Thương nhớ những hàng cây

https://tuoitre.vn/thuong-nho-nhung-hang-cay-20240512091631695.htm 

Nguyễn Thị Hậu

Những ngày này ở TP.HCM và nhiều nơi khác, có những con đường với hàng cây cao lớn bị tỉa cành chặt nhánh vì sắp vào mùa mưa, một số đường có cây xanh bị chặt từ lâu để làm hạ tầng nhưng đến nay vẫn chưa trồng lại, hoặc cây mới trồng còn quá nhỏ đang héo hắt trong mùa nắng. Giữa những ngày nắng nóng này, những tin tức về chặt tỉa nhưng làm cây xanh trụi lủi hay hàng trăm cây xanh sắp bị chặt hạ để làm hạ tầng khiến tôi và nhiều người khác vô cùng tiếc nuối.

Ở đô thị, cây xanh gắn liền với các tuyến đường tạo ra mảng xanh để cân bằng cảnh quan với những khối gạch đá bê tông kính thép, điều hòa không khí tạo sự trong lành và tươi mát cho không gian hạn hẹp của đô thị. Sự sinh động muôn màu sắc hình dáng của cây xanh tạo nên vẻ đẹp tự nhiên mà không bàn tay con người nào có thể làm được. Một đô thị không thể thiếu cây xanh, công viên, thiếu những hàng cây cổ thụ với mùa đâm chồi nảy lộc, mùa lá bay như níu bước chân người.

Tôi cứ hay lần dở những tài liệu về cây xanh theo chiều dài lịch sử đô thị. Hơn trăm năm trước Sài Gòn rất đẹp vì “đường phố rợp bóng cây, tất cả như chìm ngập trong một đại dương xanh. Nhìn từ trên cao xuống, từ chòi quan sát trên nóc một con tàu hoặc từ các tháp của nhà thờ, Sài Gòn hiện ra như một công viên rộng lớn”. Trong thời kỳ đầu tiên quy hoạch và xây dựng đô thị thì “phần lớn cây trồng đều được Sở Cầu đường lấy từ vườn ươm trong vườn Bách thảo” tạo nên  hệ thống cây xanh đường phố mà đến nay vài con đường còn những hàng cây cổ thụ cao vút. 

Thành phố càng phát triển, dân số càng tăng lên thì đúng ra diện tích cây xanh càng phải tăng gấp nhiều lần. Tuy nhiên số lượng mảng xanh và không gian chung đang dần bị thu hẹp trước sự “bành trướng” của các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và đô thị mới. Chỉ xét riêng về mật độ cây xanh, trung bình người dân ở các thành phố lớn như TP.HCM hay Hà Nội được thụ hưởng diện tích mảng xanh còn thấp hơn so với chỉ tiêu quy hoạch và với tiêu chí 9m2 cây xanh/người mà theo WHO là cần thiết để được sống khoẻ mạnh và cân bằng.

Và cứ trước mùa mưa là cây bị chặt cành mé nhánh đế trơ trụi, dù qua mùa nắng gắt cây chưa kịp phát triển tán lá, tầng nước ngầm chưa đủ cung cấp cho bộ rễ hồi phục. Trong khi đó việc trồng cây xanh không đủ đền bù cho nhiều cây xanh lâu năm bị chặt hạ để xây dựng hạ tầng giao thông. Tôi cứ tiếc ngẩn ngơ những hàng cổ thụ ở đường Tôn Đức Thắng cao vút và xanh um trước đây. Khi hàng cây bị chặt để nhường chỗ làm đường kết nối cầu Ba Son, đã có những lời hứa về việc trồng lại cây xanh. Nhưng cho đến nay, cây trồng lại thưa thớt và không lớn nổi, con đường vẫn nắng chang chang…

Tại các thành phố, hàng ngày cây xanh cần được chăm sóc theo đặc điểm của từng loại, khi cây “bị bệnh” thì chữa trị ngay. Cũng như các di tích kiến trúc cần được kiểm tra theo dõi, sửa chữa thường xuyên, phải trùng tu ngay nếu hư hỏng... Ngay cả việc xây dựng một công trình mới nếu liên quan đến số phận của nhiều cây xanh cũng cần cân nhắc, một mức độ nào đó phải được xem xét như phải di dời một tòa nhà cổ nhường chỗ cho công trình hiện đại, vì hiện nay cây xanh ở đô thị cũng được coi là một loại “cổ tích”. Một đô thị hiện đại văn minh không thể vắng thiên nhiên và di sản mà cây xanh lại đồng thời có cả hai đặc tính đó.

Thời gian sắp tới ở TP.HCM và nhiều đô thị khác sẽ xây dựng nhiều trục giao thông mới. Bộ mặt giao thông đô thị cần phải khởi sắc và phát triển, nhưng điều đó không có nghĩa là đi liền với việc đốn đi những hàng cây xanh. Những con đường và công trình hạ tầng luôn có tuổi vì không tồn tại lâu dài, nhưng những hàng cổ thụ thì không có tuổi, vẫn tồn tại mãi. Aai ai cũng tiếc khi đốn hạ cây xanh thì hãy tìm những giải pháp thay thế để duy trì những hàng cây, góp phần tạo ra TP xanh có môi trường sống xanh và sạch cho con người.

 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...