THÁNG MƯỜI HAI YÊU DẤU


Tháng cuối của năm, tháng của mùa đông thật sự bắt đầu.
Bao nhiêu năm đã qua trong cuộc đời tôi nhớ được mấy tháng Mười Hai?

Tháng Mười Hai đầu tiên tôi có mặt trên đời vào một đêm gió mùa đông bắc tràn về Hà Nội. Tất nhiên những gì tôi biết về “cái đêm hôm ấy…” là do má tôi kể lại, đến bây giờ dù đã ngoài chín mươi nhưng bà vẫn nhớ hai chi tiết: bà đi bộ từ nhà đến bệnh viện và suýt đẻ rơi tôi ở một gốc cây, và khi mới sinh ra tôi “đen thui một cục, xấu đau xấu đớn” J

Tháng Mười Hai năm tôi bốn tuổi, anh Hai ở trường học sinh miền Nam về chơi, đón cô em út từ nhà trẻ về anh nói với má: má ơi, sao em Hậu thở khò khè quá, mà hơi thở có mùi hôi… Má tôi liền cấp tốc đưa tôi vô bệnh viện. Lúc đó cuối giờ chiều chẳng còn ai khám bệnh, mà tôi thì bắt đầu sốt cao, co giật. Má hốt hoảng sai anh Hai chạy đến nhà bác Ba tôi cầu cứu. May quá bác Ba tôi vừa đi công tác về, ông lật đật chạy tới. Bệnh viện thấy có bác tôi đến liền vội vã khám cho tôi. Chỉ chậm chút thôi thì “xong đời” vì tôi đã nhiễm bệnh bạch hầu!

Tháng Mười Hai khi tôi sáu tuổi, từ nửa đêm má đưa tôi lên trường mầm non để đi sơ tán. Lần đầu tiên đi xa một mình mà tôi không được khóc vì bị cô mắng “lớn thế, không được khóc để các em bắt chước”. Thế là  hai má con tôi bặm môi mà nước mắt tràn mi… Có lẽ từ đó tôi không bao giờ biết khóc thành tiếng nữa…

Tháng Mười Hai tôi ở tuổi lên chín, một ngày ba tôi bất ngờ lên thăm tôi ở nơi sơ tán. Ông đi chiến trường đã lâu, đến mức khi gặp lại tôi gần như không nhận ra ông gầy gò trong bộ quân phục bạc màu và mái tóc đã bạc trắng. Đến khi ba tôi nghẹn ngào gọi: con Hậu, tôi mới chạy lại ôm chầm lấy ba, làm cái kiếng của ông rơi gãy gọng. Thế là cả ngày hôm đó hai cha con loay hoay tìm cách cột lại để ông có thể đeo lên, đến tối thấy đường đạp xe quay về Hà Nội.

Tháng Mười Hai năm tôi học lớp bốn, lần đầu tiên tôi có quà sinh nhật, đó là một tấm thiệp rất đẹp chị Ba tôi từ nước ngoài gửi về. Từ đó năm nào tôi cũng nhận được thiệp chúc mừng của chị, mà để kịp ngày sinh của tôi, chị đã phải gửi trước hàng tháng trời. Bạn biết không, “Thiệp sinh nhật” là món quà xa xỉ trong thời chiến tranh ở miền Bắc.

Tháng Mười Hai đầu tiên tôi ở Sài Gòn, má nấu một bữa cơm rất ngon với canh chua, cá kho, khổ qua xào trứng, vậy mà cả nhà vui như ăn tiệc. Bởi vì sau bao nhiêu năm chia cách, dịp sinh nhật tôi năm ấy mới có mặt đông đủ cả nhà.
Tháng Mười Hai của tuổi Mười Tám. Lá thư đầu tiên của người bạn trai… Mối tình đầu rồi cũng kết thúc vì sự chia xa không thể vượt qua…

Từ đó nhiều năm trôi qua… tháng Mười Hai quần quật chạy hàng bỏ mối nơi các chợ để kiếm sống, tháng Mười Hai cháy nắng ngoài công trường khai quật. Tháng Mười Hai được bạn rủ đi chơi xa, một nhóm các nàng “vui vẻ trẻ trung” cười khóc với nhau vì những chuyện “đàn bà” của mỗi người mà cũng là của mọi người. Cũng có tháng Mười Hai chạnh lòng khi người bạn thân lâu nay buông lời mỉa mai về “ngày sinh nhật”. Chợt nhận ra một góc khuất của bạn… ừ thôi, ai mà không có những góc khuất, chỉ là họ cố dấu nhưng vô tình ta thấy được mà thôi.

Tháng Mười Hai tiếp tháng Mười Hai… những vui buồn, những bận rộn lo toan, những công việc, những kiếm sống luôn cuốn tôi đi, nhưng khi tháng Mười Hai đến tôi luôn bắt gặp mình nhìn lại quãng đường đã qua, mỗi năm một dài thêm. Quãng đường ấy có đoạn bằng phẳng đoạn quanh co, có đoạn tôi hăng hái bước nhanh, cũng có đoạn tôi mỏi mệt tưởng như không thể bước thêm được nữa… May mắn bên tôi luôn có gia đình, chồng con, bạn bè thân thiết, và cả công việc mà tôi yêu thích. Đoạn đường khó khăn của cuộc đời mình không ai thay tôi vượt qua nhưng chỉ cần một lời chia sẻ, một ánh mắt cảm thông, một bàn tay ấm áp… Vậy là đủ để tôi tiếp tục dù nhiều lúc chỉ có một mình.

Cứ vậy nhé cho đến hết đời, hy vọng thế, Tháng Mười Hai ấm áp, tháng Mười Hai yêu dấu của tôi!





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...