LƯU GIỮ KÝ ỨC NHỮNG NGÀY ĐẦU TẬP KẾT


Nguyễn Thị Hậu
Từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 7 năm 1955 là thời kỳ chuyển quân tập kết theo qui định của Hiệp định Genève về Việt Nam. Trong khoảng 300 ngày đó, có một sự kiện nổi bật diễn ra trong phạm vi cả nước là cuộc di dân, chuyển quân tập kết diễn ra sôi động. Đã có khoảng 150.000 người chuyển cư từ vùng phía Nam ra miền Bắc, bao gồm cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, cán bộ chính quyền, Đảng các cấp và một số nhân sĩ trong mặt trận… từng chiến đấu, công tác trong các chiến trường phía Nam, được lệnh rút quân ra Bắc. Họ ra đi từ các vùng chiến khu và vùng giải phóng.
Trong hiệp định Genève đã quy định thời hạn tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam vào tháng 7.1956 nên toàn thể nhân dân miền Nam tập kết ra Bắc đều tin rằng sau hai năm ra Bắc tập kết sẽ trở về, trước khi lên tàu các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân miền Nam vẫy tay tạm biệt người thân, bạn bè, chiến hữu nhau bằng cách giơ hai ngón tay lên hàm ý hai năm sẽ gặp lại; nhưng không ngờ cuộc chuyển cư đó kéo dài đến 20 năm sau.
Ba má tôi tham gia kháng chiến ở miền Tây Nam bộ. Từ Chắc Băng - Cà Mau, cuối năm 1954 ba tôi đi chuyến tàu đầu tiên tập kết cùng khối văn nghệ - lúc ấy ba tôi phụ trách Đoàn ca kịch Cửu Long Giang ở miền Tây Nam bộ. Trong đoàn lúc đó có các cô chú sau này là những văn nghệ sĩ nổi tiếng như Quốc Hương, Hoàng Việt, Phan Nhân, Phan Vũ, Xuân Mai, Hoàng Mãnh, Kim Nhụy, Phi Điểu, Hoàng Hiệp, Đắc Nhẫn... và rất nhiều các cô chú là những nghệ sĩ sau này thành danh trên đất Bắc.
Má tôi ra đến Sầm Sơn vào tháng 2.1955 trên chuyến tàu tập kết cuối cùng cũng từ Chắc Băng, Cà Mau. Khi ấy má tôi là nhân viên Sở Y tế Nam bộ dưới quyền bác tôi là Giám đốc Sở: Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng – sau này là Bộ trưởng Bộ Y tế nước VNDCCH.
Có thể nói gia đình tôi là một trong số ít các gia đình may mắn vì được đi tập kết cả hai vợ chồng. Đi theo má tôi trong chuyến tàu cuối cùng đó còn có anh Hai, chị Ba của tôi lúc đó mới 9 tuổi và 4 tuổi. Còn tôi thì được sinh ra ở Hà Nội và được cùng gia đình trở về quê vào tháng 5.1975. Câu chuyện về chuyến tàu tập kết và những ngày đầu tiên ra Bắc sống với đồng bào Thanh Hóa, ba má tôi hay kể lại trong những năm tháng xa quê dài đằng đẵng. Mỗi khi nhắc lại kỷ niệm này dường như ba má tôi cảm thấy ngày về quê gần gũi hơn một chút...
Trong hồi ký ba tôi có vài đoạn viết về những ngày mới tập kết ở Thanh Hóa:
Cho đến một ngày, cuối năm 1954, giữa một rừng cờ đỏ vàng sao, gia đình và đồng bào tiễn đội ngũ chúng tôi lên đường tập kết… Lần đầu tiên có chuyến đi xa, nhưng không một ai thiết nhìn phong cảnh. Chúng tôi vừa để lại phía sau những gì thân thương nhất, vừa lo âu không hiểu rồi đây tương lai của mảnh đất quê hương yêu mến rồi sẽ ra sao, vừa băn khoăn cố gắng hình dung những nhiệm vụ nặng nề sắp đến, tự hỏi mình có gánh vác nổi hay không?
Tàu Xta-vơ-rô-pôn cập bến Sầm Sơn vào một buổi sáng mùa đông, gió lạnh chạy dài trên biển. Đồng bào đông đảo nồng nhiệt đón tiếp chúng tôi. Trống ếch rập rùng, nhưng lòng chúng tôi đau quặn vì thấy bà con ăn bữa cháo bữa rau, nhưng vẫn dành cho những đứa con miền Nam cơm đầy thịt đủ.
Kế tiếp là những năm dài “ngày Bắc đêm Nam”, là những chuyến lưu diễn liên miên: Rừng núi Việt Bắc, đồng ruộng khu Ba, khu mỏ Quảng Ninh, giới tuyến Hiền Lương… Tới đâu chúng tôi cũng ráng đem lời ca tiếng hát góp phần cho than, lúa thêm nhiều, đem chút ít tình cảm ấm áp cho anh em đồng hương, ráng làm hết sức mình vì miền Nam ruột thịt.
Trong năm 1955 (300 ngày chuyển quân) ba tôi cùng đoàn văn công nhiều lần quay lại Liên khu 5 để biểu diễn phục vụ đồng bào trước khi giới tuyến đóng cửa. Những chuyến đi cũng trên những con tàu đưa người tập kết ra, nhưng lần này từ Sầm Sơn, Thanh Hóa vào Nam. Mỗi lần như vậy “cảnh tiếp đón đồng bào chiến sĩ miền Nam tập kết cách đây mấy tháng lại diễn ra”.
Má tôi quê ở Cao Lãnh – một trong ba nơi xuất phát các chuyến tập kết. Tuy nhiên má tôi lại đi tập kết tại Cà Mau. Tháng 2.1955 ra đến Thanh Hóa vào những ngày lạnh lẽo, do lần đầu tiên đi biển nên vừa bước lên tàu là bà bị say sóng suốt hành trình, khi tàu cập bờ ở Sầm Sơn thì đến một tuần sau bà vẫn chưa hết bệnh. Hai anh chị tôi còn nhỏ nhưng không sao, trên tàu thì chơi với các cô chú, vào bờ thì được bà con chăm sóc “vì mẹ các cháu đang ốm”.
Má tôi còn nhớ hoài những chia sẻ ấm áp nghĩa tình của đồng bào Sầm Sơn trong những ngày lưu trú tại đây. Lúc ấy, má tôi một mình với hai con nhỏ, ở nơi “lạ nước lạ cái” nhưng được bà con Sầm Sơn coi như người nhà, giúp đỡ từ việc nhỏ đến việc lớn. Từ việc đi chợ mua thức ăn – nhiều loại rau, thực phẩm má tôi không biết gọi là gì, “ngôn ngữ bất đồng” nên nói gì người bán người mua cũng không hiểu nhau, vậy là người bán cứ bán người mua cứ mua, không nói thách cũng không trả giá... Về sau mỗi khi thấy “các bác miền Nam” đi chợ, người bán lại nhắc nhau là các bác ấy hay mua thức ăn gì, rồi tự mang đến đưa cho. Đến việc lo người miền Nam không quen với cái lạnh miền Bắc nên đồng bào mang nhiều rơm đến những gian lán trại mới xây dựng tạm đón người tập kết, kết thành các ổ rơm để có nơi nằm ấm áp... Nhiều sinh hoạt ở nông thôn miền Bắc thì cán bộ miền Nam tập kết chưa quen nên cũng gây ra một số hiểu nhầm, nhưng đồng bào luôn bỏ qua, dần dần hai bên thông hiểu nhau hơn.
Cùng chuyến đi với má tôi có nhiều cô đang mang thai, rồi sinh con trên đất Thanh Hóa. Tôi có vài người bạn là những đứa trẻ như vậy và cho đến nay họ vẫn nhận là “đồng hương” với người Thanh Hóa.
Sau hơn hai tháng ở Sầm Sơn má tôi nhận được quyết định công tác nên về Hà Nội. Từ đó cho đến ngày về quê hình như bà không có dịp trở lại Thanh Hóa, nhưng ký ức về tình cảm của bà con ở đây thì má tôi không bao giờ quên, luôn kể lại cho con cháu nghe...
Tôi thuộc thế hệ được sinh ra và lớn lên ở miền Bắc. Từ 1975 tôi theo gia đình trở về TP. Hồ Chí Minh, về quê hương ở miền Tây Nam bộ. Làm nghề nghiên cứu và giảng dạy lịch sử chuyên ngành khảo cổ học nên tôi có nhiều “duyên nợ” với Thanh Hóa – nơi mà ba má tôi lần đầu tiên đặt chân lên đất Bắc, bắt đầu của thời kỳ “ngày Bắc đêm Nam” dài đến 21 năm.
Nhờ công việc nên tôi được đến Thanh Hóa nhiều lần, làm việc với bảo tàng tỉnh, các di tích khảo cổ học như Núi Đọ, Đông Sơn và nhiều di tích lịch sử - văn hóa, một số nhà sưu tập tư nhân. Đặc biệt khu di tích Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) và khu di tích thời Chúa Nguyễn (Gia Miêu, huyện Hà Trung) là nơi mà mỗi lần trở lại tôi đều có thật nhiều cảm xúc...
Mỗi lần về quê ngoại là thành phố Cao Lãnh, có hai nơi tôi thường ghé lại. Đó là khu mộ cụ Nguyễn Sinh Sắc – nơi có sự góp sức của gia đình bên ngoại tôi trong việc gìn giữ và chăm sóc suốt những năm chiến tranh. Nơi thứ hai là Di tích Quốc gia Địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh.
Công trình được xây dựng bên bờ sông Tiền, ngay tại địa điểm diễn ra sự kiện Tập kết năm 1954. Tượng đài tại đây được chọn từ cuộc thi sáng tác với chủ đề “Con ra thưa với cụ Hồ, Việt Nam chung một ngọn cờ mà thôi.” Đó là hình tượng người mẹ lưu luyến tiễn con đi tập kết, đứng trên đài sen cách điệu; hai bên là hai bức phù điêu thể hiện hình dáng con tàu cách điệu ghi lại sự kiện 100 ngày tập kết tại Cao Lãnh với những hoạt động thể hiện tình đoàn kết gắn bó giữa quân và dân. Đây là hai khu vực được người dân Cao Lãnh và nhiều nơi khác thường đến thăm viếng, học sinh đến đây học về truyền thống lịch sử và nghĩa tình Bắc – Nam.
Trong thời kỳ chiến tranh, đất nước tạm thời chia cắt hai miền, suốt những năm sống ở Hà Nội, ở miền Bắc, gia đình tôi thấm thía sự đùm bọc chia sẻ của đồng bào miền Bắc “cho người miền Nam”. Thời kỳ này vô cùng khó khăn thiếu thốn nhưng sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, tinh thần “lá lành đùm lá rách”... trước hết là từ tình cảm đồng bào miền Bắc thương những người miền Nam phải xa quê nhà xa gia đình...
Nhân kỷ niệm 70 năm tập kết xin được kể lại vài câu chuyện của gia đình tôi trong bối cảnh chung của đất nước trong thời kỳ chiến tranh, góp phần lưu giữ và bảo tồn ký ức một sự kiện lịch sử của đất nước, thể hiện nghĩa tình của đồng bào “người cùng một nước”.

VỀ PHƯƠNG NAM LẮNG NGHE…

 Thời mở đất

Cuốn gia phả gia đình tôi mở đầu bằng câu “con chim có tổ, con người có tông…”. Theo tinh thần ấy, hồi những năm 1930, từ một làng nhỏ trên Cù lao Giêng (Chợ Mới – An Giang), ông nội tôi đã đi nhiều nơi tìm bà con dòng họ và lần về cội nguồn quê quán. Gia phả được ông ghi chép đến ông sơ đời thứ nhứt là “ Quảng Ngãi hay Bình Định, mà gốc gác chắc cũng từ vùng Thanh Nghệ, tránh giặc mùa mà lưu lạc vô nơi này…”. Theo cuốn gia phả này thì đời ông nội tôi là thứ 5 và đến tôi là đời thứ 7.

Gia phả nhiều gia đình, dòng họ ở Nam bộ cũng ghi nhận quê hương là miền Trung từ nhiều đời trước… Lịch sử ghi nhận những đợt chuyển cư từ vùng Ngũ Quảng vào đất Đồng Nai - Gia Định diễn ra không ồ ạt nhưng tương đối đều đặn và liên tục. Những đoàn lưu dân tự phát gồm người cùng quê hương bản quán, cùng dòng họ, theo quy luật “người đi trước rước người đi sau”, đến những đợt di dân quy mô lớn do triều Nguyễn tổ chức, “những người dân có vật lực ở xứ Quảng Nam, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn mộ vào Nam khai phá” như Lê Quý Đôn ghi chép trong Phủ biên tạp lục... Nương theo bờ biển bằng những chiếc ghe bầu lưu dân vào miền đất mới theo hai con đường chính: từ cửa Cần Giờ ngược dòng Đồng Nai vào vùng Gia Định. Từ đó có thể đi theo sông rạch về miền Tây mà nơi dừng chân đầu tiên là khu vực Long An ngày nay.

Một con đường khác là đi vào các cửa sông Tiền thuộc vùng Mỹ Tho, Bến Tre rồi dừng chân trên những giồng, gò còn hoang sơ nhưng rộng rãi bằng phẳng, gian nan khai khẩn trồng trọt, đánh bắt cá tôm... bắt đầu cuộc sống trên “vùng đất mới”. Vài đời sau vì kế sinh nhai, vì chiến tranh hay những lý do khác, con cháu họ di chuyển và phân tán đi nhiều nơi, khai phá vùng đồng bằng rộng lớn.

Chính vì vậy mà ở Nam bộ có rất nhiều di tích phản ánh thời “mở đất”: đình làng, đền, miếu, lăng mộ... thờ cúng bái vọng những nhân vật lịch sử, mà phần lớn gốc gác đều từ vùng Ngũ Quảng.

Lưu danh sử sách

An Giang quê tôi là nơi có nhiều di tích của những công thần nhà Nguyễn quê ở miền Trung, nổi bật là hai danh thần Nguyễn Hữu Cảnh và Nguyễn Văn Thoại.

Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người có công lớn trong việc khai hoang, lập làng, xác định chủ quyền, bình định an dân… trên vùng đất Gia Định xưa nên cư dân Nam Bộ lập nhiều đình, miếu, kính cẩn tôn thờ ông là “Thượng đẳng phúc thần”. Tại An Giang, dọc bờ sông Tiền ngày trước, nơi mà thuyền ông từng đi ngang hoặc ghé qua, cư dân xây dựng nhiều đình, dinh để ghi nhớ công trạng của ông. Ở huyện Chợ Mới, nơi ông từng dừng chân năm 1700 được gọi là cù lao Ông Chưởng. Con rạch nối sông Tiền với sông Hậu được gọi là rạch Ông Chưởng (sông Ông Chưởng). Tại những nơi ông đến, người dân lập dinh, đình thờ để tưởng nhớ công ơn. Ở cù lao Ông Chưởng có 2 dinh quan trọng: Dinh Ông Long Kiến và Dinh Ông Kiến An. Tai đây lễ kỳ yên hàng năm được xem là ngày lễ lớn trong năm.

Cù lao Ông Chưởng từ lâu đã gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của huyện Chợ Mới. Đây là một trong những vùng đất được khai phá đầu tiên trong tỉnh An Giang, mở ra cơ hội cho lưu dân người Việt khai phá, định cư, lập làng, tiến tới xác lập chủ quyền trên thực tế ở vùng đất này.

Cuộc đời binh nghiệp của Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại) trải qua chiến trận gian khổ giai đoạn “Gia Long tẩu quốc”… Sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, ông nhậm chức trấn thủ trấn Vĩnh Thanh (1817).Tại đây, ông đã thực hiện việc khẩn hoang lập ấp, đào kinh đắp đường, phát triển và bảo vệ vùng đất mới.

Năm 1818 ông vâng lệnh vua cho đào Kênh Thoại Hà nối rạch Đông Xuyên (Long Xuyên) với ngọn Giá Khê (Rạch Giá). Vua Gia Long đã cho phép lấy tên ông để đặt cho tên núi (Thoại Sơn) và tên kênh (Thoại Hà).

Năm 1819 Thoại Ngọc Hầu khởi công đào kênh Vĩnh Tế, sau 5 năm con kênh quan trọng này hoàn thành vào năm 1824. Con kênh nối liền Châu Đốc – Hà Tiên có ý nghĩa quan trọng trong giao thông vận tải và an ninh quốc phòng. Đặc biệt có tác động lớn đến phát triển nông nghiệp vì kênh đưa nước ngọt sông Hậu vào rửa phèn ở vùng đất mặn, tạo điều kiện cho dân chúng đến khai hoang lập ấp, xây dựng xóm làng. Từ đây lại có thêm nhiều gia đình dòng họ từ miền Trung tiếp tục truyền thống mở đất đến định cư ở “vùng đất mới”.

Năm 1823, ông cho lập 5 làng trên bờ kênh Vĩnh Tế. Năm 1825, ông cho đắp con đường từ Châu Đốc lên Lò Gò (tức thị trấn Angkor Borei thuộc Campuchia ngày nay) – Sóc Vinh nối các làng với nhau rất tiện lợi trong việc đi lại của nhân dân. Năm 1826 ông cho đắp lộ Núi Sam–Châu Đốc, dài 5 km. Làm xong, ông cho khắc bia "Châu Đốc Tân Lộ Kiều Lương" dựng tại núi Sam để kỷ niệm. Năm 1828 ông dựng bia Vĩnh Tế sơn, nội dung tế cô hồn những dân binh, đồng thời ông cho thu nhặt và cải táng hài cốt của những người đã mất trong khi đào kênh Vĩnh Tế...

Hiện nay khu mộ ông Thoại Ngọc Hầu và hai người vợ của ông tại chân núi Sam là Di tích lịch sử văn hoá Quốc gia. Nơi đây còn là một vùng văn hoá tâm linh quan trọng của cả Nam bộ, ghi dấu ấn giai đoạn xây dựng và củng cố vùng đất biên cương Tây Nam của tổ quốc.

Văn hóa lưu truyền từ Ngũ Quảng

Nhìn lại lịch sử khẩn hoang mở đất của ông cha ta, việc di dân trên vùng đất mới đã trải qua nhiều vô vàn khó khăn thách thức. Thời Chúa Nguyễn di dân tự do thường xuyên, “dân đi trước chính quyền đi sau”. Qua triều Nguyễn các đợt di dân ngày càng lớn hơn, được nhà nước tổ chức và khuyến khích nên có hiệu quả rõ ràng và nhanh chóng. Trong nửa đầu thế kỷ 19, nhà Nguyễn đã tổ chức bộ máy hành chính đáp ứng kịp thời việc mở rộng lãnh thổ, tổ chức quân đội bảo toàn những thành quả đạt đươc, ổn định cuộc sống của dân ở những vùng đất mới… Trong quá trình này có vai trò quan trọng của lưu dân Ngũ Quảng, cùng với người Hoa và các cư dân bản địa, trong việc thực thi công cuộc khai khẩnphát triển vùng đất mới.

Đi vào miền Nam với công cụ, vũ khí và kinh nghiệm lao động, lưu dân còn mang theo nền văn hóa phong phú. Đờn ca tài tử Nam bộ là một trong những thành tựu có được nhờ kế thừa và phát triển vốn văn hoá lưu truyền từ Ngũ Quảng. Kế thừa từ nhạc lễ, hát bội và một số sinh hoạt âm nhạc khác, đờn ca tài tử mang tính ngẫu hứng sáng tạo, lời ca và nhạc điệu phản ánh nhu cầu của con người ở một không gian văn hóa xã hội mới. Người Nam Bộ luôn coi đờn ca tài tử là một phần quan trọng của đời sống tinh thần, không thể thiếu trong các dịp lễ tết, giỗ chạp, cưới hỏi, hội họp...

Về phương Nam nghe đờn ca tài tử ta được đắm mình trong sự hoài niệm về cội nguồn lắng đọng trong từng bài bản, từng điệu hò giọng ca giản dị chân thành... Và dù đã trải qua hàng trăm năm với những biến thiên lịch sử, vẫn còn đó những đền miếu thờ công thần danh tướng có công mở mang đồng bằng sông Cửu Long, những ngôi đình thờ các vị “tiên hiền hậu hiền” góp sức xây dựng từng làng xóm.

Từ hơn 300 năm trước đến nay bao lớp người từ miền Trung đã ra đi. Đi một ngày đàng... Những “sàng khôn” của thế hệ trước luôn được thế hệ sau tiếp nhận, tích lũy, bồi đắp... góp phần xây dựng đất phương Nam và nhiều vùng miền khác. 

Nguyễn Thị Hậu

https://baoquangnam.vn/ve-phuong-nam-lang-nghe-3139072.html



Di tích Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm dưới chân núi Sam, tỉnh An Giang. Ảnh: Ban Quản lý KDL Quốc gia Núi Sam.



Ký ức lũ lụt

Hồi gia đình tôi mới tập kết ra miền Bắc, ở Hà Nội nhà tôi ở khu tập thể bờ sông phía ngoài đê. Dãy nhà cấp 4 vách tre đan trát vữa chia làm...