DI SẢN CỦA CỘNG ĐỒNG


Vì đặc thù nghề nghiệp tôi có dịp đi đến một số “thành phố di sản” ở châu Âu. Tãi đây cảnh quan đô thị và những công trình kiến trúc thời trung cổ còn được bảo tồn rất tốt, trở thành “sản phẩm văn hóa” chủ yếu, cùng với dịch vụ du lịch tạo nên ngành kinh tế chính của những thành phố này. Đồng thời hệ thống bảo tàng theo nhiều chủ đề cũng tạo nên sự khác biệt, trong đó Bảo tàng lịch sử của các thành phố luôn giữ vai trò chính yếu.

Tại các bảo tàng này việc trưng bày cổ vật, bảo vật quốc gia tại các bảo tàng trên thế giới là khá phổ biến. Ngoài di sản văn hóa của mình, các bảo tàng nổi tiếng còn lưu giữ và trưng bày những di sản của các nền văn hóa khác, do những hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã được nước khác lưu giữ. Ví dụ bức tranh Mona Lisa của Leona Leonardo da Vinci vẽ trong thời kì Phục Hưng ở nước Ý. Tác phẩm thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp và hiện được trưng bày tại bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp. Mỗi ngày có  hàng ngàn lượt du khách xếp hàng chiêm ngưỡng bức tranh nổi tiếng này. Tại bảo tàng quốc gia Anh có nhiều cổ vật của nền văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà, và nhiều nền văn hóa của các thời kỳ lịch sử... Việc trưng bày một cách trân trọng và khách quan, khoa học trong giới thiệu nguồn gốc, ý nghĩa đã làm tăng thêm giá trị của các di sản, phần nào góp phần làm tăng cường sự hiểu biết giữa các cộng đồng.

Nhiều năm trước ở nhiều bảo tàng địa phương ở nước ta, hiện vật quý hiếm chưa được trưng bày vì cơ sở vật chất của bảo tàng còn đơn sơ, điều kiện bảo vệ chưa an toàn, phương tiện trưng bày không đáp ứng yêu cầu mỹ thuật và nội dung của hiện vật. Vì vậy, hiện vật có giá trị cao thường đến với công chúng qua trưng bày bằng hình ảnh, bản vẽ, nhất là những hiện vật bằng vàng và đá quý. Tuy nhiên, nhiều hiện vật trong số đó đã được đưa đi nước ngoài triển lãm, trưng bày, với số tiền bảo hiểm lớn và điều kiện đóng gói vận chuyển bảo quản rất tốt. Tại các bảo tàng nước ngoài, hiện vật được trưng bày với điều kiện vật chất, kỹ thuật rất tốt, mang lại cho công chúng một cảm nhận toàn diện về giá trị lịch sử văn hoá của hiện vật.

Những người làm công tác bảo tàng như chúng tôi đều thấy băn khoăn trước thực trạng này: Vì sao dân ta chưa được chiêm ngưỡng những cổ vật quý giá của Việt Nam? Làm sao cho người dân trong nước được thụ hưởng đầy đủ giá trị văn hoá là di sản cho ông để lại? Từ những trăn trở đó, dưới sự chỉ đạo của ngành văn hoá và sự hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền địa phương, đến nay tại nhiều bảo tàng trong nước các cổ vật, bảo vật quốc gia đã lần lượt được đưa ra trưng bày giới thiệu trực tiếp cho công chúng trong nước và du khách.

Những năm gần đây, việc khai thác và sử dụng di sản văn hoá cũng có tình trạng tương tự. Trong các quy hoạch kinh tế - xã hội địa phương, quy hoạch ngành văn hoá, ngành du lịch, di sản văn hoá (vật thể, phi vật thể) được quan tâm đầu tiên là “tài nguyên du lịch”, định hướng bảo tồn và phát triển nhằm phục vụ du lịch… Điều này không sai, tuy nhiên chưa đúng với bản chất của di sản và thực chất của bảo tồn di sản.

 Luật Di sản văn hoá Việt Nam ghi rõ: Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Chính vì vậy, di sản văn hoá cần phải và trước hết là bản sắc của một cộng đồng, cần được bảo tồn và phát triển phục vụ đời sống, nhu cầu nâng cao tri thức, thụ hưởng văn hoá, giáo dục… của cộng đồng đã sáng tạo, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá.

Hiện nay, việc tích hợp kinh tế di sản và kinh tế du lịch vào kinh tế chung của địa phương là tất yếu. Tuy nhiên đây là hai ngành kinh tế đặc thù, nếu nhấn mạnh yếu tố “kinh tế” và mục tiêu là “lợi nhuận” là chính thì yếu tố văn hoá sẽ biến dạng, lệnh lạc… Mà lẽ ra, yếu tố bảo tồn bản sắc văn hoá, bản sắc cộng đồng địa phương cần phải là mục tiêu chính. Một trong những giải pháp để cân bằng “kinh tế và văn hoá” trong phát triển du lịch chính là tăng cường vai trò của cộng đồng chủ thể của di sản và cộng đồng du khách nội địa. 

Di sản phản ánh diện mạo văn hoá cộng đồng, lịch sử một vùng đất, vì vậy cộng đồng địa phương là người thấu hiểu về di sản, họ bảo tồn di sản trước hết vì đó là lịch sử gia đình, dòng họ, là lối sống nếp sống của chính họ. Họ - bằng nhiều cách khác nhau - chuyển tải thông điệp về di sản đến cho du khách một cách chân thực, sinh động và đầy cảm xúc. Và chắc chắn du khách trong nước cũng là đối tượng tiếp nhận những thông điệp và cảm xúc ấy trọn vẹn, bởi sự đồng cảm của “người trong một nước”.

Cần nhìn nhận những hình thức du lịch mới như du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá… đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho cộng đồng địa phương: có điều kiện giới thiệu di sản văn hoá độc đáo, kinh tế phát triển, từ đó lại có điều kiện bảo tồn cả hai loại hình vật thể và phi vật thể của di sản. “Sống cùng di sản, vì di sản, nhờ di sản” nên lòng tự hào về di sản văn hoá sẽ được “di truyền” đến nhiều thế hệ sau, đó cũng là cách thức bảo tồn di sản bền vững. Khu di tích Hoa Lư của tỉnh Ninh Bình có thể được coi là một thành công của phương thức này. Sự phát triển các làng du lịch cộng đồng ở Hòa Bình, Sapa ở phía Bắc hay Tiền Giang, Trà Vinh ở phía Nam cũng có những thành công đáng kể ở góc độ cộng đồng là chủ thể khai thác và truyền bá về di sản văn hóa, biến phương thức này thành sinh kế theo hướng bền vững.

Nhiều nước quanh ta đã có kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch hướng đến thị trường nội địa, như Trung quốc. Có thể nhận thấy các khu du lịch và các bảo tàng, điểm di sản văn hóa ở Trung quốc rất đông khách nội địa. Du khách được tổ chức và hướng dẫn trật tự, nội dung lịch sử - văn hóa được truyền đạt đầy đủ. Đồng thời, nếu là điểm du lịch cộng đồng thì ưu tiên hướng dẫn viên là người của cộng đồng, khuyến khích du khách trao đổi thông tin với người địa phương...

Đối với du khách trong nước, việc có thêm sự hiểu biết về văn hoá các cộng đồng khác, các vùng miền trong nước… giúp nâng cao sự thông hiểu, tôn trọng đa dạng văn hoá, tăng cường đoàn kết. Sự hiểu biết văn hoá Việt Nam sẽ tạo nên lòng tự hào chính đáng, cũng như nhìn lại những hạn chế của chính mình để có thể hoàn thiện hơn. Mặt khác, mỗi người dân sẽ là một “kênh thông tin” về văn hoá Việt Nam khi có dịp ra nước ngoài, tránh sự mặc cảm hay tự tôn quá đáng khi tiếp cận với các di sản thế giới và nền văn hoá khác.

Để phát triển du lịch bền vững thì ngành du lịch cần chú ý đến chủ thể của văn hoá Việt Nam là khách nội địa – khách hàng tiềm năng lâu dài. Sự đáp ứng nhu cầu hiện tại đồng thời với việc nâng cao và tạo ra nhu cầu đa dạng của du khách hướng đến các giá trị tri thức, tinh thần... Sự hiểu biết đúng đắn và sâu sắc về di sản văn hoá của chính người Việt Nam là phương thức quan trọng nhất để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong thế giới toàn cầu.

 Nguyễn Thị Hậu. TC Du lịch TPHCM số 6+7/2024




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LƯU GIỮ KÝ ỨC NHỮNG NGÀY ĐẦU TẬP KẾT

Nguyễn Thị Hậu Từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 7 năm 1955 là thời kỳ chuyển quân tập kết theo qui định của Hiệp định Genève về Việt Nam. Trong...