KÝ ỨC THỊ DÂN LÀ TÀI SẢN VĂN HÓA

Hôm qua 6.11, PV Thanh Niên đã trao đổi với TS Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VN, về những vấn đề liên quan đến bảo tồn cảnh quan, kiến trúc đô thị TP.HCM.


@ TS. Nguyễn Thị Hậu cho biết: “Dưới góc độ bảo tồn (tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng, Q.1, TP.HCM hơn 120 năm tuổi - PV) theo tôi tốt nhất là nên bảo tồn nguyên trạng không gian, đường nét kiến trúc. Nếu bảo tồn rồi mà không phù hợp với công năng cũ đã được sử dụng trước đó, thì chúng ta có thể chuyển đổi công năng mới.
Cái này thế giới người ta cũng đã làm rất nhiều rồi. Có nơi người ta biến ga xe lửa thành một bảo tàng hiện đại cơ mà. Chúng ta có thể biến tòa nhà 59 - 61 Lý Tự Trọng trở thành nơi tiếp khách quốc tế, hoặc một khách sạn sang trọng ngay trên vị trí đất vàng. Theo kinh nghiệm của tôi, nếu di dời đi nơi khác, không sớm thì muộn công trình cổ sẽ bị biến mất cả về giá trị văn hóa, lịch sử lẫn trên thực tế”.
@ Vùng lõi kiến trúc cổ xung quanh trụ sở HĐND, UBND TP.HCM hiện hữu đang có xu thế bị dồn nén, hao mòn dần bởi nhiều công trình cao tầng mọc lên. Bà đánh giá thế nào về thực trạng này?
- Dưới góc độ văn hóa và bảo tồn, tôi có cảm giác và nhận thấy hình như chúng ta chỉ bảo tồn theo từng điểm, tức là bảo tồn cụ thể một công trình nào đó mà không đặt nó trong một cảnh quan kiến trúc chung. Cảnh quan ở đây là cảnh quan đô thị, trong đó có cảnh quan tự nhiên. Đặc biệt như vùng lõi kiến trúc của TP.HCM thì phải đặt trong cảnh quan chung những kiến trúc cùng thời, chứ không thể tách nó ra. Để những công trình mới có thể trở thành di sản sau này thì kiến trúc phải hòa nhập với kiến trúc cổ đã được xây dựng.
@ Như vậy, theo bà thì những công trình mới sau này chưa “ăn nhập” cho lắm với kiến trúc đặc trưng của đô thị Sài Gòn - Gia Định xưa?
- Đúng! Điều này thấy ngay ở khu vực đường Đồng Khởi (Q.1). Từ đầu đường có nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP nhưng kiến trúc đặc trưng của hai công trình này bị che chắn bởi toàn bộ những bức tường kính phía trước, phía sau... Thực tế điều đó ảnh hưởng đến kiến trúc cổ, và thật sự vẻ đẹp của những công trình mới cũng không được tôn lên.
Bây giờ nếu như cái gì chúng ta cũng đưa vào khu trung tâm để phát triển, làm thay đổi bộ mặt khu trung tâm thì đó cũng chính là một cách, mà nói hơi nặng một chút, là chúng ta cố tình xóa bỏ đi một phần lịch sử kiến trúc, nét văn hóa của đô thị Sài Gòn - Gia Định xưa.
Đô thị TP.HCM phát triển từ sau năm 1975 đến bây giờ là 40 năm nhưng không thể tách rời khỏi khoảng thời gian 100 năm người Pháp xây dựng, và kể cả 20 năm người Mỹ và chính quyền cũ xây. Vì nói cho cùng thì chính quyền nào cũng chăm lo xây dựng đô thị, cho nên mình không tôn trọng những cái lịch sử đã làm được và để lại dưới góc độ vẻ đẹp đô thị, nền nếp đô thị thì rõ ràng chúng ta không có cái gốc về không gian đô thị để phát triển trong giai đoạn mới.
@ Phải chăng TP.HCM cần có sự quan tâm đặc biệt hơn trong công tác bảo tồn không gian kiến trúc cổ?
- Chúng ta vẫn luôn nhắc đến vấn đề bảo vệ giá trị truyền thống nhưng sức ép kinh tế của một TP là đầu tàu của cả nước quá lớn. Sức ép này dường như luôn thúc ép TP phải phát triển kinh tế. Truyền thống kinh tế của VN là bám vào đất đai, nhiều nơi biến đất đai thành khu công nghiệp, chuyển đổi công năng của đất (từ nông nghiệp sang đô thị...) và TP.HCM cũng tương tự như vậy. TP cũng có chuyển đổi công năng đất vàng dưới góc độ văn hóa thành đất vàng dưới góc độ kinh tế. Đấy là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thời gian vừa qua có nhiều công trình kiến trúc cổ biến mất.
Để có thể khai thác được giá trị kiến trúc, văn hóa của đất vàng, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, theo tôi vấn đề đầu tiên phải đặt ra là quan điểm của các nhà lãnh đạo. Cái thứ hai là cộng đồng, trong đó có các nhà quản lý, xây dựng, các công ty và người dân nói chung. Một khi chưa có sự đồng thuận về quan điểm xem cảnh quan kiến trúc cổ là tài sản chung của cộng đồng thì chúng ta rất khó bảo tồn được.
@ Như vậy phải xem ký ức của thị dân, đặc biệt đối với đô thị TP.HCM, như một tài sản trong đời sống văn hóa ngày nay?
- Ký ức thị dân là một tài sản văn hóa rất lớn. Nếu như thị dân không yêu TP nơi mình sống thì không có cách gì gìn giữ được yếu tố bản sắc. Chúng ta vẫn chưa chú trọng đến việc làm sao để cho thị dân yêu mến hơn nơi mình sống. Dường như chúng ta chỉ khuyến khích mọi người đến đây để kiếm sống, nhưng chưa khuyến khích hay chưa tạo điều kiện cụ thể để mọi người cùng nhận thấy TP.HCM là nơi đáng sống về tình cảm, tình nghĩa và đáng sống cả về không gian cảnh quan kiến trúc.
Một khía cạnh nữa, chúng ta chưa chú ý lắm đến yếu tố chủ nhân của các đô thị, đó là thị dân. Chúng ta chưa làm được việc là giúp cho thị dân ý thức được rằng họ đang sống trong một đô thị như thế nào và cần có ứng xử gì cho phù hợp. Đô thị thật ra không phải là nơi sống bình thường mà đó là nơi có truyền thống văn hóa, có hướng phát triển...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...