp theo hình ảnh, từ cận cảnh của đám đông trong bữa tiệc đến khi ống kính của tác giả quay chậm cảnh bà mẹ một mình dưới bếp là động tác so sánh làm người đọc cảm nhận đây chính là một câu chuyện hoàn chỉnh. Ngắn và cô đọng. Cả ba truyện thật ngắn mà chúng ta vừa nghe do những tác giả không chuyên trong nghề văn sáng tác. Các tác phẩm này dù sao đã đạt được tiêu chuẩn ngắn cần thiết. Tuy nhiên có cần thiết phải cực ngắn mới lột được cái thần của nhân vật hay cái lõi của câu chuyện hay không?
Đối với TS Nguyễn Thị Hậu, một người không nhận mình là nhà văn mặc dù bà đã có rất nhiều sách được xuất bản thì truyện cực ngắn là một thể loại bà viết thành công nhất. Bà cho biết thói quen của mình khi sáng tác thể loại này:
“Thật ra những ý tưởng dùng làm chất liệu để viết những chuyện rất ngắn như thế nó đến trong cuộc sống bình thường thôi. Có khi chỉ là một câu nói nghe được ở đâu đấy, có khi là một câu chuyện mà mình trao đổi với bạn bè nảy ra những câu chuyện nho nhỏ…tất cả những cái đấy là chất liệu, nó ở trong đầu và đến lúc nào đấy thì tự nhiên nảy ra cái ý định viết một truyện ngắn nhưng hoàn chỉnh.
Có thể dưới góc độ nào đấy thì nó có tình tiết, đóng mở giống như cấu trúc một câu chuyện nhưng nó được hoàn chỉnh dưới dạng một cảm xúc, tình cảm. Có khi một câu nói đẩy tình cảm người ta đến một cảm giác buồn vui hay phẫn nộ…
Những chuyện tôi viết không hẳn là một truyện ngắn hoàn chỉnh. Có lẽ do thói quen nghề nghiệp nghiên cứu khoa học cho nên khi viết thì từ ngữ cố gắng cho chính xác…nói cố gắng không đúng lắm nhưng khi mình viết thì chọn từ diễn tả đúng ý định mình muốn nói trong đầu. Cho nên đôi khi viết ngắn như thế nhưng phải viết đi viết lại.”
Gãy Chân
Đi nhậu về, chồng bị tai nạn xe máy gãy chân, phải nằm một chỗ. Chân bó bột cứng đờ, nặng chịch. Mọi việc đều có vợ ở bên giúp đỡ.
Khuya. Bỗng chồng lăn lộn rồi ngã nhào từ trên giường xuống đất, cái chân lành bị chân bó bột đập mạnh làm sưng vù, tím bầm. Vợ choàng dậy, hỏi: anh sao thế, sao lại ngã thế? Vẫn chưa hết hốt hoảng, chồng trả lời: nằm mơ, thấy đang ngồi trên đường rầy, xe lửa hú còi đến gần rồi mà không sao chạy được! Lại hỏi: làm gì mà ngồi trên đường rầy? – Ngồi nhậu với bạn, tụi nó thấy xe lửa tới đứa nào đứa nấy bỏ chạy mất tiêu!
Bước Hụt
Chúng ta vừa nghe truyện thật ngắn có tựa “Gãy Chân” của Nguyễn Thị Hậu. Một truyện thật ngắn khác mang tên “Bước Hụt” sau đây có thể làm người nghe mường tượng được khả năng thẩm thấu sự việc một cách nhanh chóng và sâu sắc của tác giả tới mức nào:
Anh chị sống với nhau đã lâu. Vui có mà buồn cũng không ít. Cuộc sống cứ nhàn nhạt, bằng lặng trôi qua. Vất vả qua đi, các con lớn dần… Một ngôi nhà khang trang, đồ đạc mỗi ngày một mới hơn, đầy đủ hơn. Anh cũng vắng nhà nhiều hơn.
Một lần lên lầu bước vào phòng ngủ, chị thấy anh đang ngồi đếm tiền, những cọc tiền 100 ngàn còn mới. Nhìn thấy chị, bất giác anh xoay người khom lưng che gói tiền…
Đi nhanh ra khỏi phòng và bước xuống, chị chợt nghĩ, sao bậc cầu thang nhà mình dạo này cao thế không biết…
Chỉ với 87 chữ, Nguyễn Thị Hậu dẫn người đọc bước liêu xiêu theo bước chân hụt của bà, “hụt” là từ đắt nhất mà bà dùng ở đây. Nó chứa đựng gần như mọi thứ thất vọng trên đời kể cả thất vọng về tình cảm và niềm tin. “Hụt”, ngắn và gọn nhưng hiệu quả biết chừng nào.
Xe đạp ơi
Ở một truyện khác ngắn chưa đầy trăm chữ mang tên “Xe đạp ơi”, Nguyễn Thị Hậu mang cái cay đắng nhưng cũng trần trụi cuộc đời ra để chia sẻ. Xe đạp ơi có cái tình tứ của tuổi trẻ, cái mỏi mệt của trung niên và cái về chiều của từng chiếc lá…ba giai đoạn cuộc đời gói gọn trong 102 chữ nào phải dễ dàng đối với một người sáng tác, và trên hết, “Xe đạp ơi” trần trụi một sự thật mà nhiều người khó thể chịu đựng.
Ngày yêu nhau anh thường chở chị đi chơi, đi làm bằng xe đạp. Mỗi lần lên dốc cây cầu dài, chị nép vào lưng anh, thầm thì: Mệt không anh?
Anh gò lưng đạp xe nhưng vẫn ngoái lại nhìn chị, vừa thở vừa ráng mỉm cười: có gì đâu em.
Lấy nhau rồi, cũng con dốc ấy cũng câu hỏi âu yếm “anh mệt không?”, không ngóai đầu lại, anh lầm bầm “Người chứ có phải trâu đâu mà không mệt!”.
Ngồi sau bất giác chị co rúm người, chỉ mong biến thành chiếc lá, bay đi.
Chúng tôi xin dẫn lời của nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc để kết thúc câu chuyện văn học hôm nay.
"... Cái hay của truyện cực ngắn không nằm ở chỗ nó tả mà nằm ở chỗ nó gợi ra. Một truyện cực ngắn hay là truyện có sức ngân và vang thật xa và thật lâu....Đọc xong, người ta cứ bị ám ảnh mãi. Qua sự ám ảnh ấy, câu chuyện tiếp tục tỏa sáng và phát nghĩa....Cũng giống như trong THƠ, ở truyện cực ngắn,tác giả chỉ phát ra một số gợi ý để người đọc,chính người đọc mới là kẻ hoàn tất tác phẩm
http://www.rfa.org/vietnamese/programs/LiteratureAndArts/Minute-long-story-mlam-12112010141609.htmlVIẾT TRUYỆN CỰC NGẮN MÀ SAO MÌNH LẠI NÓI VỀ NÓ DÀI THẾ KHÔNG BIẾT :))