Woman in gold: ký ức là một di sản


 Woman in gold (đạo diễn Simon Curtis)  ra mắt trong năm 2015. Phim kể về “hành trình” giành lại bức họa nổi tiếng Portrait of Adele Bloch-Bauer I của danh họa người Áo Gustav Klimt bị Đức quốc xã cướp đi trong Thế chiến thứ hai,  68 năm sau được trả lại cho một người phụ nữ Do Thái 87 tuổi sống ở Mỹ, sau cuộc chiến pháp lý dai dẳng và vô cùng khó khăn.

Bộ phim đan xen giữa hiện tại bình yên và quá khứ đầy biến động đau thương của gia đình bà Maria Altman (Helen Mirren đóng). Xuất thân trong một gia đình thương gia giàu có và sang trọng, bà có người dì ruột chính là nhân vật của bức tranh nổi tiếng đang được trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật ở Vienna, Portrait of Adele Bloch-Bauer I được coi như “nàng Mona Lisa của nước Áo”, là “báu vật quốc gia”. Phát xít Đức chiếm Vienna và cướp đoạt tài sản – trong đó có những tài sản nghệ thuật – của những người Do Thái, làm nhục, bắt vào trại tập trung và giết chết hàng triệu người Do Thái. Bà Maria đã may mắn trốn thoát sang Mỹ, nhưng những người trong gia đình bà thì phải chịu số phận bi thảm.

Tình cờ biết nước Áo có ý định hoàn trả cho chủ nhân hoặc người thừa kế hợp pháp những tác phẩm nghệ thuật mà phát xít Đức đã cướp đoạt trong ciến tranh thế giới thứ 2, bà Maria đã nhờ Randy - một chàng luật sư trẻ cũng là người Mỹ gốc Áo – cùng tìm cách đòi lại bức chân dung nổi tiếng vì đây là kỷ vật của người dì yêu quý. Nếu như Randy lúc đầu tham gia việc này vì một tính toán khá thực dụng “bức tranh có giá lên đến hàng trăm triệu đô la” thì càng về sau anh càng quyết tâm dành chiến thắng vì hiểu rõ giá trị của báu vật này không chỉ là số tiền kia mà là nó là vật chứng nhắc nhớ những ký ức của một giai đoạn lịch sử đầy mất mát và đau thương của thế hệ cha ông.
Ngược lại, ngay từ đầu bà Maria đã không có ý định trở lại Vienna vì ở đó là quá khứ khủng khiếp của gia đình, bà cũng từ bỏ cuộc chiến đòi lại tài sản của mình khi gặp trở ngại quá lớn từ thế lực và pháp lý. Nhưng, với sự kiên trì của chàng luật sư, từ tình yêu và sự bảo tồn ký ức như một di sản của gia đình, quan trọng hơn là nhu cầu đòi hỏi sự thật của lịch sử, bà Maria cùng Randy đã dành được sự ủng hộ của công chúng và thuyết phục được sự phán quyết của Tòa án. Bức tranh đã thuộc về bà.

Công bằng mà nói, những người có trách nhiệm về văn hóa ở Vienna cố tìm mọi cách giữ bức tranh cũng chính vì giá trị di sản của nó, họ không muốn đất nước mất đi một báu vật. Nhưng, không có báu vật quốc gia nào có giá trị hơn sự thật! Như lời chàng luật sư nói trước tòa:
 “Nhiều năm trước ở đất nước này đã xảy ra nhiều sự việc khủng khiếp, con người bị làm nhục, bị áp bức, bị giết, thậm chí cả gia đình bị tàn sát và trấn lột tài sản, việc làm cùng những thứ quý giá. Trong số đó có gia đình Bloch-Bauer. Và lúc này đây, với tư cách một người Áo, là con người, tôi đề nghị quý vị nhận ra sai lầm và sửa sai, không chỉ cho Maria mà cả cho nước Áo”.

Cảnh cuối của bộ phim cũng là cảnh hiếm hoi bà Maria nở nụ cười thanh thản khi lần đầu tiên thăm lại ngôi nhà cũ với những kỷ niệm hiện về, nơi mà trước đây bà thậm chí không muốn nhớ đến!  
Chúng ta không thể thay đổi quá khứ nhưng có thể trả lại công bằng cho hiện tại. Sự công bằng của hiện tại là phương thức tốt nhất để những nạn nhân “hòa giải” với quá khứ. Bất cứ đất nước nào từng trải qua chiến tranh đều cần ghi nhớ và thực hiện điều đó.
Còn Việt Nam???

Sài Gòn 25.5.2017

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, ngoài trời

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, văn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

160 NĂM THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN

  https://nguoidothi.net.vn/160-nam-thao-cam-vien-sai-gon-42825.html   Nguyễn Thị Hậu Thảo cầm viên Sài Gòn là một không gian công cộng và...