Chuyện chị Phụng – chuyện của chúng ta (vài phim mới xem)





Nguyễn Thị Hậu
Lâu nay tôi không mấy cảm tình với phim tài liệu, bởi sự khô khan và tính “phong trào” của nó. Trước đây tại các rạp phim tài liệu thường chiếu “kèm” trước phim chính, đây là lúc người đi trễ ra vào ồn ào nên không ai thực sự quan tâm đến những gì chiếu trên màn hình. Bây giờ người ta chiếu quảng cáo vào thời gian này, và cũng vậy, ít người để ý. Ngoài ra phim tài liệu hầu như chỉ chiếu trên TV, vào những dịp lễ lạc thì chiếu những phim cũ, chiến thắng thành công đột phá một thời…  Phim mới thì vẫn “X, Y, Z… một chặng đường”, ca ngợi rập khuôn một kiểu.
Ngày càng hiếm phim về thân phận con người hoặc đi thẳng vào những vấn đề lớn của xã hội mà có thể làm lay động, thức tỉnh người xem, như hai bộ phim trước kia của đạo diễn Trần Văn Thủy.

“Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” , bộ phim tài liệu đầu tay của Nguyễn Thị Thắm đã làm tôi thay đổi quan niệm về phim tài liệu, và làm tôi phải giật mình vì nhận ra, dù đã có hiểu biết nhất định về những người thuộc “giới tính thứ ba” nhưng vẫn còn đó trong vô thức sự định kiến về họ. Trong phim này, họ là  những - người - phụ - nữ.

Nếu từ những thước phim đầu người xem còn có gì đó phân vân gường gượng khi nghe các nhân vật trong phim gọi nhau là cô là chị là em bằng cái giọng đặc trưng của họ, thì càng về sau những cô những chị ấy đã “thuyết phục” được người xem tin rằng họ là phụ nữ, không phải ở hình hài bên ngoài hay bằng điệu bộ “khác thường” mà chính ở sự chân thật. Họ thật sự nghĩ và tin mình và những người bạn cùng trong “gánh hát rong” là phụ nữ. Họ nhạy cảm với thái độ kỳ thị, đa cảm trong các mối tình thường không “có hậu”, họ sống tình cảm với bạn bè và dũng cảm chấp nhận số phận và hoàn cảnh, không che dấu thân phận của mình.

Cách đây không lâu tôi dự một cuộc hội thảo về chủ đề người đồng tính, song tính và chuyển đổi giới tính. Cuộc hội thảo đã có nhiều bạn trẻ thuộc “thiểu số” này đến dự, họ công khai và đàng hoàng khi nói về giới tính (và xu hướng tình dục) của mình. Họ chỉ có một câu hỏi, cũng là một đòi hỏi: Vì sao sự khác biệt của chúng tôi lại là một “tội lỗi”, vì sao chúng tôi không được nhìn nhận như chính chúng tôi? Trong cuộc hội thảo này còn có nhiều bậc cha mẹ có con em thuộc cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển đổi giới tính (LGBT), họ đã chia sẻ câu chuyện đẫm nước mắt về những xung đột gay gắt kéo dài trong gia đình họ, thậm chí có cả cái chết… để cho đến hôm nay, họ đã thừa nhận và chấp nhận rằng, con em họ có quyền được sống, được yêu, được hạnh phúc như số phận đã định, dù giới tính không như số đông trong xã hội.

Bộ phim “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” đã chạm được vào tận cùng sự thật của một phần cộng đồng LGBT trong một đoàn hát rong kiêm hội chợ lô tô, một loại đoàn hát khá phổ biến ở những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh. Bộ phim là câu chuyện giản dị về những người bình thường, hay “bất thường” trong mắt nhiều người. Cách cư xử, lời nói, suy nghĩ dù hài hước hay tỏ vẻ “anh chị”, thản nhiên hay đau đớn xót xa, những sinh hoạt đời thường của họ… dần dần, như cơn mưa rào trong phim, làm phai nhạt những định kiến, làm đầy lên sự cảm thông với những con người dám sống như chính mình. Đoạn cuối phim, đám cháy trong đêm, cơn mưa gạch đá, tiếng gào khóc, vách tường cháy đen nổi bật trong nhập nhoạng bình minh, bàn chân chị Phụng ngập ngừng trên thềm nhà ngổn ngang… Người xem nghẹn thở, cảm giác bất lực trước sự độc ác vì định kiến ngu dốt, vì tâm lý hành xử của đám đông bần cùng hiểu biết.

Cái nhìn vô định, tiếng hát khe khẽ bình thản, chịu đựng, như một thói quen của chị Phụng “còn gì nữa đâu mà khóc với sầu, còn gì nữa đâu mà buồn với nhớ, thôi hết rồi thôi hết rồi…”  làm khán giả nghẹn ngào. Chị Phụng chị Hằng chết vì bệnh tật, đoàn hát tan rã…Những giọt nước mắt đã rơi vì đồng cảm, thương xót và thấu hiểu dành cho những người bất hạnh nhưng vẫn cố gắng đùm bọc nhau và kiếm sống một cách lương thiện.

Còn gì nữa đâu… vẫn còn đó trong tôi, và nhiều người xem, tôi tin thế, suy nghĩ nhân văn hơn về những con người không giống số đông. Chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng và đối xử tử tế với những gì khác biệt nếu như nó không làm phương hại đến xã hội, câu chuyện của chị Phụng kết thúc rất buồn nhưng với chúng ta, nó chưa kết thúc…


Sài Gòn 9/12/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...