Vụn vặt đời thường (104)


 
 @ Chuyện “lên đỉnh”, “mất chim” và “lê văn tí”

Có mấy chuyện hổng liên quan gì đến nhau.

@ Bạn kể: ngày xa xưa núi Cấm (An Giang) chưa có cáp treo, người hành hương đi bộ leo từ chân núi lên ngôi chùa thiêng trên đỉnh núi. Đường hẹp quanh co chỉ lọt chiếc xe máy, hai chiếc tránh nhau cũng khó. Lúc ấy dưới chân núi có mấy chiếc xe ôm chỉ để phục vụ một số ông già bà cả hoặc người tàn tật, sau này đội quân xe ôm nhiều hơn vì nhiều người lấy lý do “ít thời gian” nên chỉ cần lên đến chùa cúng kiếng xong xuống luôn.

Lần ấy nhóm bạn hành hương lên chùa, gặp ngày mưa đường khó đi. Mấy anh xe ôm nhiệt tình mời chào: Cô Hai lên đỉnh không cô Hai, chỉ hai chục ngàn lên đỉnh luôn nè! Cô bạn hỏi trêu chọc: mất bao lâu thì lên đỉnh? – Mười phút thôi là lên đỉnh ngon lành cô Hai, sáng giờ em đưa mấy cô lên đỉnh rồi đó. Anh xe ôm thiệt thà trả lời. - Thôi, lên đỉnh mà chỉ có 10 phút với hai mươi ngàn, chả sung sướng gì. Em cứ tự leo thì lên đỉnh mới phê :D

Bây giờ núi Cấm đã có cáp treo,  mấy anh xe ôm chắc thất nghiệp. “Núi đèo thì mặc núi đèo/ đường lên đến đỉnh cáp treo ta ngồi”. Ngay cả “Mái nhà Đông Dương” Fansipan giờ cũng nghịt nghịt những người.

 Chả mấy chốc khắp nơi là cáp treo và hội chứng “lên đỉnh tập thể”.

@ Anh giai kia mất hai con chim chào mào, chính quyền tìm ngay ra thủ phạm và hai anh khác bị bắt vì tội trộm chim. Một ông bố có đứa con nhỏ bị bắt cóc, với chiếc xe đạp có tấm bảng “tìm con” ông đi lang thang khắp nơi đến giờ con ông vẫn biệt vô âm tín.

Chim người sang hơn khúc ruột nhà nghèo!

@ Lại cũng anh giai kia bắt được một con chuột, không biết anh thù ghét tức giận gì mà tẩm xăng đốt con chuột thành “đuốc sống”. Kết quả: “lê văn tí” đã làm cho chiếc xe hơi và cả ngôi nhà của anh ra tro!

Bài học: Ác độc + Ngu dốt (hoặc nhiệt tình) = tai họa.

 

 

CHUYỆN ĐI ĐƯỜNG (18)


 
Bữa hổm đi từ HN về SG bằng Jetstar, thấy máy bay không mới,  không đẹp bằng Vietjet, không to và hiện đại như VNA, hành khách hầu hết cũng bình dân hơn, có lẽ vì đây là hãng có giá vé rẻ nhất hiện nay nên nhiều bà con ít xiền vẫn có thể bay vèo vèo. Nhưng một điều rất hay là dân tình lên máy bay trật tự, không lộn xộn đi lại, không nói chuyện điện thoại, không nói to, trẻ con không gào khóc, không đứng lên lấy đồ đạc khi máy bay chưa dừng… nói chung là văn minh lịch sự. Ngạc nhiên chưa?

Hóa ra tiếp viên của Jesta là mấy anh chị (có khi phải gọi là cô/bác ấy) người TÂY, chả biết nước nào. Họ đi đi lại lại, chỉ cần nhìn hay xua tay thôi, tất cả đâu vào đấy!

Lại nhớ lần đi Pháp, lúc đi bằng vé VNA nhưng bay chuyến bay của Air France kết hợp. Tiếp viên TÂY nên dù đông khách Việt nhưng trật tự, hành khách Việt đi nhẹ nói khẽ cười duyên, giống  như bay các chuyến nội địa của nước ngoài vậy. Nhưng lúc về máy bay của VNA thì thôi rồi, y hệt chuyến bay nội địa VN.

Hóa ra nhiều người không chỉ “thần tượng” TÂY mà còn sợ nữa! Hay là các hang máy bay của TA cứ thuê TÂY làm tiếp viên, phục vụ. Có thế thì các chuyến bay của ta sẽ văn minh lịch sự hơn chăng?
Sài Gòn 27.2.2016
 

GỌI LÀ THƠ (12) Chuyện đàn bà



Người ta hỏi em nghĩ sao về chuyện  người đàn bà
Mắt trong mắt, tay trong tay với một người đàn ông có vợ
“Tình yêu thì không có lỗi”, vâng đúng thế
Chỉ con người có lỗi khi xử sự với tình yêu

Em từng đọc lời ngọt ngào anh và cô ấy dành gửi cho nhau
Cũng biết những gì mà ở nơi không có em cả hai từng có
Em cũng từng ướt mi, từng cắn chặt răng để không thốt ra cay đắng
Bởi nói ra rồi… chút tình nghĩa mong manh
Sẽ theo lời mà tan biến rất nhanh

Em đã từng đau như người vợ nọ đang đau
Em cũng từng khổ như người tình kia sẽ khổ
Giữa hai người đàn bà là một người đàn ông
đã yêu và đang yêu,  “tình yêu không có lỗi”?!

Em biết nói dứt áo ra đi thì rất dễ
Nhưng sau vạt áo kia là cả một khoảng thời gian
Cay đắng ngọt ngào gần gũi vắng xa
Đã trải qua và dệt thành ký ức
Đâu phải là người máy cài đặt chương trình có thể gỡ đi ngay được?

Ừ thì cuối cùng anh và em và cô ấy vẫn phải lựa chọn thôi
Tôi với ai, ai với tôi… với người lớn là điều không khó
Chỉ những đứa con là sợi dây gắn bó
Ngày hôm nay anh và em sẽ phải cắt rời

Trên quãng đường đời còn lại rất xa
Nặng trĩu bên em một vai lệch gánh
Vì các con em không cần anh bên cạnh
Sự chịu đựng hay tha thứ nào cũng đều có giới hạn
Vượt qua rồi
Buông bỏ
Em đi.

Sài Gòn 25.2.2016







LỄ HỘI VÀ TÍNH NHÂN VĂN


Nguyễn Thị Hậu

Mùa lễ hội năm nay mới bắt đầu đã làm cho xã hội phải đồng loạt lên tiếng vì những hành vi phản cảm đang diễn ra ngày càng phổ biến và mức độ ngày càng trầm trọng.
Quốc gia nào dân tộc nào cũng có những lễ hội truyền thống. Đó là di sản văn hóa chứa đựng giá trị tinh túy và luôn được gạn lọc những gì không còn phù hợp với thời đại mới. Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian bao gồm phần lễ và phần hội. 

Phần lễ thường diễn ra ở những nơi trang nghiêm như: trong hoặc trước cửa đình, chùa... Tham gia và điều hành phần lễ là các bậc cao niên có uy tín trong cộng đồng, được cộng đồng kính trọng và tuân thủ sự điều hành trong lễ hội. Ý nghĩa của lễ là để giao tiếp với thần linh thông qua các nghi thức tín ngưỡng thể hiện nguyện vọng hay ký ức của một cộng đồng. Lễ hiến tế là một phần quan trọng của lễ hội, sau lễ hiến tế là một bữa ăn chung cả làng, như là sự sẻ chia những gì thần linh ban tặng.

Phần hội diễn ra ở một “không gian mở” rộng lớn hơn, cho toàn thể cộng đồng và người ngoài cộng đồng có thể tham gia, “vui như hội” vì đây là không – thời gian nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí của con người thông qua các trò chơi dân gian thể hiện sự khéo léo, khỏe mạnh, cũng có những trò mang tính chất “phá luật” như “linh tinh tình phộc” (tắt đèn thì trai gái “tự do”)…  Nhìn chung lễ hội xưa mang đậm dấu ấn của nông nghiệp trồng lúa với cộng đồng cư dân “làng” hẹp về không gian và nhỏ về quy mô. Thông tin về các lễ hội xưa cũng hạn hẹp do truyền thông kiểu “truyền miệng”, chỉ có một vài lễ hội nổi tiếng khắp vùng như Hội Gióng hội Lim… 

Lễ hội có những mặt tích cực như bảo lưu các giá trị truyền thống của làng, nhắc nhở ý thức về cội nguồn, tưởng nhớ tổ tiên, anh hùng dân tộc… các trò trong hội thể hiện ý thức về đồng loại, cố kết con người vào cộng đồng, thể hiện ý thức về mỹ tục và thể hiện tài năng văn hóa, nghệ thuật, thể thao của từng cá nhân, của cộng đồng.

 Tâm thức trong lễ hội xưa thể hiện tinh thần “dân chủ làng xã”, qua dịp lễ hội mọi người gần gũi nhau hơn. Lễ hội thường vào thời gian “nông nhàn” con người được nghỉ ngơi. Đây là dịp con người nhìn lại và giải toả những phiền muộn, lo âu, bày tỏ với thần linh những mong muốn về cuộc sống tốt đẹp hơn. Những trò “cướp lộc” trong lễ hội phản ánh rõ một nhận thức là rất ít người có được sự “may mắn” từ thần linh ban cho, còn lại những ai không có được may mắn ấy thì càng cố gắng làm ăn.
Vì vậy những hành vi trong lễ hội thời xưa là mang tính biểu trưng của văn hóa.

Ngày nay lễ hội có phạm vi không gian rộng hơn nhiều, càng rộng hơn về phạm vi ảnh hưởng vì phương tiện truyền thông hiện đại “ngay và luôn”. Gọi là “hội làng” nhưng phần lớn là người từ nơi khác đến tham gia, không phải ai cũng hiểu ý nghĩa và những hành vi mang tính tượng trưng của lễ hội xưa. Ngoài ra còn cần phải nói đến tâm lý thực dụng, thậm chí có phần tham lam của nhiều người dự lễ hội. Biết rằng “lộc” không đáng gì nhưng “kém miếng giữa làng” thì khó chịu, “sự may mắn” bị đánh đồng với “cái lợi” cho cá nhân nên quyết cướp giựt cho bằng được, không được thì xô xát, chửi mắng đánh nhau. Do đó lễ hội có trò “cướp, giết” sẽ không thể kiểm soát được do tâm lý đám đông dễ làm lây lan hành vi vô văn hóa.

Do quy mô lễ hội lớn hơn nên mục đích ý nghĩa của lễ hội không còn thuần túy tinh thần như trước. Dễ nhận thấy nhất là sự thương mại hóa lễ hội khá phổ biến. Để phục vụ mục đích thương mại nhiều lễ hội biến dạng về hình thức và cả nội dung, do đó tính nhân văn của lễ hội ngày càng biến mất.

Theo TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, Chủ nghĩa nhân bản hiện đại đã tiến những bước dài trong ứng xử với tự nhiên, xã hội, cá nhân và cộng đồng. Các hành vi bạo lực bị lên án, các hành vi lệch lạc bị chỉ ra và ngăn cấm... Do đó, việc duy trì bản sắc văn hóa cũng cần được đặt trong khuôn khổ thế giới là một cộng đồng liên đới, có trách nhiệm chung, vừa duy trì sự đa dạng, vừa đạt được sự đồng thuận theo các chuẩn mực quốc tế. Sự tuân thủ các chuẩn mực quốc tế phải được coi là trình độ đạt đến hay chưa đạt đến văn minh. Như thế, sự duy trì tục hiến sinh phải được đặt trong bối cảnh đó”.

Duy trì các lễ hội truyền thống và những hoạt động trong lễ hội cũng phải đặt trong bối cảnh một xã hội đang “xây dựng một nền văn hóa tiên tiến” bên cạnh việc gìn giữ “bản sắc văn hóa dân tộc”. Nếu cứ duy trì những lễ hội đầy rẫy hành vi bạo lực tham lam thì chính chúng ta đang “giết chết” di sản văn hóa. Di sản văn hóa sẽ không còn giá trị nếu nó không vun đắp tính nhân văn của cộng đồng và lòng nhân ái, trắc ẩn của mỗi con người.

Sài Gòn ngày 5.3.2015

Đăng trên Báo Người Lao Động 



HÃY ĐỔI CÁCH ĂN TẾT


Nguyễn Thị Hậu 

Trong cuốn Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, mục Tết Nguyên đán ghi rõ “Mùng một đầu năm là tết Nguyên đán. Tết này ăn to hơn cả mọi tết trong năm”:  từ trước tết nửa tháng đã nhộn nhịp mua sắm… cho đến mùng bốn (có nhà đến mùng bảy) thì hóa vàng tiễn đưa ông bà. Nhưng suốt một tháng giêng thì ai ai cũng đi chơi thăm viếng cảnh chùa, hội hè hát xướng…

Thời điểm của tết truyền thống là vào lúc nông nhàn, mùa xuân bắt đầu, cho nên đây còn là dịp nghỉ ngơi sau một năm vất vả lao động bên cạnh ý nghĩa đón chào một năm mới. Chính vì vậy thời gian nghỉ tết kéo dài như vậy đã tồn tại hàng ngàn năm, trên cơ sở của nền kinh tế và lối sống nông nghiệp, môi trường nông thôn và chủ thể là nông dân.

Thời chiến tranh và giai đoạn hậu chiến, dù từ hai ba tháng Chạp cũng đã nhộn nhịp chuẩn bị nhưng tết thường chỉ gọn trong ba ngày từ ba mươi đến mùng hai. Ngày mùng ba coi như hết tết, mùng bốn các cơ quan bắt đầu làm việc, mọi sinh hoạt trở lại bình thường.

Từ khoảng mươi năm nay khi tuần làm việc 5 ngày thì việc nghĩ lễ, tết thường được linh hoạt hoán đổi để kỳ nghỉ dài hơn, có khi nghỉ tết đến 8,9 ngày. Ở nông thôn hay vùng kinh tế nông nghiệp thì việc này không làm xáo trộn nhiều nhịp sống và cách thức làm ăn. Nhưng ở đô thị, các khu công nghiệp thì việc nghỉ lễ, tết dài ngày đã có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế và cuộc sống. Ngoài ra dịp Noel và tết Dương lịch nhiều công sở liên quan đến nước ngoài không làm việc hoặc giảm hoạt động vì đây là kỳ nghỉ dài ngày của người nước ngoài. Do đó nhịp sống đô thị đã mang không khí tết từ cuối năm dương lịch.

Tết cổ truyền là nét văn hóa độc đáo của người Việt Nam, là dịp sum họp gia đình nên được nghỉ dài ngày thì thuận tiện cho số lượng lớn người nhập cư, người đi xa  có thể về quê thăm viếng nghỉ ngơi. Người thành phố có thể đi chơi xa, du lịch, nhu cầu tiêu dùng lớn nên dịch vụ ngày tết cũng phát triển hơn, các hoạt động văn hóa được tổ chức, lễ hội được phục hồi thể hiện sự bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống đồng thời thu hút khách nước ngoài. Có thể thấy đó là những yếu tố tích cực của tết “ta”.
Tuy nhiên những ảnh hưởng tiêu cực cũng không ít, nhất là trong giai đoạn “hội nhập” kinh tế mạnh mẽ hiện nay. Có thể nói gọn: nghỉ tết dài ngày làm duy trì tâm lý và thói quen “tháng giêng ăn chơi” gây nên sự lãng phí rất nhiều thời gian nhất là ở những cơ quan nhà nước. Trước tết và sau tết là chuyện căng thẳng tàu xe máy bay phục vụ nhu cầu đi lại của hàng triệu lượt người; là chuyện lợi dụng tết nhất để tăng giá vô tội vạ, biếu xén hối lộ, là chuyện nhậu nhẹt say xỉn và tai nạn giao thông tăng vọt… Nhiều người còn cho rằng có sự lãng phí khủng khiếp trong việc mua sắm ăn tết theo kiểu “no dồn đói góp” dù bây giờ không còn thiếu thốn như xưa.

Từ lối sống nông nghiệp với nhịp thời gian chậm nhưng luôn “linh hoạt” thay đổi tùy tiện chúng ta đang chuyển sang lối sống hiện đại với cơ cấu thời gian “hành chính” của công nghiệp hóa, nhanh hơn nhưng cũng chặt chẽ hơn. Do vậy ở các đô thị, trung tâm kinh tế, công nghiệp tất cả các hoạt động đều có liên quan, phụ thuộc vào nhau ít nhiều, không phải như ở nông thôn ruộng ai nấy cày trâu ai nấy chăn… Thế nhưng mỗi năm sau những ngày tết như hiện nay, nhiều khu công nghiệp đình đốn, vỡ hợp đồng sản xuất vì công nhân chưa, thậm chí không trở lại làm việc sau thời gian dài nghỉ tết, cơ quan hành chính thì rủ nhau đi lễ hội còn nhiều cơ quan kinh doanh thì “rồng rắn” đi lễ chùa cúng bái đầu năm… “Dân có cần nhưng quan không vội”.

Quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa không chỉ là xây dựng cơ sở vật chất mà còn là sự thay đổi ý thức, lối sống từ xã hội nông nghiệp qua xã hội công nghiệp. Trong khi nông thôn chưa được “hiện đại hóa” sản xuất nông nghiệp thì sự thay đổi này thực sự khó khăn, bởi vì phần lớn người nhập cư đến các đô thị và khu công nghiệp là những người nông dân. Họ chưa có ý thức và hầu như không quen với tác phong công nghiệp. Thị dân hiện nay hầu hết sống ở thành phố chưa lâu, lối sống “văn minh hiện đại” tuân thủ luật pháp chưa thực sự trở thành ý thức tự giác. Trong bối cảnh xã hội như vậy việc duy trì tập quán ăn tết với nhiều hạn chế như hiện nay là điều dễ hiểu, lại được nhà nước “linh hoạt” thay đổi kéo dài ngày nghỉ nên thói quen này càng được “dung dưỡng”.

Với ý nghĩa độc đáo và đặc trưng văn hóa truyền thống thì không nên bỏ Tết âm lịch mà phải mạnh dạn thay đổi những gì không còn phù hợp, chỉ giữ lại một số sinh hoạt mang giá trị tinh thần quan trọng nhất. Nhưng tập quán “ăn tết” thì cần thay đổi gọn nhẹ, đơn giản, đỡ tốn kém hơn. Nếu chỉ nghỉ tết đúng ba (hay bốn) ngày gồm ngày 30 và mùng 1, 2 (và mùng 3) thì vẫn đủ thời gian để duy trì gìn giữ nét văn hóa cổ truyền ở gia đình và xã hội, đồng thời giảm thiểu được những lãng phí... Số ngày nghỉ lễ tết do nhà nước quy định, vì vậy muốn hạn chế yếu tố tiêu cực của tết cổ truyền thì vai trò quản lý nhà nước là đầu tiên.

Sau nữa, người dân cũng phải thay đổi nhiều thói quen, nhu cầu khác như chuyện về quê ăn tết của hàng triệu người, hoặc xã hội phải nâng cao gấp nhiều lần năng lực vận chuyện hành khách. Điều này trong vài năm tới đây có lẽ là bất khả thi. Khi phần lớn người đến thành phố không tìm thấy nơi “an cư”, chỉ là nơi kiếm tiền nhưng điều kiện sống không ổn định, thậm chí thiếu thốn thì giữa hai nơi đều “bất ổn”, quê hương bao giờ cũng là nơi người ta muốn trở về khi có điều kiện, dù chỉ là điều kiện thời gian..

So sánh tết “ta” với tết “tây” – ngay tết của Nhật bản - ở góc độ nào cũng có sự chênh lệch, bởi nền tảng xã hội và lịch sử không giống nhau. Muốn thay đổi những ảnh hưởng tiêu cực của tết ta thì cần nhìn nhận căn nguyên để thay đổi từ đó, không thể nóng vội vứt bỏ “sạch trơn” nhưng cũng không thể không thay đổi. Bởi vì “hội nhập” đòi hỏi phải xóa bỏ những “đặc thù” lạc hậu cản trở con người Việt Nam trở nên văn minh hơn.


Sài Gòn 29.1.2016
Bản đầy đủ, bản trên báo Người Lao động bị lược bỏ một số đoạn.

Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau…?


Đấy là câu nói tình cờ tôi nghe được trong một quán cà phê, từ góc bàn bên cạnh, nơi có hai anh chị tuổi trung niên đang ngồi.
Người đàn ông dáng người cao lớn, vẻ mặt nhìn qua rất khó đoán cảm xúc.Người phụ nữ dáng mảnh dẻ, nếu không có đôi mắt mỏi mệt như bị mất ngủ thì trông chị trẻ hơn người bạn.Đôi mắt to như biết nói. Vẻ day dứt trong đôi mắt còn biểu cảm hơn câu nói trên của chị.
Sau đó cả hai cùng im lặng. Người đàn ông cầm ly trà uống cạn và nhìn quanh như e ngại điều gì. Còn người phụ nữ, chị lơ đãng nhìn ly cà phê còn nguyên.
Tôi chọn một chiếc bàn ở góc khác, không muốn mình vô tình tò mò chuyện của hai người. Nhưng câu hỏi tình cờ nghe được “chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau?” cứ quanh quẩn trong trí nhớ của tôi rất lâu.
Đã bao giờ ta nghĩ vậy khi chia tay một người bạn, một người yêu – chia tay về khoảng cách địa lý hoặc để chấm dứt một quan hệ. Ừ, ta sẽ nói gì nhỉ khi gặp lại người ấy?
Nếu chỉ chia xa về địa lý thì đâu khó gì chuyện hàng ngày có thể trò chuyện với nhau, chỉ là muốn hay không mà thôi. Điện thoại, FB, skype, viber… bao nhiêu cách để người ta không chỉ nghe mà còn nhìn thấy nhau. Khoảng cách không gian gần như bị xóa nhòa, chỉ có múi giờ lệch nhau nhắc người ta nhớ rằng đang ở xa nhau.
Nếu chia tay nhau “đường ai nấy đi” thì có lẽ ngay lúc đó chưa ai nghĩ tới ngày gặp lại dù có thể vẫn còn yêu. Sự tổn thương làm người ta sợ những vô tình làm vết thương bật máu… Và nếu tình cờ gặp lại có lẽ cũng không còn gì để nói, không muốn nói thêm gì nữa.
Nếu chia tay nhau chỉ vì phải chia xa… Ừ, vậy thì ai cũng mong ngày gặp lại, nhưng có lẽ không ai phải nghĩ đến chuyện “nói gì khi gặp lại nhau”, vì lúc đó sẽ có bao nhiêu chuyện muốn nói.
“Chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau…?”. Đó không phải là một câu hỏi để được nghe câu trả lời, mà là một phỏng đoán, một trông chờ, một hy vọng… Hy vọng còn gặp lại, còn nhận thấy đó vẫn là người thân yêu, còn có gì để nói với nhau. Cuộc chia tay này chứa đầy dấu hiệu của sự bất an đối với người bật ra câu hỏi đó.
Nói gì khi gặp lại nhau tùy thuộc vào việc chúng ta sẽ sống thế nào, làm gì khi xa nhau, bởi hơn ai hết ta biết rõ điều gì gìn giữ tình yêu và điều gì phá hủy nó, làm tổn thương người ta yêu.
Tôi thầm nghĩ, giá mà người đàn ông, sau những phút im lặng, sẽ nói với người phụ nữ “anh sẽ cố gắng không làm điều gì để khi gặp lại em, chúng ta vẫn có thể trò chuyện với nhau”.
Nhưng khoảnh khắc ấy trôi qua, người đàn ông vẫn im lặng. Và trong sâu thẳm, tôi không mong họ gặp lại nhau!
***
Nhiều năm sau.
Một chiều cuối đông, nắng vàng ấm áp. Lang thang theo con đường nhỏ ra ngoại ô thành phố bỗng cô nhìn thấy tu viện trên một ngọn đồi cao, những cây thông cổ thụ thân xù xì cành lá xanh rì in trên nền trời xanh thắm. Từ nơi đây có thể bao quát gần như cả thành phố dưới thung lũng muôn sắc hoa dưới kia.
Tu viện với kiến trúc hiện đại, màu sơn nâu hồng ấm áp mà tươi tắn. Cấu trúc chủ yếu bằng gỗ xen với những ô cửa kính rộng hai bên mái cho ánh sáng tự nhiên tràn vào bên trong. Những dãy bàn ghế vắng lặng, cuốn kinh thánh ai đó bỏ quên… Trên kia ngọn nến thong thả nhỏ từng giọt sáp xuống quanh chân đèn, thoảng cơn gió qua ngọn lửa nhỏ như rạp xuống rồi lại nhẹ nhàng vươn lên. Một người đàn ông khiếm thị đứng trên bậc tam cấp, hướng mặt về phía xa xa như đang thả hồn vào tiếng nhạc du dương phát ra từ chiếc radio nhỏ ông cầm trên tay. Dưới sân trong bóng rợp của những cây thông cao vút, mấy cô cậu sinh viên ngồi học bài… mà chẳng biết có chữ nào vào đầu không khi mà từng cặp ngồi sát cạnh nhau như thế…
Lang thang vào trong khuôn viên tu viện. Vắng lặng, chỉ có tiếng gió đùa những hàng liễu, đưa đẩy những khóm hoa… Hoa trồng trong chậu treo suốt hành lang mái ngói, hoa trồng thành một vườn nhỏ giữa sân, hoa trồng trong chậu ven hàng rào… Cô đứng lặng. Dường như cảnh tượng này cô đã gặp không chỉ một lần, trong những giấc mơ. Trong mơ, cô cũng chỉ một mình… Không, chính xác hơn, trong mơ là cô với trái tim nặng trĩu hình bóng một người đã ra đi với rất nhiều lời từ biệt chân thành nhưng không làm vơi bớt nỗi đau của cô. Trong mơ cô đã ở nơi này, nơi cô cảm nhận trọn vẹn sự cô đơn, để được đau đến tận cùng, một lần thôi. Trong mơ cô tự hỏi, tình yêu của cô với anh có phải là một giấc mơ… có lẽ là mơ hoang, không trọn vẹn mà vẫn cứ đắm đuối, hết mình.
To have or to be? sẽ sống như thế nào? Sống bằng ý tưởng về những giấc mơ hay sống là đi tìm giấc mơ của mình để biến nó thành hiện thực?
Ngày cuối năm, tin nhắn viber: một lúc nào đó anh gọi em, được không? Không trả lời. Câu hát “Khi thấy buồn anh cứ đến chơi” đã lùi vào quá khứ lâu rồi…
***
Tình cờ tôi gặp lại người phụ nữ đã làm tôi day dứt với câu hỏi “chúng ta sẽ nói gì khi gặp lại nhau?”. Qua câu chuyện của chị tôi được biết, họ đã không gặp lại nhau…

Sài Gòn 14.7.2015

TẠI SAO TẤM CÁM?



Báo Lao Động xuân Bính Thân 2016
Nguyễn Thị Hậu

Tôi vốn thích xem phim cổ tích thần tiên và phim hoạt hình. Đến bây giờ già rồi vẫn vậy. Khi buồn chỉ tìm xem phim hoạt hình, Tom and Jerry chẳng hạn. Con gái tôi nói, không khéo mai mốt thì bà lại tranh nhau xem phim với cháu ngoại, như hồi xưa từng tranh nhau đọc Doremon với con.
Cũng như nhiều người, tôi đọc truyện Tấm Cám từ hồi nhỏ xíu, sau này có phim hoạt hình rồi truyện tranh nhưng tôi không thích vì thấy giả tạo thế nào ấy. Tuy nhiên kịch Tấm Cám của nghệ sĩ Thành Lộc hay truyện tranh của bọn trẻ vẽ lại theo lối “hậu hiện đại” thì tôi cực thích. Hình như nghệ thuật của ta diễn tả những bi kịch không tới thành ra xem bực mình, có khi làm hài kịch mà lại thành công! (đúng thôi, trong cuộc sống cái bi và hài chỉ cách nhau có một sợi tóc!).
Cùng motif “mẹ ghẻ con chồng” nhưng phim Ba hạt dẻ dành cho Lọ Lem của Tiệp Khắc (trước đây) thì làm tôi say mê. Hồi đó đi xem bao lần ở rạp, rồi sau này chiếu ở TV hay bây giờ trên mạng vẫn có thể xem đi xem lại, vì diễn viên xinh ơi là xinh, cảnh thì đẹp ơi là đẹp… Các nhân vật ai cũng dễ thương, kể cả bà mẹ ghẻ và hai cô em thì có ác đấy nhưng hành vi của họ lại (được nhìn thành) hài hước nên chỉ thấy tội nghiệp, buồn cười chứ không thấy ghét. Và cái kết cũng chỉ như mơ ước ngàn đời của bao nhiêu nàng Lọ Lem trên thế giới này: được lấy Hoàng Tử và sống cả đời hạnh phúc giàu sang. Ba mẹ con dì ghẻ xấu hổ bỏ đi. Biết xấu hổ - tức là còn lòng tự trọng – đấy là sự khởi đầu để trở thành người tốt.

Gần đây xem Cinderella (phim Mỹ, 2015). Nội dung không có gì mới hơn ngoài một vài chi tiết nhưng tôi thích cái kết của phim. Cinderella đã dũng cảm giành lấy cơ hội hạnh phúc và tình yêu của mình. Khi đạt được những gì thuộc về mình, nàng không trả thù mà tha thứ cho mẹ ghẻ, dù trước đó nàng đã nói “bà chưa bao giờ là mẹ tôi”.

Ừ thì muôn đời chuyện mẹ ghẻ con chồng, chuyện con anh con tôi… Nhưng khi người Mỹ dạy con trẻ chuyện Lọ Lem thì họ coi cách cư xử của bà mẹ ghẻ là có thể hiểu và thông cảm được: “Chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi”.
Vậy nếu ước mơ của mình bị ngăn cản thì làm cách nào để thực hiện điều mình mơ ước? Điều đầu tiên và quan trọng nhất là tự mình phải quyết tâm đi tìm ước mơ của mình. Đúng như người Mỹ quan niệm, ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì ta càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho mình thì mình cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu thực sự biết yêu bản thân thì chúng ta sẽ tự tìm được mọi thứ mình muốn có.

Còn nếu chỉ ngồi than khóc chờ Bụt đến giúp thì suốt đời phải phụ thuộc vào Bụt như cô Tấm. Cho đến cuối cùng việc kinh khủng nhất lại là việc đầu tiên cô Tấm tự làm mà không cầu đến Bụt!
Những ước mơ của bất cứ cô Tấm nào cũng luôn là những điều tốt đẹp… Vậy thì tại sao truyện Tấm Cám lại có cái kết kinh hoàng như thế? Chúng ta luôn được nghe, và chúng ta cũng luôn giải thích lại cho con em rằng, đó là “ác giả ác báo”,  là “công lý” của nhân dân. Chúng ta, từ nhỏ đã được học cách cầu xin và trông đợi vào sự may mắn. Nếu cả ước mơ cũng bị tước đoạt thì hãy nhẫn nhịn, chịu đựng … Đến cuối cùng thì phải trả thù dù đã có được điều mình mong muốn.
Những chuyện cổ tích thường mang triết lý: đừng làm điều ác để khỏi bị trừng phạt. Vậy thì vì sao cuộc đời vẫn luôn có (nhiều) người ác? Xem ra vấn đề không chỉ là "đừng làm điều ác" mà là điều ác bị trừng phạt như thế nào, và có nhất định phải trả thù bằng cái chết không? Chỉ qua truyện Tấm Cám thôi đã thấy tâm thức mong muốn trả thù ghê gớm thế nào! Chính là “người ta” đã cam chịu như thế chứ đâu phải cô Tấm? Người ta đã đặt vào miệng cô Tấm những lời ngon ngọt với cô Cám, đặt vào tay cô Tấm nồi nước sôi, người ta đã chuẩn bị sẵn hũ muối để làm mắm. Và người ta hả hê khi cô Tấm trả thù.
Hả hê, cho nên câu chuyện này mới lưu truyền lâu dài đến thế!
Những truyện/chuyện cổ tích quen thuộc với chúng ta đều chung một nội dung: tham thì thâm, ăn ở ác thì bị trả thù. Hình như rất hiếm sự tha thứ nào được truyền lại trong cổ tích. Tấm giết em và gián tiếp giết mẹ ghẻ, Lý Thông bị trời đánh chết, người anh giành cây khế và túi vàng ba gang cũng rơi xuống biển mà chết, thậm chí giết cả con hổ khi nó ngây ngô hỏi con người “trí khôn ở đâu”, chỉ vì một định kiến “hổ thì ác”… Những cái chết có thể làm kết thúc truyện cổ tích nhưng không hề “hết chuyện” vì từ đời này đến đời khác lưu truyền mãi mãi…
Gần đây, khi vụ án thảm sát gia đình 6 người ở Bình Dương đưa ra xét xử công khai bằng hình thức xử lưu động cho hàng ngàn người “háo hức, tò mò” kéo đến xem trực tiếp, hàng trăm ngàn người theo dõi qua báo chí cũng tường thuật trực tiếp. Câu hỏi mà nhà báo Phạm Thanh Hà đau xót đặt ra – cũng là câu hỏi mà nhiều người day dứt: Có cần không tổ chức lưu động một phiên tòa quá nhiều sự dã man, đau thương...?” Bởi vì trong hàng ngàn người ở đó có bao nhiêu đứa trẻ, bởi vì có thực sự răn đe không khi một phiên tòa phơi bày quá nhiều sự dã man, quá nhiều đau thương và nước mắt như thế? Phải chăng đó là tâm thức “thù này phải trả” bằng cách đền mạng sống, tước đoạt lòng tự trọng của những người còn sống nếu chẳng may họ là thân nhân của kẻ gây tội ác? Chứng kiến những phiên tòa như vậy thì sự trả thù có thể sẽ tiềm ẩn trong tâm thức để đến khi lớn lên, trong một hoàn cảnh nào đấy thì hành động trả thù sẽ bộc phát như một lẽ tự nhiên.
Đừng tiếp nối sự trả thù trong cổ tích bằng hình thức “báo thù” hiện đại như thế, vì dù xét xử tội ác thì cũng cần thể hiện, và phải dựa trên sự nhân văn ngay từ hình thức xét xử. Như vậy mới đúng ý nghĩa của công lý.
Lòng khoan dung chỉ bắt đầu khi dừng việc tiếp tay và phơi bày cái ác, dừng việc kích động sự tò mò với cái ác. Lòng khoan dung sẽ được nhân lên khi con người biết thực thi công lý không bằng tâm thức trả thù, và lòng khoan dung sẽ được lưu truyền từ việc quý trọng cuộc sống và tôn trọng nhân cách của mỗi con người.
Sài Gòn, ngày 6/1/2016




TRUYỆN 100 CHỮ đầu năm Bính thân

KHỈ VÀNG
Năm nọ vùng kia phải cống cho nhà vua 100 con khỉ vàng. Trên đường đưa về kinh đô một con trốn mất, bọn phu bèn lấy một con chó phèn thế vào.
Nhìn thấy bầy khỉ vua thích lắm, ban cho chuối ngự. Bầy khỉ nhào vô ăn riêng con “khỉ phèn” thì không. Vua thấy lạ hỏi “sao con kia không ăn chuối?”
Đám phu hoảng hồn “tâu bệ hạ, nó là khỉ trưởng nên không ăn chuối”. Thế nó ăn gì? Dạ, nó chỉ ăn thịt!
Từ đó ở kinh đô có loài “khỉ” chuyên ăn thịt.

Vụn vặt đời thường (103)

@ Nhân đọc cuốn sách về Madame Nhu, đọc đi đọc lại vài lần hai chương cuối nói về cuộc đảo chính tháng 11/1963 và số phận của ông Diệm, ông Nhu và gia đình họ. Nhận ra một điều:
Tâm lý và hành xử của “bên thắng cuộc” ở người Việt  – bất cứ một cuộc nào, lớn hay nhỏ, khác phe hay cùng phái - sao giống nhau đến thế! Đều thể hiện sự khao khát quyền lực bất chấp tất cả và sự ngạo mạn khi đã giành được quyền lực. Quyền lực đầu tiên được thực hiện là “quyền” mạt sát, sỉ nhục và đổ tội cho kẻ thua cuộc!
Phải chăng một cuộc “lật đổ” bản thân nó đã không chính trực, và mặc cảm về điều này là căn cốt của lối ứng xử như thế?
Muốn có tiến trình dân chủ thì điều đầu tiên, sau cuộc lật đổ phải là sự khoan dung và tôn trọng đối thủ dù họ đã thua cuộc.
Như bài học từ Mianmar!


@ Sự mặc cảm về bất cứ điều gì, thân phận, học thức hay gia cảnh... đều mang lại hoặc là tự ti đến hèn hạ hoặc tự tôn vô lối và mù quáng.
Sự mặc cảm như cái "hố đen". Tuy nhiên ít khi người ta nhận ra ở mình có mặc cảm nào đó, nếu nhận ra thì sẽ được giải thích một cách khác đi. 
Một cá nhân hay một quốc gia cũng vậy.

@ Có một sài Gòn của tôi :) - mùng 2 tết Bính thân 2016


TẾT NAY ĐÃ KHÁC TẾT XƯA


TỪ NHIỀU NĂM NAY không khí Tết cổ truyền đã khác đi rất nhiều.
Trong sinh hoạt gia đình đã có nhiều thay đổi, ở các đô thị là “sự chuyển dịch” từ “truyền thống, hướng nội” sang “hiện đại, hướng ngọai”.  Nếu trước đây ngày Tết mang ý nghĩa đón chào năm mới và sum họp gia đình thì giờ đây, ý nghĩa đón chào năm mới đã đến sớm hơn, vào dịp Noel và Tết dương lịch. Đó là vì nhịp sống đô thị và công nghiệp đã khá phổ biến ở các thành phố lớn, nơi mà có rất nhiều người nhập cư vào thành phố lao động, học tập, làm việc…

Quá trình giao lưu và hội nhập văn hóa giữa nước ta và thế giới cũng mang đến những sinh họat mang tính quốc tế như Tết dương lịch là dịp có nhiều sinh họat văn hóa giải trí từ lễ hội đến những chương trình trên các phương tiện truyền thông… Bài hát Happy New Year của ABBA vang lên khắp nơi từ Noel tới Tết Âm lịch…
Ý nghĩa ngày Tết giờ đây chủ yếu là lưu giữ truyền thống sum họp gia đình và mừng thọ ông bà cha mẹ. Còn chuyện ăn uống cúng quảy thì được “chế” đi nhiều. Ngày trước lo cho ba ngày Tết phải từ cả tháng trước, chủ yếu lo Ăn Tết: mua trữ nhiều lọai thực phẩm gạo nếp bánh kẹo măng miến đậu xanh bánh tráng, rồi mua rau làm các lọai dưa muối… Từ ngày Ông Táo 23 tháng Chạp đã lo mua thịt làm thức ăn sẵn như giò chả, rồi mấy ngày Tết loay hoay nấu ăn cúng kiếng, có đi đâu cũng quanh quanh bà con, láng giềng, ít đi chơi xa…

Nhưng bây giờ Ăn Tết, chơi Tết có nhiều dịch vụ, từ các lọai thực phẩm đến các tour du lịch. Nhất là ở thành phố thì hầu như không cần phải quá lo lắng đến việc ăn uống, vì chỉ cần có tiền đi siêu thị một buổi là có đầy đủ. Câu ca dao “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” thì đã mất cây nêu tràng pháo, còn câu đối thì gần đây được phục hồi lại với nhiều ông đồ trẻ viết thư pháp chữ Việt nhiều hơn chữ Nho… Hương vị ngày Tết có lẽ không ngon như xưa vì bây giờ thịt mỡ dưa hành bánh chưng mứt kẹo ngày thường muốn ăn lúc nào cũng có.

Tất cả những điều đó vẫn làm cho  không khí Tết nay có một chút ngậm ngùi vì cái vẻ “truyền thống mà hiện đại” của nó. Dường như sự bận rộn của lo lắng, những biểu hiện tình nghĩa thời thiếu thốn, niềm vui ấm áp của sự sum họp… đang mất theo ký ức của nhiều thế hệ. Bây giờ lo Chơi Tết hơn, từ tháng 9 tháng 10 đã tìm tour du lịch Tết mua sớm vì sợ hết chỗ. Sài Gòn, Hà Nội ngày Tết vắng hoe, dân tình về quê, đi du lịch trong ngòai nước… Các thành phố trở nên yên tĩnh lạ lùng…

Những thay đổi của Tết thấy rất rõ ở TP. Hồ Chí Minh – một đô thị đang chịu tác động của “hiện đại hóa” nhanh chóng. Xưa nay người Sài Gòn đều thích chơi Tết, đi ra ngòai ăn tiệm, có bạn bè thường rủ nhau ra hàng quán, ít khi bày vẽ nấu nướng ở nhà. Và cũng hay mua thực phẩm làm sẵn: việc đặt giò chả, bánh chưng bánh tét ở Sài Gòn phổ biến từ rất lâu rồi, có lẽ do lối sống đô thị các dịch vụ phát triển sớm. Người Sài Gòn trọng lễ nghĩa nhưng không quá câu nệ chuyện phải đi thăm viếng họ hàng vào dịp Tết, họ có thể đến thăm vào trước hay sau Tết miễn là thuận tiện cho cả hai bên.

Còn nay, Sài Gòn ngày càng có nhiều người từ nơi khác đến làm ăn, vì vậy càng có nhiều quán ăn, đặc sản của các vùng miền. Ngày Tết ở Sài Gòn bạn có thể thưởng thức nhiều món ăn khác nhau chứ không chỉ có những món truyền thống. Rất nhiều người nhập cư về quê ăn Tết nên thường khỏang mùng Hai mùng Ba họ lại lên Sài Gòn chuẩn bị đi làm, lúc đó bạn bè mới gặp nhau… kéo ra quán nhậu. Tết cũng là dịp Sài Gòn còn đón nhiều người Việt sống ở nước ngòai về ăn Tết cùng gia đình. Ngày Tết ở Sài Gòn các khu vui chơi giải trí, rạp phim rạp hát, hàng quán bán như ngày thường, nhiều quán bán ngay từ sáng Mùng Một, “ăn theo” là dịch vụ giữ xe và những hàng rong khác… Tất nhiên, giá cả cũng là giá Tết! Tết còn là dịp “kiếm thêm” của nhiều người, một khía cạnh nào đó có thể coi là sự “phân phối lại thu nhập” (một cách tự phát) trong dịp Tết của những tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Chính vì vậy có người nói, những phong tục, thói quen được coi là truyền thống đẹp của người Việt mỗi dịp Tết dường như chỉ còn… trên báo Tết chứ đời thường chúng ta đón Tết vội vàng, cái gì cũng ồn ã.

Thật ra đây cũng là “quy luật” của nhiều hiện tượng văn hóa. Những phong tục tập quán dần dần chỉ còn lưu lại trong ký ức thế hệ trước, và may mắn là có báo chí, sách vở phim ảnh… ghi lại, lưu truyền cho đời sau. Không thể bắt cuộc sống giữ nguyên tất cả phong tục cũ vì có những điều không phù hợp, không thuận tiện cho đời sống hiện đại. Bảo tồn truyền thống không phải là luôn luôn giữ nguyên mọi truyền thống. Cái gì không phù hợp thì tự cuộc sống sẽ thay thế và xuất hiện những “truyền thống” mới, còn truyền thống cũ sẽ ở lại sách vở, báo chí, phim ảnh… Phương tiện kỹ thuật tạo điều kiện cho ta “vật thể hóa” di sản văn hóa phi vật thể để bảo tồn truyền thống cho thế hệ sau biết về quá khứ.

Nguyễn Thị Hậu



NHỚ HÀ NỘI YÊU SÀI GÒN

http://www.thesaigontimes.vn/141412/Nho-Ha-Noi-yeu-Sai-Gon.html


Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Ông bạn nhắn, bà rảnh không, cà phê?
Vậy là hai người về hưu gặp nhau ở quán cà phê góc đường Nguyễn Huệ. Một không gian sang trọng kín đáo, ấm cúng và thoải mái như còn giữ lại chút gì đó của một Sài Gòn ngày xưa, thật ra cũng không xưa lắm đâu, là những ngày đầu tiên hai đứa từ Hà Nội vào đây, năm 1975.

Ngồi trong quán giữa trưa tháng Một (tháng mười một âm lịch theo cách gọi bây giờ người trẻ ít biết là tháng Một, rồi đến tháng Chạp, tháng Giêng…), nhìn ra con đường Nguyễn Huệ đã thành “quảng trường” lát đá rộng rãi, hai bên là hàng cây lộc vừng chưa bén rễ sâu còn đang được chằng chéo, nắng vàng rực nhưng không nóng gay gắt bởi có những làn gió mát từ sông Sài Gòn. Không khí Giáng sinh đón năm mới dương lịch đã tràn ngập con đường trung tâm thành phố, ông già Noel áo đỏ trên cỗ xe tuần lộc và cây thông xanh trên nền tuyết trắng trang trí trước cửa hàng, khách sạn… làm cho hai bạn già nao nao nhớ về mùa đông xứ Bắc.

“Nỗi nhớ mùa đông”, một nỗi nhớ rất riêng mà cũng rất chung cho người xa Hà Nội. Nhớ cái lạnh đầu đông, nhớ mùa lá rụng, làn sương lảng bảng hồ Tây hay phủ mờ hồ Gươm êm đềm giữa phố phương náo nhiệt, nhớ cây cầu cũ màu thời gian, những màu hoa suốt bốn mùa, mùi thơm thoang thoảng của cốm mùa thu, chén chè mạn nóng bỏng sớm mùa đông, của nắm xôi xéo gói lá sen già, của hàng phở đầu đường cả phố thơm lây… Ngày xa Hà Nội ở tuổi mới lớn nhưng bạn còn kịp nhớ hơi ấm của đôi tay bện xoắn vào nhau một đêm se lạnh cuối thu… Tất cả hoài niệm bền chặt trong tâm tưởng. Thế mới hiểu vì sao nhiều người Hà Nội đi xa tâm hồn bỗng hóa thành “thi sĩ”, và văn nghệ sĩ thì tỏa sáng hơn qua những tác phẩm viết về Hà Nội từ nơi xa Hà Nội. Đau đáu một niềm nhớ nhung những cảnh những mùa những ký ức xa xưa…

Câu chuyện của hai “bạn già” lan man từ chuyện các cụ (cha mẹ) đi kháng chiến thế nào, rồi con cái lớn lên trong thời chiến ra sao, đến những ngỡ ngàng ngày đầu vào Sài Gòn tới nay sống ở đây đã tròn bốn mươi năm. Ừ, chúng ta đã sống ở Sài Gòn hai phần ba cuộc đời rồi đấy, ông bạn nói mà như chưa tin vào điều đó.

Này, vì sao nhớ Hà Nội vậy mà mình vẫn sống ở thành phố phương Nam này gần hết đời người? Ông bạn trầm ngâm kể lại. Hồi vô Sài Gòn ở trong một chung cư nhỏ có khoảng chục căn nhà, trước là căn hộ cho thuê, sau 75 toàn người Bắc được “cấp nhà” ở đó. Hàng ngày có anh chàng bán và sửa valy, giày dép cũ đến “mở tiệm” nhờ ở ngay cổng nhỏ, sáng chiều lúc dọn hàng anh quét dọn vỉa hè sạch sẽ, hàng tháng anh gửi lại tiền “thuê mặt bằng” bằng cách trả tiền đổ rác cho cả khu nhà dù không ai đòi và số tiền cũng nhỏ thôi, nhưng “sẵn tiện tui trả luôn rồi”. Rồi sau có một nhà neo đơn khó khăn tối tối dọn cái bàn với mấy cái ghế, bán vài chai nước ngọt bao thuốc lá… Cả khu nhà cũng không ai nói ra nói vào gì cả, thỉnh thoảng còn mua giúp điếu thuốc cái kẹo sing gum. “Hình như  Sài Gòn làm cho người ta rộng lòng với nhau hơn”.

Còn tôi, ở Sài Gòn tôi thích nhất là khi đi chợ không lo bị quát nạt mắng mỏ. Hồi mới từ Hà Nội về khi ra chợ nghe được người bán gọi bằng con xưng dì ngọt ngào, không mua gì cũng cám ơn, nhắn nhe lần sau mua giúp nghen con. Lời chào mời nhiệt tình nhưng không khách sáo, coi chuyện mua bán là giúp nhau. Đến bây giờ ở những chợ hẻm lâu đời, ở chợ lớn mà đã quen thì người bán người mua vẫn thân thuộc vậy, đi chợ nghe than hàng họ rau cỏ đắt đỏ nhưng người bán vẫn cho thêm nắm hành ngò hay vài trái ớt, người mua cũng mua giùm mớ rau miếng thịt đắt hơn mấy ngàn.

Từ những điều giản dị như thế trong cuộc sống, mỗi ngày chúng ta yêu Sài Gòn hơn, như thể đây là nơi ta đã sinh ra! Nhiều người đến rồi ở lại thành cư dân thành phố này đều có một tình yêu với Sài Gòn. Yêu Sài Gòn vì không người Sài Gòn nào coi mình là “Sài Gòn gốc”, không làm ai mặc cảm là người nhập cư hay nhà quê, dù nhiều người đến Sài Gòn thì kêu bằng “lên thành phố”. Yêu Sài Gòn vì ai ở đây cũng có một quê hương, dù Bắc hay Trung hay miền Tây thì cũng coi như gần, rảnh rang là lên xe đò phóng xe máy về quê, một hai ngày hay kỳ nghỉ dài ngày lễ tết… Sài Gòn những ngày này vắng vẻ hơn yên tĩnh hơn, nhưng là sự vắng lặng để chờ đợi những người góp phần làm nên sức sống kỳ diệu của thành phố. Bạn cứ về quê, nghỉ ngơi đi, rồi hãy mang theo tình cảm gia đình lên Sài Gòn. Sài Gòn đủ chỗ cho tất cả, cho mỗi người và cả nỗi nhớ quê hương mà họ mang theo.

Yêu Sài Gòn nên không ai muốn tên gọi “Sài Gòn” bị gán cho những tin tức cướp giật, cho tình trạng ngập đường kẹt xe, cho sự vô cảm, lối sống chưa văn minh trên đường phố. Đô thị nào cũng là nơi dung chứa nhiều tình trạng phức tạp, cũng là nơi thử thách trình độ quản trị của nhà quản lý, là nơi dân tứ xứ tập cho mình nếp sống thị thành. Những gì tốt đẹp của Sài Gòn vẫn còn đó nhưng ẩn dưới vô vàn bề bộn của thành phố đang trong cơn chuyển mình “hiện đại hóa”.

Sài Gòn biết nhiều người sống với mình vẫn luôn nhớ nhung  một cõi quê xa. Có sao đâu, vì Sài Gòn hiểu rằng tình cảm mọi người dành cho mình không bằng ngôn từ bóng bẩy mà cụ thể hơn, đó là ở thành phố này mỗi người đều sống hết mình và rồi sẽ trở thành người Sài Gòn.
Có tình yêu nào sâu nặng hơn như thế?

Sài Gòn 18/12/2015




CHỢ TẾT


Tạp bút. Nguyễn Thị Hậu

Nhà tôi ở vùng Phú Nhuận. Gần nhà, giữa xóm lao động và vài chung cư của công chức có một chợ nhỏ hình thành từ lâu rồi, có đến hơn sáu bảy chục năm. Chợ nhỏ nhưng cũng đủ thứ hàng hoá: trong nhà lồng là những sạp vải vóc quần áo giày dép đồ khô nhang đèn… Bên ngoài, trên bốn con đường nhỏ là khu vực bán đồ tươi sống: thịt cá tôm cua ếch, rau xanh, đậu hũ, rồi người ta dựng thêm hàng dù, dưới đó là mấy hàng quần áo con nít, vớ tất đồ lót, hàng “xuất khẩu”, chén bát bằng nhựa, hàng đồ khô hành tỏi nấm… Mặt tiền chợ là mấy quầy mỹ phẩm, vàng bạc, mấy hàng hoa tươi… rồi những hàng khác theo nhau mọc lên bao quanh nhà lồng, có thêm vài cửa tiệm uốn tóc, cắt may sửa quần áo, tiệm bánh ngọt, nơi rửa xe máy, nơi gửi xe… chợ nhỏ thành “chợ lớn” hồi nào không hay, nhất là vào ngày chủ nhật và lễ tết.

Bình thường chợ chỉ bán vào buổi sáng. Từ khoảng 5g là xe ba gác, xe máy chở thịt cá rau xanh đã chạy ào ào vô chợ. Những nhà quanh chợ hoặc mở cửa hàng, cho thuê mặt tiền cũng lục tục dọn hàng. Đến khoảng 10 giờ sáng thì chợ vắng dần, đến trưa thì tan chợ, chỉ còn mấy quầy mỹ phẩm, quầy vàng bạc (kiêm đổi tiền “chui”) và những nhà bán hàng đồ khô thì mở cửa cả ngày.
Một năm chỉ vài ngày giáp tết là chợ tấp nập suốt ngày, chỗ gửi xe máy đông nghẹt, chờ gửi chờ lấy xe lâu gần bằng đi chợ.

Năm nay được nghỉ tết nhiều hơn mọi năm, chợ tết cũng tấp nập sớm hơn. Từ sáng 28 tết những con đường quanh tết đã không còn chỗ chen chân. Hàng trái cây rau xanh hàng đồ gốm bình bông tiền vàng mã… Hoa vàng khắp nơi, ừ, Tết phương Nam mà thiếu cúc vàng mai vàng thì cũng giống như Tết miền Bắc mà thiếu cành đào, đâu còn là tết.

Và bánh tét bánh chưng cũng tràn khắp nơi: bánh tét Trà Vinh, Cần Thơ nếp xanh màu lá dứa có trứng vịt muối bùi bùi cùng miếng mỡ mềm rục, bánh chưng Bắc vuông vắn được ép trong nilon hút chân không, để lâu vẫn mềm, không lại gạo không thiu trong tiết trời nắng phương Nam. Giò chả thịt nguội các loại, dưa cải kim chi dưa kiệu dưa món… từng hũ nhỏ lớn xếp cao hình tháp bên cạnh những hũ tôm khô từng con đều nhau đỏ au, nhìn đã thấy những cuộc nhậu tưng bừng.

Đi chợ Tết những bà nội trợ thường đến ngay những quầy hàng quen, mua hàng ngày tết khỏi trả giá, chỉ có hỏi giá, lựa hàng rồi tính tiền. Có than mắc hơn thì cũng nhận được câu trả lời như nhau “tết mà”! Sáng 29 tết còn được dặn, bữa nay chị mua đi, nếu không đặt cọc cho em, chứ tới mai là lên 1,2 giá nữa đó. Khủng hoảng lạm phát gì không biết, lương chậm thưởng ít đâu không biết, chợ tết vẫn đông nghẹt, vẫn mua bán ào ào… Những gói quà biếu chủ yếu cũng là đồ ăn uống: bánh mứt kẹo rượu cà phê… Đúng là dân Việt mình “ăn tết” thật.

Trưa Ba mươi, chợ vắng dần, chỉ còn mấy anh chị công nhân vệ sinh dọn dẹp hàng đống rác. Chợ sẽ nghỉ ngơi đến sáng mùng Ba sẽ lác đác có người bán hoa, bán thức ăn tươi nấu bữa ăn cúng tiễn ông bà.

Hai mẹ con đi chợ về tay xách nách mang. Bên đường một bà già ngồi bán mấy loại trái cây mỗi thứ vài trái, chắc là hái từ vườn nhà lên chợ bán kiếm tiền ăn tết. Con gái nói: mẹ, hỏi mua giùm bà đi mẹ, chắc không nhiêu tiền. Ừ, mấy trái mận, bốn năm trái xoài, vài trái hồng xiêm… chỉ hai chục ngàn, không biết có đủ tiền xe ôm cho bà về tận Hóc Môn? Thôi, con biếu thêm cho bà vài chục, bà về sớm ăn tết với con cháu.

Gần cổng chợ có đoạn đường xe lửa chạy qua. Trưa 30 tết đoàn tàu vẫn mệt mài chạy, vẫn còn những hành khách cuối cùng về miền Trung hay ra miền Bắc sum họp với gia đình. Sài Gòn có hơn  hai triệu người nhập cư, cũng gần chừng ấy người về quê vào dịp đó, để lại Sài Gòn những ngày vắng vẻ, yên tĩnh hơn, bắt đầu từ khi tàn phiên chợ Tết.



Chuyện tào lao (7)


Chuyện tào lao (7)

Bình chữa lửa
Thùng phuy và bình chữa lửa nói chuyện với nhau.
-        Tại sao cũng để chữa lửa mà anh được dùng trong xe hơi còn tôi chỉ để thực tập ngoài đường?
-        Vì anh dễ kiếm còn tôi thì ai muốn dùng phải mua.
-        Làm thế nào để tôi cũng « có giá » như anh ?
-        À, trước hết anh phải nhỏ như tôi. To quá ai nhìn cũng thấy, khó chui vào nơi sang trọng! Nhưng anh đừng buồn,  chúng ta ở đâu cũng chỉ là « diễn tập » mà thôi!


Điếc
Ông lão nghễnh ngãng nặng nhưng đi đâu cũng nói nhiều nói to như cãi nhau.
Một lần qua nhà hàng xóm, thấy con chó lao ra sủa thì lão mỉa mai “Nhà giàu có khác, chó thức đêm canh trộm hay sao mà ban ngày ngáp lắm thế?!”
Con chó thấy lão nói như quát, bèn lao đến đớp cho một phát.
Từ đấy lão ăn nói từ tốn hẳn.

Nhang đèn

Trên bàn thờ. Đèn chê nhang:
- Cái gì mà lập lòe như ma trơi!
Nhang đáp:
- Tui lập loè nhưng tui tự cháy, lại còn có hương thơm.
- Thơm thì lát cũng hết. Ta đây sáng cả ngày.
Vừa nói xong mất điện, đèn tắt. Bình bông trề môi:
- Sáng nhờ điện mà cũng bày đặt chảnh!

Chết

Nhà thơ trẻ đầy triển vọng bỗng quyết định từ bỏ cõi trần.
Bạn bè không hiểu nổi tại sao anh có thể tìm đến cái chết dễ dàng như thế?
Ngày Thơ, sau những màn tôn vinh Thơ và tôn vinh các nhà thơ, sau chầu nhậu rượu đầy bia tràn mà người say thật kẻ say giả tán dương lẫn nhau, bỗng nhớ đến người bạn "tài hoa bạc mệnh" bèn “cầu cơ” thăm hỏi tỏ lòng thương tiếc.
Câu trả lời: Dưới này cũng như ở trển, chán quá, tao lại tự tử rồi!


Trong lồng

Một chú chim sẻ bay trên xa lộ, chẳng may va vào người đi xe máy đội mũ bảo hiểm. Cú va chạm mạnh đến nỗi chim sẻ ngất đi. Người đi xe máy thương tình nhặt chú mang về nhà, cho vào lồng và để sẵn thức ăn nước uống.
Tỉnh dậy, chim sẻ nhìn quanh rồi kêu lên: “Thôi rồi, mình đâm chết thằng cha đi xe máy rồi. Kiểu này chắc tù chung thân!”
Đến bây giờ chim sẻ vẫn yên chí rằng mình đang ở trong cái nhà tù đầy đủ tiện nghi ấy


NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...