NHỮNG NGƯỜI HÓA GIẢI “LỜI NGUYỀN CHIẾN TRANH”


Nguyễn Thị Hậu

Bút ký Tôi chết bắt đầu một thế giới sống của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải viết về hành trình “đi tìm đồng đội” của bác sĩ Trần Văn Bản, chứng nhân lịch sử đã có mặt tại chiến trường miền Nam trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Sau năm 1975, ngay khi cuộc sống còn vô cùng khó khăn, bác sĩ Bản (công tác tại Hội Chữ Thập đỏ quận Tân Bình) đã bắt đầu đi tìm mộ đồng đội ở những nơi anh từng chiến đấu, đã tự tay chôn cất và ghi nhớ sơ đồ, vị trí từng đồng đội nằm xuống. Bất chấp mọi gian khổ, anh đến đó, cùng với sự giúp đỡ của nhân dân, tìm bằng được và đã đưa rất nhiều hài cốt liệt sĩ về với gia đình, quê hương.

Cuốn sách là những câu chuyện giản dị, chân thực và tràn đầy nhân ái nhưng đã tái hiện được sự ác liệt của chiến tranh cũng như nỗi đau không nguôi của bao nhiêu gia đình còn chưa tìm được tung tích thân nhân, còn bao người nằm dưới những ngôi mộ “chưa tìm được tên tuổi và quê quán”… Chuyện về những lọ thuốc penexiline chôn trong mộ mà bác sĩ Bản dùng để nhân dạng liệt sĩ bằng cách cho vào đó mảnh giấy ghi tên tuổi, ngày mất. Chiếc lọ nhỏ xíu mà chứa đựng trong đó lời hứa của người còn sống và niềm hy vọng lớn lao: một ngày nào đó người nằm đây sẽ được về với gia đình. So với chiếc “thẻ bài” của quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh thì chiếc lọ penexiline không chỉ là vật tượng trưng cho trách nhiệm mà còn là nghĩa tình đồng đội, vì chỉ có những người sống chết bên nhau mới có thể làm cho nhau một việc tưởng chừng giản đơn nhưng vô cùng cần thiết như thế!

Đó là câu chuyện về những bà má Nam bộ thương những anh lính “Bắc kỳ” như con ruột vì họ đã phải “xa cha mẹ xa nhà vô đây chiến đấu”. Khi các anh hy sinh dù không thể làm mộ phần nhưng các má đã che chở, chăm nom nơi các anh nằm xuống không phân biệt quê quán vùng miền. Con nào cũng do người mẹ dứt ruột sinh ra, các má giữ gìn để có ngày những người mẹ đất Bắc được đón các anh về sau bao năm kiếm tìm, chờ đợi…

Đó là câu chuyện của những người “chia tay không hề rơi nước mắt, nước mắt chỉ để dành cho ngày gặp mặt” nhưng chỉ được gặp lại người thân trong hình hài khác. Có trường hợp không thể nói gì khác ngoài sự linh thiêng như có lần bác sĩ Bản tìm về một nơi để trao hài cốt thì gia đình liệt sĩ đã rời quê từ lâu. Chỉ nhờ sự may mắn gần như không tưởng đã cho anh gặp lại người cha của liệt sĩ ngay nơi anh tìm đến đầu tiên, và nước mắt người cha đã rơi khi nghe anh nói đến tên con trai mình…

Bác sĩ Trần Văn Bản từng tham gia đi tìm hài cốt những người lính Mỹ, có lần anh tìm thấy hài cốt một người lính quân đội Sài Gòn và mang về cho gia đình người lính ấy…  Nghĩa tử là nghĩa tận, khi chiến tranh là những người lính ở hai chiến tuyến nhưng hòa bình rồi gia đình nào cũng đau khổ khi chưa tìm được con em mình… Đó là suy nghĩ của bác sĩ Bản khi anh được hỏi về chuyện này trong buổi giao lưu với bạn đọc. Quá khứ thì không thay đổi được nhưng hiện tại hãy làm mọi việc có thể để hàn gắn vết thương chiến tranh mà cả hai phía cùng gánh chịu.

Trong cuộc trò chuyện giới thiệu cuốn sách, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đã lý giải về tựa sách “Tôi chết bắt đầu một thế giới sống là tiếng nói của những người đã hy sinh”, họ hy sinh vì cuộc sống hòa bình và một đất nước sẽ tốt đẹp hơn. “Đền ơn đáp nghĩa” cho những người đã khuất là đừng để sự hy sinh của họ là vô ích. Đọc cuốn sách này không thể không nhớ đến thông tin báo chí gần đây về những ngôi mộ tập thể của bộ đội trong sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa và bao nhiêu chiến trường khác… Hơn bốn mươi năm rồi vẫn chưa được đồng đội bây giờ làm tròn trách nhiệm.

Tác phẩm Tôi chết bắt đầu một thế giới sống của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đã được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997. Hai mươi năm sau, 2017, tái bản lần thứ 3 và tác phẩm vẫn được công chúng trân trọng đón nhận. Đọc cuốn sách này tôi nhận ra “hành trình đi tìm đồng đội” của những người như bác sĩ Trần Văn Bản không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc với người sống mà còn như sự cố gắng hóa giải một “lời nguyền” trên đất nước còn hàng triệu vong linh qua hàng chục năm chiến tranh chưa tìm về được hơi ấm quê nhà.

Sài Gòn 30.7.2017

Không có văn bản thay thế tự động nào.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...