TIẾNG ĐÀN BÀ


Tôi đọc Ubee Hoàng từ facebook đã nhiều năm nay, không thường xuyên nhưng hầu như ít bỏ sót những cái note ngăn ngắn đủ các cung bậc cảm xúc và sự biểu hiện của ngôn từ: ngọt ngào có, cay đắng có, hiền dịu có mà đanh đá cũng có… Không thiếu đoạn hài hước kiểu Nam và cũng chẳng thiếu dòng châm biếm kiểu Bắc… Nay tập hợp trong một tập tản văn xinh xinh, trang viết của “Ubee hiền nhứt Sài Gòn” hiện lên muôn mặt cuộc sống nhưng trong một tone màu trầm như tiết trời mùa thu bên ngoài một ngôi nhà luôn sáng ngọn đèn ấm áp.
Bốn phần của tập sách này dù viết về đề tài gì cũng là những mảnh đời mảnh tình của đàn bà, với đàn bà, với con, với đàn ông, với người dưng. Tình yêu không có nhiều ở đây dù vẫn có những mối quan hệ đàn bà – đàn ông. Những mối quan hệ ấy trọn vẹn hay không thì cái thứ “tình” mà Ubee Hoàng kể lại chính là tiếng lòng của đàn bà. Đàn bà dễ bị tổn thương, sau mỗi tổn thương do người khác gây ra (đôi khi chỉ vì vô tình, vô tâm) đàn bà còn lại gì ngoài nỗi tự thương mình và thương nhau? Giấu vào thẳm sâu những tổn thương như chưa từng, đàn bà tiếp tục sống vì mình và vì con. Vậy nên đàn bà nói chung và người mẹ đơn thân nói riêng cô đơn trong khoảnh khắc nào đó nhưng chưa bao giờ cô độc. Bởi họ không coi mình bất hạnh khi có lòng tự trọng và một tình yêu không vụ lợi.
Những chuyện về mình, về con, về người sống xung quanh được Ubee Hoàng chia sẻ là từ những vụn vặt hàng ngày mà ai trong chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp, nhưng không phải ai cũng đủ tinh tế để nhận ra và lưu giữ, chắt lọc thành trải nghiệm không chỉ của riêng mình. Nhiều mẩu chuyện khi Ubee Hoàng kể lại, tôi chắc đàn ông không ít người phải nghĩ lại về những gì vợ mình, mẹ và chị em gái mình từng trải qua. Nghĩ lại, và thương hơn những người đàn bà của mình.
Trò chuyện với con – chuyện thường ngày của đàn bà, không chỉ là nói chuyện và dạy dỗ mà để biết về con như một nhân cách độc lập, để hiểu rằng phần lớn cuộc đời của chúng sẽ không có, thậm chí không cần ta bên cạnh. Với hai con là Phia và Rio còn trong độ tuổi thiếu nhi, có thể Ubee Hoàng chưa nghĩ đến điều đó nhưng ở chị đã luôn có sự chia sẻ với các con – những đứa trẻ đang lớn lên. Chia sẻ những gì con nhận biết và không ngần ngại chia sẻ cả thoáng chông chênh của mẹ. Khi gia đình thiếu vắng một người đàn ông thì cách bù đắp lớn nhất là đừng bao giờ gây cho con cảm giác thiếu hụt. Ubee Hoàng đã trò chuyện với con như vậy và tôi thích cách đó.
Đàn bà có mạnh mẽ không? Có chứ, khi đàn bà tự chủ cuộc đời mình! Có tự chủ mới có tự do. Sự tự do cho người ta sức mạnh để có thể hướng đến và làm được những việc tốt đẹp dù không dễ dàng. Không cần phải lớn tiếng về “nữ quyền” mà cứ bình thản sống không phụ thuộc vào bất cứ ai, ấy là cái quyền tối thiểu mà đàn bà cần thực hiện được.
Đàn bà có (cần) yếu đuối không? Có chứ! Bởi sự yếu đuối là không thể tránh khỏi trên đường đời quá nhiều gập ghềnh gai góc. Chỉ có điều, sự yếu đuối không phải để phô trương, nếu có phút bộc lộ cũng là lúc vượt qua, bởi vì đàn bà thực sự luôn tự tin chính mình, như tin vào bản năng vượt cạn sinh con.
Một phần cuốn tản văn này là về Sài Gòn, một Sài Gòn vô cùng dễ thương trong mắt Ubee Hoàng và trong nhiều người khác. Nhiều người đã viết về Sài Gòn, cả tôi nữa. Nhưng Sài Gòn trong cuốn sách này không ngang tàng phóng khoáng mà như khúc nhạc Bolero quen thuộc và có phần đơn điệu, nhưng mỗi khi cất lên thì chạm đến tận đáy lòng…
Tôi dùng TIẾNG ĐÀN BÀ làm lời tựa cho cuốn sách này, đó là tựa đề đầu tiên mà Ubee Hoàng chia sẻ với tôi khi em có ý định mang những trang viết của mình từ trên mạng ra ngoài đời trong hình hài một cuốn sách.

Sài Gòn 15.5.2017 
 Kết quả hình ảnh cho "tiếng đàn bà, ubee hoàng"


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...