Vụn vặt đời thường (73)

@ “Hắn vừa vào Face đã chửi. Bao giờ cũng thế, cứ vào Face là hắn chửi. Ban đầu thì hắn chửi thầm vì không đứa nào còm, sau hắn chửi toáng kên đứa nào không like, cuối cùng hắn chửi xơi xơi cả làng facebook vì không ai chửi nhau với hắn. thế có tức ko cơ chứ, có phí công hắn vào facebook ko cơ chứ”
Mình tưởng tượng nếu cụ Nam Cao sống ở thời này, có khi cụ sẽ viết “Chí Phèo hậu hiện đại” bắt đầu bằng một câu như thế.

@ Vài năm gần đây lễ Khai ấn Đền Trần (và một số Lễ hội khác) đã bị biến dạng cả về ý nghĩa và quy mô. Dưới danh nghĩa “bảo tồn văn hóa truyền thống” nhưng ta cũng có thể nhận thấy “thương mại hóa” là mục đích chính của các lễ hội kiểu này. 

 Việc bóp méo, thậm chí bịa ra những sinh hoạt văn hóa truyền thống đã góp phần nuôi dưỡng và phát triển tâm lý không lành mạnh của một bộ phận không nhỏ trong công chức, quan chức trong việc coi chức tước quyền hành là mục đích tối thượng, vì vậy phải “chạy chức chạy quyền”. Tâm lý bất an khi làm một việc không quang minh chính đại khiến người ta càng phải tìm đến Thánh thần làm chổ dựa… Cứ thế cái vòng luẩn quẩn cứ tiếp diễn, ngày càng phức tạp, và gây ra nhiều hệ lụy. 

Nếu cứ bành trướng quy mô lễ hội Phát ấn Đền Trần như thế, e đến một ngày đẹp giời nào đó lễ hội này sẽ được làm hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, rồi có khi trình UNESCO làm Di sản văn hóa thế giới cũng nên! Điều đó thật nguy hiểm vì khi không phân biệt được giá trị thật với "giá trị" rởm của những lễ hội kiểu này, người ta sẽ không thể tôn trọng và trân quý văn hóa truyền thống đích thực. Khi ấy mục đích bảo tốn di sản văn hóa có đạt được hay không?!

Vụn vặt đời thường (72)

Cám cảnh! (mọi so sánh đều khập khiễng)
* Con lợn được người làng "vinh danh" là "Ông Ỉ" rồi chém đứt đôi, dù chẳng có tội gì, lại còn được nhiều người bênh vực rằng ko nên dã man với nó như thế, nhưng nói cho cùng vẫn chỉ là con lợn.
* Ông già, được chính quyền tôn vinh các danh hiệu. Nhầm và lẫn cả cái hôn cả câu đối. Cũng bị "chém" không thương tiếc. Ông ấy đã quá già và dù có sai lầm nhưng là một con người.
Nói chung là văn hóa chặt chém phát triển rất chi là truyền thống làng xã.

·        Tôi chả khen chả chê ai cả, chỉ là nhận xét 2 việc vừa xảy ra. Và nhận thấy hiện tượng này có tính "truyền thống", vậy thôi! phê phán và "chặt chém" khác nhau về cách thức dù có thể cùng mục đích. Tôi nói "có thể" là vì qua cách "chặt chém" người ta dễ dàng nhận ra một mục đích khác. Ví như cùng là dùng lợn để tế thần, nếu đừng mang ra giữa sân đình mà chém đứt đôi con lợn máu me tùm lum, nếu giết bình thường rồi nấu món ăn để cúng thì có lẽ ko ai lên án cái lễ hội này. Ko ai phê phán việc thờ thần mà người ta chỉ lên án hành vi giết lợn như thế.
Túm lại các bác ko phải phân tích cho nhà em thấy rằng ông già kia có sai và cần chỉ ra vạch ra cái sai... Phê ông già là đúng nhất là chuyện "đạo văn" (còn cái hôn, em thật, khối người già vẫn hôn con cháu như thế!) Nhưng việc "vạch ra" theo kiểu đám đông chặt chém thì em lại thấy giống như ... đấu tố thời CCRĐ, thật!
Hay là chúng ta có cả "truyền thống " đấu tố?
·         
 Xin kết thúc stt này ở đây, vì chợt nhớ ra thông tin: trong mấy ngày tết hơn 6000 người nhập viện vì... choảng nhau! Thôi em chạy đây kẻo lại bị "nhập viện" :)



Vụn vặt đời thường (71)

@ Nghỉ Tết dài ngày không nhớ hôm nay thứ mấy ngày mấy dương lịch. Nhưng nhớ rằng mấy đồng lương hưu còm cõi của tháng ba đã cộng vào tài khoản từ trước Tết. tháng Ba ơi đừng đến nữa, vì tài khoản sẽ chỉ có trừ mà thôi, hic!

@ Năm nay làm sao í nhỉ: trồng cây thì cây như cổ thụ, tịch điền thì cày gãy mà “người nông dân” lại gieo trên ruộng cả lúa lẫn ngô!
 — cảm thấy   bối rối.

@ Cứ đến bất cứ lễ hội nào chúng ta thường chứng kiến cảnh xô đẩy chen lấn để cướp giật vật cúng, biểu tượng... để cầu may, coi đó là được lộc, kể cả việc quệt tiền vào máu lợn (hội chém lợn) cũng để cho "may".

Sao các lễ hội "truyền thống" hay có trò "cướp" giật đồ cúng ?! Cướp trong Lễ hội là may/hên nhưng dân ta còn truyền câu "cướp đêm là giặc cướp ngày là quan" nữa.

Lại có câu "được làm vua thua làm giặc". Vua / giặc đều là "cướp" như nhau?!
Liệu có thể coi là "truyền thống văn hóa CƯỚP"?
(Lễ hội làng Gióng, rồi lễ khai ấn đền Trần...là vài ví dụ!)

.@ Đáng buồn là nhiều "nhà nghiên cứu" chỉ khăng khăng bảo vệ những truyền thống đã quá lỗi thời như thế này!
 Những trò "cướp giật" như thế này vô hình chung khuyến khích bạo lực "mạnh được yếu thua" và dung dưỡng tâm lý "cầu may" chứ ko tin vào lao động chân chính. Cầu ông BỤT trong chuyện cổ cũng là một tâm lý "lười biếng".

Việc “công nhận, nâng cấp" lễ hội vừa là "phong trào, thành tích" của chính quyền nhưng cũng thể hiện tâm lý muốn có lễ hội "hoành tráng" của người làng!

Đúng là không thể nhân danh bất cứ gì để lên án lễ hội chém lợn bằng những lời lẽ nặng nề mạt sát. Nhưng cũng cần thấy rằng, mấy chục năm qua lễ hội này đã không diễn ra (và nhiều lễ hội khác). Nay bỗng nhiên phục hồi tất cả (với những ý nghĩa và sự tích chả biết có đúng là "gốc" hay ko), phải chăng là "phú quý sinh... lễ hội"? Ngày trước lễ hội chỉ trong phạm vi của làng hoặc hai, ba làng, nay thì phạm vi mở rộng nhiều lần, chưa kể còn rộng hơn do truyền thông. 
Vì vậy đã phục dựng lễ hội thì cũng phải "dũng cảm" chịu đựng những "phán xét" của xã hội ngày nay, một xã hội khác rất xa với xã hội đã tạo dựng ra lễ hội chém lợn.

@ Nhân chuyện "Đầu năm, hỗn chiến kinh hoàng ở lễ hội đền Gióng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), post lại truyện 100 chữ này:
Ngựa Gióng
Lại nói, dân làng thuê thợ rèn ngựa sắt roi sắt cho Gióng đánh giặc. Lần đầu thất bại, Gióng chỉ vỗ nhẹ ngựa đã vỡ roi đã gãy, là do bớt xén nguyên liệu nhiều quá. Lần sau thành công, Gióng cưỡi ngựa cầm roi đánh tan giặc Ân rồi “bay về giời”. 
Nghe đồn Gióng bỏ làng ra đi vì lúc trước bị chê là “con không cha”, để lại cả ngựa lẫn áo giáp, người làng lập tức đem bán sắt vụn.
Tiếc thế, giá mà còn chắc hẳn sẽ là Bảo vật quốc gia!
---
Nhời bình: Ông Gióng đã bỏ làng ra đi không màng cả danh lẫn lợi, hà cớ gì ngàn năm sau vẫn cứ tổ chức hội hè tranh cướp những thứ phù du?!

LINH TINH LANG TANG (104) - Đường miền Tây


Đường miền Tây – trừ đoạn cao tốc – vẫn chật hẹp như vài chục năm trước. Từ SG về Cao Lãnh (đến ngã ba An Hữu) mới chỉ có 4 câu cầu mới xây thêm thành cầu đôi còn lại hàng chục cây cầu hẹp làm thành nút thắt cổ chai mỗi đầu cầu nên những ngày trước và sau tết thường gây kẹt xe ở đó.

Đường miền Tây vào mùa Tết đẹp nhất là nhà nào cũng có vài cây mai, có khi cả một vườn mai nở vàng rực. Cây mai như người bạn của mỗi gia đình miền Tây, rằm tháng Chạp lặt lá để Tết nở hoa, nhìn mai nở biết người thân sắp về ăn tết. Nhìn mai rụng biết người thân sắp rời nhà đi thành phố… Cây Mai trong sân vườn nhà cũng như nhiều cây khác, và người miền tây cũng ít khi chặt cành mai vô chưng trong nhà mà chỉ để mai nở tự nhiên ngoài vườn. Cũng giống như ở vùng núi phía miền Bắc đào, mận trồng trước nhà, mùa này nở hoa hồng hoa trắng đẹp vô cùng. Nông thôn miền Bắc ít thấy trồng đào như nông thôn Nam bộ trồng mai.

Dọc quốc lộ, tỉnh lộ, cứ khoảng 20m lại có một cột cờ bằng ống nhôm, cờ mới cờ cũ đủ cả. Không biết bao nhiêu tiền cho hàng trăm ngàn cột cờ rải khắp đường kia?! SG cũng bắt đầu có nhiều cột cờ như vậy! Mình thật, cờ tổ quốc không phải bạ đâu bạ ngày nào cũng treo, cái gì thiêng lắm nhìn mãi cũng nhàm!
May mà còn những cây mai vàng vô tư khoe sắc rực rỡ làm người đi đường còn nhận ra đường miền Tây.

Mỗi lần về quê thấy con sông Cao Lãnh ngày càng cạn hẹp dù đã được kè bờ (má kể ngày xưa sông lớn tàu lớn còn đi về tận Nam Vang), thấy khu đất nền nhà ông cố bây giờ thành những dãy nhà đông đúc, nhớ nhà máy xay gạo của ông ngoại với đống trấu đống tro cao hơn cái nhà sàn của ngoại, trên đó có dãy bàn thờ mà ngày tết, bà ngoại và má, các dì các mợ chỉ lo cúng cơm ở đó cũng hết ngày. Nét xưa nay không còn nữa…
Mỗi lần về quê lại nhận ra, dù sống ở đâu thì trong mỗi người vẫn luôn còn đó một quê hương…

22.2.2015
hình ảnh: Người miền tây đổ lên thành phố chiều mùng 4 Tết


 

ĐỪNG ĐÁNH MẤT GIẤC MƠ


Tản văn, Nguyễn Thị Hậu

Điện thoại của tôi luôn cài đặt giờ của một số thành phố trên thế giới. Phần lớn là những nơi tôi đã từng đến nhưng cũng có nơi tôi chưa từng đặt chân, có khi là một thành phố nho nhỏ ít người biết tên.

Khi đến một nơi xa, điều đầu tiên là tôi chỉnh đồng hồ đeo tay, đồng hồ điện thoại để tiện liên lạc. không lỡ việc. Nhưng đồng hồ trên máy tính thì vẫn là giờ Việt Nam, để biết giờ gọi hay nhắn tin về cho người nhà, cho cơ quan. Mỗi lần như vậy, khoảng cách giữa những thành phố - của – tôi như gần lại, chỉ cách nhau… vài giờ trên đồng hồ mà thôi.

Khi cần liên lạc với ai đó ở xa, đầu tiên tôi cũng xem đồng hồ, để xem có tiện hay không. Đôi khi việc gấp cần cứ bấm điện thoại, quên mất bên kia có khi đang là nữa đêm hay chỉ mới bình minh… Nghe tiếng bạn ngái ngủ mới giật mình, đành xin lỗi nhưng… vẫn bàn chuyện tiếp. Vậy mà đã chào nhau rồi vẫn tiếp tục chuyện trên trời dưới đất một hồi nữa mới thôi.

Hồi tôi qua nước Mỹ. Một lần buổi tối ra sân bay LAX bay đi Boston. Làm xong thủ tục liền nhắn bạn “nhớ sáng mai đón tui nha”. Một hồi mới thấy tin “biết bây giờ bên này là mấy giờ không, làm mất ngủ rồi nè, hic”, sau đó là icon mặt nhăn nhó rồi lại cười nhăn nhở. Ừ nhỉ, nước Mỹ rộng lớn thế, các tiểu bang cách nhau vài múi giờ là bình thường, từ Tây sang Đông có khi là đã bay qua một ngày khác. Đi nhiều nơi thấy mình như có thêm được thời gian – thứ mà chúng ta luôn thấy thiếu mà chưa bao giờ thấy đủ.

Nhưng cũng vì “được thêm” thời gian mà lần ấy khi đi về nhớ sai giờ bay, đáng lẽ là 2 giờ sáng chủ nhật mà cứ nghĩ là 2 giờ “đêm chủ nhật”. Vậy là cả ngày chủ nhật tôi cùng bạn rong chơi khắp San Fransisco; chiều tối bạn còn nấu phở cho ăn, xong mới ung dung ra sân bay. Ở quầy làm thủ tục nhân viên  để giấy tờ của tôi sang một bên, làm vé cho mấy người khác. Sốt ruột quá tôi hỏi thì anh ta từ tốn trả lời “thưa bà, chuyến bay của bà bây giờ đã đến TP. Hồ Chí Minh rồi”.

Tất nhiên sau đó phải quay về nhà bạn. Cả đêm lo không ngủ được vì đã lên mạng xem hết vẫn chưa tìm được vé về ngày gần nhất, vé của tôi thì sớm nhất phải một tuần sau mới có chỗ. Trời sáng hẳn, rụt rè gọi điện thoại cho bạn ở DC, xin lỗi vì gọi sớm quá thì bạn cười vang, bên tui giờ này gần trưa rồi nàng ạ. Rồi bạn tìm được vé cho tôi về ngay hôm sau. Lần này thì không dám chủ quan nữa mà ra sân bay từ sớm. Lên máy bay rồi mới chợt nhớ chưa gọi điện cho bạn yên tâm.

Nửa vòng trái đất cách nhau là bao xa? Không xa đâu, chỉ là hai mặt đồng hồ bên sáng bên tối mà thôi. Paris, Berlin hay Varsaw, Budapest hay Tokyo, Seoul… cách Sài Gòn bao xa, không xa đâu, vượt qua những giờ bay là ký ức về những thành phố xinh đẹp yên bình, về những người bạn chân tình. Ký ức giúp chúng ta gần nhau hơn, không chỉ về khoảng cách mà còn xóa nhòa những ranh giới vô hình giữa “bên này, bên kia” trong quá khứ. Thi thoảng nhìn đồng hồ và tự hỏi “bạn đang làm gì” rồi để trí tưởng tượng lang thang đến nơi tuyết rơi dày lạnh buốt trong khi nơi này trời nóng nực nắng chang chang , khi thì ở nơi mùa xuân đã nhú lên mơn mởn  trong những cánh hoa đào hoa mận còn nơi kia vẫn là những ngày thu lá vàng rực rỡ…

Duy chỉ có một dịp bao giờ tôi cũng dùng “giờ Việt Nam” để nhắn tin cho bạn, đấy là vào đêm Giao thừa. Dù bạn đang ở múi giờ nào thì tôi biết, bạn cũng đang nhớ về quê nhà trong khoảnh khắc ấy. Tôi không gọi điện, vì có khi bạn đang làm việc, tôi không email, vì có thể bạn không nhận ngay được. Tôi nhắn tin, vì biết bạn sẽ đọc ngay và biết đâu bạn sẽ nhắn trả lời, chúng ta lại gần nhau trong giờ phút đất trời chuyển giao cũ mới. Tôi muốn ở đâu bạn cũng có một cái tết như đang ở quê nhà, dù ngày đó bạn vẫn phải miệt mài làm việc.

Tôi vẫn cài những giờ khác nhau trong điện thoại của tôi, kể cả khi không còn mối liên hệ nào với ai ở nơi đó nữa. Có sao đâu, thời gian bao giờ cũng là của mình, dù hiện tại hay quá khứ. Cũng như những trang sổ ghi địa chỉ, email lưu lại những bức thư… tất cả tạo thành ký ức của riêng mình. Chúng ta sở hữu những ký ức khác nhau dù chúng ta hiện diện ở cùng hay khác múi giờ. Bạn có thể cùng mơ ước một điều gì đó với nhiều người khác, nhưng một giấc mơ, ngay cả về điều đó, thì nó chỉ là của riêng bạn mà thôi. Ký ức và những giấc mơ là tài sản quý giá của ta không ai có thể lấy đi được.

Sự khác nhau vốn là thuộc tính của thế giới. Những múi giờ là do con người quy ước để định vị những nơi chốn khác nhau. Kể cả khi chúng ta có ký ức riêng thì những giấc mơ – trí tưởng tượng được cất giữ đâu đó - sẽ bay qua mọi múi giờ mang chúng ta đến bên nhau.
 Miễn là đừng đánh mất giấc mơ.

Sài Gòn 1/2/2015




Cúng ông bà trưa 30 TẾT.



MÂM CƠM CÚNG ĐƠN GIẢN CÓ MẤY MÓN ÔNG NỘI HAI CON THÍCH ĂN




NỒI THỊT KHO TRỨNG CON GÁI RẤT THÍCH



CHIÊN SẴN CHẢ GIÒ RỒI ĐỂ TỦ LẠNH, KHI NÀO ĂN CHIÊN LẠI CHO GIÒN :)



RAU CỦ NẤM XÀO LÒNG GÀ



HẦM SẴN NỒI XƯƠNG ĐUÔI HEO, MAI SẼ HẦM VỚI MĂNG KHÔ.



TÔM KHÔ, CỦ KIỆU, DƯA MÓN, DƯA HÀNH VÀ 1 HŨ DƯA CẢI CHUA NỮA, ĐỦ NHẬU, HÉN :)

Linh tinh lang tang (103)- Những người đàn ông địu con


Tôi thường gặp trên đường phố những người đàn ông địu đứa con trước ngực. Họ đi với vợ hoặc đi một mình.

Những đứa trẻ, có lẽ khoảng chưa đầy năm, thức hoặc ngủ, nhưng đều ngoan ngoãn nép vào khuôn ngực vạm vỡ và ấm áp của bố. Ở đó có tiếng trái tim đập khỏe mạnh nhưng dịu dàng, ở đó thi thoảng vang lên giọng nói trầm trầm và âu yếm, ở đó là mùi nước hoa đàn ông quen thuộc, là cảm giác ram ráp của chiếc áo sơ mi, áo thun đàn ông khác cảm giác mềm mịn của những chiếc áo phụ nữ.
Những người đàn ông ung dung địu con đi trên đường phố, trong siêu thị, ở quán ăn… Khi cần họ vẫn có thể tháo địu thay bỉm cho con, hoặc lấy bình sữa, núm vú cho con ngậm. Đôi bàn tay to lớn vụng về nhưng thành thạo làm mọi việc.

Có lần, trong một nhà thờ, tôi nhìn thấy một người đàn ông trẻ. Hai cánh tay vạm vỡ đầy những hình xăm kỳ dị, đầu cạo trọc và râu quai nón rậm đen. Anh ngồi dự buổi lễ sáng với đứa con nhỏ ngủ yên trong cái địu trước ngực anh, bên cạnh là một cái túi vải đựng đồ dùng con nít, miệng túi ló ra chai sữa. Khi tan lễ anh đi bộ một đoạn đường, vai đeo túi tay cầm chiếc mũ vải to rộng che cho đứa con nhỏ xíu vẫn đang ngủ say.

Lần khác trong siêu thị. Người đàn ông đang dỗ một bé gái hờn khóc… cô bé luôn miệng đòi một cái gì đó, ông bố kiên nhẫn giải thích. Đến khi cô bé gào lên thì ông lẳng lặng xốc cô lên lưng bước đi, cậu em chợt thức giấc mở tròn đôi mắt ló ra từ cái địu trước ngực ông.

Những người đàn ông này bình thản chăm con như thể đó là thiên chức của họ, chia sẻ với vợ như việc tất nhiên phải làm, âu yếm con như thấu hiểu con trẻ không chỉ cần sự dịu dàng từ người mẹ. Những người đàn ông như thế chắc sẽ là chỗ dựa vững chắc cho con, và cho vợ của mình.


Tôi thường gặp những người đàn ông địu con bước đi trên đường phố, nhưng là ở nước ngoài. Có khi không đâu xa, chỉ ngay Singapore hay là Bangkok.

MÙA BÁO TẾT


Khoảng rằm tháng chạp các sạp báo rực rỡ hẳn lên bởi muôn sắc màu bìa báo Tết, mặc dù bình thường thì bìa của các tạp chí báo tuần bán nguyệt san nguyệt san cũng đã trăm hoa đua nở.
Sạp báo lớn nhỏ, cố định hay di động, lề đường hay trong nhà… cũng đều bán ít nhất vài tờ báo Tết, như là một phần không thể thiếu được của sạp báo. Nếu như trước đó sạp báo bán bloc lịch và những cuốn sách tử vi báo hiệu năm mới dương lịch đang đến thì báo Tết ra sạp kéo cái Tết đến gần hơn với mọi nhà

Trước đây, năm mới âm lịch cầm tinh con gì thì bìa báo tết thường có hình ảnh con vật đó: tranh Đông Hồ đàn chuột bầy gà cho năm Tý năm Dậu, tượng chú chó đá canh làng canh cổng cho năm Tuất, hoa văn điêu khắc rồng Lý Trần cho năm Thìn… Mỗi bìa một nét vẽ bay bổng tài hoa của những họa sĩ nổi tiếng. Tết dân tộc mà, bìa báo là những bức tranh cũng đậm màu truyền thống. Nhìn bìa báo thấy ấm áp như nhìn thấy quê nhà, vùng nông thôn chỉ cách đô thị vài giờ xe máy. Nói không ngoa chứ bìa báo hồi ấy dù chỉ vẽ một lần theo “chủ đề đặt hàng” thì thật sự vẫn là những tác phẩm nghệ thuật làm người ta nhớ rất lâu, Tết qua rồi nhiều nhà còn nâng niu tờ báo tết nhiều khi chỉ vì cái bìa đẹp quá!

Bây giờ bìa báo phần nhiều toàn hình ảnh của nhiếp ảnh gia, trong hình là người mẫu ảnh nổi tiếng, hoa hậu á hậu, nghệ sĩ, người của công chúng, những nam thanh nữ tú trong vai gia đình hạnh phúc hay lớp trẻ vươn lên… Nhưng tất cả đều khuôn vào một khổ: tươi cười rạng rỡ trên nền hoa đào hoa mai, nền đỏ rực rỡ hay những công trình cao vút hiện đại. Tết mà, Xuân mà, sao không rạng rỡ! Chỉ khác là ngày thường hình bìa tạp chí báo “lá cải” thì toàn “chân dài váy ngắn” còn báo tết thì chân dài áo cũng dài, vậy thôi.

Chiều đi làm về ghé sạp báo quen, chị chủ nói “báo tết có rồi nè, vô lựa vài tờ mở hàng đi em”. Năm nào tôi cũng mua nhiều báo Tết, phần để xem, phần mang biếu má tôi, bà nghỉ hưu lâu rồi nên tiền nong eo hẹp, mấy chục ngàn một tờ báo làm bà phải phân vân lắm. Chị chủ sạp nhanh tay lấy mấy tờ đưa tôi xem, tôi cười hỏi “sao không đưa cho em mấy tờ kia?” Chị chủ bảo, chị bán quen rồi, biết ai thì mua loại báo nào. Như em, em chỉ mua những tờ nhiều tin đứng đắn (trời, có tin “đứng đắn”  nữa hả?), còn người bán hàng buôn bán chợ búa thì mua toàn báo cướp giết hiếp đọc cho vui, loại báo nào cũng có người đọc của nó đấy em ạ. Như cậu xe ôm đằng kia, ngày nào cũng đến đây đọc ké một tờ, hỏi sao không coi báo khác, nó nói coi báo này để… học kinh nghiệm kiện cáo trong gia đình, hóa ra anh em nhà nó đang tranh chấp mảnh đất ông bà già để lại ở dưới quê!

Báo và báo tết dạo này bán được không? Chị chủ sạp được dịp kể lể. Nhiều người nghĩ bán báo nhàn nhã không cần vốn mà có lời. Đâu có, bán sách còn được chiết khấu cao chứ bán báo thì lấy nhiêu tờ thì ráng bán hết, dư cũng đâu trả lại được? Mà báo tới tay mình cũng còn qua người giao báo từ 2,3 giờ khuya, họ cũng còn phải kiếm ăn nữa chứ… Tết năm nay trễ nên báo tết cũng ra lai rai, người ta nay ghé mua một tờ mai mua tờ nữa, họ không ngán tiền.

Sao bìa báo cứ phải là người đẹp nhỉ? Có thế người ta mới mua. Đàn ông mua nhiều hả chị? Ừ, đàn bà lo chuyện chợ búa cơm nước nên tiết kiệm hơn mấy ông. Hình phong cảnh thì sao chị? Mấy hình đó trên lịch còn đẹp hơn! Rồi xong, chẳng cần lý giải lằng nhằng về “bất bình đẳng giới” hay định kiến xã hội hay gì nhé. “Nghiên cứu” có khi lại làm rối mù những thực tế đơn giản thế thôi.
  Có cô kia ghé mua vài tờ “cướp giết hiếp”, trả tiền rồi còn quay lại lựa thêm cuốn sách tử vi. “cuốn vàng 10 nghìn cuốn đỏ 20 nghìn”, “sao cuốn đỏ đắt hơn?”, “vì nó nhiều thứ hơn tất cả tiền tình vận mạng của mình. Muốn biết gì có nấy!” – chị chủ nói chắc như bắp. “mười lăm nghìn nhé, em lấy?”. Cô kia đi khuất chị chủ chép miệng, đấy em xem, vận mạng cả năm chỉ tốn có 15 nghìn thì biết, đúng sai chả biết đâu nhưng nhiều người cũng tin lắm đấy.

Lại có ông ghé mua cuốn lịch bàn. “Sao đắt thế, qua hết tháng Một rồi còn gì?”, “vâng, nhưng cũng còn 11 tháng nữa, lại có bao nhiêu ngày nghỉ ngày lễ hội, bác mua trễ chứ có phải lịch in trễ đâu nào”. Ông kia vừa lật cuốn lịch vừa lầm bầm “gớm, chưa tết mà nghe chỉ còn 11 tháng lại thấy tết nữa rồi!”. Chợt nhớ ngày xưa có người tặng cho cuốn lịch sổ tay, trang đầu có dòng chữ “cả một năm trong tay, chọn một ngày đi chứ?”,  câu thơ này của ai nhỉ?

Lựa có vài tờ báo tết mà hết mấy trăm ngàn, có một sự xót ruột không hề nhẹ. Mà mấy tờ báo cũng nặng trĩu tay. Thấy mừng, ừ báo Tết còn in được dày dặn, lại có nhiều trang quảng cáo, bạn bè làm báo viết báo tết sẽ vui, “thu hoạch lúa vụ xuân” năm nay chắc năng xuất cao. Nghe nói tương lai báo in trên toàn thế giới chẳng sáng sủa gì, nhưng thôi lo xa làm chi khi chỉ với vài tờ báo tết là mang bao nhiêu chuyện vui tin lành về nhà trong những ngày năm hết tết đến.

Đôi khi mua một tờ báo Tết cũng như mua… một cuốn sách tử vi để xem “vận mệnh” quốc gia năm tới thế nào qua tiên đoán của chuyên gia các ngành các lĩnh vực. Cũng có khi như mua một cuốn lịch để được biết nhiều điều thú vị về năm mới. Như năm nay chẳng hạn, thế nào mà chẳng có những bài về con DÊ.
Nhưng mà hơi tiếc, giá mà bìa báo tết có nhiều hình DÊ hơn thì chắc mấy ông sẽ mua báo nhiều hơn. À mà chưa chắc, mấy ổng thì còn mua dê thêm làm gì nữa.

Hà Nội 29.1.2015

tặng các bạn tôi làm NGHỀ BÁO ;)


 Báo Tuổi trẻ cuối tuần, số tất niên ra ngày 6/2/2015

LÀNG HOA SA ĐÉC LÀNG QUÝT LAI VUNG (ĐỒNG THÁP)



























Làng hoa Sa Đéc, làng quýt Lai Vung (Đồng Tháp) nổi tiếng. Vào dịp Tết nơi đây cung cấp hoa, quýt hồng (còn gọi là quýt Tiều) cho Sài Gòn và nhiều nơi khác. Từ nhiều năm nay đã trở thành một địa điểm du lịch nhất là những ngày từ rằm tháng Chạp đến khoảng 23 Tết. Sau ngày Ông Táo những vườn hoa và quýt thưa vắng dần vì hàng đã đổ lên thành phố.
Vùng này là quê ngoại của má tui đấy, vậy mà 40 năm nay, từ 1975 đến bây giờ tui mới về đây vào những ngày rực rỡ hoa trái như thế này. Những tết trước tui chỉ về Cao Lãnh, nơi có mộ ông bà ngoại và còn các cậu các dì sinh sống ở đó.

Vụn vặt đời thường (70)

@ Đến bưu điện gửi chuyển nhanh giấy tờ ra Hà Nội, nghe nhân viên luôn miệng nói với khách hàng: hôm nay không nhận chuyển nhanh đi các tỉnh, trừ thành phố Hà Nội và Đà Nẵng. Nếu muốn gửi nhanh thì cam đoan không khiếu nại về thời gian trễ, không nhận gửi đến cơ quan...
Mình hỏi: gửi nhanh đi HN thì mấy ngày hả chị? - Không biết chị ạ, cố gắng trước Tết thôi, vì lượng giao dịch tăng nhiều quá.
Như vậy thì 1,2 ngày nữa chưa chắc giấy tờ đến nơi dù tiền cước vẫn là chuyển nhanh.
Thông cảm thôi, khách đông thật, và gửi đủ thứ tiền, quà, thư, báo... 
Hôm nay là 23 Tết mà :)

@ Con ruồi là giống hiểm nguy
Hai chân có rất là vi trùng nhiều
Em ơi nhớ lấy bấy nhiêu
Thấy ruồi trong nước ngọt chớ liều mà báo công an!
Từ lâu mình đã không sử dụng các loại nước giải quyết cái sự "nóng trong người" này! Bởi vì chỉ cần thấy THP xử lý các vụ "ruồi" cũng đủ nóng gấp vạn lần!

@Ngày xưa dân mình chuyện gì cũng mong ông Bụt hiện ra ban cho ngay và luôn, rồi chuyện cây khế thì "may túi 3 gang mang đi mà đựng", chuyện Thạch Sanh thì nồi cơm không bao giờ vơi... Chả thế mà giờ thì thích đánh đề đánh bạc được thua "tiền tươi thóc thật", thích có tiền đền bù "ngay và luôn" hơn kiện tụng ra tòa :D

@ Tết nhất, nhớ những lần liên hoan tất niên ở các cơ quan, sợ thức ăn nhiều dầu mỡ là 1, sợ cụng ly uống lẫn lộn nhiều loại bia rượu nước ngọt là 2, và sợ nhất là nghe các bác hưu trí phát biểu cảm tưởng nhớ nhung cám ơn và cả chỉ đạo nữa... một cách không thể dừng nhời lại được :)
Bởi vậy, nghỉ rồi nên mình cũng "nghỉ" luôn mấy vụ này, cũng là tránh cho mọi người phải nghe nếu lỡ như mình cũng... không dừng lại được :)



KHÔNG GIAN NÀO ĐỂ THỞ


Nguyễn Thị Hậu

1.Nhà tôi ở trong một hẻm nhỏ. Phía ngoài là một con đường lớn nối trung tâm với ngoại ô lúc nào cũng ồn ào xe cộ, ngay cả nửa đêm thì vẫn có những chuyến xe chở rau trái tươi non từ các trang trại vùng ven đi vào các chợ trong thành phố. Vậy nhưng hẻm nhỏ luôn giữ được sự yên tĩnh hiếm có, là nhờ hẻm cụt, chỉ có người ở trong hẻm ngày đi làm hai lần ra vào mà thôi.

Khoảng chục năm trước trong hẻm chỉ có mấy villa ẩn khuất sau những tàng cây xanh rậm rạp. Có xoài có mít, có chuối có vú sữa… mỗi nhà vài cây nhưng lúc nào cũng mát rượi, bước chân vô hẻm như bước vào một không gian nào khác không phải là một thành phố ồn ào bụi bặm ngoài kia. Vài năm gần đây mới có thêm nhiều ngôi nhà xây kiểu nhà phố, con cái lớn lên dựng vợ gả chồng, xây nhà trong đất vườn nhà cha mẹ, nhiều nhà bán “đất nền” cho người nơi khác đến mua… dân cư trong hẻm đông dần. Hẻm đất được đổ bê tông rộng rãi hẳn, chiều chiều trẻ em đá bóng, cầu lông, thậm chí buổi tối mấy bà mấy chị còn đi vòng vòng tập thể dục nữa. Nhà nhiều hơn mái ngói mái bằng nhà lầu nhà trệt, đất “vườn” ít hơn nhưng màu xanh cây lá lại nhiều lên. Nhà nào cũng trồng vài cây bông giấy, dàn dây leo, mấy giỏ lan. Ai cũng giữ gìn không gian yên tĩnh sạch sẽ, nhờ vậy dù người đông hơn nhiều nhưng hẻm vẫn yên bình, người ra vào gật đầu chào nhau thân thiết...

Mỗi buổi sáng nhìn qua nhà bên thấy trên cây vú sữa có vài chú sóc đuôi xù chạy thoăn thoắt theo mớ dây điện chăng ngang qua cây dừa phía bên kia vườn. Hương ngọc lan tràn vào từ khung cửa sổ, mấy chú chim sẻ tròn quay nhảy lích chích dưới sân… Thiên nhiên sinh động hẳn lên với sự hiện diện của những sinh vật bé nhỏ và mùi hương trong lành. Không gian sống của con người nếu thiếu vắng thiên nhiên thì có còn đáng sống?

2.Thế nhưng chỉ cần bước ra khỏi hẻm thôi là đã thấy vắng hẳn bóng dáng thiên nhiên. Đường lớn mà luôn chật chội bởi xe cộ lúc nào cũng như nước tràn bờ, nhà cửa chen chúc bảng hiệu, hàng hóa bán buôn. Lề đường mới được mở rộng nhưng hàng cây cổ thụ đã bị chặt hết để… trồng lại những cây chỉ cao hơn đầu người còn chằng chống xung quanh. Giữa cái nắng cái gió cái bụi và có lẽ cả cái ồn ào, thấy thương những cây non phải trân mình chịu đựng.
Nhà cao tầng san sát biến đường thành “hẻm”, trước sau chỉ thấy tường kính bê tông, muốn nhìn xa hơn chỉ còn cách ngước lên mảnh trời xanh cao tít trên kia. Vậy nhưng  cả tháng nay tầm nhìn lên trời cũng bị che nốt bởi hàng trăm dây trang trí chăng ngang đường, đèn nhấp nháy với những bông hoa mai bằng  nhựa to như cái mâm, nặng nề đè bẹp cả dòng người xe phía dưới.
Thành phố đến dịp lễ lạc là như vậy. Đường Đồng Khởi hoa chăng kín không để ai nhìn thấy Nhà Thờ Đức Bà, Đường Lê Lợi hoa giăng chắn hết Nhà Hát Lớn, đường Nguyễn Huệ hoa treo khỏi thấy tòa nhà UBND. Năm ngoái năm kia là hoa đào rồi hoa sen đỏ rực nhưng chỉ ở khu vực trung tâm. Năm nay thì hoa mai kéo dài đến tận gần sân bay Tân Sơn Nhất. Không sao, như có người nói, “các tỉnh rất khen”, vậy là OK rồi!

3.Một lần từ sân bay Nội Bài về Hà Nội. Bác tài taxi đi đường Lý Thái Tổ đến đầu đường Ngô Quyền bỗng... quay xe, miệng lẩm bẩm 
- Sao mình lại đi nhầm đường nhỉ?. 
Tôi hỏi - sao anh không đi thẳng Ngô Quyền đến Tràng Tiền luôn?
Bác trả lời - Vâng, tôi cũng định đi đường Ngô Quyền mà lại nhầm.
- Nhầm đâu, đường Ngô Quyền đấy thôi!
- Sao trông khác thế, nhận không ra?! 
Hóa ra vì những chùm đèn xanh xanh đỏ đỏ treo kín phía trên con đường, kín hai hàng cây. Không còn nhìn thấy Tòa nhà Bắc bộ phủ đẹp thế, những khách sạn sang trọng hai bên đường chìm hẳn dưới ánh đèn màu nhấp nháy!
Đường Tràng Tiền, Tràng Thi cũng vậy. Tiếc nhất là Nhà hát Lớn hoàn toàn bị những hoa hòe chắn ngang tầm mắt, mà đó là "điểm nhấn" đẹp nhất của cả khu vực này.
Giá mà thay thế những dây hoa lòe loẹt giống hệt nhau khắp các con đường bằng việc chiếu sáng nghệ thuật từng công trình kiến trúc tiêu biểu thì Hà Nội thì sẽ đẹp và sang trọng biết bao nhiêu!
Nhưng không, trang trí bao năm nay vẫn là kiểu "đẹp tập thể", nhất định không cho "cá nhân" nào đẹp một mình.

4.Hóa ra bây giờ ở đô thị, muốn “nhìn xa” hơn, thật hơn có khi lại phải chui vào trong hẻm. Vì hẻm là “của chúng mình” còn ngoài đường là “của chúng ta”. Của chung tức là… không của ai. Không gian công cộng dường như biến thành “của riêng” cho những “vẫy vùng” lỏe loẹt và lãng phí. Khi những cây xanh bị đốn chặt không thương tiếc, khi mỗi năm “đến hẹn lại… chăng” những đèn những hoa những băng rôn cờ quạt… thì chúng ta phải nhìn “cái đẹp” giả tạo và già nua trên đường phố. Nhưng hàng cây cổ thụ qua hàng trăm năm vẫn thế, luôn mang lại sự tươi trẻ mỗi khi chúng ta nhìn thấy nó, được đi dưới bóng râm và làn gió mát của nó. Sức sống của đô thị là thiên nhiên mà con người lưu tâm gìn giữ.
Không gian đô thị đã như cái hộp bốn bên kín mít, còn chút bên trên để thở xin đừng bịt nốt!

Sài Gòn tháng 1.2014


Chuyện trên đường (16) – GA HÀNG KHÔNG QUỐC TẾ VINH


Bị delay gần một tiếng từ Vinh về SG, ngồi ở quầy ăn uống trong phòng chờ nghe nhiều chuyện hay đáo để.
Quầy hàng có 3 cô bé xinh xắn, nói giọng Vinh nhưng nhẹ nhõm, dễ nghe. Đồ ăn thức uống cũng giản đơn, có lẽ sân bay tỉnh lẻ ít khách, mà có khách chắc cũng ít dám ăn uống ở sân bay vì sợ đắt. (Lúc lên máy bay có mấy người giở cơm mang theo ăn, làm anh chàng tiếp viên phải nhắc mấy lần: Bác ơi bác ăn nhanh rồi gói lại giùm, mùi thức ăn bay khắp máy bay rồi ạ!).

Chỉ có tủ nước ngọt, mấy tô mi ăn liền , vài cái bánh mì ngọt loại cho con nít, những gói kẹo “cu đơ” đặc sản, vài ký cam Vinh chin đỏ… Tôi vào phòng chờ sớm, không định ăn uống gì, nhưng thấy báo delay nên tính kêu tô mì ăn. Vừa lúc đó một nhóm khách com lê cà vạt kéo vào ào ào như sôi. Họ kéo ghế kéo bàn ầm ĩ rồi gọi các cô phục vụ rối rít: Ở đây có gì ăn không thế? Mỗi mì tôm thôi à? Có thịt bò thịt nợn gì không? Không à, chán thế, sân bay quốc tế mà thế à? Bao nhiêu một bát? Những 30 nghìn á, đắt thế? Thôi cho 6 bát đi, à không bảy, à tám bát. Thằng kia mày có ăn không tao gọi luôn…
Mấy cô bé luôn miệng vâng dạ ngọt ngào, chân đi như chạy luôn tay bê nước uống, bê mì, gạt tàn thuốc…

-       - Này một bát không cho gói mỡ vào nhé! Không hiểu à, cho gói gia vị còn không cho gói mỡ, giời lạnh ăn kinh bỏ mẹ…
-        - Đã bảo rồi sao vẫn mỡ váng thế này? Ông ăn hộ tôi được không?
-        - Dạ, em xin lỗi, em mang cho anh bát khác đây ạ.
-        - Bát kia không được tính tiền đấy nhé!
-        - Dạ… (cô bé tần ngần)
-        - Thôi giả cho nó, bao nhiêu mà…
-        - Các anh uống gì để em làm ạ?
-         - Đen đá, có đá không? Vừa hết à, quán xá gì chán thế?
--        - Dạ trời lạnh ít người uống đá nên tụi em không để lại...
-        - Thế cho 2 lâu lóng nhé, thật lóng, lấu nước sôi vào đấy
-        - Vâng ạ. Còn anh uống gì ạ?
-        - Anh ăn đã, tí nữa anh gọi.
-        - Dạ, em sợ khách đông làm cho anh không kịp…
-        - Đã bảo tí nữa, anh uống gì thì còn tùy xem tình cảm của em với anh thế nào, hí hí…
-        - Sao quầy ăn lại ngay cửa phòng vệ sinh thế này?
-        - Dạ ở đây quầy nào cũng vậy ạ. Phòng vệ sinh chúng em luôn dọn rất sạch sẽ anh à.
-        - Vô duyên,  chắc thức ăn thế nào nên để cạnh phòng vệ sinh cho tiện hả?
-        - Hí hí. He he, ha ha…

Muốn ăn cũng chẳng ăn nổi. Tôi kêu ly nước cam vắt, mở máy tính cắm mặt vô xem bài xem vở, mạng ở sân bay Vinh chập chờn chứ không thì hôm qua đã cho mấy anh khách này lên FB.
Sợ nhất là đàn ông ở nơi công cộng mà thản nhiên cợt nhả, chê bai, mắng mỏ người khác. Có thể họ tưởng thế là thân mật như “trong gia đình”, thậm chí tưởng vậy là đùa rất VÔ tư và DUYÊN dáng!
Chỉ tội mấy cháu phục vụ. Nhưng cũng may, ga tỉnh lẻ nên các cháu còn ngoan. Cảng hàng không Vinh đã thành ga quốc tế, không khéo mai mốt các cháu sẽ thành “đại bàng” như các chị gái ở ga Nội Bài.


Vinh, 6/2/2015

Vụn vặt đời thường (69)

Trò chuyện với một nhà báo nổi tiếng mà mình đã thích đọc chị từ lâu. Lần đầu gặp nhau nhưng “Hai người đàn bà” đã tâm đắc với nhau nhiều điều.
@ Một bài viết, một ý kiến tinh tế, chính xác rất khác một bài viết, ý kiến nhỏ mọn, tủn mủn. Người viết có thể nhầm về điều này nhưng người đọc thì ít khi nhầm  (một con người cũng vậy) J
@ Người viết với tâm lành dù viết về chuyện gì cũng luôn mang lại cảm giác tích cực, nhân ái, bao dung. Và ngược lại.
@ Người tự tin thì không ảo tưởng về sự tung hô ở ngoài đời cũng như trên mạng.
@ Có những người nếu gặp ngoài đời mình dễ bị cảm giác đánh lừa, là bởi họ diễn rất giỏi. Nhưng trên mạng mới thật sự là chính họ, hoặc mới bộc lộ phần “chủ yếu” của họ. Trường hợp này người trên mạng “thật” hơn ở ngoài đời. Mệt nhỉ, khi mà có người mình luôn muốn hỏi “bạn ơi, diễn mãi thế có mệt lắm không?” :)
@ Con cái không phải là vật trang sức của cha mẹ mà con cái như quả cầu pha lê phản chiếu tất cả những gì từ cha mẹ.

@ Phụ nữ hay than thở về người bạn đời, có khi nào nghĩ, người ấy cũng khổ vì mình không nhỉ...

---
@ Ngày xưa dân mình chuyện gì cũng mong ông Bụt hiện ra ban cho ngay và luôn, rồi chuyện cây khế thì "may túi 3 gang mang đi mà đựng", chuyện Thạch Sanh thì nồi cơm không bao giờ vơi... Chả thế mà giờ thì thích đánh đề đánh bạc được thua "tiền tươi thóc thật", thích có tiền đền bù "ngay và luôn" hơn kiện tụng ra tòa :)

@ Đi nhiều tỉnh mới thấy càng ngày các tỉnh càng giống Hà Nội và TPHCM, nhất là những con đường hoa đèn màu mè nhấp nháy. 
Nếu trước đây đô thị ở mỗi vùng có sắc thái riêng dễ nhận thấy thì giờ đây Các thành phố ở nước ta như cũng "mặc đồng phục". Không khác nhau được vì không thể hay không dám?
Người ta bảo có chữ "đồng" thì làm được mọi việc: đồng bào, đồng lòng... Có phải vì vậy mà tiền VN được gọi là "ĐỒNG" hay không nhỉ :D



@ Chế độ "báo cáo" của FB thành công ở VN hơn nhiều nơi khác, có lẽ vì ta đã quen "báo cáo" các kiểu!
@ Hôm nay đã tránh không nhìn không nghe linh tinh bên ngoài, vậy mà ở FB lại gặp những "nhắc nhở" kiểu này kiểu khác. Khi những người lẽ ra phải quan tâm thì người ta lại dửng dưng, và ngược lại. Đời vui thế chứ 


Gà trong thành phố




Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu 

Ở thành phố mãi rồi nhìn thấy gà chỉ nghĩ đến thịt gà là thực phẩm, làm các món luộc kho hay chiên hầm, chỉ cố gắng biết phân biệt gà ta “thả vườn” hay gà tam hoàng hay gà công nghiệp. Chẳng mấy khi nhớ đến tiếng gà trống gáy ban mai, quên hẳn tiếng gà mái cục tác dẫn bầy con tìm mồi... 

Cho đến một lần tới thăm người bạn nhà trong chợ Bàu Sen. Hẻm nhỏ tráng xi măng sạch sẽ, buổi trưa vắng người qua lại. Bỗng đâu có tiếng gà gáy, rồi râm ran thêm nhiều tiếng ò ó o nữa. Bước ra cửa, ồ, nãy chạy xe vào không để ý, trước cửa nhiều ngôi nhà đặt những chiếc lồng gà trong có một hay hai chú gà trống, choai choai cũng có mà ra dáng bệ vệ cũng có. Và lúc này đây các chú đang thi nhau đập cánh phạch phạch và vươn cổ gáy một cách sảng khoái. Trong lồng mà vẫn nhớ cữ gáy khi đứng nắng trưa, thương ghê vậy đó. Nghe tiếng gà mà tưởng như đang ở xóm Bàu Sen thủa xưa khi còn nhà lá hẻm đất lầy lội... 

Lần khác ngồi cà phê quán nhỏ trên đường Hoàng Sa ven kênh Nhiêu Lộc. Buổi chiều mát mẻ, đường đông xe tấp nập, nước lên đẩy bông lục đơn lẻ bình trôi mải miết. Từ trong hẻm nhỏ mấy người đàn ông xách lồng gà ra bãi cỏ ven kênh, mở lồng thả ra vài chú gà trống. Mấy chú gà được thả ra khoan khoái đập cánh gáy lên vài tiếng lạc lõng giữa dòng người xe qua lại không dứt. Rồi hoàng hôn đến, mấy chú gà lại bị lùa vào lồng và theo chủ đi về “nhà”, đấy là các căn hộ trên chung cư cao tít bên kia dòng kênh. 

Lần khác nữa chạy xe trên đường, phía trước là chiếc xe máy chở một chiếc lồng sắt đầy gà. Bỗng đâu trong hẻm một chiếc xe máy khác lao ra. Chiếc xe chở lồng gà vội tránh nhưng vì chở nặng lên loạng choạng và té xuống đường, nắp bung ra, gà xổng khỏi lồng. Nhiều người vội chạy đến đỡ người lái xe, cũng may bắt được hết mấy con gà. Chỉ lạ là mấy con gà to cồ này chẳng cục tác ò o gì, chỉ ke ke khe khẽ, cũng chẳng đập cánh bay lung tung mà chỉ nhảy nhảy trên đường. Nhìn kỹ hóa ra lũ gà công nghiệp.

Ừ, gà nuôi kiểu công nghiệp làm mất đi nhiều bản năng của loài gà, chúng chỉ còn biết ăn quanh máng, chỉ biết đi lại trong chuồng chật chội, chỉ biết đẻ trứng mà không còn biết thế nào là ấp trứng... Gà mẹ không còn biết đến lũ gà con thì chắc chúng không biết xù lông bảo vệ lũ con khi có diều quạ? Những chú gà trống cũng chẳng biết ngẩng đầu hùng dũng gáy mà chỉ còn kêu khẹc khẹc rụt rè. Mà này, lũ gà mái đã được nuôi riêng để đẻ trứng thì liệu bọn gà trống có còn giữ được bản năng duy trì nòi giống?

Mà không thấy người thành phố nuôi gà mái nhỉ? Gà mái đẻ trứng ấp trứng để có đàn gà con vàng hoe xinh xắn. Ừ, làm sao mà nuôi được, đến chó mèo nuôi trong nhà lỡ chúng đẻ con còn không biết phải làm sao, kêu cho không ai xin có khi đành lén mang ra chợ hay góc đường bỏ đấy, chạy xe đi rồi còn dợm quay lại mang về. Thành ra chó mèo ở thành phố cũng như heo ở nhà quê đều bị giải phẫu triệt sản, con nào con nấy trông như “phi giới tính” hết.

Cứ lẩn thẩn nghĩ thế... lại thương những con gà nuôi chuồng. Rồi thương cả những người ở thành phố. Thèm nghe một tiếng gà nên phải nuôi gà trong lồng chật, trưa chiều cho chúng gặp nhau để chúng chào hỏi nhau mà cất lên tiếng gáy. Chỉ thế thôi cũng đủ để người thành phố như được trở về nhà quê yêu dấu.
Có bao giờ ta nhận ra, thành phố ngày càng chật chội đông đúc như một cái chuồng vĩ đại, người thành phố cũng chen chúc và cam chịu, y như những chú gà trong dây chuyền công nghiệp... những dáng vẻ giống nhau, những tiếng nói những hành xử giống nhau...? 

Nhưng mà, không hẳn thế. Con người trong cái chật chội bức bối nơi thị thành vẫn tự cần mẫn kiếm ăn như bầy gà, cũng có khi phải giành dựt nhưng cũng thường nhường nhịn, chia sẻ cho nhau những cơ hội kiếm sống. Đôi khi xảy ra va chạm, một lời nói không vừa tai cũng đủ làm cho họ cáu bẳn thậm chí to tiếng, có khi cũng như gà cùng chuồng đá nhau. Nhưng trên đường vẫn luôn có những tiếng nhắc nhau cái chân chống xe chưa gạt, cái vạt áo dài coi chừng cuốn vào bánh xe, rồi người vụt qua người không đợi lời cám ơn. 

Giữa bộn bề cuộc sống, thi thoảng nhìn mấy con gà trong chuồng hay thả chúng ra trong chốc lát cũng như một liệu pháp mang lại cảm giác rằng, dù sao con người cũng vẫn tự do và có quyền ban tự do cho những con vật khác, dù tự do sống, tự do ăn tự do đi lại vốn là bản năng của loài vật. Dù không gian sống chỉ là “cái chuồng thành phố” hay nhỏ bé như “cái lồng căn hộ” thì con người vẫn luôn hướng đến không -gian – ngoài - lồng, và xa hơn, một không gian không - có - lồng.

Thành phố thì tràn ngập tiếng ồn ào, làng quê bây giờ cũng chẳng nơi nào yên tĩnh cả. Vậy nhưng mảnh vườn quê  rộng rãi mát rượi, hơi đất ẩm mát bàn chân, bụi chuối gió đung đưa tàu lá, đàn gà tung tăng tự do bay nhảy đi lại kêu gáy bới đất đánh nhau, duy trì nòi giống và khoan khoái cất tiếng gáy “chỉ có thế mà thôi” ... vẫn luôn trở về trong giấc mơ của những người thành phố.

Sài Gòn 21/11/2014








NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...