DI SẢN CỦA CỘNG ĐỒNG


Vì đặc thù nghề nghiệp tôi có dịp đi đến một số “thành phố di sản” ở châu Âu. Tãi đây cảnh quan đô thị và những công trình kiến trúc thời trung cổ còn được bảo tồn rất tốt, trở thành “sản phẩm văn hóa” chủ yếu, cùng với dịch vụ du lịch tạo nên ngành kinh tế chính của những thành phố này. Đồng thời hệ thống bảo tàng theo nhiều chủ đề cũng tạo nên sự khác biệt, trong đó Bảo tàng lịch sử của các thành phố luôn giữ vai trò chính yếu.

Tại các bảo tàng này việc trưng bày cổ vật, bảo vật quốc gia tại các bảo tàng trên thế giới là khá phổ biến. Ngoài di sản văn hóa của mình, các bảo tàng nổi tiếng còn lưu giữ và trưng bày những di sản của các nền văn hóa khác, do những hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã được nước khác lưu giữ. Ví dụ bức tranh Mona Lisa của Leona Leonardo da Vinci vẽ trong thời kì Phục Hưng ở nước Ý. Tác phẩm thuộc sở hữu của Chính phủ Pháp và hiện được trưng bày tại bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp. Mỗi ngày có  hàng ngàn lượt du khách xếp hàng chiêm ngưỡng bức tranh nổi tiếng này. Tại bảo tàng quốc gia Anh có nhiều cổ vật của nền văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà, và nhiều nền văn hóa của các thời kỳ lịch sử... Việc trưng bày một cách trân trọng và khách quan, khoa học trong giới thiệu nguồn gốc, ý nghĩa đã làm tăng thêm giá trị của các di sản, phần nào góp phần làm tăng cường sự hiểu biết giữa các cộng đồng.

Nhiều năm trước ở nhiều bảo tàng địa phương ở nước ta, hiện vật quý hiếm chưa được trưng bày vì cơ sở vật chất của bảo tàng còn đơn sơ, điều kiện bảo vệ chưa an toàn, phương tiện trưng bày không đáp ứng yêu cầu mỹ thuật và nội dung của hiện vật. Vì vậy, hiện vật có giá trị cao thường đến với công chúng qua trưng bày bằng hình ảnh, bản vẽ, nhất là những hiện vật bằng vàng và đá quý. Tuy nhiên, nhiều hiện vật trong số đó đã được đưa đi nước ngoài triển lãm, trưng bày, với số tiền bảo hiểm lớn và điều kiện đóng gói vận chuyển bảo quản rất tốt. Tại các bảo tàng nước ngoài, hiện vật được trưng bày với điều kiện vật chất, kỹ thuật rất tốt, mang lại cho công chúng một cảm nhận toàn diện về giá trị lịch sử văn hoá của hiện vật.

Những người làm công tác bảo tàng như chúng tôi đều thấy băn khoăn trước thực trạng này: Vì sao dân ta chưa được chiêm ngưỡng những cổ vật quý giá của Việt Nam? Làm sao cho người dân trong nước được thụ hưởng đầy đủ giá trị văn hoá là di sản cho ông để lại? Từ những trăn trở đó, dưới sự chỉ đạo của ngành văn hoá và sự hỗ trợ tạo điều kiện của chính quyền địa phương, đến nay tại nhiều bảo tàng trong nước các cổ vật, bảo vật quốc gia đã lần lượt được đưa ra trưng bày giới thiệu trực tiếp cho công chúng trong nước và du khách.

Những năm gần đây, việc khai thác và sử dụng di sản văn hoá cũng có tình trạng tương tự. Trong các quy hoạch kinh tế - xã hội địa phương, quy hoạch ngành văn hoá, ngành du lịch, di sản văn hoá (vật thể, phi vật thể) được quan tâm đầu tiên là “tài nguyên du lịch”, định hướng bảo tồn và phát triển nhằm phục vụ du lịch… Điều này không sai, tuy nhiên chưa đúng với bản chất của di sản và thực chất của bảo tồn di sản.

 Luật Di sản văn hoá Việt Nam ghi rõ: Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Chính vì vậy, di sản văn hoá cần phải và trước hết là bản sắc của một cộng đồng, cần được bảo tồn và phát triển phục vụ đời sống, nhu cầu nâng cao tri thức, thụ hưởng văn hoá, giáo dục… của cộng đồng đã sáng tạo, bảo tồn và phát triển di sản văn hoá.

Hiện nay, việc tích hợp kinh tế di sản và kinh tế du lịch vào kinh tế chung của địa phương là tất yếu. Tuy nhiên đây là hai ngành kinh tế đặc thù, nếu nhấn mạnh yếu tố “kinh tế” và mục tiêu là “lợi nhuận” là chính thì yếu tố văn hoá sẽ biến dạng, lệnh lạc… Mà lẽ ra, yếu tố bảo tồn bản sắc văn hoá, bản sắc cộng đồng địa phương cần phải là mục tiêu chính. Một trong những giải pháp để cân bằng “kinh tế và văn hoá” trong phát triển du lịch chính là tăng cường vai trò của cộng đồng chủ thể của di sản và cộng đồng du khách nội địa. 

Di sản phản ánh diện mạo văn hoá cộng đồng, lịch sử một vùng đất, vì vậy cộng đồng địa phương là người thấu hiểu về di sản, họ bảo tồn di sản trước hết vì đó là lịch sử gia đình, dòng họ, là lối sống nếp sống của chính họ. Họ - bằng nhiều cách khác nhau - chuyển tải thông điệp về di sản đến cho du khách một cách chân thực, sinh động và đầy cảm xúc. Và chắc chắn du khách trong nước cũng là đối tượng tiếp nhận những thông điệp và cảm xúc ấy trọn vẹn, bởi sự đồng cảm của “người trong một nước”.

Cần nhìn nhận những hình thức du lịch mới như du lịch cộng đồng, du lịch văn hoá… đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho cộng đồng địa phương: có điều kiện giới thiệu di sản văn hoá độc đáo, kinh tế phát triển, từ đó lại có điều kiện bảo tồn cả hai loại hình vật thể và phi vật thể của di sản. “Sống cùng di sản, vì di sản, nhờ di sản” nên lòng tự hào về di sản văn hoá sẽ được “di truyền” đến nhiều thế hệ sau, đó cũng là cách thức bảo tồn di sản bền vững. Khu di tích Hoa Lư của tỉnh Ninh Bình có thể được coi là một thành công của phương thức này. Sự phát triển các làng du lịch cộng đồng ở Hòa Bình, Sapa ở phía Bắc hay Tiền Giang, Trà Vinh ở phía Nam cũng có những thành công đáng kể ở góc độ cộng đồng là chủ thể khai thác và truyền bá về di sản văn hóa, biến phương thức này thành sinh kế theo hướng bền vững.

Nhiều nước quanh ta đã có kinh nghiệm trong việc phát triển du lịch hướng đến thị trường nội địa, như Trung quốc. Có thể nhận thấy các khu du lịch và các bảo tàng, điểm di sản văn hóa ở Trung quốc rất đông khách nội địa. Du khách được tổ chức và hướng dẫn trật tự, nội dung lịch sử - văn hóa được truyền đạt đầy đủ. Đồng thời, nếu là điểm du lịch cộng đồng thì ưu tiên hướng dẫn viên là người của cộng đồng, khuyến khích du khách trao đổi thông tin với người địa phương...

Đối với du khách trong nước, việc có thêm sự hiểu biết về văn hoá các cộng đồng khác, các vùng miền trong nước… giúp nâng cao sự thông hiểu, tôn trọng đa dạng văn hoá, tăng cường đoàn kết. Sự hiểu biết văn hoá Việt Nam sẽ tạo nên lòng tự hào chính đáng, cũng như nhìn lại những hạn chế của chính mình để có thể hoàn thiện hơn. Mặt khác, mỗi người dân sẽ là một “kênh thông tin” về văn hoá Việt Nam khi có dịp ra nước ngoài, tránh sự mặc cảm hay tự tôn quá đáng khi tiếp cận với các di sản thế giới và nền văn hoá khác.

Để phát triển du lịch bền vững thì ngành du lịch cần chú ý đến chủ thể của văn hoá Việt Nam là khách nội địa – khách hàng tiềm năng lâu dài. Sự đáp ứng nhu cầu hiện tại đồng thời với việc nâng cao và tạo ra nhu cầu đa dạng của du khách hướng đến các giá trị tri thức, tinh thần... Sự hiểu biết đúng đắn và sâu sắc về di sản văn hoá của chính người Việt Nam là phương thức quan trọng nhất để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc trong thế giới toàn cầu.

 Nguyễn Thị Hậu. TC Du lịch TPHCM số 6+7/2024




 

ĐỊA DANH LÀ VĂN HÓA, LỊCH SỬ VÀ KHOA HỌC

 Nguyễn Thị Hậu

1.

Hiện nay các tỉnh, thành đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Trên thực tế việc sáp nhập hoặc chia tách huyện, xã hiện nay đang làm dư luận lo lắng, có trường hợp gặp sự phản ứng với việc đặt tên đơn vị hành chính mới, do mỗi nơi có một cách làm khác nhau: hoặc ghép các địa danh cũ tạo ra địa danh mới... vô nghĩa; hoặc sử dụng một địa danh cũ chung cho địa giới hành chính mới làm biến mất các địa danh khác mang tính lịch sử, gây bức xúc cho cộng đồng; hay đặt ra địa danh mới “vô hồn” vì không “liên quan” gì đến địa danh cũ... 

Việc “khắc nhập khắc xuất” đơn vị hành chính ở nước ta đã trải qua vài lần. Vào những năm 1960 khi sáp nhập các tỉnh miền Bắc, quanh Hà Nội có các tỉnh mang địa danh mới là Hà Tây, Hà Bắc, Nam Hà... Giai đoạn sau 1975 cả nước xuất hiện các tỉnh mới có tên ghép như Bình – Trị - Thiên, Hà –Nam – Ninh, Phú - Khánh, hoặc tên mới như Hoàng Liên Sơn, Bình Thuận, Tiền  Giang, Hậu Giang... Khi nghiên cứu lịch sử và các khoa học liên quan trong đó có khoa học quản lý nhà nước, tình trạng các địa danh hành chính thay đổi như vậy gây ra không ít khó khăn.

Từ nhiều năm nay, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa, nghiên cứu lịch sử hành chính rất băn khoăn, vì việc đặt ra những tên gọi/địa danh mới cần phải vừa hợp lẽ (mang tính khoa học, lâu dài), vừa hợp tình (có sự đồng thuận của cộng đồng), nhất là sự thay thế các địa danh có truyền thống lâu dài, mang yếu tố lịch sử, văn hoá. Sự quan tâm của dư luận xã hội về vấn đề này đều với mong muốn làm sao có sự thống nhất cao giữa chính quyền và người dân, để tên gọi mới hài hòa các yếu tố văn hóa – xã hội, địa danh mới phản ánh giá trị lịch sử từ hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm phát triển của địa phương. Bởi vì, từ địa danh của các địa phương sẽ phản ánh lịch sử của cả đất nước.

2.

Khái niệm địa danh hiểu đơn giản, đó là danh từ riêng - tên riêng để chỉ một vùng đất, tên núi sông và các địa hình khác nhau. Đó là tên địa phương (làng, xã, huyện, tỉnh, quận, thành phố... ), tên địa điểm, vùng địa lý, khu vực (nông nghiệp, khu công nghiệp, v.v.), tên các quốc gia, châu lục, các khu vực tự nhiên... được ghi lại trên bản đồ. Hai loại địa danh phổ biến là địa danh dân gian và địa danh hành chính.

            Địa danh dân gian thường là tên gọi nơi chốn, địa hình cảnh quan tự nhiên... ở một khu vực, vùng miền, một đất nước... Địa danh dân gian thường biểu hiện bằng ngôn ngữ địa phương nên đa dạng, phản ánh lịch sử và văn hóa cộng đồng. Địa danh dân gian tồn tại trong ngôn ngữ, thói quen sử dụng, ký ức của cộng đồng.

Địa danh hành chính là địa danh ghi trên văn bản do chính quyền nhà nước ở trung ương ban hành, được coi là tên gọi chính thức của các cấp hành chính như thôn, làng, xã, huyện, tỉnh, quận, thành phố, công trình nhân tạo (như kênh đào)... Địa danh hành chính phản ánh lịch sử (thay đổi) địa giới, có thể dử dụng địa danh dân gian nhưng phần nhiều là đặt ra tên gọi mới, có thể thay đổi theo tổ chức hành chính hoặc sau những biến cố, sự kiện lịch sử.  

Trên bản đồ, địa danh được hiểu là tên các đối tượng địa lý thể hiện trên bản đồ, cả địa danh dân gian và địa danh hành chính. Việc ghi nhận địa danh trên văn bản hành chính hay trên bản đồ là việc “chính thức hóa” tên gọi một địa điểm, địa phương, khu vực, vùng miền, các địa hình tự nhiên hay nhân tạo.

Một trong những đặc điểm nổi bật của địa danh nước ta là sự đa dạng về ngôn ngữ, do đất nước có 54 dân tộc anh em, có nhiều vùng địa hình từ núi cao, trung du đến đồng bằng, ven biển, biển và hải đảo. Đa dạng theo không gian (phân bố của các cộng đồng tộc người) và theo thời gian (lịch sử thống nhất đất nước và hình thành các tổ chức hành chính). Địa danh ở vùng miền nào thông thường được đặt bằng ngôn ngữ của các cộng đồng ở đó. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân lịch sử - xã hội nên ngày nay, địa danh ngày càng phức tạp về mặt ngôn ngữ. Việc sử dụng chung một “ngôn ngữ hành chính” cũng là yếu tố làm cho địa danh các vùng miền có nguy cơ biến đổi theo xu hướng mất dần phương ngữ.

Như vậy có thể nhận thấy, địa danh dân gian hay hành chính đều bắt nguồn từ thực tiễn và phản ánh đời sống xã hội - lịch sử - văn hóa. Vì vậy, hệ thống địa danh của một địa phương rất quan trọng, có giá trị để “nhận diện” sự khác biệt, độc đáo, có trường hợp trở thành một “thương hiệu”. Đó còn là nguồn vốn xã hội và tài nguyên văn hóa bản địa.

3.

Có thể khảo sát việc đặt địa danh các đơn vị hành chính ở Nam Bộ dưới triều Nguyễn để phần nào rút ra kinh nghiệm hữu ích. Năm 2008 khi xuất bản công trình Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết: có thể coi địa danh hành chính Nam bộ bắt đầu từ năm 1698. Trước đó, Nam Bộ là vùng đất dân cư thưa thớt, đất hoang rừng rậm bao trùm, phần lớn diện tích chưa được khai khẩn... Việc cấu tạo địa giới và địa danh hành chính dưới triều Nguyễn chủ yếu bằng cách dùng từ Hán - Việt và áp dụng các nguyên tắc: Dựa vào địa hình thiên nhiên; Dựa vào khu dân cư, nghề nghiệp; Căn cứ vào trình độ văn hoá cao thấp; Căn cứ vào sự đi lại thuận tiện hay cách trở; Theo đúng nguyên tắc tổ chức hệ thống hành chính đã có sẵn từ trước ở miền Trung[1]. Điều này được phản ánh qua Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức. Hệ thống địa danh hành chính và dân gian ghi chép trong công trình này thật sự là vốn tư liệu quý giá về ngôn ngữ, về tự nhiên và đời sống cộng đồng, về quá trình thiết lập hành chính vùng đất Gia Định.

Những công trình lịch sử, công trình về địa bạ, địa chí trong thời Nguyễn cho biết hệ thống địa danh nói chung và địa danh hành chính thời Nguyễn được ghi nhận vào giai đoạn đất nước thống nhất sau hơn 200 năm chia cắt Đàng trong Đàng ngoài. Quá trình tổ chức lại địa giới, quy mô hành chính được triều Nguyễn tiến hành từ từ để thích hợp với thực tế lịch sử - xã hội mới. Việc đặt tên/địa danh mới trên cả nước khá khoa học, nhờ vậy cho đến nay nhiều địa danh dân gian vẫn tồn tại, những địa danh hành chính – nhất là tên các tỉnh - vẫn được sử dụng. Tất cả đã trở thành ký ức cộng đồng bền vững, thân thuộc, một “dấu chỉ” để nhận diện “đặc trưng văn hóa” từng địa phương. Vì vậy hệ thống địa danh này rất có giá trị và cần được tham khảo.

Mặc dù việc sáp nhập giai đoạn 2019 - 2021 còn nhiều vấn đề nhưng theo kế hoạch trong giai đoạn 2023 - 2025, cả nước dự kiến sáp nhập 49 huyện, 1.247 xã, tức là ngần ấy địa danh có thể phải thay đổi. Qua đó dự kiến giảm 13 huyện, 624 xã, tức là có khoảng ngần ấy địa danh có thể “biến mất”. Làm cách nào để có “quỹ địa danh” đáp ứng nhu cầu đó, lẽ ra phải là một việc cần được nghiên cứu và dự kiến từ nhiều năm trước!

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính xã, huyện/quận hiện nay cần lường trước những tác động trong quản lý xã hội và tâm lý văn hóa cộng đồng. Có thể cộng đồng dân cư sẽ lưu giữ trong truyền khẩu, trong ký ức những địa danh lịch sử đã bị thay đổi. Nhưng sự lưu truyền ấy không thể lâu dài như hồi thế kỷ 18, 19 bởi tác động của xã hội hiện đại. Xóa một địa danh là mất một di sản văn hóa, đồng nghĩa với việc chặt bỏ một phần gốc rễ cội nguồn, chắc chắn sẽ làm tổn thương sự cố kết cộng đồng dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa nhanh chóng và mạnh mẽ.



https://plo.vn/moi-dia-danh-hanh-chinh-la-nguon-coi-van-hoa-1-vung-mien-post799846.html?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTEAAR3wLTLPDmNEwkwqGXMqn69Ah1lGkzG4EJEu7a3iAKhqPHTR8b2ewwtQU7A_aem_HH5dnvykhpigXB8-CPekNA



[1] Nguyễn Đình Tư, 2008. Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật

TIẾP CẬN BẢN CHUẨN ĐỊA ĐỒ GIA ĐỊNH HƠN 200 NĂM LƯU LẠC (Phạm Hoàng Quân)

  Địa đồ "Gia Định tỉnh" do Trần Văn Học soạn vẽ năm 1815 (địa đồ TVH) đã rất được biết đến. Tuy nhiên, các bản lưu hành từ trước ...