Cũng như nếu thật lòng mong đợi những điều tốt đẹp cho thành phố ta yêu, không thể không nhận thấy sự đổi thay, mà đôi khi vì gần gũi nên ta không nhận ra. Bốn mươi năm qua, mỗi ngày đi về dọc ngang qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, vì quá quen thuộc nên tôi không để ý sự thay đổi từ từ của nó. Tôi cứ mải ước mơ về những thành phố có sông có cầu đẹp đẽ nơi trời tây. Đến một ngày nhìn lại con đường quen thuộc bỗng giật mình.
Từ dòng kênh sau gần trăm năm là kênh nước đen và những xóm nhà lá san sát trên mặt nước đầy rác hôi thối nay đã thành dòng sông nhỏ bờ kè có khoảng xanh bãi cỏ hàng cây, ghế đá, dụng cụ thể thao, hàng rào cao để an toàn và ngăn việc đổ rác bừa bãi. Vỉa hè rộng rãi đủ làm đường đi bộ tập thể dục mỗi sáng mỗi chiều. Những chiếc cầu mới xây mới sửa nối liền hai con đường Hoàng Sa, Trường Sa tả hữu uốn lượn theo bờ kênh. Nhà mặt tiền khang trang hơn, quán xá cũng nhiều hơn… Kênh đã thông, thủy triều lên xuống mỗi ngày sẽ cuốn đi những ô nhiễm rác rưởi, giữ được “con kênh xanh xanh” nếu như từng người đừng theo thói quen xả rác xuống kênh. 
Nhớ về quá khứ thành phố bên cạnh hình ảnh của “hòn ngọc Viễn Đông” còn là hình ảnh những khu nhà lá kênh đen chằng chịt khắp vùng Sài Gòn , Chợ Lớn, cũng đừng quên vùng ngoại ô “đám lá tối trời” đêm đêm nhìn về quầng sáng xa xôi nơi trung tâm thành phố. Khi “công bằng” với quá khứ thì sẽ công bằng nhìn nhận hiện tại bởi vì “hoài cổ” thì khác với “nệ cổ”, phải không bạn?
Chắc chắn còn nhiều điều ta bức xúc, chưa thể hài lòng nhất là về đời sống tinh thần, nhưng cũng cần nhìn thấy những điều mới mẻ. Sự thay đổi không chỉ là dòng kênh tòa nhà hay cây cầu xa lộ, những khu đô thị mới ở ngoại thành… mà giá trị của nó là sự kết tinh công sức của rất nhiều những con người thầm lặng lao động, làm những công việc khác nhau dù cuộc sống còn nhiều vất vả. Chúng ta quý trọng những đổi thay dù nhỏ là vì điều đó. 
Nếu tính đời người bắt đầu từ khi đủ tuổi dựng vợ gả chồng để sinh thành một thế hệ mới, thì bốn mươi năm qua đã hai thế hệ hậu chiến ra đời và trưởng thành. Nhìn con cái lớn lên và cũng phải giải quyết những vấn đề của thế hệ chúng, có lẽ cũng “gay go, ác liệt” không kém gì cuộc chiến của thế hệ chúng ta. Bạn biết không, tôi bỗng nhận ra rằng, nếu chỉ mãi luyến tiếc về một thời quá khứ thì khác nào chúng ta tự giam mình trong “bảo tàng viện” không thấy ngoài “cổ vật” là những ký ức “vàng son” “hào hùng” cũng cần quý trọng những gì hiện hữu mỗi ngày, đó là cuộc sống của các con ta, và vì chính chúng ta đang sống.
Sài Gòn 18.4.2015