THỜI CỦA “HIỆP SĨ”


Nguyễn Thị Hậu
Nói đến “hiệp sĩ” chắc ai cũng nhớ tới thời đại trung cổ của những chàng hiệp sĩ “về cơ bản không có địa vị xã hội cụ thể và không có tính chất thừa kế”. Cho đến gần đây ở nước Anh, “hiệp sĩ” mới trở thành một tước hiệu cho một số người nổi tiếng vì những đóng góp của họ cho xã hội.
Ở thời trung cổ tinh thần hiệp sĩ rất thịnh hành, theo nghĩa đó là những người cưỡi ngựa giỏi, “thấy chuyện bất bằng chẳng tha”, trọng danh dự… Tác phẩm Don Quixote của Miguel de Cervantes đã dựng lại chân dung một “chàng quý tộc xứ Mancha” hào hiệp, mộng tưởng và phiêu lưu trong lý tưởng không hợp thời. Có thể coi tác phẩm này đặt dấu chấm hết cho “thời đại hiệp sĩ”.
Vậy nhưng gần đây ở nước ta “thời đại hiệp sĩ’ lại sống dậy. Bắt đầu từ những hiệp sĩ bắt cướp trên đường phố Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… rồi gần đây là những hiệp sĩ “giải cứu” dưa hấu, hành tím cho nông dân. Tất cả việc làm của những con người này đều xuất phát từ lòng tốt, giúp đỡ người khác một cách vô tư, nghĩa hiệp. Không thể không tôn trọng và kính phục họ, vì họ bỏ công sức tiền bạc, vì biết bao khó khăn, thậm chí cả sự an nguy của tính mạng mà họ đã phải vượt qua khi thực hiện trách nhiệm “hiệp sĩ”.
Nhưng cũng không thể không tự hỏi, vậy những nơi có trách nhiệm sẽ “nhận trách nhiệm” như thế nào về việc đã không hoàn thành chức năng nhiệm vụ của mình là bảo vệ an ninh cho xã hội, là hướng dẫn sản xuất và tổ chức tiêu thụ sản phẩm của nông dân?
Câu trả lời luôn bị bỏ ngỏ, ngay cả với những người có trách nhiệm phải trả lời!
Tinh thần “hiệp sĩ” sống lại trong thời đại ngày nay với mỗi cá nhân là một điều thiện, nhưng với xã hội là một sự cảnh báo: Bộ máy công quyền được nuôi từ tiền thuế mỗi cân hành cân dưa người nông dân bán ra, từ tiền thuế của mỗi dân đang đóng góp công sức cho xã hội… nhưng bộ máy ấy đã không làm (tròn) công việc mà họ đã ăn lương để làm. Công việc đó lại được “trút” lên những con người bình thường, những con người đang làm những công việc khác trong guồng máy xã hội.
Thử hình dung, trong một nhà máy với dây chuyền sản xuất liên hoàn, mỗi công nhân có vị trí của mình trong dây chuyền ấy. Nếu mỗi công nhân không làm việc của mình mà nhảy sang chỗ khác, thì sản phẩm sẽ ra sao? nhà máy sẽ hỗn loạn thế nào? Thử hình dung trong một công sở, bệnh viện, trường học… cũng vậy. Một nhà máy, công sở mà “người nào” không vào “việc nấy” tất nhiên hiệu quả công việc sẽ thấp kém, thậm chí có thể gây hậu quả nghiêm trọng.
Vậy nhưng vì sao vẫn cứ xuất hiện những “hiệp sĩ” trong bất cứ lĩnh vực nào của xã hội hiện nay? Có thể nói ngay đó là do sự vô trách nhiệm của cơ quan công quyền. Vô trách nhiệm vì chuyên môn kém, vì lười biếng, vì sợ trách nhiệm, và bởi vì không bị mất chức khi vô trách nhiệm! Cho nên họ mới để người dân tự giải quyết việc của mình và việc của người khác!
Tinh thần hiệp sĩ là đáng quý trọng, nó biểu hiện tình người trong xã hội nhiều vô cảm hiện nay. Nhưng không thể bám víu vào đó để từ chối, buông bỏ trách nhiệm của nhà nước. Nếu sau khi những hiệp sĩ đã “giải cứu” được dưa hấu, hành tím, hay bắt được tên cướp cạn giao nộp cho công an… mà xã hội vẫn chỉ luôn trông chờ vào sự xuất hiện những hiệp sĩ khác cho những việc khác, không sớm thì muộn, người dân sẽ tự xử tất cả mọi chuyện.
Có lẽ nào chúng ta mong muốn một “thời đại hiệp sĩ” như thế sống lại?!
Sài Gòn, 26/5/2015
(NCTG) “Tinh thần hiệp sĩ là đáng quý trọng, nó biểu hiện tình người trong xã hội nhiều vô cảm hiện nay. Nhưng không thể bám víu vào đó để từ chối, buông bỏ trách nhiệm...
NHIPCAUTHEGIOI.HU|BỞI NHỊP CẦU THẾ GIỚI ONLINE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...