Sự xao lãng làm chúng ta ngày càng ít hiểu biết hơn

Hồ Huy Sơn PV  về “Thời đại của sự xao lãng”:

-Thưa chị. Điều gì khiến chị nhận viết lời mở đầu cho cuốn sách “Thời đại của sự xao lãng”?
Dương Trọng Huế, tác giả cuốn sách này, cũng là một tác giả quen thuộc trên một số tờ báo mà tôi thường cộng tác. Chúng tôi đã có nhiều dịp gặp gỡ trò chuyện nên khi anh ngỏ ý muốn tôi viết vài lời cho cuốn sách đầu tiên của anh tập hợp những bài viết đã đăng tải trên báo chí thì tôi nhận lời. Bởi vỉ đều là những người viết báo nghiệp dư nên anh và tôi có sự đồng cảm về các vấn đề xã hội từ góc tiếp cận của người nghiên cứu khoa học.

-Là một trong những người đầu tiên tiếp cận với cuốn sách này lúc đang ở dạng bản thảo, ấn tượng ban đầu của chị như thế nào?
Phần lớn những bài viết tôi đã đọc trên báo chí, nhưng khi tập hợp lại thành một cuốn sách theo chủ đề thì tôi nhận thấy rõ hơn một điều, đó là khi có kiến thức vững chắc của một nghề nghiệp nào đó và từ lĩnh vực đó nhìn nhận các vấn đề xã hội thì luôn có những phát hiện mới mẻ và cả những kiến giải bất ngờ, có khi là đơn giản mà chúng ta cứ tưởng vô cùng phức tạp.
Một điều khác là bên cạnh một Dương Trọng Huế tỉnh táo trong phân tích thực trạng xã hội còn có một “Huế” khác khá lãng mạn, nhẹ nhàng trong những hồi ức về quê hương. Có thể nhận thấy nhiều người làm công tác nghiên cứu khoa học luôn tìm được sự cân bằng như thế trong cuộc sống.

-Trong mối tương quan giữa con người hiện đại với công nghệ, giữa thế giới thật với thế giới ảo… đã có khá nhiều bài viết đề cập đến trước đây. Chị thấy ở tác giả Dương Trọng Huế điều đáng đọc nhất là gì so với những người trước?  
Như tôi đã viết trong Lời mở đầu, từ vai trò và sự hiểu biết của tác giả là một người giảng dạy và làm về truyền thông, cuốn sách mang lại cho người đọc sự cảm nhận và lý giải thấu đáo những hiện tượng xã hội của thời đại mà truyền thông thống lĩnh và tác động vào con người mọi lúc mọi nơi. Phân tích của tác giả qua từng bài viết một lần nữa cho thấy, cuộc sống trên mạng “ảo” mà rất thật bởi nó làm bộc lộ một phần, thậm chí nhiều phần của con người, từ sâu thẳm tâm tư đến cá tính hay thói quen, từ nghề nghiệp đến “trường quan hệ xã hội”, từ quan điểm về những vấn đề trong cuộc sống đến giây phút xao động thoáng qua nào đó…
Mạng xã hội là cách giao tiếp “phi truyền thống”, cho nên ít nhiều nó vẫn phản ánh thực chất mối quan hệ của những con người. 

-“Thời đại của sự xao lãng” đưa đến một nhận định về “con người trong thời đại truyền thông” mà trong thời đại này, con người rất dễ bị truyền thông làm cho xao lãng. Chị đồng cảm như thế nào về nhận định này? Theo chị, làm thế nào để chúng ta không bị xao lãng trong thời đại truyền thông như hiện nay?
Sự xao lãng ở đây theo tôi hiểu chính là thái độ hời hợt (và tệ hơn là vô trách nhiệm) trong việc tìm hiểu và tiếp nhận tất cả những gì đang diễn ra quanh ta, từ các vấn đề xã hội có vẻ như không liên quan trực tiếp đến bản thân, đến cuộc sống và tâm trạng của người thân ngay bên cạnh. Chúng ta bị cuốn hút bởi lượng thông tin ào ạt như thác đổ nên bị choáng ngợp, “tìm” thì nhiều mà “hiểu” thì ít vì sợ trở nên ”lạc hậu”. Rồi từ đó lại góp thêm vào dòng thác đó bằng cách link về facebook của mình hay bằng  những comments khi chưa tiếp nhận đầy đủ thông tin cũng như không quan tâm đến ảnh hưởng của thông tin… Cứ thế sự “xao lãng” thực chất các hiện tượng xã hội làm chúng ta ngày càng ít hiểu biết hơn – với đúng nghĩa của từ hiểu biết.
Bình tĩnh và tỉnh táo hơn khi tiếp nhận thông tin, có trách nhiệm hơn với cộng đồng khi tham gia vào truyền thông là cách tránh và giảm thiểu sự “xao lãng”. Nhất là đối với những người làm nghề truyền thông bởi vì thông qua phương tiện truyền thông chuyên nghiệp, “sự xao lãng” của xã hội sẽ tăng theo cấp số nhân.

-Những vấn đề đưa ra luôn được phân tích một cách rành mạch, rõ ràng cùng với đó là những dẫn chứng luận chứng đầy thuyết phục khiến những bài viết của Dương Trọng Huế mang dáng dấp của những đề tài khoa học. Chị có thấy như vậy không?
Là một người nghiên cứu khoa học nên nhiều bài viết của Dương Trọng Huế thể hiện văn phong khoa học, tuy nhiên dễ hiểu và có duyên bởi sự hóm hỉnh, nhẹ nhàng. Một số vấn đề mà cuốn sách đặt ra hoàn toàn có thể trở thành ý tưởng của đề tài nghiên cứu khoa học (xã hội học, truyền thông, văn hóa học…) miễn là đừng coi đó là “chuyện nhỏ”, bởi vì nhiều vấn nạn lớn của xã hội thường bắt đầu từ những chuyện nhỏ đã không được nghiên cứu, đánh giá và dự báo, cảnh báo trước.

Sài Gòn 12.9.2016
Su xao lang lam chung ta ngay cang it hieu biet hon hinh anh 2



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...